Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 45/2002/QĐ-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 05 năm 2002 |
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ VIỆC BAN HÀNH BỔ SUNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NĂM TRẬT TỰ ĐÔ THỊ - 2002
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
Căn cứ Nghị quyết của Thành Ủy kỳ họp lần thứ 6 khóa VII và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố kỳ họp lần thứ 7 khóa VI về nhiệm vụ kế hoạch kinh tế – xã hội năm 2002 của thành phố ;
Căn cứ Chỉ thị số 02/2001/CT-UB ngày 16 tháng 3 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai tổ chức thực hiện 12 chương trình và công trình trọng điểm của thành phố trong giai đoạn 2001 – 2005 và kế hoạch thực hiện “Năm trật tự đô thị” trong năm 2001 ;
Căn cứ Quyết định số 37/2001/QĐ-UB ngày 27 tháng 4 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Năm trật tự đô thị – 2001 ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông công chánh (công văn số 313/GT-GT ngày 15 tháng 4 năm 2002) về việc báo cáo tổng kết tình hình thực hiện “Năm trật tự đô thị - 2001” và kế hoạch triển khai trong năm 2002 ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.-Tiếp tục thực hiện kế hoạch Năm trật tự đô thị đã ban hành tại quyết định số 37/2001/QĐ-UB ngày 27 tháng 4 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 2.-Ban hành bổ sung Kế hoạch thực hiện “Năm trật tự đô thị 2002” nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước để giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị trên toàn địa bàn thành phố.
Điều 3.-Thủ trưởng tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố căn cứ theo nhiệm vụ, tình hình của đơn vị và nội dung kế hoạch thực hiện “Năm trật tự đô thị 2001” đã ban hành tại Quyết định số 37/2001/QĐ-UB ngày 27 tháng 4 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố và Kế hoạch thực hiện “Năm trật tự đô thị 2002” nêu tại Điều 2 để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động và tiến độ thực hiện cụ thể, thiết thực tham gia thực hiện kế hoạch chung nhằm đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong lĩnh vực đô thị của thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 4.-Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang của thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các Quận-Huyện, Phường-Xã, Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận : | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| TP.Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 05 năm 2002 |
THỰC HIỆN NĂM TRẬT TỰ ĐÔ THỊ - 2002
(Ban hành kèm theo Quyết định số 45 /2002/QĐ-UB ngày 03 tháng 5 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Năm 2002 được Thành Ủy, Hội đồng nhân dân thành phố tiếp tục chọn là “Năm trật tự đô thị - 2002” do đó mục tiêu đề ra cho các Sở ban ngành, các đơn vị, các tổ chức xã hội trên địa bàn thành phố trong năm trật tự đô thị 2002 là : Tiếp tục thực hiện căn cơ và đạt hiệu quả cao nhất các nhiệm vụ cụ thể đã giao cho từng đơn vị tại Quyết định số 37/2001/QĐ-UB ngày 27 tháng 4 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành kế hoạch thực hiện Năm trật tự đô thị năm 2001. Đồng thời, trong năm 2002 cần tập trung giải quyết theo những định hướng và giải pháp cụ thể được phân công cho các Sở ban ngành, các đơn vị như sau :
- Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch Năm trật tự đô thị tại Quyết định số 37/2001/QĐ-UB ngày 27 tháng 4 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố.
- Ngoài các giải pháp nêu dưới đây, yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt nghiêm theo hướng tăng nặng các vi phạm nhằm đảm bảo cho kết quả đạt được trong năm 2001.
- Các giải pháp cụ thể như sau :
1. Công tác giáo dục, tuyên truyền :
Sở Văn hóa và Thông tin chịu trách nhiệm về xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động quần chúng tham gia tích cực chương trình trật tự đô thị của thành phố. Đầu tư sâu, rộng và hướng dẫn các Phòng Văn hóa thông tin các quận-huyện triển khai thực hiện công tác tuyên truyền có hiệu quả thiết thực.
2. Công tác qui hoạch trật tự đô thị :
Sở Giao thông Công chánh thành phố chịu trách nhiệm xây dựng các chương trình, các đề án, các quy định báo hiệu có liên quan để thực hiện quản lý trật tự đô thị như quy định hoạt động luồng tuyến, cấm dừng đổ…
Sở Lao động-Thương binh xã hội chịu trách nhiệm về giờ làm việc lệch ca, giờ học… trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.
3. Chương trình lập lại kỷ cương trật tự đô thị :
Công an thành phố và Ủy ban nhân dân các quận-huyện chịu trách nhiệm tăng cường kiểm tra, xử phạt, xử lý đúng các quy định của pháp luật đối với tất cả các hành vi vi phạm, kể cả xử lý các đơn vị cá nhân, công chức Nhà nước trong việc không thực hiện đầy đủ trách nhiệm, đảm bảo kỷ cương trong công tác quản lý trật tự đô thị cho tất cả các chương trình của Năm trật tự đô thị.
Các ngành chức năng có liên quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ cho Công an thành phố hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt trong công tác cải tiến xử, nộp phạt, tăng thêm kho tàng giữ tang vật vi phạm.
4. Phong trào thi đua :
Kiến nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố chủ trì với các ngành địa phương đưa phong trào thi đua : từng khu phố vệ sinh, khu phố trật tự văn minh…
5. Công tác tăng cường trang thiết bị :
Để đưa trật tự đô thị thành phố từng bước thành nề nếp, các hoạt động thiết lập quản lý xây dựng đô thị phải được tăng cường trang thiết bị hiện đại để hoạt động, không để tình trạng kéo dài thời gian trong xử lý vi phạm về xây dựng, hoặc qui trình xử phạt rườm rà và mất thời gian. Tất cả các ngành đều phải xây dựng và thực hiện đề án cải tiến, tăng cường năng lực quản lý Nhà nước, đáp ứng được yêu cầu quản lý trật tự trên tất cả các lĩnh vực có liên quan đến trật tự đô thị trong tình hình mới.
1. Công tác trật tự lòng lề đường :
Tạo sự chuyển biến rõ nét về trật tự giao thông đường bộ trên 172 tuyến đường trọng điểm (Phụ lục 1) và đảm bảo trật tự lề đường trên 231 tuyến đường trọng điểm (Phụ lục 2) và 11 tụ điểm (nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị đảm trách được phân công theo phụ lục đính kèm ).
+ Tiếp tục chủ động điều hòa giao thông tại 140 điểm thường xảy ra ùn tắc giao thông.
+ Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng đua xe trái phép có tổ chức, tụ tập thanh thiếu niên lạng lách đánh võng, gây rối trật tự công cộng. Khi xảy ra phải kịp thời chặn đứng các hành vi trên, lập lại trật tự và xử lý kiên quyết để xóa bỏ tệ nạn đua xe trái phép.
+ Phấn đấu giảm 20% các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản của nhân dân.
+ Đảm bảo đường thông, hè thoáng liên tục ở các đường trọng điểm.
- Không buôn bán trên lòng đường, vỉa hè.
- Giữ xe đúng nơi, đúng giờ và đúng giá quy định.
- Xây dựng một số khu vực đậu xe kiểu mẫu cho xe 2 bánh, 4 bánh có quy định phạm vi, giờ giấc rõ ràng.
-Vận động phong trào nhân dân giữ gìn khu phố, vỉa hè sạch đẹp, an toàn, thường xuyên tu bổ sửa chữa vỉa hè.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện chịu trách nhiệm chính trong công tác chấn chỉnh trật tự lòng - lề đường, các Sở ban ngành liên quan có trách nhiệm hỗ trợ nghiệp vụ khi có yêu cầu từ địa phương.
- Đảm bảo trên tất cả các cầu nội thị không còn tình trạng chiếm dụng để buôn bán phơi phóng trên cầu, hành lang cho người đi bộ. Phía dưới cầu trên đất liền phải được bê tông hoá sạch sẽ.
- Sở Giao thông công chánh có nhiệm vụ hoàn thiện toàn bộ bề mặt trên dưới cầu, bàn giao cho từng địa phương quản lý trật tự xã hội khu vực này.
2. Sắp xếp lại hoạt động mua bán ở chợ : Tăng cường biện pháp xử lý và quản lý để chấm dứt tình trạng dừng xe lên xuống hàng hoá trên đường vào ban ngày. Đảm bảo trật tự đi lại quanh chợ bình thường, khai thông lại các tuyến đường vòng quanh chợ (như mô hình chợ Bến Thành, chợ Tân Bình). Tổ chức triển khai theo kế hoạch và báo cáo đề xuất của Sở Thương mại.
Hoàn thành kế hoạch đầu tư và đưa vào sử dụng các chợ đầu mối theo kế hoạch đã đề ra trong năm 2001.
Các chợ cần triển khai thực hiện triệt để trong năm gồm :
Quận 1: chợ Bến Thành, Tân Định, xem xét di dời siêu thị Cống Quỳnh.
Quận 2 : chợ đầu bến phà Thủ Thiêm.
Quận 3 : siêu thị Nguyễn Đình Chiểu : cấm dừng xe lên xuống hàng hoá trên đường vào ban ngày.
Quận 4 : chợ Xóm Chiếu.
Quận 5 : chợ Hà Tôn Quyền, Tân Thành, chợ An Đông.
Quận 6 : chợ trên đường Minh Phụng, Đặng Nguyên Cẩn, Tân Hoà Đông.
Quận 7 : chợ tại ngã 3 Hương lộ 34 – Trần Xuân Soạn.
Quận 8 : khai thông đường quanh chợ Xóm Củi.
Quận 10 : chợ Hòa Hưng, chợ trên đường Tô Hiến Thành, siêu thị Cora,…
Quận 11 : Chợ Thiếc.
Quận 12 : Chợ Cầu (di dời).
Quận Tân Bình : chợ Tân Bình, Phạm Văn Hai, Hoàng Hoa Thám, Võ Thành Trang.
Quận Bình Thạnh : thông đường quanh chợ Bà Chiểu, dời chợ Cây Quéo.
Quận Phú Nhuận : chợ Trần Hữu Trang, Phú Nhuận.
Huyện Nhà Bè : chợ đầu cầu Phú Xuân.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện có liên quan chịu trách nhiệm lập kế hoạch cụ thể. Các Sở Thương mại, Giao thông công chánh, Tài chánh, Xây dựng, Kiến Trúc sư trưởng thành phố có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu có liên quan đến kế hoạch của địa phương.
3. Cải tiến công tác quản lý điều hành giao thông đô thị :
Sở Giao thông công chánh có trách nhiệm thiết lập và tăng cường công tác quản lý giao thông đô thị :
- Phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và xã hội hoàn thành và đưa vào thực hiện đề án lệch giờ đi làm, đi học.
- Hoàn thành và đưa vào thực hiện các đề án : khu vực đi bộ, một số đường cấm xe 2 bánh, hạn chế xe 3 bánh, xe tải.
- Cải tiến, tổ chức đi lại trên đường nhằm giảm ùn tắc như tổ chức đường một chiều, mở các hẻm thông thương các đường lớn thành mạng đường một chiều, giải quyết tập trung từng khu vực, từng quận. Đề xuất các giải pháp về cầu vượt, hầm chui… để giải quyết các điểm xung đột, ùn tắc xe.
- Có chương trình hành động và kế hoạch phối hợp giữa Công an thành phố, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố để điều hành và xử phạt trong việc lập lại trật tự đi đường, dừng đúng nơi, đậu đúng chỗ, đúng quy định.
- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông công chánh tăng cường hoạt động và phối hợp Công an thành phố kiểm tra tình hình thực hiện và chấp hành quy định giờ cao điểm của các xe tải tại các tuyến đường cửa ngõ thành phố và tham gia điều tiết giao thông giờ cao điểm.
4. Tiếp tục tăng cường thêm tối thiểu 13 tuyến xe buýt mẫu,giải quyết tập trung việc đưa đón học sinh ở 14 trường, các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung. Khôi phục lại toàn bộ hoạt động đưa đón công nhân ở các đơn vị trung ương, địa phương đóng trên địa bàn thành phố.
5. Chương trình chống ngập :
Sở Giao thông công chánh tiếp tục hoàn tất 3 công trình cải tạo và lắp đặt mới hệ thống thoát nước để hoàn thành 5 điểm ngập đã đăng ký với Thành Ủy và Ủy ban nhân dân thành phố năm 2001, cụ thể như sau :
+ Xây dựng hệ thống thoát nước đường Tân Kỳ-Tân Quý, quận Tân Bình – Bình Chánh ( 1 điểm).
+ Cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Thượng Hiền – quận Bình Thạnh – Gò Vấp – Phú Nhuận (2 điểm).
+ Cải tạo rạch Cầu Mé – Quận 11 ( 2 điểm).
Sở Giao thông công chánh tiếp tục xây dựng cải tạo hoàn thành các dự án giải quyết xóa 20 điểm ngập trong năm 2002 :
- Cải tạo thoát nước đường Trần Đình Xu – Nguyễn Cảnh Chân, Quận 1.
- Cải tạo thoát nước đường Nguyễn Thái Học, Cô Bắc, Cô Giang – Quận 1 (2 điểm ).
- Lắp đặt thoát nước đường An Dương Vương – Quận 6.
- Dự án cải tạo nâng cấp đường Đinh Bộ Lĩnh.
- Nâng cấp thoát nước đường Nguyễn Sĩ Cố - Quận 8.
- Nâng cấp thoát nước hẻm 285 Nơ Trang Long – quận Bình Thạnh.
- Nâng cấp thoát nước hẻm 338 Nơ Trang Long – quận Bình Thạnh.
- Đặt cống đường Trần Xuân Soạn – Quận 7 (2 điểm).
- Cải tạo hệ thống thoát nước đường Hoàng Văn Thụ – quận Tân Bình.
- Nâng cấp thoát nước đường Trần Tuấn Khải – Quận 5.
- Đặt cống Tỉnh lộ 16.
- Nâng cấp thoát nước đường Lương Văn Can – Quận 8.
- Đặt cống đường Hương lộ 3 – huyện Bình Chánh.
- Dự án thoát nước đường Lò Siêu.
- Dự án thoát nước đường Nơ Trang Long (Lê Quang Định-Trần Quý Cáp).
- Dự án thoát nước đường Trần Bình Trọng.
- Dự án xây dựng bơm chống ngập khu vực cư xá 30/4 phường 25.
Các quận-huyện có liên quan chịu trách nhiệm phối hợp giải quyết công tác đền bù giải tỏa để Sở Giao thông công chánh hoàn thành công tác này.
6. Chương trình giải quyết chống lấn chiếm xây dựng :
- Năm 2002 phải công bố chỉ giới đường thủy các sông rạch ở các quận nội thành và huyện Nhà Bè.
- Có kế hoạch chống lấn chiếm, kế hoạch di dời nhà cửa lấn chiếm và xây dựng xong chương trình chỉnh trang hành lang sông rạch trên các tuyến sông rạch trong nội thành cũ là : Rạch Lò Gốm - ông Buông - Tân Hóa - Bàu Cát - 19/5 (quận 6, quận 11, Tân Bình).
. Rạch Văn Thánh.
. Rạch xuyên tâm quận Bình Thạnh.
. Toàn bộ kênh rạch ở quận 7, quận 8.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện có liên quan chịu trách nhiệm chính về chương trình này, Kiến trúc sư trưởng thành phố, Sở Giao thông công chánh, Sở Xây dựng, Sở Tài chánh-Vật giá có trách nhiệm hỗ trợ nghiệp vụ địa phương để hoàn thành công tác này.
7. Chương trình giải quyết rác cho thành phố :
- Sở Giao thông công chánh chịu trách nhiệm tiếp tục thực hiện các chương trình rác đang triển khai. Năm 2002 đưa từng bước việc xã hội hóa công tác thu gom xử lý rác vào thực hiện nhằm giải quyết tốt và hợp lý quy trình xử lý rác.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện chịu trách nhiệm đưa phong trào giữ gìn vệ sinh đường phố vào từng khu phố trên địa bàn, phối hợp đồng bộ với Sở Giao thông công chánh về vệ sinh đô thị cho thành phố.
8. Chương trình lập lại trật tự quảng cáo :
- Sở Văn hóa và Thông tin chịu trách nhiệm thông qua quyi hoạch quảng cáo trên không gian kiến trúc đô thị ở thành phố. Không phát triển các quảng cáo thương mại trên trạm dừng, nhà chờ xe bus mà chỉ dành quảng cáo cho hoạt động của xe bus.
- Kiến trúc sư trưởng thành phố, Sở Giao thông công chánh, Ủy ban nhân dân các quận-huyện chịu trách nhiệm phối hợp nghiệp vụ với Sở Văn hóa và Thông tin để hoàn thành các đề án quy hoạch này đưa vào thực hiện.
9. Chương trình chỉnh trang, kết hợp giải quyết ô nhiễm trong đô thị :
Ngoài các chương trình chỉnh trang ô nhiễm trên kênh rạch, năm 2002 tập trung khoanh vùng các điểm ô nhiễm từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong nội thành (61 điểm), các kho tàng, bến bãi, nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm. Thành phố tiến hành thanh lý các kho tàng không hoạt động hữu ích, không quản lý tốt vệ sinh đô thị để đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Đẩy mạnh kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm, gây ách tắc giao thông ra ngoại vi (theo kế hoạch riêng – Kết thúc cơ bản trong năm 2005).
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện quản lý địa bàn có trách nhiệm báo cáo và đề xuất những vị trí trong nội dung này. Các ngành, các đơn vị liên quan có trách nhiệm lập kế hoạch thực hiện để báo cáo thành phố.
10. Đẩy mạnh tiến độ các công trình giao thông công chánh trọng điểm thuộc kế hoạch năm 2002, trọng tâm là các công trình cầu đường, cầu vượt (cho xe và người đi bộ), nâng cấp cải tạo các giao lộ, đèn điều khiển giao thông.
C.- BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN :
- Căn cứ các giải pháp nêu trên, Sở Giao thông công chánh và Công an thành phố chủ trì chỉ đạo các đơn vị liên quan lập kế hoạch và tiến độ thực hiện làm cơ sở triển khai và đánh giá kết quả thực hiện của đơn vị trong từng giai đoạn cụ thể để báo cáo và xử lý chấn chỉnh kịp thời.
- Các Sở ban ngành, quận-huyện các tổ chức, đơn vị, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố rút kinh nghiệm quá trình thực hiện trong năm 2001 thường xuyên theo dõi đôn đốc các đơn vị để triển khai nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố các biện pháp, chính sách hỗ trợ cần thiết.
- Tổ chức khảo sát đánh giá kết quả thực hiện định kỳ hoặc đột xuất để kịp thời ghi nhận các kết quả đạt được, cũng như các tồn tại cần phải chấn chỉnh khắc phục ngay. Báo cáo thường kỳ cho bộ phận thường trực cấp thành phố (Sở Giao thông công chánh và Công an thành phố) để nắm tình hình và tổng hợp báo cáo, đề xuất các biện pháp giải quyết.
1. Thời gian thực hiện :
- Quý I năm 2002 : Xây dựng và thông qua kế hoạch cụ thể.
- Trung tuần tháng 5/2002 tổ chức sơ kết thí điểm ra quân đợt đầu của các đơn vị như Sở Giao thông công chánh, Công an thành phố, Ủy ban nhân dân quận 1, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thông tin…
- Quý II năm 2002 : Sơ kết đánh giá đợt I vào cuối tháng 6/2002 với yêu cầu đạt 50% khối lượng công việc và mục tiêu đề ra cho năm 2002.
- Quý III năm 2002 : Củng cố kết quả đạt được, đẩy mạnh việc tổ chức và mở rộng phạm vi thực hiện, phấn đấu hoàn thành 100% mục tiêu và nội dung đã đề ra. Tổ chức đánh giá, nghiệm thu từng chương trình, mục tiêu của các ngành.
- Dự kiến tổ chức hội nghị tổng kết vào giữa tháng 12/2002. Trên cơ sở giữ vững các kết quả đạt được nhằm xây dựng khu vực trung tâm thành phố văn minh – sạch đẹp để làm cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện lâu dài chương trình chỉnh trang đô thị toàn thành phố và tạo ý thức cao trong mỗi người dân thành phố về trách nhiệm cộng đồng, giữ vững và nâng cao ý thức quản lý đô thị.
2 Điều hành thực hiện :
- Hàng tháng Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức giao ban với các Sở ban ngành, Ủy ban nhân dân các quận-huyện, các cơ quan đơn vị. Hàng quý sơ kết và 6 tháng tổng hợp báo cáo Thành Ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố.
- Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở ban ngành, các cơ quan đơn vị trên địa bàn thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận- huyện, phường-xã căn cứ theo nhiệm vụ, tình hình của đơn vị và nội dung kế hoạch này để xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, về tổ chức triển khai thực hiện ngay, đồng thời có báo cáo kết quả định kỳ và chịu trách nhiệm về hiệu quả công việc trước Ủy ban nhân dân thành phố./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
- 1Chỉ thị 02/2001/CT-UB thực hiện 12 Chương trình và Công trình trọng điểm của thành phố trong giai đoạn 2001 - 2005 và kế hoạch thực hiện Năm trật tự đô thị trong năm 2001 do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Quyết định 37/2001/QĐ-UB ban hành Kế hoạch thực hiện Năm trật tự đô thị - 2001 do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Quyết định 45/2002/QĐ-UB bổ sung Kế hoạch thực hiện Năm trật tự đô thị - 2002 do Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 45/2002/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 03/05/2002
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Vũ Hùng Việt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra