Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/2012/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 25 tháng 10 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG LỆ PHÍ CẤP BẢN SAO, LỆ PHÍ CHỨNG THỰC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký;

Căn cứ Nghị định số 04/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 92/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 17 tháng 10 năm 2008 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực;

Thực hiện Công văn số 832/HĐND-CTHĐ ngày 22 tháng 10 năm 2012 của Thường trực HĐND tỉnh;

Theo đề nghị của Liên Sở Tư pháp - Sở Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định chế độ thu, quản lý và sử dụng lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực trên địa bàn tỉnh Bình Thuận như sau:

1. Đối tượng nộp lệ phí:

Cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.

2. Mức thu lệ phí:

a) Lệ phí cấp bản sao từ sổ gốc: 3.000 đồng/bản.

Đối với việc cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch, từ bản gốc: thực hiện thu lệ phí theo Quyết định số 90/2008/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2008 của UBND tỉnh về Quy định chế độ thu, quản lý và sử dụng lệ phí hộ tịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Trường hợp có văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế Quyết định số 90/2008/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2008 của UBND tỉnh thì thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó;

b) Lệ phí chứng thực bản sao từ bản chính: 2.000 đồng/trang; từ trang thứ 3 trở lên thì mỗi trang thu 1.000 đồng/trang, tối đa thu không quá 100.000 đồng/bản;

c) Lệ phí chứng thực chữ ký: 10.000 đồng/trường hợp.

3. Đơn vị thu lệ phí:

a) Đối với lệ phí cấp bản sao từ sổ gốc: các cơ quan, tổ chức đang quản lý sổ gốc;

b) Đối với lệ phí chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký: Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn.

4. Quản lý, sử dụng tiền lệ phí thu được:

a) Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước:

Lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực là khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước.

Cơ quan thực hiện thu lệ phí các cấp phải nộp đầy đủ, kịp thời số lệ phí thu được vào ngân sách Nhà nước và được điều tiết 100% cho ngân sách cấp đó. Cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện cấp bản sao, chứng thực được chi hỗ trợ lại 30% từ nguồn lệ phí thu được để đảm bảo chi phí khi thực hiện nhiệm vụ cấp bản sao, chứng thực. Sau khi thanh quyết toán đúng chế độ, số tiền hỗ trợ chưa chi hết trong năm được chuyển sang năm sau tiếp tục chi theo chế độ quy định;

b) Đối với các đơn vị được ủy quyền:

- Tùy theo tình hình thu mà hàng ngày hoặc chậm nhất trong vòng bảy ngày làm việc, đơn vị phải nộp vào tài khoản tạm giữ tiền lệ phí mở tại Kho bạc Nhà nước. Việc quản lý số tiền thu lệ phí bằng tiền mặt tại cơ quan, đơn vị thực hiện thu trong thời gian chưa nộp vào tài khoản tạm giữ tiền lệ phí được thực hiện theo chế độ kế toán quy định hiện hành;

- Số thu lệ phí được để lại tổ chức thu 30% để trang trải chi phí thực hiện cấp bản sao, chứng thực và thu lệ phí theo quy định. Hàng năm, tổ chức thu lệ phí lập dự toán thu, chi gửi cơ quan tài chính, cơ quan thuế cùng cấp, Kho bạc Nhà nước nơi tổ chức thu mở tài khoản tạm giữ tiền lệ phí để kiểm soát chi theo quy định hiện hành và thực hiện quyết toán chi theo thực tế. Sau khi trang trải chi phí, số thu lệ phí còn lại (nếu có) bổ sung kinh phí hoạt động thường xuyên thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính và thực hiện phân phối, sử dụng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Phần còn lại 70% nộp toàn bộ vào thu ngân sách của từng cấp ngân sách tương ứng và được để lại 100% cho ngân sách cấp đó.

5. Chứng từ thu lệ phí:

a) Sử dụng biên lai thu lệ phí do cơ quan thuế phát hành;

b) Tổ chức thu phải lập và cung cấp biên lai thu cho đối tượng nộp theo đúng quy định hiện hành về chế độ phát hành, quản lý và sử dụng ấn chỉ.

6. Xử lý vi phạm:

Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định số 106/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2003 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí và Thông tư số 06/2004/TT-BTC ngày 04 tháng 02 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 106/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2003 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 11/2009/QĐ-UBND ngày 24 tháng 02 năm 2009 của UBND tỉnh về việc Quy định chế độ thu, quản lý và sử dụng lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Tiến Phương

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 44/2012/QĐ-UBND quy định chế độ thu, quản lý và sử dụng lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

  • Số hiệu: 44/2012/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/10/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Lê Tiến Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/11/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 01/03/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản