Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 43/2009/QĐ-UBND | Đồng Xoài, ngày 17 tháng 9 năm 2009 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2004;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;
Căn cứ Quyết định số 202/2006/QĐ-TTg ngày 31/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghịêp công lập;
Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ rừng;
Căn cứ Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015;
Căn cứ Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 18/4/2000 của Bộ Tài chính ban hành Quy chế xử lý tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 112/2006/TT-BTC ngày 27/12/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 202/2006/QĐ-TTg ngày 31/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 99/2006/TT-BNN ngày 06/11/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế quản lý, bảo vệ rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ;
Thực hiện Công văn số 148/LN-LS ngày 14/02/2006 của Cục Lâm nghiệp hướng dẫn trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng bị thiệt hại do các nguyên nhân bất khả kháng;
Thực hiện Thông báo kết luận số 335/TB-UBND ngày 21/11/2008 của UBND tỉnh tại cuộc họp xem xét kết quả kiểm tra rừng trồng trên địa bàn tỉnh;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 871/TTr- SNN ngày 28 tháng 8 năm 2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng không thành rừng thuộc Chương trình 327 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Điều 2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Kho bạc Nhà nước tỉnh và UBND các huyện, thị hướng dẫn các chủ rừng lập phương án thanh lý rừng trồng không thành rừng thuộc Chương trình 327, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định này.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị; Giám đốc: Các Ban Quản lý rừng, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, các doanh nghiệp; thủ trưởng các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THANH LÝ RỪNG TRỒNG KHÔNG THÀNH RỪNG THUỘC CHƯƠNG TRÌNH 327 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 43/2009/QĐ-UBND ngày 17/9/2009 của UBND tỉnh)
Đối với diện tích rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước thuộc Chương trình 327 không thành rừng .
Áp dụng cho tất cả các đơn vị thực hiện trồng rừng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước thuộc Chương trình 327 trên địa bàn tỉnh.
1. Chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình cá nhân được nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, giao đất để trồng rừng, cho thuê đất để trồng rừng, công nhận quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, nhận chuyển nhượng rừng từ chủ rừng khác.
2. Nguyên nhân bất khả kháng: là những yếu tố gây ra mất rừng nằm ngoài khả năng khống chế của con người như thiên tai (bão, lũ, ngập úng, sâu bệnh, cháy rừng).
3. Nguyên nhân khác: là những nguyên nhân gây ra mất rừng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận khoán trồng rừng, hoặc nhận khoán bảo vệ rừng gây ra.
4. Thời gian tính lãi suất được tính từ lúc chủ rừng giao khoán quản lý bảo vệ rừng trồng cho đối tượng nhận khoán, đến lúc có biên bản xác định rừng không đạt chất lượng như quy định. Nếu không có biên bản nêu trên thì thời gian này được tính từ lúc hai bên giao nhận rừng trồng để quản lý bảo vệ cho đến lúc có quyết định thanh lý.
TIÊU CHÍ RỪNG TRỒNG ĐƯỢC THANH LÝ, HÌNH THỨC VÀ TRÌNH TỰ THỦ TỤC THANH LÝ
Điều 4. Tiêu chí rừng trồng được thanh lý
Rừng trồng không thành rừng: là lô rừng sau thời kỳ đầu tư chăm sóc theo quy định là 3 năm, có tỷ lệ cây sống dưới 50% so với quy phạm trồng rừng đã được quy định, hay so với mật độ thiết kế trồng nếu không có quy phạm trồng rừng đối với loài cây đó và không có khả năng khép tán, mật độ cây phân bố không đồng đều trên lô, chiều cao cây bình quân dưới 02m, đường kính gốc bình quân dưới 02cm.
Điều 5. Hình thức xử lý khi thanh lý
1. Mất rừng do nguyên nhân bất khả kháng, có biên bản xác minh giữa chủ rừng, hộ nhận khoán, chính quyền địa phương sở tại, Ban phòng chống lụt bão (nếu thiệt hại do bão lụt) hoặc Kiểm lâm địa bàn (nếu thiệt hại do bị cháy được xác nhận là bất khả kháng) lập tại thời điểm xảy ra nguyên nhân mất rừng hoặc có đầy đủ các văn bản chứng cứ liên quan thì cho thanh lý không thu hồi vốn:
a) Trường hợp trên diện tích quy hoạch là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ xung yếu và rất xung yếu thì Nhà nước cấp vốn để trồng lại rừng, theo thiết kế của chủ rừng.
b) Trường hợp trên diện tích quy hoạch là rừng sản xuất thì cho phép trồng rừng hoặc trồng cây lâu năm theo quy hoạch
2. Mất rừng do nguyên nhân khác
a) Trên diện tích quy hoạch rừng phòng hộ và rừngđđặc dụng
- Trường hợp đang có cây lâu năm là cây phòng hộ chính, có mật độ cây trồng phù hợp với các quy định về trồng rừng phòng hộ, đặc dụng thì chủ rừng lập hồ sơ giao khoán quản ly,ù bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng cho các hộ đang sử dụng đất đến hết chu kỳ cây với hình thức các hộ đã tự bỏ vốn trồng lại rừng theo quy định.
- Trường hợp chưa trồng hoặc trồng chưa đủ mật độ cây phòng hộ chính thì yêu cầu các hộ đang sử dụng đất trong thời hạn một năm phải tự đầu tư trồng cây phòng hộ chính theo quy định, nếu không chấp hành thì chủ rừng thu hồi đất để trồng lại rừng theo quy hoạch.
b) Trên diện tích quy hoạch rừng sản xuất
Thanh lý thu hồi vốn trồng rừng nộp ngân sách Nhà nước và chuyển sang giao khoán theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ, theo hướng các hộ sử dụng đất hiện tại tự bỏ vốn đầu tư trồng chu kỳ hai bằng cây lâm nghiệp hoặc cây lâu năm đa mục đích, phù hợp với quy hoạch.
c) Trên diện tích quy hoạch giao về địa phương
Thanh lý, thu hồi vốn đầu tư cộng với lãi suất thương mại và cho phép các hộ sử dụng đất hiện tại chuyển sang hình thức thuê đất hoặc giao đất theo quy định.
3. Trường hợp rừng đã được các cơ quan thẩm quyền cho phép chuyển đổi
a) Rừng đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép khai thác, hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng chưa nộp số tiền đã nhận hỗ trợ trồng rừng thì hộ sử dụng đất hiện tại nộp lại toàn bộ số tiền trên cho ngân sách Nhà nước.
b) Rừng trồng đã thu hồi đất để giao cho các tổ chức xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, an ninh - quốc phòng thì không thu hồi vốn, mà thực hiện ghi giảm vốn cho chủ rừng; nếu giao cho các tổ chức sản xuất kinh doanh thì các tổ chức này phải hoàn trả vốn đầu tư trồng rừng cộng với lãi suất thương mại cho ngân sách Nhà nước.
Điều 6. Trình tự, thủ tục thanh lý
1. Kiểm kê rừng trồng và lập phương án thanh lý rừng trồng
Chủ rừng kiểm kê thực tế, đối chiếu hồ sơ lưu trữ, toàn bộ diện tích rừng trồng xin thanh lý theo các nội dung sau:
a) Lập biểu thống kê chi tiết diện tích rừng trồng xin thanh lý theo đề cương hướng dẫn của Sở Nông nghiệp & PTNT. Đối với rừng trồng thanh lý do nguyên nhân bất khả kháng phải có biên bản xác nhận thiệt hại tại hiện trường, tại thời điểm xảy ra thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Quy định này.
b) Xác định giá trị rừng trồng xin thanh lý
Đối với rừng thanh lý do nguyên nhân khác thì giá trị rừng trồng thanh lý là suất đầu tư trồng rừng do Nhà nước quy định tại từng thời điểm
Đối với rừng thanh lý do nguyên nhân bất khả kháng: nếu rừng chưa có trữ lượng thì giá trị rừng trồng thanh lý là suất đầu tư trồng rừng do Nhà nước quy định tại từng thời điểm. Đối với rừng đã có trữ lượng thì giá trị rừng trồng thanh lý là tổng giá trị khối lượng rừng bị thiệt hại trừ đi giá trị sản phẩm tận thu.
Sau khi kiểm kê rừng trồng, chủ rừng lập phương án thanh lý rừng trồng theo đề cương hướng dẫn của Sở Nông nghiệp & PTNT gửi Hội đồng thanh lý rừng trồng của tỉnh (Tổ giúp việc cho Hội đồng) đề nghị thẩm định phương án thanh lý.
2. Thẩm định phương án thanh lý
Tổ giúp việc tiếp nhận hồ sơ thanh lý sau đó tiến hành xác minh hồ sơ và thẩm định phương án. Trên cơ sở ý kiến thẩm định, chủ rừng chỉnh sửa hoàn thiện phương án thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
3. Thực hiện phương án thanh lý
Sau khi có Quyết định thanh lý rừng trồng của UBND tỉnh, Chủ rừng thành lập Hội đồng thanh lý rừng trồng cơ sở, với thành phần gồm: Thủ trưởng đơn vị, kế toán, phụ trách kỹ thuật, mời thêm cán bộ huyện, xã phụ trách lâm nghiệp tham gia, để thực hiện thanh lý toàn bộ diện tích đã cho phép.
4. Tổng kết đánh giá
Chủ rừng tổng kết đánh giá kết quả thanh lý rừng trồng, báo cáo Sở Nông nghiệp & PTNT, để Sở Nông nghiệp & PTNT tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Điều 7. Trách nhiệm của UBND các huyện thị xã và các ngành liên quan
1. UBND các huyện, thị xã thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định trong việc giúp UBND tỉnh điều hành Chương trình 327, nhiệm vụ được quy định cho cá nhân thủ trưởng tại Quyết định số 2494/QĐ-UBND, và Chỉ đạo UBND xã, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia Hội đồng thanh lý cơ sở, cùng với chủ rừng tham gia xác minh diện tích rừng trồng không thành rừng trên địa bàn huyện, phối hợp Sở Tài chính chỉ đạo phòng Tài chính lập thủ tục thu hồi vốn thanh lý theo quy định.
2. UBND các xã có rừng trồng tham gia xác minh các hộ đang nhận khoán hoặc đang sử dụng đất có rừng trồng trên địa bàn xã, làm cơ sở cho việc lập hồ sơ thu hồi vốn đầu tư theo địa bàn xã.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định trong việc giúp UBND tỉnh điều hành Chương trình 327, nhiệm vụ được quy định cho cá nhân thủ trưởng tại Quyết định số 2494/QĐ-UBND, và có trách nhiệm lập hồ sơ báo cáo diễn biến về nguồn vốn đầu tư trồng rừng cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh.
4. Sở Tài chính thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định trong việc giúp UBND tỉnh điều hành Chương trình 327, nhiệm vụ được quy định cho cá nhân thủ trưởng tại Quyết định số 2494/QĐ-UBND, và kết hợp với UBND các huyện, thị xã chỉ đạo và hướng dẫn các phòng Tài chính huyện, thị lập thủ tục thu hồi vốn thanh lý theo đúng quy định.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định trong việc giúp UBND tỉnh điều hành Chương trình 327, nhiệm vụ được quy định cho cá nhân thủ trưởng tại Quyết định số 2494/QĐ-UBND, và kiểm tra xác minh lập thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với các hộ nhận khoán đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính trên diện tích rừng trồng được thanh lý và được chuyển sang hình thức giao đất hoặc cho thuê đất theo quy định.
6. Kho bạc Nhà nước tỉnh thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định trong việc giúp UBND tỉnh điều hành Chương trình 327, nhiệm vụ được quy định cho cá nhân thủ trưởng tại Quyết định số 2494/QĐ-UBND, và kiểm tra đối chiếu hồ sơ thanh quyết toán hàng năm xác định diện tích thực trồng và vốn đầu tư của các đơn vị thực hiện Chương trình 327.
Điều 8. Trong quá trình thực hiện nếu có những khó khăn, vướng mắc phát sinh, các đơn vị liên quan phải kịp thời báo cáo bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét giải quyết hoặc sửa đổi, bổ sung Quy định này./.
- 1Quyết định 2494/QĐ-UBND năm 2007 thành lập Hội đồng thanh lý rừng trồng bằng vốn ngân sách của chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh Bình Phước
- 2Quyết định 37/2021/QĐ-UBND bãi bỏ 49 Quyết định quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành thuộc lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 1Nghị định 135/2005/NĐ-CP về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh
- 2Quyết định 186/2006/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý rừng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 202/2006/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Thông tư 99/2006/TT-BNN hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý rừng theo Quyết định 186/2006/QĐ-TTg do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5Thông tư 112/2006/TT-BTC hướng dẫn Quy chế quản lý tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập kèm theo Quyết định 202/2006/QĐ-TTg do Bộ Tài chính ban hành
- 6Quyết định 55/2000/QĐ-BTC về quy chế quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 7Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 8Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004
- 9Quyết định 147/2007/QĐ-TTg về chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Quyết định 2494/QĐ-UBND năm 2007 thành lập Hội đồng thanh lý rừng trồng bằng vốn ngân sách của chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh Bình Phước
Quyết định 43/2009/QĐ-UBND ban hành Quy định về trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng không thành rừng thuộc Chương trình 327 trên địa bàn tỉnh Bình Phước do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành
- Số hiệu: 43/2009/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 17/09/2009
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
- Người ký: Bùi Văn Danh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/09/2009
- Ngày hết hiệu lực: 10/10/2021
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra