Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4226/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 4 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ X VỀ CHIẾN LƯỢC BIỂN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09 tháng 02 năm 2007 của Ban chấp hành Trung ương khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng các Vụ: Kế hoạch, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Năng lượng, Công nghiệp nặng, Công nghiệp nhẹ, Thị trường trong nước; Cục trưởng các Cục: Công nghiệp địa phương, Xúc tiến thương mại và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

 

CHƯƠNG TRÌNH

HÀNH ĐỘNG CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 4 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ X VỀ CHIẾN LƯỢC BIỂN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4226/QĐ-BCT ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Bộ Công thương)

I. MỤC TIÊU

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 của Ngành công thương nhằm phát huy vai trò của Ngành trong công cuộc phát triển kinh tế biển, gắn kết sự phát triển các lĩnh vực kinh tế với việc phát triển các làng nghề, khu, cụm, điểm công nghiệp, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, xây dựng vùng biển hoà bình, ổn định và hợp tác.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Nhiệm vụ chung

- Triển khai thực hiện chức năng và nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực về công nghiệp và thương mại, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí; phát triển năng lượng mới; triển khai nhanh các đề án cấp điện cho các huyện đảo; nghiên cứu ứng dụng sản xuất điện từ các nguồn năng lượng mặt trời, gió, sóng biển, thuỷ triều; phát triển các ngành công nghiệp phục vụ phát triển kinh tế biển và khai thác, chế biến khoáng sản. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp ở các địa phương phục vụ phát triển các ngành và lĩnh vực liên quan đến biển, ven biển và hải đảo; thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại và xây dựng các trung tâm thương mại phục vụ chiến lược biển, ven biển; tổ chức phổ biến kinh nghiệm về sản xuất, quản lý, khoa học - công nghệ, đầu tư, đào tạo, cung cấp thông tin, triển lãm, hội chợ, quảng bá sản phẩm cho các cơ sở sản xuất công nghiệp và thương mại ở địa phương ven biển... Tham gia quá trình đàm phán và giải quyết tranh chấp trên biển liên quan đến phát triển công nghiệp và hoạt động thương mại; góp phần phấn đấu nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định và phát triển đất nước.

2. Nhiệm vụ phát triển kinh tế biển đối với công nghiệp và thương mại

Trên cơ sở quy định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương tại Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007, ngành Công Thương tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

2.1. Về công nghiệp

- Hoàn thành đề án Quy hoạch phát triển dầu khí Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025, tiếp tục phát triển ngành khai thác, chế biến dầu khí; phát triển năng lượng mới; thực hiện đề án cấp điện cho các huyện đảo; triển khai nghiên cứu ứng dụng sản xuất điện từ các nguồn năng lượng mặt trời, gió, sóng biển, thuỷ triều và xây dựng kết cấu hạ tầng điện ven biển.

- Phát triển công nghiệp cơ khí đóng tàu, trong đó chú trọng việc đóng mới - sửa chữa tàu biển, phấn đấu đến năm 2020 đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp cơ khí tàu thuỷ hàng đầu khu vực. Phát triển các ngành công nghiệp phục vụ phát triển kinh tế biển như sản xuất thiết bị bảo quản, thiết bị đông lạnh, thiết bị chế biến hải sản, động cơ thuỷ... Tiếp tục phát triển ngành khai thác và chế biến các khoáng sản biển.

- Phát triển công nghiệp chế biến thuỷ hải sản theo hướng tập trung đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, đặc biệt chú trọng đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp các cụm, điểm công nghiệp, phát triển nguồn nhân lực của các tỉnh, thành phố ven biển, hải đảo; tổ chức phổ biến kinh nghiệm về sản xuất, quản lý, khoa học - công nghệ, đầu tư, đào tạo, cung cấp thông tin, triển lãm, hội chợ quảng bá sản phẩm cho các cơ sở sản xuất công nghiệp và thương mại ở địa phương ven biển và hải đảo.

2.2. Về thương mại

- Phát triển thị trường, hàng hóa và dịch vụ phục vụ các ngành và lĩnh vực liên quan đến biển, trên địa bàn ven biển và hải đảo. Quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại các vùng bãi ngang, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

- Tiếp tục nghiên cứu, triển khai việc thành lập các Trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại nước ngoài nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó có các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các vùng, địa phương ven biển.

- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại như tổ chức các hội chợ triển lãm tại các thị trường trọng điểm để giới thiệu cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam có cơ hội tiếp cận, mở rộng và phát triển thị trường; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức liên quan đến hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu.

3. Nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tăng cường hợp tác quốc tế và công tác đối ngoại về biển, đảo

- Phối hợp cùng với các Bộ, ngành xây dựng hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi của đất nước, trong đó có những nội dung liên quan tới ngành công thương, xác lập chủ quyền;

- Xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp và thương mại trên địa bàn ven biển gắn với nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ thế trận quốc phòng toàn dân, bảo vệ an ninh của tổ quốc.

4. Nhiệm vụ phát triển khoa học - công nghệ các lĩnh vực liên quan đến biển, bảo vệ môi trường biển và ven biển, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và ứng phó sự cố tràn dầu

4.1. Phát triển khoa học - công nghệ các lĩnh vực liên quan đến biển

Từ nay đến năm 2020, cần tập trung đẩy mạnh việc nghiên cứu và áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào các lĩnh vực như khai thác dầu khí, lọc dầu, khai thác khoáng sản, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống điện tử thông tin phục vụ cho ngư dân đi biển đánh bắt cá xa bờ, nâng cao trình độ tự động hóa của ngành cơ khí phục vụ cho ngành đóng tàu, phát triển ngành công nghiệp chế biến hải sản. Tăng cường phổ biến các thông tin về khoa học và công nghệ phục vụ cho hoạt động công nghiệp liên quan đến lĩnh vực phát triển kinh tế biển.

4.2. Bảo vệ môi trường biển và ven biển, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và ứng phó sự cố tràn dầu

- Các địa phương cần xây dựng và triển khai các đề án bảo vệ môi trường tại các cụm, điểm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ven biển; có biện pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, gây huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản và môi trường sinh thái biển; Củng cố và hoàn thiện hệ thống thông tin, liên lạc truyền thông dự báo khí tượng thuỷ văn, đảm bảo thông tin được chuyển tải đến cơ sở chính xác và kịp thời; chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch ứng phó với mọi tình huống thiên tai, đẩy mạnh công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn trên biển; Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của các tổ chức và cá nhân về bảo vệ môi trường biển.

- Các Sở Công Thương và các doanh nghiệp hoạt động ven biển và trên biển có kế hoạch cụ thể bảo vệ môi trường biển và ven biển, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và ứng phó sự cố tràn dầu. Kế hoạch được đề xuất cho từng năm và 5 năm để phù hợp với tình hình thực tế khách quan.

5. Nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng trên biển, đảo và vùng ven biển

- Phát triển kết cấu hạ tầng về lĩnh vực năng lượng trên cơ sở Quy hoạch phát triển các ngành điện và dầu khí.

- Các địa phương ven biển cần tích cực chỉ đạo, làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển các cụm, điểm công nghiệp, bố trí nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư. Phát triển kết cấu hạ tầng về lĩnh vực công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ và công nghiệp địa phương cần được thực hiện trên cơ sở tạo điều kiện cho việc xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển các cụm, điểm công nghiệp.

- Quan tâm đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại để tăng cường hoạt động giao thương, phân phối hàng hoá từ các địa phương ven biển đến các tỉnh thành khác trong cả nước. Đẩy mạnh công tác quản lý, xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ trên địa bàn các tỉnh có biển, đặc biệt là các chợ đầu mối về thủy hải sản với quy mô lớn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu buôn bán, trao đổi của thương nhân;

- Phát triển các loại hình dịch vụ như dịch vụ hệ thống cảng biển, dịch vụ kho bãi... góp phần đẩy mạnh kinh tế của địa phương ven biển. Đồng thời nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ như kiểm dịch, kiểm định, vệ sinh, bảo vệ, bốc dỡ, vận chuyển, bao bì...., khuyến khích đa dạng hóa các loại hình dịch vụ như chuyển giao công nghệ, thông tin, tư vấn, tài chính...

6. Tuyên truyền, giáo dục và phổ biến thông tin về biển, đảo

- Các đơn vị thuộc ngành công thương cần sử dụng đa dạng các kênh thông tin, các phương tiện truyền thông, kết hợp với tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo để phổ biến, quán triệt nội dung liên quan đến phát triển kinh tế biển trên cơ sở Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và các phương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 của các địa phương, các cấp, các ngành.

7. Nhiệm vụ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển

- Các đơn vị thuộc Ngành Công Thương cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các ngành dầu khí, điện, khai thác, cơ khí đóng tàu và chế biến khoáng sản, chế biến thực phẩm và hàng tiêu dùng, phục vụ việc phát triển các cụm, điểm công nghiệp, hệ thống thương mại...

- Các địa phương cần xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng cho các cụm, điểm công nghiệp và các khu thương mại và dịch vụ. Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về quản lý doanh nghiệp, hoạt động khuyến công, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động...

8. Nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với các vấn đề liên quan đến biển

- Các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Công thương cần chủ động xây dựng các quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên các vùng biển và ven biển. Khi địa phương triển khai quy hoạch cần có sự phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tiến hành rà soát, cập nhật, bổ sung quy hoạch; đáp ứng yêu cầu phát triển của các địa phương cũng như đảm bảo sự đồng bộ, phù hợp với Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

- Có cơ quan đầu mối tổng hợp, theo dõi đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến Chiến lược biển Việt Nam để đảm bảo tính hệ thống, thống nhất trong hoạt động quản lý nhà nước về phát triển kinh tế xã hội vùng biển, đảo.

- Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc các Bộ, ngành xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp quy trong quản lý các lĩnh vực về khai thác, chế biến, hoạt động dịch vụ thương mại đối với tài nguyên từ biển, ven biển và hải đảo.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ vào nhiệm vụ được phân công trong Phụ lục kèm theo, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện Chương trình hành động để bảo đảm chất lượng và tiến độ.

2. Báo cáo tình hình thực hiện 6 tháng một lần gửi về Văn phòng Bộ trước ngày 30 tháng 5 và 30 tháng 11 hàng năm để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Văn phòng Bộ giúp Bộ trưởng theo dõi, kiểm tra và tổng hợp việc triển khai Chương trình hành động này.

4. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu cần thiết phải bổ sung, điều chỉnh Chương trình, các cơ quan, đơn vị chủ động đề nghị và Văn phòng Bộ tổng hợp báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định./.

 

PHỤ LỤC

NHỮNG CÔNG VIỆC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG LẦN THỨ 4 VỀ CHIẾN LƯỢC BIỂN VIỆT NAM
(kèm theo Quyết định số 4226/QĐ-BCT ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Bộ Công thương)

STT

Nội dung công việc

Cơ quan hủ trì

Ghi chú

1

Lĩnh vực Năng lượng

- Quy hoạch tổng thể phát triển dầu khí Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025

- Quy hoạch dự trữ dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ đến 2015, tầm nhìn đến 2025

- Quy hoạch các địa điểm xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu đến năm 2025, có xét đến năm 2050

- Quy hoạch phát triển công nghiệp hóa dầu đến năm 2015, có xét đến 2025

- Quy hoạch phát triển dịch vụ dầu khí đến năm 2015, có xét đến 2025

- Xây dựng đề án cấp điện cho các huyện đảo;

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực các tỉnh ven biển và các chính sách liên quan;

- Phát triển kết cấu hạ tầng về lĩnh vực năng lượng.

Vụ Năng lượng

 

2

Lĩnh vực công nghiệp nặng

- Phát triển các ngành công nghiệp khai thác và chế biến phục vụ phát triển kinh tế biển

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phát triển chính sách khai thác, chế biến khoáng sản và các điều kiện, tiêu chuẩn, chính sách có liên quan;

- Phát triển kết cấu hạ tầng về lĩnh vực công nghiệp.

- Gắn liền nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ thế trận quốc phòng toàn dân, bảo vệ an ninh Tổ quốc với phát triển hệ thống hạ tầng về dầu khí, điện lực; các cụm điểm công nghiệp và hạ tầng thương mại

Vụ Công nghiệp nặng

 

3

Lĩnh vực công nghiệp nhẹ 

- Phát triển ngành công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến phục vụ kinh tế biển;

- Khai thác và chế biến sản phẩm từ biển;

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng và các chính sách liên quan đến biển;

- Phát triển kết cấu hạ tầng về lĩnh vực công nghiệp.

Vụ Công nghiệp nhẹ

 

4

Lĩnh vực phát triển công nghiệp địa phương

- Khảo sát, điều tra cơ bản về mạng lưới các cụm, điểm công nghiệp của các tỉnh, thành phố có biển và đảo để làm căn cứ khoa học cho công tác lập Quy hoạch, Kế hoạch phát triển các cụm, điểm công nghiệp của các tỉnh, thành phố ven biển và đảo.

- Xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp và định hướng phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho việc phát triển công nghiệp tại các tỉnh, thành phố ven biển và hải đảo;

- Tổ chức phổ biến kinh nghiệm về sản xuất, quản lý, khoa học - công nghệ, đầu tư, đào tạo, cung cấp thông tin, triển lãm, hội chợ, quảng bá sản phẩm cho các cơ sở sản xuất công nghiệp ở địa phương ven biển và hải đảo.

Cục Công nghiệp địa phương

 

5

Lĩnh vực thương mại

- Phát triển thị trường thương mại phục vụ các ngành và lĩnh vực liên quan đến biển và hải đảo;

- Xây dựng chính sách xúc tiến thương mại, xây dựng các trung tâm thương mại phục vụ chiến lược biển;

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phát triển hệ thống thương mại và các chính sách liên quan đến biển;

- Phát triển kết cấu hạ tầng về lĩnh vực thương mại (Hệ thống chợ);

- Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Công Thương của các địa phương có biển, hải đảo về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại, đầu tư phát triển công nghiệp và thương mại

Vụ thị trường trong nước và Cục Xúc tiến thương mại

 

6

Nhiệm vụ phát triển khoa học - công nghệ, các lĩnh vực liên quan đến biển   

- Tăng cường các hoạt động khoa học công nghệ về khai thác dầu khí, lọc dầu, khai thác khoáng sản, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống điện tử thông tin phục vụ cho ngư dân đi biển, nâng cao trình độ tự động hóa của ngành cơ khí phục vụ cho ngành đóng tàu phát triển ngành công nghiệp chế biến hải sản phục vụ cho ngành hàng hải đánh bắt cá xa bờ.... 

- Nghiên cứu sản xuất điện tử các nguồn năng lượng mặt trời, gió, sóng biển, thủy triều..

Vụ Khoa học Công nghệ

 

7

Bảo vệ môi trường biển và ven biển phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và ứng phó sự cố tràn dầu

- Xây dựng và thực hiện đề án bảo vệ môi trường biển và ven biển, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và ứng cố sự cố tràn dầu.

Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp

 

8

Nhiệm vụ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

- Phục vụ ngành dầu khí 

- Phục vụ ngành điện  

- Phục vụ ngành công nghiệp khai thác và chế biến

- Phục vụ ngành cơ khí đóng tàu

- Phục vụ ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng

- Phục vụ làng nghề tiểu thủ công nghiệp, hệ thống thương mại ...

Vụ Tổ chức Cán bộ

 

9

Nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với các vấn đề liên quan đến biển

- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển

- Phối hợp cùng với các Bộ, ngành xây dựng hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi của đất nước, xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng trời, vùng biển và hải đảo;

- Phối hợp cùng với các Bộ, ngành giải quyết các tranh chấp về biển, đảo có liên quan đến ngành công thương

Vụ Pháp chế

 

10

Nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với các vấn đề liên quan đến biển

- Tổng hợp công tác thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam

Vụ Kế hoạch

 

11

Nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục và phổ biến thông tin về biển, đảo

- Phổ biến nội dung Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 

Báo Công thương, Tạp chí Công nghiệp, Tạp chí Thương mại

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4226/QĐ-BCT ban hành Chương trình hành động Ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020

  • Số hiệu: 4226/QĐ-BCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/07/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Vũ Huy Hoàng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/07/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản