Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 444/QĐ-VKSTC | Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 2023 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÁC PHẦN MỀM ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN DÙNG CHUNG TRONG NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN
Căn cứ Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin năm 2006 (sửa đổi bổ sung năm 2017):
Căn cứ Luật An toàn thông tin mạng năm 2015;
Căn cứ Luật An ninh mạng năm 2018;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin và Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Quản lý, sử dụng các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. VIỆN TRƯỞNG |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÁC PHẦN MỀM ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN DÙNG CHUNG TRONG NGÀNH KIẾM SÁT NHÂN DÂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 444/QĐ-VKSTC ngày 14/12/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định nguyên tắc, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung trong ngành Kiểm sát nhân dân (sau đây gọi tắt là phần mềm).
Quy chế này không điều chỉnh đối với việc quản lý, sử dụng các phần mềm không do Viện kiểm sát nhân dân tối cao đầu tư, cung cấp.
2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này được áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng các phần mềm, gồm:
a) Các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
b) Các Viện kiểm sát nhân dân cấp cao;
c) Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
d) Công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Điều 2. Từ ngữ sử dụng trong Quy chế
Các thuật ngữ về công nghệ thông tin trong Quy chế này được hiểu theo các quy định của Luật Công nghệ thông tin và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Ngoài ra, một số từ ngữ sử dụng trong Quy chế được hiểu như sau:
1. Phần mềm: Là chương trình máy tính được mô tả bằng hệ thống ký hiệu, mã hoặc ngôn ngữ để điều khiển thiết bị số thực hiện chức năng nhất định,
2. Ứng dụng công nghệ thông tin: Là việc sử dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh và các hoạt động khác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của các hoạt động này.
3. An toàn thông tin: Là sự bảo vệ thông tin và các hệ thống thông tin tránh bị truy nhập, sử dụng, tiết lộ, gián đoạn, sửa đổi hoặc phá hoại trái phép nhằm bảo đảm tính nguyên vẹn, tính bảo mật và tính khả dụng của thông tin.
4. An ninh thông tin: Là việc bảo đảm thông tin trên mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bí mật nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân.
5. Cơ sở dữ liệu: Là tập hợp các dữ liệu được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, quản lý, sử dụng và cập nhật thông qua phương tiện điện tử.
6. Các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung trong ngành Kiểm sát nhân dân: Là các phần mềm do Viện kiểm sát nhân dân tối cao đầu tư, cung cấp cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong ngành Kiểm sát nhân dân quản lý, sử dụng.
7. Đơn vị chủ quản: Là đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao nhiệm vụ quản lý các phần mềm.
8. Đơn vị chuyên quản phần mềm: Là đơn vị chủ trì về nội dung, quy trình nghiệp vụ của các phần mềm, được giao nhiệm vụ quản lý nội dung, thông tin của phần mềm (Vụ 15 là đơn vị chuyên quản phần mềm quản lý nhân sự; Vụ 16 là đơn vị chuyên quản phần mềm quản lý công tác Thi đua - Khen thưởng,...).
9. Người quản trị: Là công chức, viên chức công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân được giao nhiệm vụ cấp quyền, tài khoản sử dụng và cập nhật thông số hệ thống cho phần mềm.
10. Người sử dụng: Là công chức, viên chức và người lao động công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân được cấp tài khoản để sử dụng các phần mềm.
11. Tài khoản sử dụng: Là tài khoản được lập, quản lý theo tên riêng không trùng lặp (user name) và mật khẩu (password) được cung cấp cho các công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân để truy cập, sử dụng phần mềm.
12. Tài khoản quản trị cấp 1: Là tài khoản mà người được giao tài khoản này có thể cấp quyền, tài khoản sử dụng và cập nhật thông số hệ thống cho phần mềm.
13. Tài khoản quản trị cấp 2: Là tài khoản mà người được giao tài khoản này có thể cấp quyền, tài khoản sử dụng và cập nhật thông số hệ thống cho phần mềm trong nội bộ cơ quan, đơn vị của mình.
Điều 3. Nguyên tắc quản lý, sử dụng các phần mềm
1. Bảo đảm việc quản lý, sử dụng các phần mềm theo đúng quy định của pháp luật, quy định của Quy chế này và các quy định có liên quan để nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, chuyên môn nghiệp vụ và thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân.
2. Công chức, viên chức và người lao động công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân có trách nhiệm bảo mật dữ liệu điện tử.
3. Văn bản điện tử được ký số bởi người có thẩm quyền và ký số của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật có giá trị pháp lý như bản gốc văn bản giấy.
4. Phần mềm được quản lý tập trung, thống nhất tại Trung tâm dữ liệu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, vận hành thông qua hệ thống mạng, hoạt động liên tục, được bảo đảm an toàn, bảo mật trong quá trình quản lý, sử dụng.
5. Ngôn ngữ sử dụng trong phần mềm là tiếng Việt, mã font chữ sử dụng bộ mã Unicode theo tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành (hiện tại là TCVN 6909:2001).
6. Tuân thủ kiến trúc Viện kiểm sát điện tử.
Điều 4. Các hành vi bị nghiêm cấm
Người quản trị, người sử dụng các phần mềm không được thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật, của ngành Kiểm sát nhân dân và các hành vi sau đây:
1. Tự ý thay đổi tính năng, giao diện của các phần mềm;
2. Tự ý cài đặt, gỡ bỏ các phần mềm gây ảnh hưởng đến công việc;
3. Sử dụng quyền quản trị để truy cập trái phép dữ liệu của các phần mềm;
4. Cung cấp tài khoản, thông tin, nội dung, dữ liệu các phần mềm cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi chưa được sự đồng ý của người có thẩm quyền.
Điều 5. Danh mục các phần mềm
1. Phần mềm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, gồm:
a) Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành;
b) Hệ thống Thư điện tử công vụ;
c) Hệ thống Truyền hình hội nghị;
d) Cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
2. Phần mềm trong công tác nghiệp vụ, gồm:
a) Phần mềm Quản lý và thống kê án hình sự;
b) Phần mềm Quản lý và thống kê án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, phá sản doanh nghiệp;
c) Phần mềm số thụ lý nghiệp vụ điện tử án hình sự;
đ) Phần mềm Sổ thụ lý nghiệp vụ điện tử án dân sự, hành chính, thi hành án;
đ) Phần mềm Quản lý đơn, giải quyết khiếu nại tố cáo;
e) Phần mềm Quản lý đơn, án giám đốc thẩm, tái thẩm;
f) Phần mềm Thống kê.
3. Phần mềm trong công tác văn phòng, quản trị nội bộ, gồm:
a) Phần mềm Quản lý nhân sự;
b) Phần mềm Quản lý công tác thanh tra;
d) Phần mềm Quản lý công tác thi đua - khen thưởng;
đ) Phần mềm Lưu trữ và số hóa tài liệu;
e) Phần mềm Kế toán - tài chính;
f) Phần mềm Quản lý tài sản công;
4. Các phần mềm khác do Viện kiểm sát nhân dân tối cao đầu tư, cung cấp.
Chương II
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÁC PHẦN MỀM
Điều 6. Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin
1. Là đơn vị chủ quản, chịu trách nhiệm về kỹ thuật công nghệ thông tin đối với các phần mềm, được giao thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 5 Điều 3 của Quy chế tổ chức hoạt động của Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin (Cục 2) (ban hành kèm theo Quyết định số 19/QĐ-VKSTC-C2 ngày 20/11/2015 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao).
2. Có trách nhiệm tiếp nhận các sản phẩm, tài liệu kỹ thuật của các phần mềm, gồm;
a) Các tài liệu của từng giai đoạn trong quá trình phát triển hoặc nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm theo nội dung hợp đồng đã ký kết;
b) Bộ chương trình cài đặt phần mềm;
c) Mã nguồn của chương trình (nếu có);
đ) Các tài liệu hướng dẫn sử dụng, quản trị, vận hành; các tài liệu phục vụ đào tạo người sử dụng, quản trị, vận hành; các tài liệu quy trình bảo trì (nếu có); các hướng dẫn về kỹ thuật và tiêu chuẩn, quy chuẩn (nếu có);
đ) Tài liệu kỹ thuật phục vụ kết nối theo quy định (đối với dự án có kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, cơ quan trung ương, địa phương).
3. Bảo đảm cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện việc cài đặt, vận hành các phần mềm.
4. Phối hợp tổ chức, tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ người sử dụng thực hiện các phần mềm tại các đơn vị, Viện kiểm sát nhân dân các cấp.
5. Quản lý cơ sở dữ liệu, các phần mềm theo thẩm quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan và quy định của Quy chế này.
6. Duy trì các phần mềm hoạt động thông suốt; sao lưu dữ liệu định kỳ của các phần mềm.
7. Chủ trì trong việc bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp các phần mềm.
8. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin đối với hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu, các phần mềm theo cấp độ.
9. Tiếp nhận ý kiến của của người sử dụng, giải đáp khó khăn, vướng mắc, khắc phục sự cố liên quan về đến kỹ thuật công nghệ thông tin đối với các phần mềm.
10. Thông báo kịp thời đến các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong trường hợp phần mềm gặp sự cố kỹ thuật hoặc bảo trì hệ thống.
11. Đề xuất các giải pháp về kỹ thuật cần điều chỉnh trong quá trình quản lý, sử dụng các phần mềm.
Điều 7. Đơn vị chuyên quản phần mềm
Các đơn vị chuyên quản phần mềm có trách nhiệm:
1. Tiếp nhận tài khoản quản trị (tài khoản quản trị cấp 1) để quản lý toàn bộ hệ thống phần mềm.
2. Cấp tài khoản quản trị cấp 2 cho đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.
3. Thay đổi mật khẩu tài khoản khi đăng nhập phần mềm lần đầu, thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập (01 tháng/ 01 lần); trường hợp bị lộ mật khẩu phải thay đổi ngay mật khẩu; mất quyền kiểm soát tài khoản phải báo ngay cho Cục 2 để phối hợp xử lý.
4. Chủ trì, phối hợp với Cục 2 hỗ trợ, hướng dẫn việc cấp mới, thu hồi, phân quyền, thiết lập lại mật khẩu cho tài khoản của người sử dụng đối với các phần mềm chỉ cấp tài khoản tới từng cơ quan, đơn vị trong toàn Ngành.
5. Phối hợp với Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cục 2 hướng dẫn nghiệp vụ, tập huấn, đào tạo việc quản lý, sử dụng phần mềm.
6. Cập nhật các danh mục dùng chung cho phần mềm như: danh mục các cơ quan, đơn vị; danh mục điều luật và các danh mục khác (nếu có).
7. Thiết lập chính sách cho các nhóm đối tượng như: Nhóm lãnh đạo, nhóm quản trị cấp 2, nhóm người sử dụng và các nhóm khác (nếu có).
8. Chủ trì tiếp nhận, trả lời khó khăn, vướng mắc liên quan đến nghiệp vụ của phần mềm.
9. Tổng hợp các thông tin, yêu cầu chỉnh sửa, nâng cấp về nghiệp vụ liên quan đến các phần mềm gửi Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để giải quyết.
Điều 8. Trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp
1. Văn phòng có trách nhiệm phối hợp với đơn vị xây dựng phần mềm, Cục 2 và các đơn vị liên quan để tập huấn, bảo trì, bảo dưỡng các phần mềm; dự toán, quyết toán kinh phí bảo trì, bảo dưỡng các phần mềm.
2. Cục Kế hoạch - Tài chính bố trí kinh phí bảo trì, bảo dưỡng và nâng cấp phần mềm.
3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Tổ chức tiếp nhận, thực hiện các phần mềm.
b) Quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ sử dụng phần mềm phải cập nhật dữ liệu chính xác, đầy đủ, kịp thời theo đúng thời hạn báo cáo thống kê theo quy định.
c) Quản lý dữ liệu thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị mình.
d) Chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, khách quan của dữ liệu do cơ quan, đơn vị, cá nhân cập nhật vào các phần mềm.
Điều 9. Trách nhiệm của người quản trị
1. Cấp, thu hồi tài khoản, phân quyền các chức năng của phần mềm cho người sử dụng.
2. Thiết lập các thông số hệ thống cho phần mềm.
3. Thay đổi mật khẩu tài khoản khi đăng nhập phần mềm lần đầu, thường xuyên thay đổi mật khẩu (01 tháng/ 01 lần). Trường hợp bị lộ mật khẩu phải thay đổi ngay mật khẩu; mất quyền kiểm soát tài khoản phải báo ngay cho Cục 2 để phối hợp xử lý.
Điều 10. Trách nhiệm của người sử dụng
1. Tìm hiểu, nắm vững các nội dung, tính năng của phần mềm để sử dụng theo đúng quy định, quy trình được hướng dẫn để thực hiện kịp thời, có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
2. Bảo mật tài khoản truy cập được cấp; thay đổi mật khẩu tài khoản khi đăng nhập phần mềm lần đầu tiên, khuyến khích thường xuyên thay đổi mật khẩu (01 tháng/ 01 lần); trường hợp bị lộ mật khẩu phải thay đổi ngay mật khẩu; mất quyền kiểm soát tài khoản phải báo ngay cho bộ phận quản trị phần mềm để kịp thời khắc phục.
3. Không chia sẻ thông tin, dữ liệu của phần mềm cho người khác. Khi có quyết định thay đổi vị trí, chuyển công tác, thôi việc hoặc nghỉ hưu phải bàn giao tài khoản, thông tin, dữ liệu trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc và thông báo cho người quản trị để thu hồi tài khoản.
4. Thực hiện nghiêm kỷ luật công vụ; thường xuyên đăng nhập phần mềm để xử lý công việc; cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác dữ liệu vào phần mềm.
5. Chịu trách nhiệm về mặt nội dung và tính chính xác của các thông tin đã cập nhập vào phần mềm.
6. Kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc và đề xuất sửa đổi, bổ sung các tính năng của phần mềm với lãnh đạo cấp trên trực tiếp hoặc Cục 2 để tổng hợp, xử lý.
Điều 11. Bảo hành, bảo trì, bảo dưỡng và nâng cấp các phần mềm
1. Bảo hành phần mềm:
a) Cục 2 có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện các sai hỏng về mặt kỹ thuật, thông báo để Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu nhà thầu sửa chữa, khắc phục, thay thế.
b) Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm yêu cầu nhà thầu hoàn thiện những nội dung về nghiệp vụ liên quan đến phần mềm từ đơn vị chuyên quản phần mềm đề xuất.
2. Bảo trì, bảo dưỡng phần mềm:
Cục 2 có trách nhiệm:
a) Nghiên cứu, rà soát, đề xuất các chủ trương nâng cấp, bảo trì, bảo dưỡng các phần mềm, trình lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê duyệt;
b) Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đưa ra các danh mục, tính năng, nội dung của các phần mềm cần bảo trì, bảo dưỡng để đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng;
c) Nghiệm thu kết quả bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp các phần mềm;
d) Tiếp nhận mã nguồn phần mềm các các tài liệu có liên quan sau khi bảo trì, bảo dưỡng.
3. Nâng cấp phần mềm:
Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Cục 2 để đưa ra các yêu cầu, danh mục cần nâng cấp.
4. Đối với các phần mềm được thực hiện theo hình thức thuê dịch vụ thì việc bảo hành, bảo trì, bảo dưỡng và nâng cấp được thực hiện theo hợp đồng.
Điều 12. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin đối với phần mềm
1. Việc quản lý, sử dụng phần mềm phải bảo đảm an toàn, an ninh thông tin đối với dữ liệu và phần mềm theo quy định của pháp luật, của Quy chế bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng của Viện kiểm sát nhân dân và Quy chế này.
2. Đối với các phần mềm được sử dụng theo hình thức thuê dịch vụ thì nhà cung cấp dịch vụ có trách nhiệm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Điều 13. Xử lý vi phạm
Cơ quan, đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của Quy chế này và các quy định khác của ngành Kiểm sát nhân dân liên quan đến việc quản lý, sử dụng các phần mềm, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và của ngành Kiểm sát nhân dân; nếu vi phạm gây thiệt hại đến tài sản, trang thiết bị thì chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Hiệu lực thi hành
Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký Quyết định ban hành.
Điều 15. Trách nhiệm thực hiện
1. Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này. Căn cứ Quy chế này, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương quy định việc quản lý, sử dụng các phần mềm trong Viện kiểm sát quân sự.
2. Cục 2 chủ trì, phối hợp với Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.
3. Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, Viện kiểm sát nhân dân các cấp kịp thời phản ánh về Cục 2 để phối hợp giải quyết, báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định hoặc sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp với thực tiễn yêu cầu công tác./.
- 1Quyết định 60/QĐ-VKSTC năm 2021 về phân cấp phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng công trình và các dự án công nghệ thông tin trong ngành kiểm sát nhân dân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 2Quyết định 359/QĐ-VKSTC năm 2022 phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 3Công văn 4994/VKSTC-C2 về công tác thống kê và công nghệ thông tin năm 2022 do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 4Kế hoạch 221/KH-VKSTC năm 2023 chuyển đổi số ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 5Nghị định 43/2024/NĐ-CP hướng dẫn xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ
- 1Luật Công nghệ thông tin 2006
- 2Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014
- 3Luật an toàn thông tin mạng 2015
- 4Luật An ninh mạng 2018
- 5Văn bản hợp nhất 10/VBHN-VPQH năm 2017 về hợp nhất Luật Công nghệ thông tin do Văn phòng Quốc hội ban hành
- 6Quyết định 60/QĐ-VKSTC năm 2021 về phân cấp phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng công trình và các dự án công nghệ thông tin trong ngành kiểm sát nhân dân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 7Quyết định 359/QĐ-VKSTC năm 2022 phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 8Công văn 4994/VKSTC-C2 về công tác thống kê và công nghệ thông tin năm 2022 do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 9Kế hoạch 221/KH-VKSTC năm 2023 chuyển đổi số ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 10Nghị định 43/2024/NĐ-CP hướng dẫn xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ
Quyết định 444/QĐ-VKSTC năm 2023 về Quy chế quản lý, sử dụng các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- Số hiệu: 444/QĐ-VKSTC
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 14/12/2023
- Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Người ký: Nguyễn Huy Tiến
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 14/12/2023
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra