Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4266/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 31 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Nhà ở ngày 29/11/2005;

Căn cứ Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở;

Thực hiện Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 132/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 226/TTr-SXD ngày 29/12/2014 về việc phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; với các nội dung như sau:

1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Nam giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm dự báo nhu cầu, phương hướng, giải pháp phát triển nhà ở cho các đối tượng là người có công với cách mạng, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, người nghèo khu vực nông thôn, công nhân, sinh viên; nhà ở công vụ, nhà ở cho giáo viên, nhà tái định cư, nhà ở cho người nhà bệnh nhân người đồng bào dân tộc thiểu số, nhà ở dân tự xây và nhà ở thương mại tại khu vực đô thị, khu vực nông thôn trong phạm vi toàn tỉnh.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

Đầu tư phát triển, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng nhà ở, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ưu tiên đầu tư nhà ở cho người có công với cách mạng.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

- Tổng diện tích nhà ở khoảng 37,52 triệu m2 sàn.

- Diện tích bình quân đầu người là 24,18 m2 sàn, trong đó tại đô thị đạt 29,08 m2 sàn và tại nông thôn đạt 22,64 m2 sàn.

- Diện tích nhà ở tối thiểu 08 m2 sàn/người.

- Chất lượng nhà ở: Tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 80%, nhà ở bán kiên cố khoảng 15%, nhà ở thiếu kiên cố khoảng 05%, không có nhà đơn sơ.

c) Tầm nhìn đến năm 2030

- Tổng diện tích nhà ở khoảng 46,91 triệu m2 sàn.

- Diện tích nhà ở bình quân đạt 28 m2 sàn/người.

- Diện tích nhà ở tối thiểu 12 m2 sàn/người.

3. Kế hoạch phát triển nhà ở và nhu cầu đất ở đến năm 2020

a) Kế hoạch phát triển nhà ở

Stt

Chỉ tiêu

Giai đoạn
2013 - 2020

(m2 sàn)

1

Nhà ở thương mại

1.291.400

2

Nhà ở do người dân tự đầu tư xây dựng

4.848.000

3

Nhà ở người có công

286.500

4

Nhà ở người có thu nhập thấp khu vực đô thị

224.900

5

Nhà ở người nghèo khu vực nông thôn

464.100

6

Nhà ở công nhân

610.500

7

Nhà ở sinh viên

45.300

8

Nhà ở công vụ

7.400

9

Nhà ở giáo viên

34.400

10

Nhà tái định cư

363.000

Tổng cộng

8.175.500

b) Nhu cầu đất ở đến năm 2020

Trong giai đoạn 2013 - 2020, nhu cầu đất ở toàn tỉnh khoảng 871ha, trong đó đô thị khoảng 304ha và nông thôn khoảng 567ha. Trong quá trình thực hiện, kết hợp với nhu cầu đất hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để hình thành các dự án cụ thể.

4. Nhu cầu nguồn vốn đầu tư

Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở giai đoạn 2013 - 2020 dự kiến khoảng 54.409 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và vốn tự có của nhân dân.

5. Các nhóm giải pháp cụ thể

a) Nhóm giải pháp về chính sách đất đai.

b) Nhóm giải pháp về tài chính, tín dụng và thuế.

c) Nhóm giải pháp về lập và công khai quy hoạch xây dựng và kiến trúc nhà ở.

d) Nhóm giải pháp về phát triển thị trường nhà ở và quản lý sử dụng nhà ở.

e) Nhóm giải pháp về khoa học công nghệ.

f) Nhóm giải pháp về bảo vệ môi trường.

g) Nhóm giải pháp về đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu dân cư để không ngừng nâng cao điều kiện sống của người dân.

h) Nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở.

i) Nhóm giải pháp về củng cố, nâng cao năng lực tổ chức bộ máy quản lý và phát triển nhà ở.

j) Nhóm giải pháp về tuyên truyền vận động.

Điều 2: Tổ chức thực hiện

1. Ban Chỉ đạo thực hiện Chính sách nhà ở và Thị trường bất động sản tỉnh

Giúp UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn và kiểm tra việc nghiên cứu xây dựng, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách về nhà ở tại các Sở, Ban, ngành, địa phương trong tỉnh và việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh. Định kỳ tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện

- Có trách nhiệm thực hiện theo đúng các nội dung Chương trình phát triển nhà ở được phê duyệt. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ yêu cầu phát triển nhà ở trên địa bàn.

- Phối hợp với Sở Xây dựng lập và thực hiện quy hoạch chi tiết xây dựng các khu nhà ở trên địa bàn. Tổ chức công bố công khai quy hoạch xây dựng chi tiết các khu nhà ở để nhân dân biết và thực hiện, đồng thời quản lý xây dựng theo quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân xây dựng nhà ở theo quy hoạch được phê duyệt.

- Tổ chức triển khai thực hiện và hỗ trợ chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng theo tiến độ và kế hoạch đã được phê duyệt.

- Tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình phát triển nhà trên địa bàn và báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ hằng quý, 06 tháng và năm.

3. Sở Xây dựng

- Là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Chính sách nhà ở và Thị trường bất động sản tỉnh, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhà ở tỉnh; đôn đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được phân công trong Chương trình.

- Chủ trì nghiên cứu xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, đề án phát triển các loại nhà ở theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh.

- Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính và UBND các địa phương xây dựng Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 05 năm; lập hồ sơ đề xuất các khu vực phát triển đô thị, các khu vực cho phép chuyển quyền sử dụng đất sau khi đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị.

- Hướng dẫn việc lập, thẩm định, phê duyệt các dự án phát triển nhà ở, thẩm định các dự án phát triển nhà ở do UBND tỉnh chấp thuận hoặc quyết định đầu tư; thực hiện lựa chọn chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại và nhà ở xã hội để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển và quản lý nhà ở phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, trình UBND tỉnh xem xét, ban hành theo thẩm quyền; đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện sau khi được UBND tỉnh ban hành.

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị của địa phương; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn xây dựng nhà ở, nhà ở xã hội; hướng dẫn thực hiện việc phân loại, thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, quy chế quản lý, sử dụng, chế độ bảo hành, bảo trì nhà ở, nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Chủ trì xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phát triển quỹ nhà ở công vụ do địa phương quản lý (bao gồm nhu cầu đất đai và vốn đầu tư xây dựng) theo quy định về tiêu chuẩn diện tích nhà ở công vụ do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

Trên cơ sở Chương trình phát triển nhà ở được UBND tỉnh phê duyệt, chủ trì, phối hợp cùng Sở Xây dựng hướng dẫn các địa phương lập điều chỉnh, bổ sung vào phương án quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phục vụ yêu cầu phát triển nhà ở.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng bổ sung các chỉ tiêu phát triển nhà ở vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương làm cơ sở chỉ đạo, điều hành, trình UBND tỉnh quyết định.

- Lập kế hoạch bố trí vốn ngân sách hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án nhà ở xã hội; vốn để mua hoặc xây dựng nhà ở công vụ; vốn hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng theo quy định.

6. Sở Tài chính

- Tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách để hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án nhà ở xã hội; vốn để mua hoặc xây dựng nhà ở công vụ; vốn hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo quy định.

- Phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan thẩm định giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội; giá cho thuê nhà ở công vụ; trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

7. Các Sở, Ban, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với các Sở: Xây dựng, Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên Môi trường, Tài chính và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhà ở tỉnh đảm bảo hiệu quả.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội; Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai; Trưởng Ban Quản lý Phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc; Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thi hành./. 

 

Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Bộ Xây dựng;
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- CPVP;
- Lưu: VT, KTN, KTTH, TH.
(E:\Dropbox\Ba2014\QĐ\123014 - Phe duyet Chuong trinh phat trien nha o tinh.doc)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Văn Thu