Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 466/QĐ-UBND-HC

Đồng Tháp, ngày 14 tháng 4 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG TỈNH ĐỒNG THÁP

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp;

Xét Tờ trình số 11/TTr-SNN ngày 11/02/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án Chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và Công văn số 460/SNN-KL ngày 10/3/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc trình phê duyệt Đề án Chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng tỉnh Đồng Tháp (Đề án chi tiết kèm theo), với các nội dung chủ yếu sau:

1. Xác định đối tượng phải chi trả, mức chi trả và hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn Tỉnh

1.1. Cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, gồm: Công ty Cổ phần Cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp; Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp và Nước sạch nông thôn và các cơ sở được cấp phép khai thác, sử dụng nguồn nước phục vụ sinh hoạt nông thôn. Mức chi trả 52 đồng/m3 nước thương phẩm. Chi trả bằng hình thức ủy thác qua Quỹ bảo vệ và phát triển rừng.

1.2. Cơ sở sản xuất công nghiệp, gồm: Các cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc các ngành nghề theo quy định hiện hành, được cấp phép khai thác, sử dụng nguồn nước phục vụ cho sản xuất. Mức chi trả 50 đồng/m3 nước sử dụng. Chi trả bằng hình thức ủy thác qua Quỹ bảo vệ và phát triển rừng.

1.3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong phạm vi rừng thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho chủ quản lý rừng. Mức chi trả tối thiểu bằng 1% trên tổng doanh thu thực hiện trong kỳ. Chi trả bằng hình thức trực tiếp thông qua thỏa thuận hợp đồng giữa 2 bên.

1.4. Cơ sở nuôi trồng thủy sản trong phạm vi rừng thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho chủ quản lý rừng. Mức chi trả tối thiểu bằng 1% trên tổng doanh thu thực hiện trong kỳ. Chi trả bằng hình thức trực tiếp thông qua thỏa thuận hợp đồng giữa 2 bên.

2. Xác định đối tượng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng

Đối tượng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Lâm nghiệp.

Theo kết quả kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng, trên địa bàn tỉnh hiện có các đối tượng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, bao gồm:

- Ban quản lý rừng đặc dụng, gồm: Vườn quốc gia Tràm Chim, Khu di tích Xẻo Quít, Khu di tích Gò Tháp;

- Tổ chức kinh tế, gồm: Công ty TNHH Hùng Cá là Chủ dự án Hồ Rừng;

- Đơn vị vũ trang, gồm: Đoàn Kinh tế quốc phòng 959, Phòng Hậu cần Công an Tỉnh;

- Hộ gia đình, cá nhân có sở hữu rừng trên địa bàn các xã có rừng, gồm các xã: Trường Xuân (97 hộ), Hưng Thạnh (44 hộ), Mỹ Hòa (1 hộ);

- Các tổ chức khác, gồm: Nghĩa trang liệt sỹ Tam Nông, Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, Rừng tràm Gáo Giồng;

- Tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng theo quy định của pháp luật (Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tháp Mười thực hiện quản lý rừng đối với khu rừng Phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười).

3. Hệ số K

Trên địa bàn Tỉnh, toàn bộ diện tích rừng có nguồn gốc là rừng trồng thuần loài, chủ yếu loài tràm trên đất ngập phèn theo mùa, rừng nghèo, trữ lượng rừng thấp dưới 100 m3/ha, phân bố trên địa bàn xã có rừng không thuộc các khu vực khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Do đó, Đề án áp dụng hệ số K = K2 (hệ số chi trả theo mục đích sử dụng rừng, giá trị bằng: 1,00 đối với rừng đặc dụng; 0,95 đối với rừng phòng hộ; 0,90 đối với rừng sản xuất).

4. Sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng: thực hiện theo quy định tại Điều 70, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.

Điều 2: Tổ chức thực hiện

1. Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì:

- Tổ chức triển khai Đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch tuyên truyền, in ấn tài liệu phổ biến về thực hiện Đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Tài chính thẩm định trình UBND Tỉnh phê duyệt kế hoạch thu, chi tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng; dự toán chi phí quản lý hàng năm; xét duyệt báo cáo quyết toán kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng.

- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm giao cho Ban quản lý Dự án trồng rừng, Hạt Kiểm lâm cấp huyện phối hợp với UBND cấp xã lập danh sách các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và lập hồ sơ chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng; tổ chức kiểm tra, nghiệm thu theo quy định.

- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tổ chức tuyên truyền, quán triệt để nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của rừng đối với môi trường sống; xử lý các hành vi vi phạm quy định về chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định của pháp luật.

- Tham mưu UBND Tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá thực hiện Đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm.

2. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, giám sát và công khai tài chính; thẩm định, trình UBND Tỉnh phê duyệt kế hoạch thu, chi và dự toán chi phí quản lý của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Tỉnh.

3. Cục Thuế Tỉnh: cung cấp và xác nhận số liệu nộp thuế của các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh gửi về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để làm căn cứ thông báo thu tiền dịch vụ môi trường rừng theo định kỳ quý, năm.

4. Các sở, ngành và đơn vị liên quan

- Các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Xây dựng; Văn hóa, Thể thao và Du lịch,… căn cứ chức năng, nhiệm vụ trong phạm vi quản lý nhà nước được giao, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện Đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng; đồng thời cung cấp các thông tin có liên quan về đối tượng phải chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn Tỉnh.

- Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng về Đề án Chi trả dịch vụ môi trường rừng của Tỉnh.

5. Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Tỉnh:

- Giao Ban quản lý Dự án trồng rừng Tỉnh (trực thuộc Chi cục Kiểm lâm) thực hiện nhiệm vụ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Tỉnh, có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 76, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.

- Thực hiện theo quy định về quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng (Điều 66, 67, 68, 69, 70, 71, 72 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP).

- Chủ trì xác định diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng; xây dựng bản đồ chi trả theo quy định (Điều 60, 61, 62, 63 Nghị định số 156/2018/NĐ- CP)

- Tổ chức sơ kết, tổng kết về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của tỉnh theo kế hoạch triển khai hàng năm của tỉnh.

- Thực hiện các quy định khác có liên quan.

6. UBND huyện, thị xã, thành phố: chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã triển khai thực hiện các nội dung của Đề án theo quy định; chủ trì giải quyết những vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường trên địa bàn quản lý.

7. Bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng:

- Bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 64, Luật Lâm nghiệp.

- Ký và thực hiện hợp đồng chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Điều 64 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP theo hình thức trực tiếp; Điều 66, 67 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP theo hình thức gián tiếp (ủy thác qua Quỹ bảo vệ và phát triển rừng);

8. Bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng (chủ rừng):

- Bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 65, Luật Lâm nghiệp.

- Sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại khoản 3, Điều 70 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP); Điều 65 đối với trường hợp hợp đồng chi trả trực tiếp với bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng.

- Thực hiện quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

- Thường xuyên phối hợp Kiểm lâm sở tại, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, đảm bảo rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Quyết định số 766/QĐ-UBND.HC ngày 14/8/2014 của UBND Tỉnh về việc phê duyệt Đề án thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tỉnh Đồng Tháp.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du Lịch; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Tỉnh; Cục trưởng Cục Thuế Tỉnh; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Ban quản lý Dự án trồng rừng); Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan; chủ rừng và bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn Tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT/PCT UBND Tỉnh;
- LĐ.VP/UBND Tỉnh;
- Lưu: VT, NC/KT. H.A.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 466/QĐ-UBND-HC năm 2020 về phê duyệt Đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng tỉnh Đồng Tháp

  • Số hiệu: 466/QĐ-UBND-HC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/04/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Nguyễn Thanh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/04/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản