Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 430/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 02 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH DANH MỤC “NHÓM SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC VÀ NHÓM SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP TIỀM NĂNG CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 5914/TTr-SCT ngày 21 tháng 10 năm 2020 và Công văn số 7165/SCT-QLCN ngày 21 tháng 12 năm 2020 về Tiêu chí và Danh mục Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Tiêu chí xác định Danh mục Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025 (tại Phụ lục 1) và Danh mục Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025 (tại Phụ lục 2).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Thay thế Quyết định số 4544/QĐ-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành gồm: Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tu, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố, các Hội đồng phát triển ngành công nghiệp Thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố, các tổ chức Hội ngành nghề và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Hoan

 

PHỤ LỤC 1

TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH NHÓM SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC VÀ NHÓM SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP TIỀM NĂNG CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 430/QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

1. Tiêu chí chung

1.1. Tiêu chí chung của sản phẩm công nghiệp chủ lực:

- Sản phẩm được sản xuất bởi doanh nghiệp của thành phố, đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và có trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh.

- Sản phẩm có thiết kế sáng tạo, tính ưu việt, có độ bền và chất lượng cao. Ưu tiên cho các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia hay tiêu chuẩn quốc tế.

- Ưu tiên cho các sản phẩm được sản xuất với hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

- Doanh thu từ sản phẩm chiếm tỷ lệ cao và đóng góp quan trọng cho ngành; có giá trị gia tăng và năng suất lao động cao.

- Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sản phẩm, thân thiện môi trường.

- Đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước hay ngoài nước. Có khả năng thay thế, cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu hay có tiềm năng xuất khẩu. Có khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

- Có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển ngành và các ngành khác cùng tăng trưởng.

- Không vi phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ.

1.2. Tiêu chí chung của sản phẩm công nghiệp tiềm năng:

- Là các sản phẩm đạt được một số tiêu chí của sản phẩm công nghiệp chủ lực nêu trên nhưng chưa đạt tiêu chí về doanh thu cao và tỷ trọng lớn trong ngành.

- Có thị trường tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai.

- Có khả năng phát triển thành sản phẩm công nghiệp chủ lực trong tương lai.

2. Tiêu chí riêng của từng ngành:

Ngoài tiêu chí chung, các sản phẩm phải đáp ứng tiêu chí của từng ngành, cụ thể như sau:

2.1. Đối với ngành Cơ khí:

- Sản phẩm là máy móc, thiết bị trực tiếp hoặc được lắp đặt trong các dây chuyền tự động phục vụ cho sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, giao thông vận tải, y tế kỹ thuật cao, điện tử - công nghệ thông tin - viễn thông.

- Sản phẩm là linh phụ kiện để sản xuất máy móc, thiết bị trực tiếp hoặc được lắp đặt trong các dây chuyền tự động phục vụ cho sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, giao thông vận tải, y tế kỹ thuật cao, điện tử - công nghệ thông tin - viễn thông.

- Sản phẩm được sản xuất qua quá trình nghiên cứu, thiết kế sáng tạo.

2.2. Đối với ngành Cao su - Nhựa:

- Sản phẩm có tính cạnh tranh cao đối với sản phẩm nhập khẩu cùng loại.

- Sản phẩm cung ứng cho các ngành công nghiệp khác (như cơ khí, xây dựng, giao thông vận tải, y tế, lương thực - thực phẩm, điện tử - công nghệ thông tin - viễn thông ...) đòi hỏi công nghệ kỹ thuật và độ chính xác cao.

- Quy trình sản xuất tự động hoá cao và ít sử dụng lao động.

- Ưu tiên các sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường.

2.3. Đối với ngành Lương thực - Thực phẩm:

- Sản phẩm có thương hiệu và năng lực cạnh tranh trên thị trường.

- Sản phẩm có hệ thống phân phối trong nước hoặc xuất khẩu.

- Sản phẩm phải đạt tiêu chí về đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và có hệ thống quản lý chất lượng thực phẩm.

- Sản phẩm có sử dụng nguyên liệu nội địa, các nguyên liệu đưa vào sản xuất phải có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng các quy định hiện hành về an toàn thực phẩm.

2.4. Đối với ngành Công nghệ thông tin - Điện tử - Viễn thông:

- Sản phẩm là nguyên liệu, linh kiện phục vụ cho hoạt động sản xuất sản phẩm nội địa và xuất khẩu; sản phẩm tham gia vào chuỗi liên kết giá trị sản phẩm.

- Sản phẩm có tính an toàn và ổn định, tiết kiệm năng lượng.

- Sản phẩm có thương hiệu tại Việt Nam.

- Có tác động tích cực về đổi mới công nghệ và hiệu quả kinh tế đối với các ngành kinh tế khác, đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh.

2.5. Đối với ngành Dệt may:

- Sản phẩm có phương thức sản xuất “mua nguyên liệu, bán thành phẩm” (FOB) trở lên.

- Sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa cao về nguyên phụ liệu.

- Áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường.

- Sản phẩm đảm bảo chất lượng xuất khẩu vào các thị trường lớn: Mỹ, EU, Nhật Bản...

2.6. Đối với ngành Dược:

- Sản phẩm dùng trong bảo vệ sức khỏe bao gồm thuốc và các sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh.

- Sản phẩm được sản xuất trên quy trình và công nghệ cao như công nghệ sinh học, các dạng bào chế mới, các dạng bào chế đặc biệt như phóng thích kéo dài, ứng dụng công nghệ nano trong bào chế các hệ phân tán thuốc...

- Sản phẩm được sơ chế, chế biến, chiết xuất cao dược liệu định chuẩn.

- Sản phẩm được sản xuất bởi doanh nghiệp dược đạt tiêu chuẩn quốc tế: GMP-PIC/S, GMP-EU...

 

PHỤ LỤC 2

DANH MỤC NHÓM SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC VÀ NHÓM SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP TIỀM NĂNG CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 430/QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

1. Nhóm sản phẩm ngành Cơ khí

1.1. Sản phẩm từ kim loại thuộc Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, gồm các sản phẩm: Khuôn mẫu chính xác cao; Kết cấu thép siêu trường siêu trọng; Đúc phôi chi tiết máy; Chi tiết máy; Linh kiện tiêu chuẩn; Vật tư tiêu hao.

1.2. Sản phẩm thiết bị điện thuộc Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, gồm các sản phẩm: Thiết bị điện; Dây và cáp điện; Động cơ điện.

1.3. Sản phẩm máy móc thiết bị thuộc Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng, gồm các sản phẩm: Máy móc, Thiết bị phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, dệt may, chế biến thực phẩm; Động cơ, Máy công cụ; Thiết bị nâng hạ.

2. Nhóm sản phẩm ngành Cao su - Nhựa

Sản phẩm từ Cao su - Nhựa thuộc Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, gồm các sản phẩm: Nhựa bao bì đa lớp; Nhựa sinh học; Nhựa tái chế; Nhựa y tế; Nhựa gia dụng; Nhựa xây dựng - giao thông; Nhựa kỹ thuật; Săm lốp xe; Cao su kỹ thuật; Nệm cao su các loại.

3. Nhóm sản phẩm ngành Lương thực - Thực phẩm

3.1. Sản phẩm thực phẩm chế biến thuộc Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, gồm các sản phẩm: Sữa và sản phẩm từ bơ, sữa; Sản phẩm ăn liền; Sản phẩm gia vị; Thực phẩm chế biến; Thủy sản và sản phẩm từ thủy sản; Bánh kẹo các loại; Sản phẩm chế biến từ tinh bột.

3.2. Sản phẩm đồ uống thuộc Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, gồm các sản phẩm: Nước giải khát; Nước khoáng; Nước Ion kiềm.

4. Nhóm sản phẩm ngành Công nghệ Thông tin - Điện tử - Viễn thông

Sản phẩm công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông thuộc Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, gồm các sản phẩm: Phần cứng; Phần mềm; Nội dung số.

5. Nhóm sản phẩm ngành Dệt may

Sản phẩm Trang phục may sẵn thuộc Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, gồm các sản phẩm: Trang phục công sở; Jean; Kaki; Bộ com-lê.

6. Nhóm sản phẩm ngành Dược

Sản phẩm thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vắc xin và sinh phẩm thuộc Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng, gồm các sản phẩm: Thuốc chuyên khoa đặc trị như điều trị ung thư; Chế phẩm từ huyết tương; Thuốc nhỏ mắt vô trùng; Thuốc tiêm; Thuốc dược liệu hay có nguồn gốc dược liệu; Thuốc y học cổ truyền.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 430/QĐ-UBND năm 2021 về Danh mục "Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025"

  • Số hiệu: 430/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/02/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Võ Văn Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 31 đến số 32
  • Ngày hiệu lực: 05/02/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản