Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4243/QĐ-UBND | Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 15 tháng 7 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH VỀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2004;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;
Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC ngày 28 tháng 12 năm 2007 của Bộ Tư pháp - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng;
Xét đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 593/TTr-STP ngày 03 tháng 7 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (gồm 4 Chương, 14 Điều).
Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Các thành viên Hội đồng theo Quyết định số 989/QĐ-UBND ngày 02 tháng 4 năm 2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; thủ trưởng các cơ quan chức năng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| CHỦ TỊCH |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH VỀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4243/QĐ-UBND ngày 15 tháng 7 năm 2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (sau đây gọi tắt là Hội đồng) thực hiện trách nhiệm, quyền hạn, các hoạt động phối hợp về trợ giúp pháp lý trong các giai đoạn của tố tụng theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 28 tháng 12 năm 2007 của Bộ Tư pháp - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT); đồng thời thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 989/QĐ-UBND ngày 02 tháng 4 năm 2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và quy định tại Quy chế này; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh và Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương về thực hiện các nhiệm vụ phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.
Điều 2. Hội đồng hoạt động theo nguyên tắc thảo luận tập thể, quyết định theo đa số; trường hợp có ý kiến khác nhau giữa các thành viên trong Hội đồng, khi biểu quyết tỷ lệ tán thành và không tán thành bằng nhau, thì quyết định theo bên có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng đã biểu quyết.
Chương II
TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN TRONG HOẠT ĐỘNG PHỐI HỢP
Điều 3. Trách nhiệm theo thẩm quyền chung của các thành viên Hội đồng.
1. Thực hiện trách nhiệm được quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT hướng dẫn áp dụng một số quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh.
2. Chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan đơn vị trong toàn ngành thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý thực hiện các nhiệm vụ có liên quan theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT và báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ với Chủ tịch Hội đồng. Thường xuyên trao đổi, phản ánh về chất lượng, hiệu quả tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư - Cộng tác viên, về hoạt động của cộng tác viên trợ giúp pháp lý là cán bộ, cộng chức, viên chức của các ngành và của những người tiến hành tố tụng trong hoạt động phối hợp về trợ giúp pháp lý.
3. Tham dự và chuẩn bị nội dung, ý kiến tham gia các cuộc họp của Hội đồng; trường hợp không thể dự họp thì phải thông báo ý kiến bằng văn bản với Chủ tịch Hội đồng và ý kiến tham gia có giá trị biểu quyết về nội dung Hội đồng cần bàn.
4. Đề xuất với Hội đồng các biện pháp cần thiết để giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện các công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.
5. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Hội đồng về kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của ngành về công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.
Điều 4. Trách nhiệm và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng.
1. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương và trước pháp luật về hoạt động của Hội đồng.
2. Lãnh đạo, điều hành hoạt động của Hội đồng; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Hội đồng.
3. Chủ trì các cuộc họp của Hội đồng; quyết định những vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng.
Điều 5. Trách nhiệm và quyền hạn của Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trực tiếp giúp việc cho Chủ tịch Hội đồng và được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền thực hiện các trách nhiệm, quyền hạn theo quy định tại Điều 4 Quy chế này trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng vắng mặt.
Điều 6. Trách nhiệm và quyền hạn của các thành viên Hội đồng.
1. Công an tỉnh (thành viên Hội đồng)
a) Chỉ đạo Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ, niêm yết bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, đặt hộp tin Trợ giúp pháp lý tại trụ sở cơ quan, đơn vị bên cạnh nơi đặt nội quy của Trại tạm giam, Nhà tạm giữ. Chủ động yêu cầu Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, các chi nhánh của Trung tâm phối hợp thực hiện các hoạt động thông tin tuyên truyền và hướng dẫn về trợ giúp pháp lý;
b) Chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan điều tra trong quá trình tiến hành điều tra có trách nhiệm giải thích cho người đang bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và các đương sự khác về quyền được trợ giúp pháp lý và hướng dẫn họ tiếp cận các thông tin về trợ giúp pháp lý; đồng thời có trách nhiệm cung cấp mẫu đơn đề nghị trợ giúp pháp lý và hướng dẫn người đang bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và các đương sự khác hoặc người thân thích của họ liên hệ với Trung tâm, chi nhánh Trợ giúp pháp lý để làm thủ tục đề nghị trợ giúp pháp lý;
c) Chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan điều tra thực hiện việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa, giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự theo quy định tại phần II Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT về cấp, thu hồi giấy chứng nhận tham gia tố tụng;
d) Chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan điều tra, Giám thị Trại tạm giam, Trưởng nhà tạm giữ có trách nhiệm bố trí cho Trợ giúp viên pháp lý hoặc Luật sư - Cộng tác viên tiếp xúc với người tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo theo quy định của pháp luật; xác nhận về thời gian Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư - Cộng tác viên tiếp xúc với người tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo; cung cấp kết luận điều tra cho Trợ giúp viên pháp lý hoặc Luật sư - Cộng tác viên tham gia tố tụng;
đ) Đối với trường hợp người bị bắt theo quyết định truy nã thì yêu cầu thủ trưởng các cơ quan điều tra có thẩm quyền nơi bắt giữ hoặc tiếp nhận người bị bắt có trách nhiệm kiểm tra, xác định đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý và thông báo, hướng dẫn người bị bắt hoặc người thân thích của họ liên hệ với Trung tâm, chi nhánh thuộc địa bàn cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án để làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
2. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh (thành viên Hội đồng)
a) Chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân các cấp niêm yết Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, đặt hộp tin Trợ giúp pháp lý tại trụ sở cơ quan, đơn vị; chủ động yêu cầu Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, các chi nhánh Trung tâm phối hợp thực hiện các hoạt động thông tin tuyên truyền và hướng dẫn về trợ giúp pháp lý;
b) Chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân các cấp trong quá trình tiến hành tố tụng có trách nhiệm: giải thích cho người đang bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và các đương sự khác biết về quyền được trợ giúp pháp lý và hướng dẫn cho họ tiếp cận các thông tin về trợ giúp pháp lý. Trường hợp người đang bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và các đương sự khác là người được trợ giúp pháp lý thì cung cấp cho họ mẫu đơn đề nghị trợ giúp pháp lý và địa chỉ liên hệ với Trung tâm hoặc chi nhánh Trợ giúp pháp lý;
c) Chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện cấp giấy chứng nhận người bào chữa, giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT về cấp, thu hồi giấy chứng nhận tham gia tố tụng; xác nhận về thời gian làm việc của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư - Cộng tác viên và cung cấp cáo trạng cho Trợ giúp viên pháp lý hoặc Luật sư - Cộng tác viên tham gia tố tụng.
3. Toà án nhân dân tỉnh (thành viên Hội đồng)
a) Chỉ đạo Toà án nhân dân các cấp niêm yết Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, đặt hộp tin trợ giúp pháp lý tại trụ sở cơ quan, đơn vị và chủ động yêu cầu Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, các chi nhánh của Trung tâm phối hợp thực hiện các hoạt động thông tin tuyên truyền và hướng dẫn về trợ giúp pháp lý;
b) Chỉ đạo Toà án nhân dân các cấp giải thích cho bị can, bị cáo và các đương sự khác biết về quyền được trợ giúp pháp lý, hướng dẫn cho họ tiếp cận các thông tin về trợ giúp pháp lý. Trường hợp bị cáo, bị cáo, đương sự là người được trợ giúp pháp lý thì cung cấp cho họ mẫu đơn đề nghị trợ giúp pháp lý và địa chỉ liên hệ với Trung tâm hoặc chi nhánh Trợ giúp pháp lý;
c) Chỉ đạo Toà án nhân dân các cấp thực hiện việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa, giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự, người bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của đương sự trong các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT về cấp, thu hồi giấy chứng nhận tham gia tố tụng;
d) Chỉ đạo Toà án nhân dân các cấp gửi lịch xét xử cho Trung tâm, chi nhánh Trợ giúp pháp lý; cấp các quyết định tố tụng như: quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, bản án, thông báo về việc kháng nghị (nếu có), quyết định kháng nghị (nếu có), quyết định phúc thẩm của Tòa án cho Trung tâm hoặc chi nhánh Trợ giúp pháp lý; đồng thời ghi rõ bản án, quyết định của Toà án tên của Trợ giúp viên pháp lý hoặc Luật sư - Cộng tác viên do Trung tâm, chi nhánh cử tham gia tố tụng; ghi rõ ý kiến hoặc quan điểm của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư - Cộng tác viên khi bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý trong bản án, quyết định của Toà án; xác nhận về thời gian Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư - Cộng tác viên tham gia tố tụng.
4. Sở Tài chính (thành viên Hội đồng)
Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ có liên quan căn cứ vào các quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn về chế độ tài chính kế toán của Nhà nước và của Ủy ban nhân dân tỉnh để hướng dẫn các cơ quan thành viên của Hội đồng xây dựng dự toán; đồng thời thẩm tra trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt dự toán kinh phí phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo quy định tại điểm 3 mục IV Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT.
5. Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước (thành viên Hội đồng)
a) Cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng các cấp: bảng thông tin về trợ giúp pháp lý; mẫu đơn đề nghị trợ giúp pháp lý; hộp tin trợ giúp pháp lý, tờ gấp pháp luật và các tài liệu pháp luật có liên quan về trợ giúp pháp lý và phổ biến các quy định về trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu; thông báo danh sách Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là cộng tác viên cho cơ quan tiến hành tố tụng;
b) Kiểm tra diện người được trợ giúp pháp lý, bảo đảm người được trợ giúp pháp lý có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý và Điều 2 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;
c) Cử Trợ giúp viên pháp lý hoặc Luật sư - Cộng tác viên tham gia tố tụng theo đúng quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT;
d) Phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá việc thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư - Cộng tác viên, về hoạt động của Cộng tác viên trợ giúp pháp lý là cán bộ, công chức, viên chức của các ngành và của những người tiến hành tố tụng trong hoạt động phối hợp về trợ giúp pháp lý.
Điều 7. Việc giải thích cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và các đương sự khác về quyền được trợ giúp pháp lý phải được ghi trong biên bản tố tụng để lưu tại hồ sơ vụ án; trường hợp những người này không có yêu cầu trợ giúp pháp lý hoặc từ chối thì người tiến hành tố tụng phải ghi rõ trong biên bản.
Điều 8. Việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận tham gia tố tụng phải thực hiện đúng quy định tại mục II và điểm 3 mục III Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT.
Điều 9. Các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân, Bộ chỉ huy Quân sự, Sở Tư pháp tỉnh có trách nhiệm khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan, tổ chức mình làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý để tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý. Việc tư vấn pháp luật phải phù hợp với quy định của pháp luật và nội quy, quy chế của ngành mình.
Điều 10. Nhiệm vụ của Ban Thư ký Hội đồng.
Ban Thư ký Hội đồng có nhiệm vụ tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của các thành viên Hội đồng; tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết hàng năm, đề xuất khen thưởng và xử lý những trường hợp vi phạm, đề xuất giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn hoạt đồng phối hợp.
Trưởng ban Thư ký Hội đồng chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng về các hoạt động của Ban Thư ký.
Chương III
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC
Điều 11. Chế độ họp, chế độ báo cáo.
1. Chế độ họp
Hội đồng họp định kỳ 6 tháng một lần để kiểm điểm, đánh giá và đề ra phương hướng công tác chỉ đạo thực hiện. Ngoài ra có thể họp đột xuất do Chủ tịch Hội đồng triệu tập.
2. Chế độ báo cáo
a) Định kỳ 6 tháng, 1 năm các thành viên Hội đồng chỉ đạo báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với Hội đồng (qua Sở Tư pháp - là cơ quan Thường trực của Hội đồng) vào trước ngày 30 tháng 6 và trước ngày 30 tháng 12 hằng năm hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng phối hợp Trung ương;
b) Sở Tư pháp (cơ quan Thường trực của Hội đồng) có trách nhiệm tổng hợp, định kỳ báo cáo theo yêu cầu của Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 12. Chế độ khen thưởng.
Hằng năm, Hội đồng phối hợp liên ngành tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả đạt được, rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho năm tiếp theo. Biểu dương, đề nghị khen thưởng những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại địa phương theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Các thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo Quyết định số 989/QĐ-UBND ngày 02 tháng 4 năm 2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm căn cứ vào quy định của Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT và Quy chế này để tổ chức thực hiện. Trong phạm vi thẩm quyền, được phép ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể phù hợp với đặc điểm của đơn vị để bảo đảm triển khai có hiệu quả, đúng pháp luật những hoạt động phối hợp của Hội đồng.
Điều 14. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các thành viên Hội đồng kịp thời báo cáo bằng văn bản về Sở Tư pháp (cơ quan Thường trực của Hội đồng) để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
- 1Quyết định 71/1998/QĐ-UB về quy chế tổ chức hoạt động của Trung tâm trợ giúp Pháp lý Nhà nước thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà nội ban hành
- 2Quyết định 79/2001/QĐ-UB về Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh do Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3Quyết định 1051/QĐ-UBND năm 2013 thay đổi thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Bắc Giang
- 4Quyết định 4247/QĐ-UBND năm 2013 về Quy chế hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Thanh Hóa
- 5Quyết định 861/QĐ-UBND năm 2015 về Quy chế hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Thái Nguyên
- 1Quyết định 71/1998/QĐ-UB về quy chế tổ chức hoạt động của Trung tâm trợ giúp Pháp lý Nhà nước thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà nội ban hành
- 2Luật trợ giúp pháp lý 2006
- 3Nghị định 07/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Trợ giúp pháp lý
- 4Quyết định 79/2001/QĐ-UB về Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh do Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 5Nghị định 49/2003/NĐ-CP quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế
- 6Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 7Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 8Thông tư liên tịch 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng do Bộ Tư pháp - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 9Quyết định 1051/QĐ-UBND năm 2013 thay đổi thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Bắc Giang
- 10Quyết định 4247/QĐ-UBND năm 2013 về Quy chế hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Thanh Hóa
- 11Quyết định 861/QĐ-UBND năm 2015 về Quy chế hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Thái Nguyên
Quyết định 4243/QĐ-UBND năm 2008 về quy chế hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng do tỉnh Ninh Thuận ban hành
- Số hiệu: 4243/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 15/07/2008
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
- Người ký: Hoàng Thị Út Lan
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra