Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/2024/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 19 tháng 7 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA XE Ô TÔ VẬN TẢI TRUNG CHUYỂN HÀNH KHÁCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

Căn cứ Nghị định số 47/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

Căn cứ Nghị định số 41/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe;

Căn cứ Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ Giao thông vận tải Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 02/2021/TT-BGTVT ngày 04 tháng 02 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 05/2023/TT-BGTVT ngày 27 tháng 4 năm 2023 của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái;

Căn cứ Thông tư số 18/2024/TT-BGTVT ngày 31 tháng 5 năm 2024 của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 1486/TTr-SGTVT ngày 10/7/2024 về việc đề nghị ban hành Quyết định quy định về quản lý hoạt động của xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý hoạt động của xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29 tháng 7 năm 2024.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Tài chính; Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các đơn vị vận tải, bến xe hoạt động trên địa bàn tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL- Bộ Tư pháp;
- CT và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử;
- Công báo tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Lưu: VT, QLVT&PT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Hải Minh

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA XE Ô TÔ VẬN TẢI TRUNG CHUYỂN HÀNH KHÁCH TRÊN ĐỊA BÀN THỪA THIÊN HUẾ
(Kèm theo Quyết định số: 42/2024/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về quản lý hoạt động của xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách trên địa bàn Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

2. Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định có bến nơi đi hoặc bến nơi đến trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, sử dụng xe ô tô trung chuyển để đón, trả khách đi các tuyến vận tải khách cố định của đơn vị mình.

3. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan.

Chương II

NỘI DUNG QUẢN LÝ

Điều 3. Quy định sử dụng xe trung chuyển hành khách

1. Phải niêm yết ở mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe: tên và số điện thoại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định.

2. Có phù hiệu “XE TRUNG CHUYỂN” theo mẫu quy định của Bộ Giao thông vận tải và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phù hiệu cấp cho xe trung chuyển có giá trị 07 năm hoặc theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải (thời gian đề nghị trong khoảng từ 01 năm đến 07 năm) và không quá niên hạn sử dụng của phương tiện.

3. Hai bên thân xe có dán hoặc sơn dòng chữ “XE TRUNG CHUYỂN” chiều cao của dòng chữ từ 100 mm đến 150 mm;

4. Có sức chứa từ 16 chỗ ngồi trở xuống (kể cả người lái) và phải thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã.

5. Trên xe phải trang bị dụng cụ thoát hiểm, bình chữa cháy còn sử dụng được và còn hạn theo quy định.

6. Phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy chuẩn.

7. Chỉ được sử dụng để vận chuyển hành khách (đi trên các tuyến cố định của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải) đến bến xe khách, điểm đón, trả khách trên tuyến hoặc ngược lại.

8. Xe trung chuyển không được thu của hành khách bất kỳ khoản chi phí nào khác ngoài giá vé đã ghi trên tuyến cố định theo quy định.

9. Xe có phù hiệu "XE TRUNG CHUYỂN" không được tham gia hoạt động kinh doanh vận tải.

10. Niên hạn của xe trung chuyển được tính theo quy định về niên hạn của xe ô tô chở người.

Điều 4. Phạm vi và thời gian hoạt động của xe trung chuyển hành khách

1. Phạm vi hoạt động

Xe trung chuyển hành khách của các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định được hoạt động trung chuyển hành khách trong phạm vi địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Thời gian hoạt động

Xe trung chuyển được phép hoạt động 24/24 giờ trong ngày, nhưng phải đảm bảo phù hợp với thời gian đi và đến theo biểu đồ chạy xe tuyến cố định mà doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền quản lý tuyến và niêm yết tại bến xe.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 5. Trách nhiệm của các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế

1. Sở Giao thông vận tải

a) Hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng phương án tổ chức hoạt động của xe trung chuyển; thực hiện niêm yết công khai biển số xe, thời gian hoạt động tại bến xe.

b) Tổng hợp danh sách phương tiện được cấp phù hiệu xe trung chuyển, thông tin đến các lực lượng tuần tra kiểm soát để xử lý nghiêm các vi phạm.

c) Niêm yết quy định này trên Cổng thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế.

d) Xử lý vi phạm của xe trung chuyển nếu có phản ánh được xác thực hoặc thông tin phản ánh được đăng trên Hệ thống thông tin dịch vụ đô thị thông minh Thừa Thiên Huế (Hue-S).

đ) Chỉ đạo các bến xe khách

- Theo dõi sự hoạt động của xe trung chuyển và hàng quý báo cáo tình hình hoạt động của xe trung chuyển (đơn vị kinh doanh, biển số xe, số lượt xe ra vào bến, sản lượng vận chuyển...) về Sở Giao thông vận tải;

- Không giải quyết cho xe trung chuyển hoạt động tại bến nếu xe trung chuyển không lắp thiết bị giám sát hành trình;

e) Chỉ đạo Thanh tra Sở Giao thông vận tải tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm của xe trung chuyển theo quy định của pháp luật và Quy định này.

2. Công an tỉnh

a) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp đơn vị vận tải, lái xe trung chuyển vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực nội thành.

b) Chỉ đạo cơ quan Công an các địa phương thường xuyên duy trì kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đơn vị vận tải, lái xe trung chuyển sử dụng xe trung chuyển không đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế

Tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân địa phương biết về hoạt động của xe trung chuyển.

Điều 6. Trách nhiệm của các bến xe khách, các doanh nghiệp, Hợp tác xã kinh doanh vận tải

Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và quy định này trong quản lý hoạt động của xe vận tải trung chuyển của đơn vị.

Điều 7. Điều khoản thi hành

1. Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn triển khai thực hiện Quy định này.

2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn đề nghị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã và cá nhân có liên quan phản ánh về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 42/2024/QĐ-UBND quy định về quản lý hoạt động của xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

  • Số hiệu: 42/2024/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/07/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Hoàng Hải Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/07/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản