Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4337/QĐ-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 10 năm 2019 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Thực hiện Kế hoạch số 3333/KH-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về triển khai các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố;
Xét ý kiến của Giám đốc Sở Xây dựng tại Báo cáo số 11678/BC-SXD-TT ngày 17 tháng 9 năm 2019;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch liên tịch (mẫu) về việc tăng cường công tác phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận-huyện, được ban hành kèm theo Báo cáo số 11678/BC-SXD-TT ngày 17 tháng 9 năm 2019 của Sở Xây dựng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng, Thủ trưởng các Sở-ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện-quận, xã-phường-thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
SỞ XÂY DỰNG - UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /KHLT-SXD-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày tháng năm 2019 |
Về việc tăng cường công tác phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận/huyện
Căn cứ Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25 tháng 7 năm 2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố;
Căn cứ Kế hoạch số 3333/KH-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố về triển khai các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố;
Căn cứ Quyết định số /QĐ-UBND ngày tháng năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố;
Căn cứ Quyết định số 3580/QĐ-UBND ngày 21 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc phân công nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân quận/huyện ban hành Kế hoạch tăng cường công tác phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận/huyện, cụ thể như sau:
1. Mục đích
- Chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém trong phối hợp giữa Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân quận, huyện trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn; tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, xây dựng trên đất không được phép xây dựng mà không bị xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
- Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa, đảm bảo các Quyết định xử lý vi phạm hành chính phải được thực thi, đảm bảo tính nghiêm minh của công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng.
- Tăng cường lực lượng phối hợp giữa Thanh tra Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân quận/huyện trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, kịp thời kiểm tra, ngăn chặn, tham mưu xử lý ngay từ đầu các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng.
2. Yêu cầu
- Việc thực hiện Kế hoạch này phải bám sát vào tình hình thực tiễn công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, đề ra các giải pháp thiết thực mang tính đồng bộ, khoa học nhằm chấn chỉnh công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn trong thời gian tới.
- Nội dung Kế hoạch phải xác định cơ chế phối hợp rõ ràng, chính xác; tổ chức thực hiện nghiêm túc, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra. Tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, dư luận xã hội đồng tình, lực lượng thống nhất cao về tư tưởng và hành động.
- Mọi hoạt động trong công tác phối hợp, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng phải chặt chẽ, thống nhất và phù hợp quy định pháp luật.
1. Thành lập Tổ công tác với nhân sự như sau:
- Đ/c Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận/huyện - Tổ trưởng;
- Đ/c Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng - Tổ phó;
- Đ/c Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận/huyện - Tổ phó;
- Đ/c Đội trưởng Đội Thanh tra địa bàn quận/huyện - Thành viên;
- Đ/c Đội phó Đội Thanh tra địa bàn quận/huyện - Thành viên;
- Đ/c Đội phó Đội Thanh tra cơ động, Thanh tra Sở Xây dựng - Thành viên;
- Các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn - Thành viên;
- Các đồng chí Trưởng Công an phường/xã/thị trấn - Thành viên.
- Công chức, Thanh tra viên Đội Thanh tra địa bàn - Thành viên (tùy theo tình hình quản lý trật tự xây dựng tại địa phương mà Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân quận, huyện thống nhất số lượng nhân sự tăng cường cho Tổ công tác).
2. Nhiệm vụ thành viên Tổ công tác
2.1. Tổ trưởng Tổ công tác
- Chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành chung hoạt động của Tổ công tác, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện về nhiệm vụ được phân công.
- Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Tổ công tác; chỉ đạo, điều hành các thành viên Tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ được giao.
- Phê duyệt kế hoạch hoạt động của Tổ công tác.
- Triệu tập và chủ trì các phiên họp của Tổ công tác.
- Báo cáo Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện về kết quả hoạt động của Tổ công tác.
2.2. Tổ phó Tổ công tác
- Chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Xây dựng về các nhiệm vụ được phân công.
- Giúp Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động của Tổ công tác theo phân công của Tổ trưởng Tổ công tác
- Đôn đốc, chỉ đạo thành viên Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
2.3. Thành viên Tổ công tác
- Chịu trách nhiệm trước Tổ trưởng, Tổ phó Tổ công tác về các nhiệm vụ được phân công.
- Chịu sự phân công, chỉ đạo của Tổ trưởng, Tổ phó Tổ công tác về thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
3. Đội Thanh tra địa bàn quận, huyện chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thanh tra Sở Xây dựng về tổ chức, nhân sự, chuyên môn và thực hiện công tác phối hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân quận/huyện trong quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn phụ trách.
1. Mọi công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố phải được kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng (trừ công trình bí mật Nhà nước; công trình quốc phòng, an ninh); mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh nhằm hạn chế tối đa việc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm; mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.
2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình phối hợp phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao tại Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố được ban hành kèm theo Quyết định số ....../QĐ-UBND ngày tháng năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố. Việc phối hợp phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm. Những vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp phải được bàn bạc, thống nhất trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được pháp luật quy định và phân công nhiệm vụ tại Kế hoạch này. Trường hợp không thống nhất được hướng giải quyết, Sở Xây dựng có trách nhiệm báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét quyết định.
IV. TRÁCH NHIỆM KIỂM TRA, PHÁT HIỆN VÀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ TRẬT TỰ XÂY DỰNG
1. Trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và xử lý công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng
a. Thanh tra viên, cán bộ, công chức và nhân viên được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và báo cáo kịp thời những vi phạm trật tự xây dựng thuộc địa bàn được giao nhiệm vụ quản lý hoặc có biện pháp xử lý kịp thời hành vi vi phạm trật tự xây dựng thuộc thẩm quyền.
b. Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với các công trình xây dựng:
- Công trình xây dựng không có Giấy phép xây dựng theo quy định; công trình xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch, đầm, hồ công cộng; công trình xây dựng trên đất không được phép xây dựng.
- Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình.
- Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc.
- Công trình hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng và ở khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn được duyệt.
- Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.
c. Tổ Công tác theo Kế hoạch này kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với các công trình xây dựng:
- Nhà ở riêng lẻ, công trình xây dựng do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy phép xây dựng.
- Dự án đầu tư xây dựng do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đầu tư.
- Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2, có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Công trình, bộ phận công trình xây dựng phát sinh sau khi công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng theo Giấy phép xây dựng do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp hoặc đã được cập nhật Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản).
- Công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thuộc dự án đầu tư xây dựng phát triển nhà ở hoặc khu đô thị.
d. Thanh tra Sở Xây dựng chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với các công trình xây dựng:
- Công trình xây dựng do Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt.
- Công trình xây dựng do các Bộ và cơ quan ngang Bộ phê duyệt; do các Sở chuyên ngành cấp hoặc phê duyệt.
- Công trình được miễn giấy phép xây dựng (trừ công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, công trình bí mật nhà nước, công trình quốc phòng, an ninh, công trình theo lệnh khẩn cấp, công trình nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên).
đ. Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và xử lý các công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đối với công trình do Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố cấp Giấy phép xây dựng, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng.
2. Trách nhiệm lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính
a. Công chức quản lý xây dựng cấp xã lập Biên bản vi phạm hành chính đối với công trình xây dựng thuộc trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, xử lý của Ủy ban nhân dân cấp xã; đồng thời, tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc chuyển hồ sơ và kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để xử lý đối với các trường hợp vượt thẩm quyền.
b. Tổ Công tác lập Biên bản vi phạm hành chính đối với công trình xây dựng thuộc trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, xử lý của Tổ Công tác; đồng thời, tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp vượt thẩm quyền.
c. Công chức, thanh tra viên thuộc Thanh tra Sở Xây dựng lập Biên bản vi phạm hành chính đối với công trình thuộc trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, xử lý của Thanh tra Sở Xây dựng; đồng thời, tham mưu Chánh Thanh tra Sở Xây dựng ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc tham mưu Giám đốc Sở Xây dựng trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thanh phố ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp vượt thẩm quyền.
d. Công chức thuộc Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng lập Biên bản vi phạm hành chính đối với các công trình do Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố cấp Giấy phép xây dựng hoặc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; đồng thời, chuyển Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính, hoặc đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp vượt thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
3. Trách nhiệm theo dõi việc dừng thi công xây dựng công trình
a. Đối với công trình do Ủy ban nhân dân cấp xã lập Biên bản vi phạm hành chính
Kể từ khi lập Biên bản vi phạm hành chính và dừng thi công xây dựng công trình, Ủy ban nhân dân cấp xã theo dõi và thực hiện các biện pháp buộc chủ đầu tư ngừng thi công xây dựng để thực hiện các nội dung trong biên bản; trường hợp chủ đầu tư tiếp tục thi công xây dựng thì lập thủ tục đề xuất xử lý theo quy định.
b. Đối với công trình do Tổ Công tác lập Biên bản vi phạm hành chính
Kể từ khi lập Biên bản vi phạm hành chính và dừng thi công xây dựng công trình, Tổ Công tác phối hợp và đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã theo dõi, thực hiện các biện pháp buộc chủ đầu tư ngừng thi công xây dựng để thực hiện các nội dung trong biên bản; trường hợp chủ đầu tư tiếp tục thi công xây dựng thì lập thủ tục đề xuất xử lý theo quy định.
c. Đối với công trình do công chức, thanh tra viên Thanh tra Sở Xây dựng lập Biên bản vi phạm hành chính
Kể từ khi lập Biên bản vi phạm hành chính và dừng thi công xây dựng công trình, Thanh tra Sở Xây dựng phối hợp và đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã theo dõi và thực hiện các biện pháp buộc chủ đầu tư ngừng thi công xây dựng để thực hiện các nội dung trong biên bản; trường hợp chủ đầu tư tiếp tục thi công xây dựng thì lập thủ tục đề xuất xử lý theo quy định.
d. Đối với các công trình do Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố lập Biên bản vi phạm hành chính
Kể từ khi lập Biên bản vi phạm hành chính và dừng thi công xây dựng công trình, công chức thuộc Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng phối hợp Ủy ban nhân dân cấp xã theo dõi và thực hiện các biện pháp buộc chủ đầu tư ngừng thi công xây dựng để thực hiện các nội dung trong biên bản; trường hợp chủ đầu tư tiếp tục thi công xây dựng thì lập thủ tục đề xuất xử lý theo quy định.
4. Trách nhiệm theo dõi, tổ chức thực hiện các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính
a. Chánh Thanh tra Sở Xây dựng có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các Quyết định xử lý vi phạm hành chính do Chánh Thanh tra Sở Xây dựng ban hành; đồng thời, có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các Quyết định xử lý vi phạm hành chính do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành.
b. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc theo dõi và tổ chức thực hiện các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành; đồng thời, tổ chức thực hiện các Quyết định xử lý vi phạm hành chính do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành.
b. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và tổ chức thực hiện các Quyết định xử lý vi phạm hành chính do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành.
d. Trưởng Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện các Quyết định xử lý vi phạm hành chính do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.
đ. Trong trường hợp phải tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình hoặc bộ phận công trình vi phạm, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm lập, phê duyệt phương án và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm trật tự xây dựng theo Quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành. Tổ Công tác chịu trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân quận/huyện trong công tác cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng.
1. Đảm bảo 100% công trình xây dựng trên địa bàn phải được kiểm tra theo đúng quy định (trừ công trình bí mật Nhà nước; công trình quốc phòng, an ninh).
2. Đảm bảo 100% công trình vi phạm trật tự xây dựng được phát hiện, xử lý ngay từ đầu.
3. Kéo giảm ít nhất 50% số vụ vi phạm trật tự xây dựng qua từng năm.
VI. GIẢI PHÁP VÀ TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN
1. Giải pháp về tăng cường lực lượng
1.1. Nội dung thực hiện
- Rà soát tình hình biên chế, tăng cường lực lượng phụ trách quản lý trật tự xây dựng (cán bộ địa chính và Thanh tra địa bàn). Nâng cao ý thức trách nhiệm thực thi công vụ của từng Thanh tra viên, nhân viên và công chức địa chính - xây dựng cấp xã. Đồng thời phát huy và nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân Mặt trận Tổ quốc; các Đoàn thể chính trị - xã hội trong việc kịp thời phát hiện, thông tin các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.
- Tổ phó Tổ công tác theo Kế hoạch này (Phó Chánh Thanh tra Sở phụ trách địa bàn) hàng tuần có lịch làm việc trực tiếp tại trụ sở Đội Thanh tra địa bàn để kịp thời chỉ đạo, xử lý công việc tại Đội.
- Điều chuyển, thay thế ngay cán bộ, công chức uy tín giảm sút, năng lực hạn chế, kết quả công tác không đáp ứng yêu cầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; kiên quyết đưa ra khỏi tổ chức các cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nhưng buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn được phân công quản lý nhưng không kịp thời phát hiện hoặc phát hiện nhưng không xử lý theo quy định.
1.2. Trách nhiệm thực hiện
a. Sở Xây dựng
- Tăng cường nhân sự Đội Thanh tra địa bàn tại các phường/xã/thị trấn có tình hình vi phạm trật tự xây dựng phức tạp. Ưu tiên đảng viên; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; có đạo đức, ý thức trong thực thi công vụ...
- Tổ chức quán triệt, giáo dục nâng cao ý thức thực thi công vụ, chấp hành nội quy cơ quan, Quy tắc ứng xử và nghiệp vụ kiểm tra, xử lý vi phạm xây dựng đến từng Thanh tra viên, công chức, nhân viên được giao phụ trách địa bàn.
- Tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng. Kiên quyết xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xảy ra vi phạm mà không phát hiện xử lý hoặc không đề xuất xử lý kịp thời.
b. Ủy ban nhân dân quận/huyện
- Tăng cường nhân sự bao gồm địa chính các phường/xã/thị trấn, lực lượng Đội Quản lý trật tự đô thị tại các địa bàn có tình hình xây dựng phức tạp. Ưu tiên đảng viên; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; có đạo đức, ý thức trong thực thi công vụ...
- Xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý có hành vi buông lỏng, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng nhưng không kịp thời kiểm tra, xử lý theo quy định.
- Chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
2. Giải pháp đảm bảo điều kiện làm việc
2.1. Nội dung thực hiện
Rà soát về điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo phục vụ công tác, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức thực thi công vụ.
2.2. Trách nhiệm thực hiện
a. Sở Xây dựng trang bị cho Đội Thanh tra địa bàn quận/huyện các dụng cụ chuyên dùng để phục vụ công tác như: thước đo, bàn làm việc đặt tại Ủy ban nhân dân cấp xã, đảm bảo mỗi Tổ ở mỗi xã đều có máy vi tính, máy in và các loại Biên bản được in sẵn.
b. Để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác chỉ đạo điều hành, Ủy ban nhân dân quận, huyện bố trí nơi làm việc của Đội Thanh tra địa bàn tại trụ sở Ủy ban nhân dân quận, huyện.
c. Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân quận/huyện phối hợp xây dựng cơ chế hỗ trợ về vật chất và tinh thần nhằm tạo điều kiện để cán bộ được phân công phụ trách địa bàn yên tâm công tác, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
3. Giải pháp cơ chế phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính
3.1. Nội dung phối hợp:
a. Tổ chức lại lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng theo tinh thần việc kiểm tra, xử lý các sai phạm trong xây dựng không phép, xây dựng trên đất không được phép xây dựng, xây dựng sai phép là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận/huyện, phường/xã/thị trấn với lực lượng phối hợp thực hiện là Đội Thanh tra địa bàn quận, huyện (trong giai đoạn chờ thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện).
b. Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn chịu trách nhiệm toàn diện đối với các hoạt động xây dựng trên đất không được phép xây dựng. Trong trường hợp phát sinh vi phạm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn chỉ đạo cán bộ địa chính chủ trì, phối hợp với Đội Thanh tra địa bàn và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm theo lĩnh vực đất đai.
c. Tổ Công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng trên địa bàn; phát hiện, ngăn chặn, lập hồ sơ xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng theo quy định của pháp luật; đề xuất, tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận/huyện ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo thẩm quyền.
d. Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn chủ trì phối hợp với Tổ Công tác thường xuyên theo dõi, giám sát việc ngừng thi công công trình sau khi đã bị lập Biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công xây dựng. Trường hợp Chủ đầu tư không ngừng thi công thì áp dụng các biện pháp hành chính thực hiện cưỡng chế buộc ngừng thi công xây dựng công trình theo quy định; tránh trường hợp công trình vi phạm đang bị xử lý mà tiếp tục thi công, hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
3.2. Trách nhiệm thực hiện
a. Sở Xây dựng
- Chủ trì xây dựng kế hoạch phối hợp thường xuyên tuần tra, kiểm tra nhằm ngăn ngừa và phát hiện ngay từ đầu các công trình vi phạm, đảm bảo 100% công trình được kiểm tra và xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm.
- Công khai Kế hoạch tuần tra, kiểm tra; Quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; công khai số điện đường dây nóng (số điện thoại cơ quan, số điện thoại lãnh đạo phụ trách trật tự xây dựng) đến mọi người dân để cùng giám sát và thông tin khi phát hiện công trình có dấu hiệu sai phạm.
- Chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch liên tịch tăng cường phối hợp công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận/huyện, trình Giám đốc Sở Xây dựng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận/huyện báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố.
b. Ủy ban nhân dân quận/huyện
- Bố trí lực lượng phối hợp thường xuyên với Tổ Công tác tiến hành tuần tra, kiểm tra theo kế hoạch và phát hiện, xử lý nghiêm ngay từ đầu các công trình sai phạm, đảm bảo 100% công trình được kiểm tra và xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn đến Tổ nhân dân tăng cường vai trò giám sát, kịp thời thông tin cho các đơn vị thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng. Tránh trường hợp lợi dụng việc thu thập thông tin để trục lợi.
4. Giải pháp xử lý triệt để công khai, khách quan các vụ việc tồn đọng
4.1. Nội dung phối hợp:
a. Tập trung tổng rà soát, đánh giá tình hình xây dựng, phân tích cụ thể số liệu vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, từ đó, triển khai các giải pháp xử lý cụ thể đối với từng nhóm hành vi vi phạm theo quy mô, tính chất công trình, lập lại trật tự quản lý xây dựng trên địa bàn.
b. Xử lý nghiêm và dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đã bị phát hiện và có Quyết định xử lý vi phạm hành chính của người có thẩm quyền.
4.2. Trách nhiệm thực hiện
a. Sở Xây dựng
- Đội Thanh tra địa bàn phối hợp Ủy ban nhân dân quận/huyện thống kê, rà soát các công trình vi phạm còn tồn đọng nhưng chưa kịp thời xử lý; tham mưu xử lý dứt điểm, không để xảy ra tình trạng các công trình vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, kéo dài trên địa bàn quận/huyện.
- Đối với các công trình vi phạm đã có Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả nhưng chưa tổ chức thực hiện, Thanh tra Sở Xây dựng rà soát, lập danh sách và chuyển toàn bộ hồ sơ đến Ủy ban nhân dân quận/huyện để lập, thẩm định, phê duyệt phương án tháo dỡ và tổ chức thực hiện cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm theo phân công của Ủy ban nhân dân Thành phố tại Kế hoạch số 3333/KH-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2019 và Quyết định số 3580/QĐ-UBND ngày 21 tháng 8 năm 2019.
- Đội Thanh tra địa bàn tham gia, phối hợp với Ủy ban nhân dân quận/huyện thực hiện cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm theo các Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận/huyện và Chánh Thanh tra Sở Xây dựng ban hành.
b. Ủy ban nhân dân quận/huyện
- Tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình (hoặc bộ phận công trình) vi phạm đã có Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
- Chủ trì, phối hợp với Tổ Công tác rà soát, phân loại, đánh giá tình hình từng trường hợp vi phạm cụ thể, báo cáo Thường trực Ủy ban nhân dân quận/huyện xem xét, có biện pháp xử lý phù hợp với thực tiễn tại địa phương và thẩm quyền theo quy định.
5. Giải pháp phát huy sức mạnh tổng hợp hệ thống chính trị của địa phương
- Đề xuất Ban Chấp hành Đảng bộ quận/huyện quán triệt nâng cao vai trò nêu gương chấp hành pháp luật trong hoạt động xây dựng đối với đảng viên; vai trò của Chi bộ, Bí thư Chi bộ của Đội Thanh tra địa bàn, các Phòng chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân quận/huyện, Đảng ủy phường/xã/thị trấn.
- Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân Mặt trận Tổ quốc phường/xã/thị trấn; các Đoàn thể chính trị - xã hội, Tổ nhân dân, trong việc kịp thời phát hiện, thông tin về các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.
1. Chế độ giao ban
a. Tổ công tác thống nhất tổ chức họp giao ban định kỳ 02 lần/tháng để kịp thời thông tin kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch phối hợp; kịp thời có chỉ đạo các giải pháp tiếp theo.
b. Định kỳ hàng tháng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức giao ban với Tổ Công tác và các phòng, ban chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, để kịp thời chỉ đạo xử lý, không để phát sinh phức tạp về tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.
c) Định kỳ 3 tháng, Sở Xây dựng tổ chức giao ban công tác quản lý trật tự xây dựng với Ủy ban nhân dân quận, huyện và các cơ quan có liên quan để đánh giá tình hình và đề ra biện pháp thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.
2. Chế độ báo cáo
- Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng tháng cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Thanh tra Sở Xây dựng về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Báo cáo gửi trước ngày 30 hàng tháng.
- Tổ Công tác có có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng tháng cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Thanh tra Sở Xây dựng về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Báo cáo gửi trước ngày 30 hàng tháng.
- Ủy ban nhân dân quận/huyện, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng quý, năm cho Sở Xây dựng vê công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Báo cáo gửi trước ngày 05 của tháng đầu tiên quý tiếp theo (đối với báo cáo quý), trước ngày 05/01 của năm tiếp theo (đối với báo cáo năm).
- Sở Xây dựng có trách nhiệm tổng hợp báo cáo định kỳ hàng quý, năm cho Ủy ban nhân dân Thành phố về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố.
3. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo
Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phát sinh trong quá trình xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng được thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành.
4. Khen thưởng
a. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng; nghiêm minh, trung thực trong thi hành công vụ; kiên quyết đấu tranh với các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực; tùy theo thành tích sẽ được biểu dương, khen thưởng theo quy định.
b. Tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố sẽ được xem xét khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất theo quy định của pháp luật và Ủy ban nhân dân Thành phố về công tác thi đua, khen thưởng.
5. Kỷ luật
a. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm chính về kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý trật tự xây dựng.
b. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng, Thanh tra viên, cán bộ, công chức, nhân viên được giao nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, nếu vi phạm một trong những nội dung sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xem xét, kỷ luật theo quy định pháp luật:
- Thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho vi phạm.
- Không phát hiện, xử lý hoặc xử lý không kịp thời theo thẩm quyền đối với các thông tin phản ánh về công trình vi phạm trật tự xây dựng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
- Không phối hợp hoặc thiếu trách nhiệm trong công tác phối hợp xử lý công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
- Không thực hiện, thực hiện không kịp thời các biện pháp ngừng thi công, đình chỉ thi công hoặc dung túng, tiếp tay cho hành vi vi phạm để công trình tiếp tục xây dựng.
- Không thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và theo Kế hoạch này.
- Những hành vi vi phạm khác theo quy định pháp luật.
6. Xử lý kỷ luật
a. Người có hành vi vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
b. Trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ được thực hiện theo quy định.
7. Triển khai thực hiện
a. Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân các quận/huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai các giải pháp trong Kế hoạch này nhằm chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, tập trung lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn quận/huyện, phường/xã/thị trấn.
b. Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận/huyện chỉ đạo các các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ hàng tháng Tổ Công tác báo cáo kết quả thực hiện cho Giám đốc Sở Xây dựng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận/huyện.
c. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Xây dựng, để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét sửa đổi, bổ sung Kế hoạch liên tịch (Mẫu) cho phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế./.
CHỦ TỊCH
| GIÁM ĐỐC |
|
|
- 1Quyết định 11/2019/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- 2Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2019 về tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng và môi trường đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 3Quyết định 32/2019/QĐ-UBND quy định về cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 4Quyết định 30/2019/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 1Luật khiếu nại 2011
- 2Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
- 3Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 4Luật Tố cáo 2018
- 5Quyết định 11/2019/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- 6Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2019 về tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng và môi trường đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 7Kế hoạch 3333/KH-UBND năm 2019 triển khai giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 8Quyết định 32/2019/QĐ-UBND quy định về cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 9Quyết định 30/2019/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
Quyết định 4337/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Kế hoạch liên tịch (mẫu) về tăng cường công tác phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận-huyện thành phố Hồ Chí Minh
- Số hiệu: 4337/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/10/2019
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Võ Văn Hoan
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 94 đến số 95
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra