Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4682/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 27 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015:

Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Kinh doanh bất động sản ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở;

Căn cứ Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội;

Căn cứ Nghị quyết số 81/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số: 785/TTr-SXD 21/12/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, như sau:

I. THỰC TRẠNG VỀ NHÀ Ở TÍNH ĐẾN NĂM 2015

- Theo số liệu báo cáo từ các huyện, thành phố tính đến 31/12/2015, tổng số nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai là 161.712 căn, trong đó: khu vực đô thị có 39.282 căn nhà, chiếm tỷ lệ 22,9%; khu vực nông thôn có 122.430 căn nhà chiếm tỷ lệ 77,1%.

- Tổng diện tích nhà ở của toàn tỉnh là 13.572.315 m2 sàn; diện tích sàn bình quân một căn đạt 83,93 m2; trong đó: tại khu vực đô thị, diện tích sàn mỗi căn đạt 96,9 m2; khu vực nông thôn, diện tích sàn mỗi căn đạt 79,77 m2;

- Diện tích bình quân đầu người trên toàn tỉnh là 20,2 m2/người, khu vực đô thị là 24,7 m2/người, khu vực nông thôn là 18,9 m2.

- Chất lượng nhà ở: Nhà ở kiên cố có 67.899 căn (chiếm tỷ lệ 42,0%), nhà ở bán kiên cố có 68.563 căn (chiếm tỷ lệ 42,4%), nhà ở thiếu kiên cố có 18.392 căn (chiếm tỷ lệ 11,4%) và nhà ở đơn sơ có 6.858 căn (chiếm tỷ lệ 4,2%)

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN NHÀ Ở

1. Giai đoạn 2016 - 2020:

1.1 Về diện tích nhà ở:

a) Diện tích nhà ở bình quân: 25m2/người (trong đó: đô thị 29,1m2/người; nông thôn 23,7m2/người). Diện tích nhà ở tối thiểu 8m2/người.

b) Tổng nhu cầu diện tích nhà ở là 17.881.187 m2, nhu cầu nhà ở tăng thêm là 4.308.872 m2, trong đó:

+ Tổng diện tích nhà ở tại khu vực đô thị là 5.142.343 m2, nhu cầu nhà ở tăng thêm là 1.335.810 m2;

+ Tổng diện tích nhà ở tại khu vực nông thôn là 12.738.843 m2, nhu cầu nhà ở tăng thêm là 2.973.061 m2.

c) Mục tiêu cụ thể giải quyết nhà ở cho các nhóm đối tượng xã hội:

- Nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức là 142.439 m2;

- Nhà ở cho cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang là 87.162 m2;

- Nhà ở cho người nghèo khu vực nông thôn là 149.670 m2;

- Nhà ở cho người có thu nhập thấp khu vực đô thị là 193.103 m2;

- Nhà ở cho người có công với cách mạng là 148.950 m2;

- Nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề là 3.600 m2;

- Nhà ở cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp là 15.624m2;

d) Mục tiêu phát triển nhà ở thương mại:

Kêu gọi các tổ chức doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng 26.411 căn nhà ở thương mại tương đương 2.451.990 m2 sàn nhà ở, tập trung chủ yếu tại thành phố Lào Cai, huyện Sa Pa và một số địa bàn khác.

đ) Mục tiêu phát triển nhà ở do dân tự xây tăng thêm 1.370.641 m2 sàn.

1.2 Về chất lượng nhà ở:

Tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 50%; tỷ lệ nhà ở bán kiên cố đạt 44%, giảm tỷ lệ nhà thiếu kiên cố xuống mức 4% và đưa nhà đơn sơ xuống mức 2%.

2. Giai đoạn 2021 - 2030:

- Diện tích nhà ở bình quân: 28,6m2/người (trong đó: Đô thị 30,9m2/người; nông thôn 27,6m2/người). Diện tích nhà ở tối thiểu 12m2/người.

- Chất lượng nhà ở: Tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 60%; tỷ lệ nhà ở bán kiên cố đạt 32%; giảm tỷ lệ nhà thiếu kiên cố xuống 3%, nhà ở đơn sơ xuống dưới 1%.

3. Định hướng phát triển nhà ở đến năm 2030:

- Gắn kết giữa phát triển nhà ở với phát triển đô thị theo quy hoạch chung đô thị tỉnh Lào Cai, phát triển nhà ở đến năm 2030 hướng tới ngày càng nâng cao tính tiện nghi, độc lập cho mỗi cá nhân, hộ gia đình (nhà ở khép kín, có đầy đủ không gian, không chỉ phục vụ nhu cầu ăn, ngủ, vệ sinh mà còn đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt khác như nghiên cứu, học tập, thể dục thể thao, giải trí,...); đồng thời đáp ứng thêm không gian, tăng cường hoạt động giao lưu, sinh hoạt cộng đồng dân cư (sân chơi, vườn hoa, đường dạo, thảm cỏ,... đồng bộ, sạch đẹp).

- Tăng tỷ lệ phát triển nhà ở chung cư tại các đô thị, phát triển nhà ở chuyển từ giai đoạn phấn đấu đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng sang giai đoạn hoàn thiện và tiện nghi về thẩm mỹ. Thu hẹp khoảng cách về chất lượng nhà ở khu vực nông thôn và khu vực thành thị.

- Áp dụng khoa học, công nghệ, trang thiết bị hiện đại, phát triển nhà ở thông minh, nhà ở hữu cơ, có khả năng tự động kiểm soát, bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho con người sống bên trong (cung cấp đầy đủ ánh sáng tự nhiên, kiểm soát ổn định về điều kiện ánh sáng, dưỡng khí, nhiệt độ, độ ẩm,...) cũng như kiểm soát bảo vệ không gian, môi trường xung quanh (sử dụng tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu dễ tái tạo, giảm thiểu chất thải, khí thải CO2).

- Diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt mức 28,6 m2 sàn/người. Tỷ lệ nhà ở có chất lượng xây dựng và tiện nghi sinh hoạt đảm bảo đủ trên 60%.

- Đáp ứng tối thiểu 80% nhu cầu nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng, dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh.

4. Vốn đầu tư thực hiện Chương trình:

a) Giai đoạn 2016 - 2020:

- Tổng số vốn đầu tư cho nhà ở là 36.821,7 tỷ đồng, trong đó:

+ Vốn ngân sách: 495,3 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên, cán bộ y tế, các bộ công chức cấp xã, hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, hỗ trợ người nghèo về nhà ở (Trung ương hỗ trợ 193,8 tỷ đồng, địa phương 301,5 tỷ đồng).

+ Vốn ngoài ngân sách: 36.326,4 tỷ đồng.

b) Giai đoạn 2021 -2030:

- Tổng số vốn đầu tư cho nhà ở là 43.157,8 tỷ đồng, đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.

III. NHIỆM VỤ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Phát triển nhà ở ti khu vực đô th:

- Khuyến khích ứng dụng kỹ thuật, công nghệ, vật liệu xây dựng hiện đại trong phát triển nhà ở như loại hình nhà ở sử dụng tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường, sử dụng gạch không nung.

- Quy hoạch, định hướng phát triển nhà ở theo mô hình khu dân cư đô thị tập trung, tránh tình trạng nhà ở và không gian đô thị chỉ phát triển bám dọc theo các trục giao thông đặc biệt là tỉnh lộ, huyện lộ.

- Các khu vực đô thị như thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa; thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà thực hiện phát triển theo hướng giữ mật độ xây dựng thấp, đảm bảo yêu cầu nhà ở có vườn, cây xanh, tạo môi trường và cảnh quan đẹp.

- Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, khuyến khích phát triển nhà ở thương mại theo dự án để đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường.

- Rà soát, quản lý chặt chẽ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong tất cả các dự án nhà ở thương mại.

- Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội tại thành phố Lào Cai, huyện Sa Pa, thị trấn Tằng Loỏng với loại hình ưu tiên xây dựng nhà ở chung cư.

- Tăng cường quản lý việc xây dựng nhà ở của người dân tại khu vực đô thị; tuyên truyền tư vấn về văn minh kiến trúc đô thị để người dân hiểu và chấp hành tự giác việc xây dựng đồng bộ, có khoa học và theo hệ thống của đô thị.

- Đối với các khu đô thị hiện hữu: Cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật hiện có đặc biệt là hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống hạ tầng xã hội. Rà soát, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực đô thị.

- Dành tối thiểu 20% tổng diện tích cho việc bố trí không gian cây xanh, mặt nước, quảng trường khi quy hoạch phát triển các khu đô thị mới. Những không gian xanh, mặt nước cần bố trí liên hệ trực tiếp với các nhóm nhà ở, các công trình phúc lợi công cộng như: trường học, sân chơi, sân tập thể dục hàng ngày của người dân trong đơn vị ở, tạo môi trường sống trong sạch.

2. Phát triển nhà ở tại khu vực nông thôn:

- Phát triển nhà ở phải tuân thủ quy hoạch xây dựng, hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng tự phát; thực hiện việc quy hoạch, xây dựng hạ tầng để đấu giá đất xen kẹt trong khu vực dân cư và các khu vực phát triển nhà ở theo quy hoạch.

- Phát triển nhà ở khu vực nông thôn gắn với mục tiêu chung về xây dựng nông thôn mới, với kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại.

- Công bố quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng các tuyến đường, nút giao thông và điểm dân cư kết hợp chặt chẽ với quy hoạch nhà ở khu vực miền núi, đảm bảo sự gắn kết giữa phát triển nhà ở với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.

- Tuyên truyền và hướng dẫn người dân xây dựng phải tuân thủ quy hoạch xây dựng, hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng tự phát.

- Phát triển nhà ở nông thôn phải giữ gìn, bảo tồn và phát triển bản sắc địa phương, kiến trúc nhà ở truyền thống, các công trình kiến trúc đặc thù mang bản sắc văn hóa địa phương.

- Huy động khả năng của các hộ gia đình, cá nhân kết hợp sự giúp đỡ hỗ trợ của cộng đồng và các thành phần kinh tế để thực hiện mục tiêu cải thiện nhà ở; thực hiện chính sách ưu tiên và hỗ trợ cải thiện nhà ở cho các hộ gia đình nghèo, hộ gia đình có nguy cơ bị thiên tai và hộ gia đình có nhà ở chất lượng quá kém, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt.

3. Phát triển nhà ở xã hội:

- Khi phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch xây dựng khu công nghiệp cần xác định rõ diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội được thuê, mua nhà ở xã hội, để bán theo Điều 49, Điều 51 Luật Nhà ở năm 2014.

- Có cơ chế ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Hoàn thiện bộ máy quản lý:

- Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức hoạt động trong lĩnh vực quản lý nhà ở, nhất là ở cấp huyện.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý và phát triển nhà ở cho cán bộ, công chức bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

2. Giải pháp về đất ở:

- Rà soát quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Dành quỹ đất cho việc phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội bảo đảm tỷ lệ giữa mật độ dân cư với diện tích đất của khu vực phù hợp với quá trình đô thị hóa, trong đó đặc biệt quan tâm tới quỹ đất, quỹ nhà ở để bố trí tái định cư phục vụ cho nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị.

- Rà soát, sắp xếp, bố trí lại quỹ nhà, đất không phù hợp quy hoạch để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ưu tiên phát triển nhà ở xã hội.

- Diện tích đất và các thông tin về khu vực, địa điểm dành để xây dựng, phát triển nhà ở xã hội phải được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Giải pháp về kiến trúc quy hoạch:

- Trong giai đoạn 2016 - 2020, ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, trong đó quy định phân khu cho việc xây dựng: Nhà ở đô thị, nhà ở nông thôn làm cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức thực hiện.

- Tăng cường công tác kiểm tra cấp phép xây dựng nhà ở và xử lý vi phạm trong xây dựng nhà ở, kết hợp giữa nhà ở riêng lẻ với các công trình khác tại đô thị thành một tổng thể kiến trúc đô thị hài hòa, phù hợp với môi trường cảnh quan và bản sắc của từng khu vực, địa phương.

- Đối với nhà ở nông thôn, cần định hướng quy hoạch, bảo tồn, phát triển kiến trúc nhà ở. Kết hợp giữa việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo quy hoạch nông thôn mới với việc xây mới và cải tạo nhà ở. Giữ gìn và bảo tồn bản sắc địa phương, các công trình kiến trúc, văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.

- Công bố công khai các đồ án quy hoạch xây dựng và thiết kế đô thị. Đồng thời tăng cường công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp xây dựng không phép, trái phép, lấn chiếm đất công. Thực hiện đồng bộ quy hoạch chi tiết với các quy hoạch khác.

4. Giải pháp về vốn:

- Vốn đầu tư xây dựng nhà ở công vụ cho cán bộ giáo viên và nhân viên y tế: Thực hiện đầu tư lồng ghép bằng các nguồn vốn chương trình mục tiêu và các nguồn vốn khác.

- Vốn đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư chủ yếu là vốn tự có của các thành phần kinh tế, chủ đầu tư, hộ gia đình, vốn ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ (nếu có). Khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại bằng cách ban hành các cơ chế ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực này.

5. Giải pháp về phát triển thị trường nhà ở và quản lý sử dụng nhà ở:

- Lập kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm để làm căn cứ quản lý, điều hành việc phát triển nhà ở.

- Có cơ chế ưu đãi đầu tư trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại.

- Đa dạng hóa hình thức và thời hạn sở hữu nhà ở (sở hữu lâu dài, sở hữu có thời hạn) theo từng khu vực và từng thời kỳ nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và yêu cầu quản lý nhà nước về nhà ở.

- Đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định.

6. Giải pháp về công nghệ:

- Áp dụng công nghệ hiện đại và sử dụng vật liệu xây dựng thích hợp, nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành nhà ở và rút ngắn thời gian xây dựng, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu vật liệu, thiết bị xây dựng nhà ở hiện đại, sử dụng tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường như vật liệu không nung, vật liệu tái chế.

- Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý, quy hoạch, phát triển nhà ở. Trước mắt cần đầu tư hệ thống trang thiết bị nhất định để quản lý dữ liệu thông tin quy hoạch, công khai quy hoạch trên hệ thống thông tin của tỉnh.

- Xây dựng và tin học hóa hệ thống thông tin về nhà ở, hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý dự án phát triển nhà ở và thị trường bất động sản.

7. Giải pháp về nhà ở vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở cao:

- Thực hiện giải tỏa, di dời đối với một số khu vực nhà ở của người dân nằm ở khu vực ven sông, suối, dưới chân và ven núi có nguy cơ sạt lở, ngập lụt; có chính sách hỗ trợ phù hợp về đất ở, nhà ở tái định cư cho đối tượng này. Tuyên truyền, khuyến cáo người dân không xây dựng nhà ở tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, không bảo đảm an toàn.

- Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đào xả mái taluy trái phép, tự ý san lấp, lấn chiếm dòng chảy.

Điều 2. Sở Xây dựng căn cứ vào Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ngành: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Lao động Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai, Kho bạc nhà nước tỉnh Lào Cai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Lào Cai và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- TT: TU, HĐND, UBND;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Như điều 3 QĐ;
- VP TU, HĐND, Đoàn ĐBQH, UBND tỉnh;
- Báo Lào Cai, Đài PT-TH tỉnh
- Cổng TTĐT tỉnh; .
- Lưu: VT, Các CV

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đặng Xuân Phong