Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP THỰC HIỆN CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC TRONG BỘ TƯ PHÁP

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 04/2018/TT-BTP ngày 17 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành một số biểu mẫu trong công tác bồi thường;

Căn cứ Quyết định số 1442/QĐ-BTP ngày 26 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc công bố thủ tục hành chính được ban hành mới, thủ tục hành chính được thay thế, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực bồi thường nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Quyết định số 2097/QĐ-BTP ngày 25 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ Tư pháp;

Căn cứ Quyết định số 2155/QĐ-BTP ngày 03 tháng 11 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước trong Bộ Tư pháp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 3056/QĐ-BTP ngày 19/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Điều 3. Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước, Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có liên quan thuộc Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Cổng thông tin Bộ Tư pháp (để đăng tải);
- Lưu: VT, Cục BTNN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Tịnh

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP THỰC HIỆN CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC TRONG BỘ TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 44/QĐ-BTP ngày 16 tháng 01 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định trách nhiệm phối hợp của các cá nhân, đơn vị thuộc Bộ đối với việc thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực bồi thường nhà nước thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp, quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước và một số nhiệm vụ khác về công tác bồi thường nhà nước thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp theo quy định của pháp luật.

2. Quy chế này áp dụng đối với các cá nhân, đơn vị có liên quan thuộc Bộ. Quy chế này không áp dụng đối với các Cục Thi hành án dân sự và Chi cục Thi hành án dân sự ở địa phương.

Điều 2. Nội dung phối hợp

1. Thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực bồi thường nhà nước thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp, bao gồm:

a) Xác định cơ quan giải quyết bồi thường;

b) Giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại;

c) Phục hồi danh dự.

2. Thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.

3. Thực hiện một số nhiệm vụ khác về công tác bồi thường nhà nước.

Điều 3. Nguyên tắc, trách nhiệm phối hợp

1. Việc phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước trong Bộ Tư pháp bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ công tác bồi thường nhà nước theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Quy chế này và Quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực bồi thường nhà nước, bảo đảm thực hiện theo quy định về tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, dịch vụ công trực tuyến, một cửa, một cửa liên thông.

2. Trách nhiệm phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước trong Bộ Tư pháp như sau:

a) Cục Bồi thường nhà nước là đơn vị đầu mối thực hiện, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ thực hiện tiếp nhận và trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực bồi thường nhà nước thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp.

b) Đơn vị chủ trì chủ động thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Quy chế này và Quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực bồi thường nhà nước.

c) Đơn vị phối hợp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, kịp thời với đơn vị chủ trì để thực hiện các nhiệm vụ công tác bồi thường nhà nước theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Quy chế này và Quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực bồi thường nhà nước.

Chương II

PHỐI HỢP THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC

Mục 1. THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH XÁC ĐỊNH CƠ QUAN GIẢI QUYẾT BỒI THƯỜNG

Điều 4. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp

1. Bộ Tư pháp có trách nhiệm xác định cơ quan giải quyết bồi thường đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền của mình theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Cục Bồi thường nhà nước có trách nhiệm tham mưu giúp Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ này.

2. Cục Bồi thường nhà nước có trách nhiệm sau:

a) Tiếp nhận hồ sơ yêu cầu xác định cơ quan giải quyết bồi thường thông qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại Bộ phận một cửa hoặc từ các đơn vị thuộc Bộ chuyển hoặc trực tuyến tại Cổng dịch vụ công của Bộ Tư pháp bảo đảm quy định về tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính theo quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

b) Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tư pháp phụ trách công tác bồi thường nhà nước thực hiện thủ tục xác định cơ quan giải quyết bồi thường và ký các văn bản trong quá trình thực hiện thủ tục xác định cơ quan giải quyết bồi thường thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp.

c) Phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ, các cơ quan, tổ chức khác có liên quan xác định cơ quan giải quyết bồi thường theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

d) Cập nhật tình hình thực hiện, kết quả xác định cơ quan giải quyết bồi thường trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp.

đ) Lưu trữ hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính xác định cơ quan giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Trách nhiệm của Văn phòng Bộ

Trường hợp yêu cầu xác định cơ quan giải quyết bồi thường gửi đến Văn thư Bộ Tư pháp thì Văn phòng Bộ có trách nhiệm chuyển kịp thời cho Cục Bồi thường nhà nước để tham mưu thực hiện.

Hồ sơ tiếp nhận trực tiếp được chuyển ngay trong ngày làm việc hoặc chuyển vào đầu giờ ngày làm việc tiếp theo đối với trường hợp tiếp nhận sau 15 giờ hàng ngày.

Mục 2. THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH GIẢI QUYẾT YÊU CẦU BỒI THƯỜNG TẠI CƠ QUAN TRỰC TIẾP QUẢN LÝ NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ GÂY THIỆT HẠI

Điều 6. Cơ quan giải quyết bồi thường

1. Các đơn vị có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng thuộc Bộ Tư pháp có trách nhiệm giải quyết yêu cầu bồi thường đối với vụ việc phát sinh do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ của đơn vị mình.

2. Các đơn vị không có tư cách pháp nhân, không có tài khoản riêng của Bộ Tư pháp có trách nhiệm tham mưu cho Bộ Tư pháp giải quyết yêu cầu bồi thường đối với vụ việc phát sinh do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ của đơn vị mình.

Điều 7. Trách nhiệm của Cục Bồi thường nhà nước

1. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ yêu cầu bồi thường

a) Cục Bồi thường nhà nước có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường thông qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại Bộ phận một cửa hoặc từ các đơn vị thuộc Bộ chuyển hoặc trực tuyến tại Cổng dịch vụ công của Bộ Tư pháp bảo đảm quy định về tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính theo quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

b) Cục Bồi thường nhà nước có trách nhiệm ghi vào sổ nhận hồ sơ và cấp giấy xác nhận hoặc thông báo bằng văn bản về việc đã nhận hồ sơ cho người yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

c) Cục Bồi thường nhà nước báo cáo và tham mưu cho Lãnh đạo Bộ phụ trách công tác bồi thường nhà nước phân công cơ quan giải quyết bồi thường theo quy định tại Điều 6 Quy chế này.

2. Trên cơ sở phân công của Lãnh đạo Bộ phụ trách công tác bồi thường nhà nước, Cục Bồi thường nhà nước chuyển ngay hồ sơ yêu cầu bồi thường cho cơ quan giải quyết bồi thường như sau:

a) Chuyển dữ liệu hồ sơ điện tử của tổ chức, cá nhân đến cơ quan giải quyết bồi thường trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ.

b) Chuyển ngay hồ sơ tiếp nhận trực tiếp trong ngày làm việc hoặc chuyển vào đầu giờ ngày làm việc tiếp theo đối với trường hợp tiếp nhận sau 15 giờ hàng ngày.

3. Cục Bồi thường nhà nước có trách nhiệm cập nhật, công khai kết quả giải quyết yêu cầu bồi thường trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp sau khi nhận được Quyết định giải quyết bồi thường, biên bản trao quyết định giải quyết bồi thường, thông báo về việc chi trả tiền bồi thường và giấy tờ xác nhận việc chi trả tiền bồi thường (nếu có) do cán bộ, công chức được phân công làm đầu mối giải quyết của cơ quan giải quyết bồi thường gửi lại qua Hệ thống.

4. Theo dõi, giám sát, đánh giá, đôn đốc việc giải quyết yêu cầu bồi thường của các cơ quan giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật và tình hình cập nhật thông tin giải quyết yêu cầu bồi thường của cơ quan giải quyết bồi thường trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp.

5. Phối hợp thực hiện đối với nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Cục Bồi thường nhà nước theo Quy chế này.

6. Lưu trữ hồ sơ tiếp nhận và đánh giá, phân loại, tham mưu Lãnh đạo Bộ phân công cơ quan giải quyết, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và Quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực bồi thường nhà nước.

Điều 8. Trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường

1. Sau khi nhận được hồ sơ do Cục Bồi thường nhà nước chuyển, cơ quan giải quyết bồi thường quy định tại Điều 6 Quy chế này có trách nhiệm sau:

a) Đơn vị có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng thuộc Bộ Tư pháp chủ trì kiểm tra, xử lý hồ sơ, giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật và quy trình nội bộ về thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực bồi thường nhà nước của Bộ Tư pháp; tham mưu Lãnh đạo Bộ phụ trách đơn vị mình thực hiện giải quyết yêu cầu bồi thường.

b) Đơn vị không có tư cách pháp nhân, không có tài khoản riêng của Bộ Tư pháp tham mưu việc kiểm tra, xử lý hồ sơ, giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật, Quy chế này và Quy trình nội bộ về thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực bồi thường nhà nước của Bộ Tư pháp; tham mưu cho Lãnh đạo Bộ phụ trách đơn vị mình ký các văn bản trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường, cử công chức của đơn vị mình tham gia tố tụng dân sự với tư cách là bị đơn trong trường hợp giải quyết yêu cầu bồi thường tại Tòa án.

2. Trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường, cán bộ, công chức được phân công làm đầu mối giải quyết sử dụng tài khoản được phân quyền trên Hệ thống để cập nhật thông tin, tình hình giải quyết yêu cầu bồi thường trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp.

Sau khi có Quyết định giải quyết bồi thường, biên bản trao quyết định giải quyết bồi thường, thông báo về việc chi trả tiền bồi thường và giấy tờ xác nhận việc chi trả tiền bồi thường (nếu có), cán bộ, công chức được phân công làm đầu mối giải quyết sử dụng tài khoản được phân quyền để cập nhật văn bản trên Hệ thống, đính kèm văn bản điện tử kết quả giải quyết và gửi lại cho đầu mối tiếp nhận tại Bộ phận Một cửa để đăng tải công khai trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp.

3. Phối hợp với Cục Bồi thường nhà nước và các đơn vị liên quan trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường và chi trả tiền bồi thường, thực hiện các nhiệm vụ khác được quy định tại Quy chế này.

4. Tham gia tố tụng dân sự với tư cách là bị đơn trong quá trình tố tụng dân sự khi giải quyết yêu cầu bồi thường tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

5. Lưu trữ hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Trách nhiệm của các đơn vị khác thuộc Bộ

1. Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với cơ quan giải quyết bồi thường thực hiện việc cử người giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Cục Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan giải quyết bồi thường thực hiện việc chi trả tiền bồi thường.

3. Văn phòng Bộ, Cục Công nghệ thông tin có trách nhiệm phối hợp với Cục Bồi thường nhà nước và cơ quan giải quyết bồi thường thực hiện thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp, thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực bồi thường nhà nước trên Cổng Dịch vụ công Bộ Tư pháp và Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Cục Công nghệ thông tin có trách nhiệm bảo đảm về mặt phân quyền sử dụng tài khoản trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp cho cơ quan giải quyết thủ tục hành chính và Cục Bồi thường nhà nước để thực hiện nhiệm vụ được giao theo định tại Quy chế này.

4. Các đơn vị thuộc Bộ nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường có trách nhiệm gửi ngay về Cục Bồi thường nhà nước để Cục tiếp nhận, xử lý theo quy định tại Quy chế này và phối hợp giải quyết yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường.

Mục 3. THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH PHỤC HỒI DANH DỰ

Điều 10. Đơn vị thực hiện thủ tục phục hồi danh dự

1. Bộ Tư pháp có trách nhiệm thực hiện thủ tục phục hồi danh dự đối với trường hợp ra quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp.

Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm tham mưu cho Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ này.

2. Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm thực hiện thủ tục phục hồi danh dự đối với trường hợp ra quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức thuộc thẩm quyền của mình theo phân cấp quản lý công chức thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành á n dân sự của Bộ Tư pháp.

Điều 11. Trách nhiệm của Vụ Tổ chức cán bộ và Tổng cục Thi hành án dân sự

1. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm tham mưu cho Lãnh đạo Bộ thực hiện thủ tục phục hồi danh dự đối với trường hợp ra quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp theo quy định của pháp luật.

2. Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ động thực hiện phục hồi danh dự đối với các trường hợp ra quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức thuộc thẩm quyền của mình theo quy định của pháp luật.

3. Trong quá trình chủ động thực hiện phục hồi danh dự, Vụ Tổ chức cán bộ và Tổng cục Thi hành án dân sự thực hiện số hóa hồ sơ thủ tục phục hồi danh dự và cập nhật vào Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp để Cục Bồi thường nhà nước cập nhật, theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính.

4. Trong quá trình thực hiện phục hồi danh dự cán bộ, công chức được phân công làm đầu mối giải quyết sử dụng tài khoản được phân quyền trên Hệ thống để cập nhật thông tin, tình hình phục hồi danh dự trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp.

Sau khi có Tờ báo có nội dung xin lỗi và cải chính công khai, cán bộ, công chức được phân công làm đầu mối giải quyết sử dụng tài khoản được phân quyền để cập nhật văn bản lên Hệ thống, đính kèm văn bản điện tử kết quả giải quyết và gửi lại cho đầu mối tiếp nhận tại Bộ phận Một cửa để đăng tải công khai trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp.

5. Lưu trữ hồ sơ thực hiện thủ tục phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Trách nhiệm của Cục Bồi thường nhà nước

1. Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và Tổng cục Thi hành án dân sự thực hiện thủ tục phục hồi danh dự khi có yêu cầu.

2. Công khai kết quả phục hồi danh dự

Cục Bồi thường nhà nước có trách nhiệm cập nhật, công khai Tờ báo có nội dung xin lỗi và cải chính công khai trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp sau khi nhận được từ cán bộ, công chức được phân công làm đầu mối giải quyết của cơ quan giải quyết bồi thường gửi lại qua Hệ thống.

3. Theo dõi, giám sát, đánh giá, đôn đốc việc phục hồi danh dự của các đơn vị có trách nhiệm thực hiện thủ tục phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật và tình hình thực hiện thủ tục phục hồi danh dự trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp.

Chương III

PHỐI HỢP THỰC HIỆN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ KHÁC VỀ CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC

Mục 1. PHỐI HỢP THỰC HIỆN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC

Điều 13. Nội dung phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước

Việc phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước gồm các nội dung sau:

1. Hướng dẫn nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước; giải đáp vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

2. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác bồi thường nhà nước.

3. Thanh tra công tác bồi thường nhà nước.

4. Hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước.

5. Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong công tác bồi thường nhà nước.

6. Xử lý, cung cấp thông tin về công tác bồi thường nhà nước theo quy định của pháp luật.

7. Thống kê, báo cáo công tác bồi thường nhà nước trong Bộ Tư pháp.

Điều 14. Trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước

1. Cục Bồi thường nhà nước chủ trì, tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.

2. Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ có trách nhiệm phối hợp với Cục Bồi thường nhà nước trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.

Điều 15. Trách nhiệm của Cục Bồi thường nhà nước

1. Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ phụ trách công tác bồi thường nhà nước, chủ trì thực hiện các nhiệm vụ quy định tại các khoản 1, 2, 4, 7 Điều 13 Quy chế này.

2. Phối hợp với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ quy định tại các khoản 3, 5, 6 Điều 13 Quy chế này.

Điều 16. Trách nhiệm của Thanh tra Bộ

1. Thực hiện thanh tra công tác bồi thường nhà nước theo quy định của pháp luật về thanh tra và pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

2. Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác bồi thường nhà nước theo quy định của pháp luật về khiếu nại, pháp luật về tố cáo.

3. Phối hợp với Cục Bồi thường nhà nước trong thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều này.

Điều 17. Trách nhiệm của Văn phòng Bộ

Phối hợp với Cục Bồi thường nhà nước và các đơn vị liên quan cung cấp thông tin về công tác bồi thường nhà nước theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin và các quy định về cung cấp thông tin cho báo chí.

Điều 18. Trách nhiệm của Tổng cục Thi hành án dân sự

Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm phối hợp với Cục Bồi thường nhà nước thực hiện công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự.

Điều 19. Trách nhiệm của các đơn vị khác thuộc Bộ

Các đơn vị khác thuộc Bộ có trách nhiệm phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trong Bộ Tư pháp quy định tại Điều 13 Quy chế này theo yêu cầu của đơn vị chủ trì.

Mục 2. PHỐI HỢP THỰC HIỆN MỘT SỐ NHIỆM VỤ KHÁC VỀ CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC

Điều 20. Xác định trách nhiệm hoàn trả

1. Các đơn vị không có tư cách pháp nhân, không có tài khoản riêng của Bộ Tư pháp chủ trì, tham mưu cho Bộ Tư pháp xác định trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật.

Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ và các đơn vị, tổ chức khác có liên quan phối hợp với các đơn vị không có tư cách pháp nhân, không có tài khoản riêng của Bộ Tư pháp thực hiện xác định trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

2. Các đơn vị có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng thuộc Bộ Tư pháp xác định trách nhiệm hoàn trả đối với vụ việc yêu cầu bồi thường do mình giải quyết theo quy định của pháp luật.

Các đơn vị, tổ chức có liên quan phối hợp thực hiện xác định trách nhiệm hoàn trả.

Điều 21. Phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ khác về công tác bồi thường nhà nước

1. Đối với một số nhiệm vụ khác về công tác bồi thường nhà nước, việc xác định đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm chủ trì và đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm phối hợp căn cứ theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ.

2. Đơn vị chủ trì căn cứ vào nội dung nhiệm vụ, quy định của pháp luật và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trong trường hợp cần phối hợp thì đơn vị chủ trì xác định đơn vị có trách nhiệm phối hợp, việc đề nghị phối hợp được thực hiện bằng văn bản.

3. Đơn vị thuộc Bộ được đề nghị phối hợp có trách nhiệm thực hiện theo đúng nội dung và thời hạn được nêu trong văn bản đề nghị phối hợp.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 22. Tổ chức thực hiện

1. Cục Bồi thường nhà nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện Quy chế này.

2. Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này và phối hợp với Cục Bồi thường nhà nước trong quá trình thực hiện.

3. Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có khó khăn, vướng mắc, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ kịp thời phản ánh về Cục Bồi thường nhà nước để tổng hợp tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Bộ./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 44/QĐ-BTP năm 2023 Quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước trong Bộ Tư pháp

  • Số hiệu: 44/QĐ-BTP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/01/2023
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Nguyễn Thanh Tịnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/01/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản