Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4630/QĐ-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 12 năm 2022 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP ĐẢM BẢO AN NINH, AN TOÀN GIAO THÔNG, PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY, CỨU NẠN CỨU HỘ ĐẢM BẢO AN TOÀN TUYẾN ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ SỐ 1 (BẾN THÀNH - SUỐI TIÊN)
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 06 năm 2020;
Căn cứ Luật Đường sắt ngày 16 tháng 06 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 06/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội;
Căn cứ Nghị định số 56/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 04 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt;
Căn cứ Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;
Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Thông tư số 08/2018/TT-BCA ngày 05 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc hướng dẫn thi hành Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 07 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của nghị định số 83/2017/TT-BCA ngày 18 tháng 07 năm 2017 về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Thông tư số 23/2018/TT-BGTVT ngày 04 tháng 05 năm 2018 của Bộ Giao thông vận tải quy định về giải quyết sự cố tai nạn giao thông đường sắt và phân tích thống kê báo cáo về sự cố, tai nạn giao thông đường sắt;
Căn cứ Thông tư số 141/2020/TT-BCA ngày 23 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về công tác kiểm tra về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân;
Căn cứ Thông tư số 149/2020/TT-BCA ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy chữa cháy;
Căn cứ Thông tư số 17/2021/TT-BCA ngày 05 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
Căn cứ Quyết định số 2087/QĐ-UBND ngày 09 tháng 06 năm 2021 về ban hành Kế hoạch triển khai các công việc nhằm vận hành, khai thác hiệu quả tuyến đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên;
Xét Tờ trình số 804/TTr-BQLĐSĐT-ĐSĐT ngày 12 tháng 4 năm 2022 của Ban Quản lý Đường sắt đô thị, Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Đô thị số 1 và Công văn số 1620/BQLĐSĐT-QLDA1 ngày 15 tháng 7 năm 2022 về ban hành Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, đảm bảo an toàn tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên);
Xét Tờ trình số 13848/TTr-SGTVT ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Sở Giao thông vận tải về việc ban hành Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ đảm bảo an toàn tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); ý kiến của Sở Tư pháp tại Công văn số 2345/STP-VB ngày 26 tháng 5 năm 2022 về việc góp ý dự thảo Quy định về công tác đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, đảm bảo an toàn tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Quy chế
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ đảm bảo an toàn tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Công an Thành phố, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Đô thị số 1, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 1, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh, Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP ĐẢM BẢO AN NINH, AN TOÀN GIAO THÔNG, PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY, CỨU NẠN CỨU HỘ, ĐẢM BẢO AN TOÀN TUYẾN ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ SỐ 1 (BẾN THÀNH - SUỐI TIÊN)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4630/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi áp dụng:
Quy chế này quy định về công tác phối hợp trong đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trong phạm vi tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
2. Đối tượng áp dụng:
Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trong phạm vi tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Chủ tịch Hội đồng giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt đô thị là người chủ trì giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt tại hiện trường.
2. Chủ tịch Hội đồng phân tích sự cố, tai nạn giao thông đường sắt đô thị là người chủ trì phân tích sự cố, tai nạn giao thông đường sắt.
3. Giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt đô thị là việc tổ chức cứu nạn, cứu hộ, khôi phục giao thông đường sắt; tham gia, phối hợp điều tra và phân tích nguyên nhân tai nạn giao thông đường sắt.
4. Người bị thương trong vụ tai nạn giao thông đường sắt đô thị là người bị tổn thương về sức khỏe với tỷ lệ thương tật theo quy định của pháp luật làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường do ảnh hưởng trực tiếp của tai nạn giao thông.
5. Người bị chết trong vụ tai nạn giao thông đường sắt đô thị là người bị chết tại hiện trường; người bị thương trong vụ tai nạn được cấp cứu nhưng chết trên đường đi cấp cứu hoặc chết tại bệnh viện.
6. Sự cố giao thông đường sắt đô thị là vụ việc xảy ra trong hoạt động giao thông vận tải đường sắt đô thị gây trở ngại đến chạy tàu nhưng chưa xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.
7. Tai nạn giao thông đường sắt đô thị là việc phương tiện giao thông đường sắt xảy ra đâm nhau, trật bánh, đổ tàu; đâm, va vào người, phương tiện giao thông khác và ngược lại hoặc phương tiện giao thông đường sắt đang hoạt động đâm, va vào chướng ngại vật gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc gây thiệt hại về tài sản; cháy tàu đường sắt đô thị.
8. Sự cố, tai nạn ít nghiêm trọng: là các sự cố, tai nạn xảy ra có từ 01 đến 05 người bị thương hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 20 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng.
9. Sự cố, tai nạn nghiêm trọng: là các sự cố, tai nạn xảy ra có 01 người chết hoặc có từ 06 đến 08 người bị thương hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
10. Sự cố, tai nạn rất nghiêm trọng: là các sự cố, tai nạn xảy ra có 02 người chết hoặc có từ 09 đến 10 người bị thương hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới 01 tỷ 500 triệu đồng.
11. Sự cố, tai nạn đặc biệt nghiêm trọng: là các sự cố, tai nạn xảy ra có 03 người chết hoặc có từ 11 người bị thương trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị 01 tỷ 500 triệu đồng trở lên.
12. Cơ quan chủ trì: là cơ quan có trách nhiệm chủ trì xây dựng các kế hoạch, phương án và tổ chức thực hiện xử lý sự cố, tai nạn theo từng tình huống cụ thể đối với phạm vi lĩnh vực được giao.
13. Cơ quan chỉ huy: là cơ quan có trách nhiệm chỉ huy, triển khai phương án xử lý sự cố, tai nạn đối với phạm vi lĩnh vực được giao.
14. Cứu nạn là hoạt động cứu người bị nạn khỏi nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của họ do sự cố, tai nạn, bao gồm: Phát hiện, định vị, mở lối tiếp cận người bị nạn, bố trí phương tiện, dụng cụ, lực lượng cứu nạn, cứu hộ; xác định, ngăn chặn, loại bỏ các yếu tố đe dọa tính mạng, sức khỏe người bị nạn và lực lượng cứu nạn, cứu hộ; tư vấn biện pháp y tế ban đầu, sơ cứu; đưa người bị nạn khỏi vị trí nguy hiểm và các biện pháp khác đưa người bị nạn đến vị trí an toàn.
15. Cứu hộ là hoạt động cứu phương tiện, tài sản khỏi nguy hiểm do sự cố, tai nạn, bao gồm: Phát hiện, định vị, mở lối tiếp cận phương tiện, tài sản bị nạn, bố trí phương tiện, dụng cụ, lực lượng cứu nạn, cứu hộ; xác định, ngăn chặn, loại bỏ các yếu tố nguy hiểm đe dọa an toàn phương tiện, tài sản và sức khỏe, tính mạng lực lượng cứu nạn, cứu hộ; đưa phương tiện, tài sản khỏi vị trí nguy hiểm và các biện pháp khác đưa phương tiện, tài sản đến vị trí an toàn.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Khi xảy ra tai nạn giao thông trong phạm vi tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác vận hành đường sắt đô thị phải phối hợp các cơ quan chuyên ngành giải quyết bảo đảm an toàn, khôi phục nhanh chóng và kịp thời.
2. Phải tổ chức cứu giúp ngay đối với người bị nạn, tổ chức bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và người bị nạn.
3. Các vụ tai nạn giao thông đường sắt đô thị phải được lập biên bản, thông tin, báo cáo nhanh chóng kịp thời cho các tổ chức cá nhân liên quan theo quy định của Quy chế này.
4. Các tổ chức cá nhân có thẩm quyền khi nhận được tin báo về tai nạn giao thông đường sắt đô thị phải có trách nhiệm đến ngay hiện trường để giải quyết, không được gây trở ngại cho việc khôi phục giao thông vận tải đường sắt đô thị sau khi xảy ra tai nạn.
5. Việc tổ chức khôi phục hoạt động giao thông vận tải đường sắt đô thị không được gây trở ngại cho công tác điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng.
6. Chủ tịch Hội đồng giải quyết tai nạn giao thông đường sắt đô thị được quyền huy động mọi nguồn lực tại chỗ để phục vụ cho công tác cứu chữa, giải quyết tai nạn giao thông đường sắt đô thị.
Điều 4. Hội đồng giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt đô thị
Khi có sự cố, tai nạn giao thông đường sắt xảy ra phải thành lập ngay Hội đồng giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt đô thị (sau đây gọi là Hội đồng giải quyết) theo quy định như sau:
a) Đối với sự cố, tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng trở xuống. Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1 thành lập Hội đồng giải quyết sự cố gồm: Chủ tịch Hội đồng giải quyết là Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1, đại diện doanh nghiệp đường sắt khác có liên quan, đại diện Ủy ban nhân dân các cấp nơi xảy ra sự cố, tai nạn giao thông đường sắt, các Sở ban ngành, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan do người quyết định thành lập Hội đồng quyết định tùy theo nguyên nhân, mức độ thiệt hại do sự cố, tai nạn giao thông đường sắt gây ra.
b) Đối với sự cố, tai nạn giao thông đường sắt rất nghiêm trọng trở lên Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1 báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định thành lập Hội đồng giải quyết.
Điều 5. Hội đồng phân tích sự cố, tai nạn giao thông đường sắt đô thị
Chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ ngày xảy ra sự cố, tai nạn giao thông đường sắt đô thị phải thành lập Hội đồng phân tích sự cố, tai nạn giao thông đường sắt đô thị (sau đây gọi là Hội đồng phân tích) như sau:
Đối với sự cố, tai nạn giao thông đường sắt ít nghiêm trọng trở xuống: Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1 thành lập Hội đồng phân tích gồm Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1, đại diện Ủy ban nhân dân các cấp nơi xảy ra sự cố, tai nạn giao thông đường sắt, tổ chức, cá nhân khác có liên quan do người quyết định thành lập hội đồng quyết định.
Đối với sự cố, tai nạn giao thông đường sắt đô thị nghiêm trọng trở lên: Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1 báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định thành lập Hội đồng phân tích.
Chương II
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRONG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN NINH, AN TOÀN GIAO THÔNG, PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY, CỨU NẠN CỨU HỘ
Điều 6. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ
1. Cơ quan chủ trì: Công an Thành phố Hồ Chí Minh
2. Chức năng, nhiệm vụ:
a) Tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo đúng thẩm quyền đối với tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên);
b) Tham mưu, để xuất các chủ trương, quy định, chính sách, pháp luật về công tác đảm bảo an ninh, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên);
c) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các biện pháp, giải pháp về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); thực hiện công tác tiếp nhận và xử lý thông tin về báo cháy, tai nạn, sự cố; tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định;
d) Chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các vụ cháy, sự cố, tai nạn tại tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) theo quy định. Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản ngoài phạm vi quản lý của mình tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thì đề nghị người có thẩm quyền quyết định huy động;
e) Tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức về an toàn giao thông, phòng, chống khủng bố trên tuyến đường sắt đô thị, kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hướng dẫn xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tại chỗ; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ và cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng tại chỗ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý hoặc khi có yêu cầu;
f) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về vi phạm trật tự an toàn giao thông, vi phạm phạm vi bảo vệ tuyến đường sắt và các quy định về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật;
g) Xây dựng các phương án phòng, chống khủng bố, phương án bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tại các nhà ga tuyến đường sắt đô thị, xử lý kịp thời các tình huống khủng bố, các sự cố và tai nạn giao thông xảy ra;
h) Xây dựng phương án chữa cháy và phương án cứu nạn, cứu hộ của cơ quan Công an đối với tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Tổ chức thực tập phương án chữa cháy và phương án cứu nạn, cứu hộ định kỳ theo quy định;
i) Phối hợp với các đơn vị có liên quan bảo đảm an ninh trật tự an toàn trên tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), chủ động chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện nhằm đảm bảo an ninh trật tự, ngăn chặn, phòng chống tội phạm, khủng bố, phá hoại,... gây mất an toàn nơi có tuyến đường sắt đi qua và các đoàn tàu chạy trên tuyến.
j) Thực hiện công tác thống kê số liệu tai nạn, cứu hộ cứu nạn.
3. Các cơ quan tham gia phối hợp:
a) Bộ Tư lệnh thành phố;
b) Lực lượng Thanh niên xung phong;
c) Ủy ban nhân dân Quận 1, quận Bình Thạnh, thành phố Thủ Đức;
d) Sở Y tế;
e) Sở Giao thông vận tải;
f) Ban Quản lý Đường sắt đô thị;
g) Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1;
j) Các cơ quan khác có liên quan (theo yêu cầu, phương án của Công an Thành phố).
Điều 7. Trách nhiệm cụ thể của một số cơ quan khác
1. Sở Y tế: Chủ trì tổ chức, chuẩn bị lực lượng y bác sĩ, cán bộ y tế sẵn sàng huy động các phương tiện, trang thiết bị, cơ số thuốc cần thiết để tham gia hoạt động cấp cứu, sơ cứu ban đầu và đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất.
2. Sở Tài chính: Phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét, cân đối ngân sách thành phố trình Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định để thực hiện công tác đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trong phạm vi tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
3. Ủy ban nhân dân Quận 1, quận Bình Thạnh, thành phố Thủ Đức: Xây dựng kế hoạch, phương án huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tham gia phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
4. Lực lượng Thanh niên xung phong: Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tham gia các hoạt động đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và khắc phục hậu quả khi có sự cố, tai nạn xảy ra trong phạm vi công trình tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
5. Tổng Công ty Điện lực Thành phố TNHH Một thành viên:
a) Lập phương án cung cấp điện ưu tiên và đảm bảo cung cấp điện liên tục cho công tác khai thác vận hành tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên);
b) Phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1 xây dựng phương án phối hợp nhằm đảm bảo an toàn điện cho các lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi tham gia xử lý sự cố, tai nạn xảy ra trong phạm vi tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
6. Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên (các đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, các Công ty Cổ Phần Cấp nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh); Cung cấp nước cho hoạt động vận hành, bảo trì của tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) liên tục và phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy liên tục, đầy đủ.
7. Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1:
a) Tổ chức thực hiện quản lý, vận hành, khai thác, duy tu, bảo trì tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) theo chức năng, nhiệm vụ và quy trình vận hành bảo trì; lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với tuyến đường sắt đô thị thuộc phạm vi quản lý; xây dựng lực lượng tại chỗ; duy trì hoạt động của các hệ thống, phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được trang bị; lập, tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định hiện hành;
b) Tổ chức xử lý ban đầu trong mọi tình huống sự cố, tai nạn xảy ra trong khả năng cho phép; đồng thời thông báo ngay đến các cơ quan chức năng liên quan;
c) Báo cáo kịp thời về Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mọi sự cố, tai nạn xảy ra trong phạm vi tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Chương III
KHẮC PHỤC HẬU QUẢ SAU SỰ CỐ, TAI NẠN
Điều 8. Các cơ quan, đơn vị tham gia xử lý sự cố, tai nạn phải phối hợp thu dọn hiện trường trong thời gian nhanh nhất; ngăn chặn lây lan hóa chất độc hại, khí độc (nếu có); tiêu độc, khử trùng, phòng dịch, vệ sinh môi trường tại khu vực xảy ra sự cố, tai nạn.
Điều 9. Các cơ quan, đơn vị tham gia xử lý sự cố, tai nạn tùy theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại (về người và tài sản) gửi về cơ quan, đơn vị chủ trì theo từng lĩnh vực để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để có ý kiến chỉ đạo, quyết định các biện pháp xử lý khắc phục hậu quả sau sự cố, tai nạn.
Chương IV
CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO
Điều 10. Đối với các sự cố, tai nạn nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng
1. Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1 thực hiện thông tin, báo cáo đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chỉ huy xử lý sự cố, tai nạn bằng đường dây nóng; người thực hiện thông tin, báo cáo phải báo rõ họ tên, chức vụ, bộ phận công tác và tình hình, địa điểm, cấp độ của sự cố, tai nạn.
2. Trong quá trình phối hợp xử lý sự cố, tai nạn việc báo cáo, thông tin liên lạc giữa các cơ quan, đơn vị được thực hiện bằng hệ thống thông tin vô tuyến, hữu tuyến đã được thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị.
3. Sau khi xử lý xong sự cố, tai nạn, Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1 phải có báo cáo bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và cơ quan chủ trì về lĩnh vực sự cố, tai nạn được xử lý.
4. Việc thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự cố, tai nạn và kết quả xử lý, khắc phục phải do thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chỉ huy xử lý sự cố, tai nạn chịu trách nhiệm công bố.
Điều 11. Đối với các sự cố, tai nạn ít nghiêm trọng
1. Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1 báo cáo kịp thời sự cố, tai nạn có liên quan đến an toàn, an ninh công trình và sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị để chủ động khắc phục hậu quả.
2. Phối hợp với các lực lượng trên địa bàn thực hiện các biện pháp theo phương án và sự phân công trong kế hoạch đã được phê duyệt.
3. Thống kê, báo cáo các vụ, việc xảy ra sự cố, tai nạn theo quy định.
4. Ngay khi phát hiện sự cố, tai nạn gia tăng ở cấp độ nghiêm trọng hơn thì Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1 phải thông báo kịp thời đến các cơ quan, đơn vị có liên quan theo quy định.
Điều 12. Đối với công tác phối hợp thường xuyên, định kỳ
1. Định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý, cơ quan chủ trì (theo phạm vi lĩnh vực được nêu tại Quy chế này) tổ chức họp giao ban về các công tác đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và đề xuất các biện pháp cần thiết nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp theo Quy chế này.
2. Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất, Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1 phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức huấn luyện, diễn tập các phương án về đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Thông qua công tác diễn tập, Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1 tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện các phương án và báo cáo theo quy định.
3. Sở Giao thông vận tải kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1 thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước phối hợp với các Sở ban ngành triển khai thực hiện kế hoạch đã được thống nhất.
Chương V
NGUỒN TÀI CHÍNH, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH VÀ ĐẦU TƯ CHO HOẠT ĐỘNG ĐẢM BẢO AN NINH, AN TOÀN GIAO THÔNG, PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY, CỨU NẠN, CỨU HỘ
Điều 13. Nguồn tài chính đảm bảo cho hoạt động đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
1. Ngân sách (Thành phố, Quận, Phường) cấp theo quy định pháp luật.
2. Các khoản hỗ trợ, viện trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
3. Các khoản thu thông qua các hợp đồng dịch vụ, đền bù của cơ quan bảo hiểm, các tổ chức cá nhân theo quy định pháp luật.
4. Các khoản thu từ khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị.
5. Các nguồn khác theo quy định pháp luật.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Khen thưởng - xử lý vi phạm
1. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích trong hoạt động đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của Quy chế này được khen thưởng theo Luật Thi đua, khen thưởng, các nghị định, thông tư hướng dẫn và các quy định khác của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về các hoạt động đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Tổ chức thực hiện
1. Các cơ quan, đơn vị trong phạm vi điều chỉnh của Quy chế này có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế đến từng cơ quan, đơn vị trực thuộc có liên quan và quy định rõ thời gian triển khai thực hiện; thường xuyên huấn luyện, diễn tập các phương án đảm bảo chất lượng chuyên môn, hiệu quả khi tham gia xử lý các sự cố, tai nạn xảy ra theo quy định của Quy chế này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cần sửa đổi, bổ sung Quy chế, các Sở - ban - ngành, các cơ quan có liên quan phản ảnh về Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1 để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, quyết định./.
- 1Quyết định 30/2020/QĐ-UBND sửa đổi Quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố, tai nạn xảy ra trong phạm vi công trình đường hầm Thủ Thiêm (nay là đường hầm sông Sài Gòn) kèm theo Quyết định 62/2011/QĐ-UBND do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Quyết định 2127/QĐ-UBND năm 2021 về Quy trình liên thông thực hiện thẩm định thiết kế xây dựng và thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình sử dụng vốn khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 3Quyết định 1899/QĐ-UBND năm 2021 về Quy chế Phối hợp giữa Công an tỉnh và Cơ quan chuyên môn về xây dựng trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và phòng cháy, chữa cháy đối với dự án, công trình sử dụng vốn khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 4Kế hoạch 19/KH-UBND về tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy mùa khô trên địa bàn Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh năm 2012
- 5Kế hoạch 01/KH-UBND năm 2018 thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh
- 6Quyết định 58/2021/QĐ-UBND quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai
- 7Kế hoạch 29/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- 8Thông báo 364/TB-UBND năm 2023 kết luận của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về Đề án tổng thể về nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
- 9Quyết định 21/2023/QĐ-UBND quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội
- 1Luật phòng cháy và chữa cháy 2001
- 2Luật Thi đua, Khen thưởng 2003
- 3Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013
- 4Nghị định 06/2014/NĐ-CP về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội
- 5Luật Xây dựng 2014
- 6Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 7Luật Đường sắt 2017
- 8Thông tư 08/2018/TT-BCA về hướng dẫn Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
- 9Nghị định 56/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt
- 10Thông tư 23/2018/TT-BGTVT quy định về giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt và phân tích, thống kê báo cáo về sự cố, tai nạn giao thông đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 11Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 12Luật Xây dựng sửa đổi 2020
- 13Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt
- 14Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi
- 15Thông tư 141/2020/TT-BCA quy định về công tác kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân do Bộ Công an ban hành
- 16Thông tư 149/2020/TT-BCA hướng dẫn thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi và Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi do Bộ Công an ban hành
- 17Quyết định 30/2020/QĐ-UBND sửa đổi Quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố, tai nạn xảy ra trong phạm vi công trình đường hầm Thủ Thiêm (nay là đường hầm sông Sài Gòn) kèm theo Quyết định 62/2011/QĐ-UBND do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 18Thông tư 17/2021/TT-BCA quy định về quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Bộ Công an ban hành
- 19Quyết định 2127/QĐ-UBND năm 2021 về Quy trình liên thông thực hiện thẩm định thiết kế xây dựng và thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình sử dụng vốn khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 20Quyết định 1899/QĐ-UBND năm 2021 về Quy chế Phối hợp giữa Công an tỉnh và Cơ quan chuyên môn về xây dựng trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và phòng cháy, chữa cháy đối với dự án, công trình sử dụng vốn khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 21Kế hoạch 19/KH-UBND về tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy mùa khô trên địa bàn Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh năm 2012
- 22Kế hoạch 01/KH-UBND năm 2018 thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh
- 23Quyết định 58/2021/QĐ-UBND quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai
- 24Kế hoạch 29/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- 25Thông báo 364/TB-UBND năm 2023 kết luận của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về Đề án tổng thể về nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
- 26Quyết định 21/2023/QĐ-UBND quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội
Quyết định 4630/QĐ-UBND năm 2022 về Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ đảm bảo an toàn tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 4630/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 30/12/2022
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Bùi Xuân Cường
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/12/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra