Hệ thống pháp luật

Điều 2 Quyết định 428/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Điều 2. Nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan:

1. Bộ Công Thương:

a) Chỉ đạo, kiểm tra định kỳ, đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị liên quan thực hiện đúng tiến độ và có hiệu quả các dự án được phê duyệt tại Quyết định này; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý đối với các dự án chậm tiến độ gây ảnh hưởng lớn đến cung cấp điện.

b) Giám sát chặt chẽ tình hình cung - cầu điện, tiến độ thực hiện các dự án nguồn và lưới điện để quyết định Điều chỉnh tiến độ các dự án trong quy hoạch được duyệt hoặc xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung các dự án mới vào quy hoạch hoặc loại bỏ các dự án không cần thiết ra khỏi quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu thực tế phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn.

c) Chỉ đạo lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch địa điểm, quy hoạch chi tiết các trung tâm nhiệt điện than, nhiệt điện khí, quy hoạch thủy điện, bậc thang thủy điện các dòng sông để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng. Chỉ đạo việc phát triển, nhập khẩu các nguồn khí thiên nhiên, LNG, than cho sản xuất điện, công nghiệp và các nhu cầu cần thiết khác.

d) Chỉ đạo phát triển cảng trung chuyển than, cơ sở hạ tầng LNG, xem xét đề xuất giải pháp thu hút vốn tư nhân trong nước và nước ngoài vào đầu tư các công trình này.

đ) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

e) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện việc đàm phán ký kết hợp tác, trao đổi điện với các nước láng giềng và tham gia của Việt Nam vào hệ thống điện liên kết giữa các nước trong khu vực GMS.

g) Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, các chủ đầu tư thực hiện tốt các dự án phát triển nguồn và lưới điện (kể cả lưới điện nông thôn) theo kế hoạch và tiến độ được duyệt.

h) Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện các Điều kiện cần thiết (pháp lý, hạ tầng kỹ thuật v.v...) cho việc phát triển thị trường bán buôn và bán lẻ điện theo Lộ trình đã được phê duyệt.

i) Chỉ đạo nghiên cứu, chế tạo trong nước thiết bị của các dự án nhà máy nhiệt điện than, điện hạt nhân và thủy điện.

k) Nghiên cứu ban hành quy định về chủng loại than nhập khẩu, các công nghệ nhà máy nhiệt điện than để đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và giảm phát thải khí CO2.

l) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2016 - 2020.

m) Tổ chức làm việc với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thống nhất quỹ đất dành cho các dự án điện, đảm bảo thực hiện các dự án đúng tiến độ theo quy hoạch đã được duyệt.

n) Tiếp tục nghiên cứu giải quyết các vấn đề về: Dòng ngắn mạch trong hệ thống điện; tăng cường liên kết lưới điện truyền tải với phương thức truyền tải điện bằng dòng điện xoay chiều hoặc một chiều; tiêu chí N-1 của lưới điện truyền tải và đề xuất các phạm vi cần đáp ứng tiêu chí N-2; nâng cao ổn định góc, ổn định tần số và điện áp của hệ thống điện quốc gia,

o) Ban hành cơ chế xử lý các dự án điện chậm tiến độ.

p) Chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế ủy quyền, phân cấp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định để tạo Điều kiện bảo đảm tiến độ cho các dự án điện.

q) Nghiên cứu xu thế kết nối lưới điện với các nước trong khu vực trên cơ sở nâng cao độ tin cậy hệ thống điện.

r) Nghiên cứu tổ chức lập quy hoạch các trung tâm điện lực: Long An, Tân Phước, Bạc Liêu, làm rõ tính khả thi, sự cần thiết của các nhà máy điện trong các trung tâm điện lực này.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Xây dựng cơ chế chính sách để thu hút đầu tư và sử dụng hợp lý nguồn vốn ODA nhằm tạo Điều kiện cho ngành điện phát triển đồng bộ, cân đối, hợp lý và bền vững.

3. Bộ Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng các cơ chế huy động vốn đầu tư phát triển ngành điện nhằm đáp ứng kịp thời và đầy đủ nhu cầu điện của toàn xã hội theo Quy hoạch điện VII Điều chỉnh được duyệt.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong nước cân đối vốn, xem xét cho chủ đầu tư các dự án điện vay theo yêu cầu thực tế của từng dự án, đảm bảo yêu cầu phát triển ngành điện bền vững.

5. Tập đoàn Điện lực Việt Nam:

a) Giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện đầu tư các dự án nguồn điện theo nhiệm vụ được giao; đầu tư phát triển các công trình lưới điện đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.

b) Thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục giảm tổn thất điện năng; chương trình tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng.

c) Tiếp tục nâng cao năng suất lao động để tối ưu hóa chi phí trong các khâu phát điện, truyền tải, phân phối và kinh doanh bán điện.

d) Đối với một số dự án lưới điện quan trọng, chỉ đạo Chủ đầu tư phải cắm mốc hành lang tuyến ngay khi báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được phê duyệt.

6. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam:

a) Chủ trì nghiên cứu phương án khai thác các nguồn khí từ mỏ Cá Voi Xanh và Lô B, phương án nhập khẩu LNG hợp lý và đảm bảo hiệu quả, phù hợp với nhu cầu sử dụng; báo cáo Bộ Công Thương xem xét trình Thủ tướng Chính phủ. Đầu tư các dự án nguồn điện theo nhiệm vụ được giao.

b) Phối hợp với nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài để đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng cho việc nhập khẩu LNG.

7. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam:

a) Giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp than cho sản xuất điện và các nhu cầu khác của nền kinh tế quốc dân từ các nguồn than trong nước và nhập khẩu. Đầu tư các dự án nguồn điện theo nhiệm vụ được giao.

b) Phối hợp với nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài để đầu tư xây dựng các cảng trung chuyển than.

8. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư cho các dự án nguồn điện, lưới điện theo quy định.

b) Cập nhật, bố trí quỹ đất các công trình điện được duyệt vào quy hoạch sử dụng đất và công bố công khai.

c) Tăng cường công tác quản lý đất đai để tránh tranh chấp, khiếu kiện làm kéo dài thời gian xác định nguồn gốc đất, kê kiểm, lập, phê duyệt phương án bồi thường và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để thi công công trình; đẩy nhanh tiến độ trong công tác khảo sát, lập đơn giá và phê duyệt đơn giá bồi thường để không làm ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt phương án bồi thường và chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân.

d) Ban hành các quy định, hướng dẫn kịp thời để các đơn vị liên quan áp dụng thực hiện, phù hợp với yêu cầu tiến độ của dự án; có hình thức xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình cơi nới nhà cửa, vật kiến trúc, trồng thêm cây trong hành lang tuyến để đòi bồi thường hoặc không chịu nhận tiền bồi thường theo phương án đã được phê duyệt.

Quyết định 428/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 428/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/03/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 261 đến số 262
  • Ngày hiệu lực: 18/03/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra