Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 42/1999/QĐ-BGD&ĐT

Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 42/1999/QĐ-BGD&ĐT NGÀY 13/12/1999 VỀ VIỆC BAN HÀNH "ĐIỀU LỆ CUỘC THI OLYMPIC CÁC MÔN KHOA HỌC MÁC-LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH CHO SINH VIÊN CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CAO ĐẲNG"

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 30/3/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 02/12/1998;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Công tác Chính trị,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Điều lệ cuộc thi Olympic các môn Khoa học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên các trường đại học và cao đẳng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Công tác Chính trị, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc các Đại học, Hiệu trưởng các trường Đại học, Cao đẳng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nguyễn Tấn Phát

(Đã ký)

 

ĐIỀU LỆ

CUỘC THI OLYMPIC CÁC MÔN KHOA HỌC MÁC - LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH CHO SINH VIÊN CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CAO ĐẲNG
(Kèm theo Quyết định số 42/1999/QĐ-BGD& ĐT ngày 13/12/1999 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Điều 1. Mục đích yêu cầu cuộc thi.

Nhằm thúc đẩy việc học tập các môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị TW2 (khoá VIII) và Chỉ thị 34/CT-TƯ (ngày 30/5/1998) của Bộ Chính trị; giúp cho sinh việc gắn lý luận với thực tiễn, hiểu biết sâu sắc đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng bản lĩnh chính trị.

Điều 2. Đối tượng dự thi.

Sinh viên đang học tại các trường đại học, cao đẳng.

Điều 3. Nội dung thi.

Kiến thức trong các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố các môn thi cụ thể trong từng cuộc thi.

2. Yêu cầu chung về nội dung thi là: Nắm chắc những nguyên lý cơ bản, vận dụng lý luận đã học để lý giải một số vấn đề về đường lối chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đã và đang được thực hiện trong thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Điều 4. Thời gian tiến hành cuộc thi.

Cuộc thi được tổ chức 2 năm một lần. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hướng dẫn cụ thể cho mỗi cuộc thi.

Mỗi cuộc thi sẽ được tổ chức 2 vòng: Vòng sơ khảo và vòng chung khảo.

Điều 5. Về vòng thi sơ khảo.

1. Đây là vòng thi tại cơ sở. Hội đồng thi vòng sơ khảo do Giám đốc Đại học Quốc gia, đại học vùng, Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng quyết định thành lập. Đối với các trường đại học thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thì do Bộ chủ quản ký quyết định thành lập Hội đồng nếu tổ chức thi chung các trường. Hội đồng thi ở các Đại học Quốc gia, Đại học Vùng, trường đại học, cao đẳng hoặc ngành (Quốc phòng, Công an) chịu trách nhiệm toàn bộ các khâu của việc tổ chức vòng thi.

2. Cách thức tiến hành thi: Mỗi thí sinh được phép đăng ký dự thi 1 trong các môn được quy định cụ thể ở mỗi cuộc thi với 1 bài thi viết (180 phút). Hội đồng thi sẽ quyết định số lượng thí sinh đạt điểm thi viết từ 8 điểm trở lên (thang điểm 10) để tham gia thi vấn đáp và hùng biện bằng cách bốc thăm câu hỏi do Ban giám khảo quy định. Điểm kết quả cuối cùng là điểm trung bình cộng của 3 phần thi viết, thi vấn đáp, thi hùng biện (mỗi phần thi đều cho theo thang điểm 10). Đây cũng là điểm để xét khen thưởng, thưởng điểm, chọn đi thi chung khảo toàn quốc.

Sau khi kết thúc vòng thi, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (nếu có tổ chức thi sơ khảo trong ngành), các Đại học Quốc gia, đại học vùng, các trường đại học, cao đẳng báo cáo kết quả về Bộ Giáo dục và Đào tạo để chuẩn bị cho vòng thi chung khảo.

Điều 6. Về vòng thi chung khảo toàn quốc.

Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể về số lượng thí sinh tham gia, về thời gian tổ chức và thể lệ chi tiết.

1. Vòng thi chung khảo gồm 2 phần:

- Phần thi vấn đáp: Theo câu hỏi bốc thăm.

- Phần thi hùng biện: Theo chủ đề.

2. Điểm thi chung khảo gồm điểm thi vấn đáp (thang điểm 10) và điểm thi hùng biện (thang điểm 10).

Kết quả điểm thi chung khảo của mỗi thí sinh là điểm trung bình cộng của hai phần thi.

Trong phần thi hùng biện nếu thí sinh vượt quá thời gian từ 30 giây đến 60 giây sẽ bị trừ một điểm, trên 60 giây sẽ bị trừ 2 điểm.

Điều 7. Về khen thưởng và xử lý vi phạm.

1. Ở vòng thi sơ khảo: Tùy theo điều kiện và khả năng của mỗi đơn vị Hội đồng thi quyết định số lượng cá nhân, tập thể được trao giải thưởng và mức thưởng.

Ngoài việc thưởng tiền và hiện vật, những thí sinh đoạt giải được cộng điểm thưởng theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Vòng thi chung khảo:

- Có các giải nhất, nhì, ba, khuyến khích. Mỗi giải, người đoạt giải được cấp bằng khen của Bộ kèm theo tiền thưởng (hoặc hiện vật).

- Các đơn vị tổ chức tốt vòng thi sơ khảo tại cơ sở được nhận Bằng khen và giải thưởng của Bộ.

- Những thí sinh vi phạm những quy định của Hội đồng thi sẽ bị loại khỏi phòng thi.

Điều 8. Về kinh phí.

1. Vòng thi sơ khảo: Do các đơn vị tổ chức thi tự thu xếp trong các nguồn thu của mình và có thể huy động từ các nguồn tài trợ cho cuộc thi.

2. Vòng thi chung khảo: Do Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm lo từ nguồn kinh phí đã được cấp và có thể từ nguồn tài trợ (nếu có) để chi các khoản về tổ chức và giải thưởng.

Các đơn vị cử người dự thi tự lo chi phí về ăn, ở, đi lại và các chi phí khác cho đơn vị mình.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Ở vòng thi sơ khảo: Các bộ môn, khoa, ban Mác - Lênin làm nòng cốt cùng với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên (nếu có), các phòng chức năng như phòng Công tác Chính trị, Phòng Đào tạo và quản lý học sinh, giúp lãnh đạo nhà trường tổ chức vòng thi.

2. Ở vòng thi chung khảo: Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho Vụ Công tác Chính trị, phối hợp với các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm:

- Hướng dẫn tổ chức, chỉ đạo thi ở vòng sơ khảo.

- Triển khai tổ chức vòng thi chung khảo.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 42/1999/QĐ-BGD&ĐT về Điều lệ cuộc thi Olympia các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên các trường Đại học và Cao đẳng do Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 42/1999/QĐ-BGD&ĐT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/12/1999
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Tấn Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/12/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản