Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/2008/QĐ-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 24 tháng 11 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT ĐĂNG KÝ KINH DOANH, ĐĂNG KÝ THUẾ VÀ ĐĂNG KÝ DẤU ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP HOẠT ĐỘNG THEO LUẬT DOANH NGHIỆP

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 tháng 2003;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 05/2008/TTLT/BKH-BTC-BCA ngày 29 tháng 7 năm 2008 của liên bộ: Kế hoạch và Đầu tư - Tài chính - Công an hướng dẫn về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan giải quyết đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đăng ký con dấu đối với các doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số: 700/TTr-KHĐT ngày 23 tháng 10 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế phối hợp giải quyết đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đăng ký dấu đối với các doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Điều 2. Giao cho Thủ trưởng các Sở, ban, ngành: Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Cục Thuế, Công an tỉnh cùng phối hợp để thực hiện Quy chế phối hợp giải quyết đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đăng ký dấu đối với các doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Quyết định này thay thế cho Quyết định số 10/2008/QĐ-UBND ngày 19 tháng 3 năm 2008 của UBND tỉnh Đắk Lắk, về việc ban hành Quy chế phối hợp giải quyết đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đăng ký dấu đối với các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Cục Thuế, Công an tỉnh và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Các Bộ: KH&ĐT, TC, CA; (báo cáo)
- Vụ Pháp chế - Bộ KH&ĐT; (báo cáo)
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL- Bộ Tư pháp; (báo cáo)
- TT Tỉnh ủy; (báo cáo)
- TT HĐND tỉnh; (báo cáo)
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu QH tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Công báo tỉnh; Báo Đắk Lắk;
- Đài PTTH tỉnh; Website tỉnh;
- Các CV VP; các Phòng thuộc VP UB;
- Lưu VT, TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lữ Ngọc Cư

 

QUY CHẾ PHỐI HỢP

GIẢI QUYẾT ĐĂNG KÝ KINH DOANH, ĐĂNG KÝ THUẾ VÀ ĐĂNG KÝ DẤU ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP HOẠT ĐỘNG THEO LUẬT DOANH NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 42/2008/QĐ-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2008 của UBND tỉnh)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này hướng dẫn về hồ sơ, trình tự thủ tục và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan giải quyết các thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đăng ký con dấu đối với doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đăng ký con dấu khi thành lập doanh nghiệp, thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại tỉnh Đắk Lắk hoặc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động cho chi nhánh, văn phòng đại diện; Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Công an tỉnh.

Điều 3. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả các kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

1. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ:

a. Tổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Kế hoạch và Đầu tư (gọi tắt là Tổ một cửa; địa chỉ: số 17 - Lê Duẩn, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) là nơi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, thành lập Chi nhánh, Văn phòng đại diện, đăng ký thuế hoặc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh.

Tổ chức, cá nhân có thể nhận các mẫu giấy đề nghị đăng ký kinh doanh, mẫu tờ khai đăng ký thuế tại Tổ một cửa (địa điểm tiếp nhận hồ sơ).

b. Trường hợp con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện bị mất hoặc bị hư hỏng, thì doanh nghiệp phải trực tiếp gửi văn bản trình báo và đề nghị được khắc lại con dấu tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Công an tỉnh.

2. Cơ quan trả kết quả thực hiện các thủ tục hành chính:

a. Tổ một cửa là nơi trả Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế cho doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và đăng ký thuế cho Chi nhánh, Văn phòng đại diện; gửi thông báo yêu cầu doanh nghiệp hoặc người thành lập doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hoặc hiệu đính lại hồ sơ.

b. Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội - Công an tỉnh là nơi trả Giấy chứng nhận mẫu dấu và con dấu.

Điều 4. Mã số doanh nghiệp

Mã số doanh nghiệp là mã số duy nhất đối với mỗi doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế. Mã số doanh nghiệp đồng thời là mã số thuế của doanh nghiệp.

Trong suốt quá trình hoạt động từ khi đăng ký thành lập cho đến khi không còn tồn tại, mã số doanh nghiệp được dùng để kê khai nộp thuế cho tất cả các loại thuế phải nộp, kể cả trường hợp doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành, nghề khác nhau hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh tại các địa bàn khác nhau.

Mã số doanh nghiệp đã cấp không được sử dụng để cấp cho đối tượng nộp thuế khác. Doanh nghiệp khi không còn tồn tại thì mã số doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực và không được sử dụng lại. Thủ tục chấm dứt mã số doanh nghiệp thực hiện theo các quy định của Luật Doanh nghiệp và các Luật Thuế liên quan.

Nguyên tắc cấp và cấu trúc mã số doanh nghiệp được thực hiện theo các quy định tại điểm 3.1, điểm 3.2, điểm 3.3 phần I Thông tư số 85/2007/TT-BTC ngày 18/7/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế về việc đăng ký thuế.

Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế liên quan tới mã số doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Chương 2.

HỒ SƠ, LỆ PHÍ, TRẢ KẾT QUẢ CHO DOANH NGHIỆP THỰC HIỆN CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Điều 5. Hồ sơ đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, đăng ký con dấu

1. Đối với trường hợp thành lập doanh nghiệp:

Hồ sơ đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, đăng ký con dấu (sau đây gọi chung là hồ sơ đăng ký) bao gồm các giấy tờ đối với từng loại hình doanh nghiệp theo quy định tại các Điều 14, 15, 16, 17 Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 88/2006/NĐ-CP) và Bản kê khai thông tin đăng ký thuế theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 05/2008/TTLT/BKH-BTC-BCA ngày 29 tháng 7 năm 2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an (sau đây gọi tắt là Thông tư số 05/2008/TTLT/BKH-BTC-BCA).

2. Đối với trường hợp thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện:

Hồ sơ đăng ký bao gồm các giấy tờ theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 88/2006/NĐ-CP và Bản kê khai thông tin đăng ký thuế theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TTLT/BKH-BTC-BCA.

Trước khi nộp hồ sơ đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, doanh nghiệp phải tự liên hệ với Cục Thuế tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để được thông báo mã số của chi nhánh, văn phòng đại diện (mã số 13 số, bao gồm: 10 chữ số là mã số của doanh nghiệp + 03 số là số thứ tự chi nhánh hoặc văn phòng đại diện hiện có trong doanh nghiệp). Mã số chi nhánh, văn phòng đại diện phải được ghi vào thông báo lập chi nhánh, văn phòng đại diện (ngay sau mục: Tên chi nhánh, tên văn phòng đại diện) và kê khai vào Phụ lục 01 “Bản kê khai thông tin đăng ký thuế” ô số 8 thông tin về đơn vị chủ quản.

3. Đối với trường hợp thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế:

Hồ sơ đăng ký thay đổi bao gồm các giấy tờ theo quy định tại Chương V, Nghị định số 88/2006/NĐ-CP.

4. Những doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; chi nhánh, văn phòng đại diện đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động trước ngày Quy chế này có hiệu lực, khi thực hiện đăng ký thay đổi các nội dung đăng ký kinh doanh, hoặc nội dung đăng ký hoạt động thì kết hợp đăng ký thay đổi mã số doanh nghiệp. Trong trường hợp này, doanh nghiệp sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, trong đó mã số thuế của doanh nghiệp được sử dụng làm mã số doanh nghiệp và được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế. Trong trường hợp này, ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký thay đổi theo quy định tại Nghị định số 88/2006/NĐ-CP, doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện phải nộp kèm bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký thuế cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

5. Đối với trường hợp doanh nghiệp thay đổi nội dung trong Bản kê khai thông tin đăng ký thuế, trong thời gian 10 ngày kể từ ngày thực hiện thay đổi những nội dung trong Bản kê khai thông tin đăng ký thuế, doanh nghiệp phải nộp Bản kê khai thông tin đăng ký thuế mới cho cơ quan thuế kèm theo 01 bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đã được cấp.

Điều 6. Tiếp nhận hồ sơ và thu lệ phí.

1. Khi doanh nghiệp nộp hồ sơ, Tổ một cửa kiểm tra tên doanh nghiệp, các giấy tờ cần có trong hồ sơ và các đề mục cần kê khai. Khi hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Tổ một cửa của Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận hồ sơ, viết và trao Giấy biên nhận hồ sơ (theo mẫu) cho người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Trong giấy biên nhận hồ sơ phải thể hiện nội dung đăng ký, số lượng các loại giấy tờ, hẹn ngày trả kết quả và địa điểm trả kết quả.

Ngay trong ngày nhận hồ sơ của doanh nghiệp, Tổ một cửa có trách nhiệm chuyển hồ sơ đã nhận đến Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư để xem xét giải quyết đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.

2. Khi thụ lý hồ sơ đăng ký kinh doanh, nếu phát hiện nội dung hồ sơ chưa đầy đủ, không chính xác hoặc chưa đúng theo quy định của pháp luật, thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày Tổ một cửa nhận hồ sơ, Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư phải ra thông báo bằng văn bản nêu rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung hồ sơ cho người thành lập doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp biết để hiệu đính hoặc làm lại hồ sơ; nếu phát hiện nội dung đăng ký kê khai là giả mạo, thì thông báo từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.

Tổ một cửa chỉ nhận lại hồ sơ đăng ký kinh doanh khi người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp đã sửa đổi, bổ sung hoặc làm lại hồ sơ theo đúng nội dung yêu cầu trong thông báo của Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trong trường hợp này, thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh được tính từ ngày người đăng ký kinh doanh nộp đủ hồ sơ bổ sung hoặc hồ sơ đã được sửa đổi theo đúng yêu cầu.

3. Trong quá trình thụ lý hồ sơ đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, nếu người nộp hồ sơ là cá nhân đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân đã phát sinh nghĩa vụ nộp thuế, có yêu cầu được cấp mã số thuế để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nhưng hồ sơ chưa đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế thì cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện chuyển bản sao Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, Bản kê khai thông tin đăng ký thuế sang cơ quan thuế ngay trong ngày để cơ quan thuế thực hiện cấp Thông báo mã số thuế tạm thời cho người nộp thuế. Trường hợp này, sau khi hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế theo đúng quy định thì mã số thuế ghi trên Thông báo mã số thuế sẽ được sử dụng làm mã số doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân.

4. Doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ đăng ký tới Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư qua mạng điện tử (website: http://www.daklakdpi.gov.vn). Trong trường hợp này, sau khi xem xét hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo qua mạng điện tử cho người thành lập doanh nghiệp biết rõ các nội dung cần sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có) hoặc thời điểm đến nhận Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.

5. Sau khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế; chi nhánh văn phòng đại diện được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và đăng ký thuế, doanh nghiệp chủ động liên hệ với cơ sở được phép khắc dấu để khắc con dấu cho doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện.

Ngay sau khi khắc xong dấu, cơ sở khắc dấu chuyển con dấu đã khắc cho doanh nghiệp đến Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh để làm thủ tục đăng ký lưu chiểu và trả dấu cho doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện có sự thay đổi mã số doanh nghiệp và mã số thuế, sáp nhập, chuyển đổi, đăng ký thay đổi tên gọi, thay đổi địa chỉ trụ sở giao dịch (từ tỉnh khác đến hoặc từ huyện, thành phố này sang huyện, thành phố khác trong cùng một tỉnh), thì sau khi nhận Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện phải khắc lại con dấu tại cơ sở được phép khắc dấu. Ngay sau khi khắc xong dấu, cơ sở khắc dấu chuyển con dấu đã khắc cho doanh nghiệp đến Phòng quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh để làm thủ tục đăng ký lưu chiểu và trả dấu cho doanh nghiệp.

6. Thu lệ phí:

- Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh, Tổ một cửa thu lệ phí đăng ký kinh doanh theo quy định.

- Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội - Công an tỉnh thu lệ phí đăng ký mẫu dấu, khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đến nhận Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu và con dấu.

Điều 7. Trả kết quả cho doanh nghiệp

1. Trả kết quả đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế

Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế cho doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và đăng ký thuế chi nhánh, văn phòng đại diện.

Đối với trường hợp hồ sơ đăng ký được tiếp nhận thông qua mạng điện tử, khi đến nhận kết quả, doanh nghiệp phải nộp một bộ hồ sơ đăng ký bằng giấy để cơ quan đăng ký kinh doanh đối chiếu và lưu hồ sơ.

Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư chuyển ngay Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế cho doanh nghiệp. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và đăng ký thuế chi nhánh, văn phòng đại diện đến Tổ một cửa để trả cho doanh nghiệp hoặc người thành lập doanh nghiệp.

Sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện thủ tục mua hóa đơn tài chính tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc tự in hóa đơn tài chính theo quy định.

Khi đến nhận kết quả, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện ký nhận vào Phiếu trả kết quả theo mẫu quy định, đồng thời ký tên vào Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và đăng ký thuế đối với chi nhánh, văn phòng đại diện.

2. Trả kết quả đăng ký con dấu

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được con dấu do cơ sở khắc dấu chuyển đến, cơ quan công an có trách nhiệm kiểm tra, đăng ký để trả con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho doanh nghiệp.

Khi đến nhận con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu tại cơ quan Công an, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện nộp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế (đối với doanh nghiệp), Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và đăng ký thuế (đối với chi nhánh, văn phòng đại diện) và xuất trình Giấy chứng minh nhân dân cho cơ quan Công an.

Các trường hợp có sự thay đổi nội dung đăng ký hoặc chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất… dẫn đến phải khắc lại con dấu, thì khi đến nhận con dấu mới, doanh nghiệp phải nộp lại con dấu cũ hoặc con dấu của doanh nghiệp không còn tồn tại cho cơ quan Công an.

3. Cung cấp thông tin về thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày cấp thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, hoặc nội dung hoạt động cho chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ quan đăng ký kinh doanh gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho Cục thuế và Công an tỉnh.

Chương 3.

PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH GIỮA CÁC CƠ QUAN

Điều 8. Quy trình giải quyết các thủ tục

1. Quy trình phối hợp giải quyết các thủ tục:

a. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ của doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi tới Cục thuế tỉnh bản sao Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh (đối với trường hợp thành lập doanh nghiệp) hoặc bản sao Thông báo thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện (đối với trường hợp thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện) và Bản kê khai thông tin đăng ký thuế.

b. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin về doanh nghiệp, Cục thuế tỉnh thông báo kết quả mã số doanh nghiệp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư để ghi vào Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế của doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và đăng ký thuế của chi nhánh, văn phòng đại diện.

Việc gửi và nhận thông tin giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế có thể tiến hành theo một trong các phương thức sau:

- Nhận và gửi trực tiếp: Cán bộ tại Tổ một cửa của Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc giao, nhận hồ sơ, thông tin tại Cục thuế tỉnh trong giờ hành chính vào các ngày làm việc trong tuần. Việc giao, nhận thông tin phải được ghi đầy đủ các giấy tờ, thông tin giao nhận vào Sổ giao nhận và có chữ ký của những người trực tiếp giao, nhận hồ sơ, thông tin. Thời gian giao, nhận hồ sơ cụ thể do Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất với Cục Thuế tỉnh để thực hiện.

- Khi có đủ điều kiện, việc nhận và gửi hồ sơ, thông tin giữa cơ quan Đăng ký kinh doanh và Cục thuế tỉnh có thể được thực hiện thông qua máy Fax hoặc thông qua mạng điện tử. Trong trường hợp này, cơ quan đăng ký kinh doanh và Cục thuế tỉnh phải thống nhất cụ thể cách thức và thời gian thực hiện, đảm bảo tính chính xác và thuận tiện cho các bên và không làm ảnh hưởng đến thời hạn trả kết quả cho doanh nghiệp.

c) Trong thời hạn 02 ngày làm việc sau khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế cho doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế cho Cục thuế, cơ quan Công an cấp tỉnh và các cơ quan liên quan.

2. Trách nhiệm của các cơ quan

a. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm niêm yết công khai tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ các quy định về đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đăng ký dấu theo quy định của pháp luật.

b. Cục thuế, Công an tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để giải quyết kịp thời những vướng mắc, khiếu nại của các tổ chức, cá nhân về đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đăng ký dấu.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ động đảm bảo kinh phí cho việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông, biên chế cán bộ làm việc ở Tổ một cửa, đảm bảo các yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg, ngày 22 tháng 6 năm 2007, của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương;

- Chịu trách nhiệm in ấn các mẫu biểu, quy trình liên quan đến các thủ tục thành lập doanh nghiệp, đăng ký thuế, khắc và đăng ký dấu để cung cấp miễn phí cho người thành lập doanh nghiệp và doanh nghiệp; Công khai, niêm yết các khoản phí, lệ phí về đăng ký kinh doanh, khắc dấu và đăng ký dấu tại Tổ một cửa để doanh nghiệp biết thực hiện.

- Cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin về các doanh nghiệp đăng ký và các văn bản pháp luật có liên quan, đưa lên “Cổng thông tin doanh nghiệp” để phục vụ nhanh chóng, tiện lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước các thông tin về kinh tế xã hội và các thông tin về doanh nghiệp, thành lập doanh nghiệp;

- Chịu trách nhiệm tổng hợp, đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung Quy chế này khi có sự thay đổi của các văn bản pháp luật có liên quan đến trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đăng ký dấu.

2. Công an tỉnh:

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để giải quyết kịp thời những vướng mắc, khiếu nại của các tổ chức, cá nhân về đăng ký kinh doanh, đăng ký dấu.

- Cung cấp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư danh sách và địa chỉ các cơ sở khắc dấu đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện an ninh trật tự để thông báo cho doanh nghiệp tự liên hệ khắc dấu;

- Chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các điều lệ về an ninh, trật tự của cơ sở khắc dấu; kiểm tra, đăng ký, quản lý con dấu và các nội dung liên quan theo quy định của pháp luật.

3. Cục thuế:

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để giải quyết kịp thời những vướng mắc, khiếu nại của các tổ chức, cá nhân về đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế.

- Thông báo kịp thời những nội dung thay đổi trong các văn bản pháp luật về thủ tục, hồ sơ đăng ký thuế cho Sở Kế hoạch và Đầu tư biết để thực hiện./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 42/2008/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp giải quyết đăng ký kinh doanh, thuế và dấu đối với doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành

  • Số hiệu: 42/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/11/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Lữ Ngọc Cư
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/12/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản