Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4121/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 21 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XỬ LÝ Ô NHIỄM, CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG CÁC HỒ NỘI THÀNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về ban hành Nghị định về thoát nước và xử lý nước thải;

Căn cứ Quyết định số 33/2018/QĐ-UBND ngày 01 tháng 10 năm 2018 của UBND thành phố Đà Nẵng về ban hành Quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;

Căn cứ Quyết định số 46/2018/QĐ-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2018 của UBND thành phố về việc ban hành Quy định về quản lý thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;

Căn cứ Quyết định số 1099/QĐ-UBND ngày 02 tháng 4 năm 2021 của UBND thành phố về ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường giai đoạn 2021-2030”;

Căn cứ Quyết định số 40/2020/QĐ-UBND ngày 09/11/2020 của UBND thành phố về ban hành quy định về phân vùng các nguồn tiếp nhận nước thải trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;

Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 617/TTr-STNMT ngày 01 tháng 10 năm 2021 về việc ban hành Đề án Xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường các hồ nội thành trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án Xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường các hồ nội thành trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng; Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông; Giám đốc các Ban quản lý dự án thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện và Thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 4;
- TTr Thành ủy (b/cáo);
- TTr HĐND thành phố (b/cáo);
- Chủ tịch và các PCT UBND Tp;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các quận, huyện, phường, xã;
- Đài PTTH Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng;
- Lưu: VT, ĐTĐT, STNMT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Nam

 

ĐỀ ÁN

XỬ LÝ Ô NHIỄM, CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG CÁC HỒ NỘI THÀNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Kèm theo Quyết định số 4121/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2021 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Phần I

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

I. SỰ CẦN THIẾT

Thành phố Đà Nẵng nằm ở địa hình thấp, vừa có đồng bằng duyên hải, vừa có đồi núi. Phần lớn các hồ trong đô thị có nguồn gốc từ vùng trũng hoặc nhánh sông và được hình thành gắn liền với phát triển đô thị. Ở khu vực ngoại thành thành phố, các hồ chứa có tổng dung tích khoảng 36 triệu m3, là nguồn cung cấp chính phục vụ cho sinh hoạt và nông nghiệp. Các hồ khu vực nội thành với tổng dung tích chứa khoảng 3,3 triệu m3, có vai trò lớn phục vụ tiêu thoát nước mưa, tạo cảnh quan môi trường, điều hòa vi khí hậu, là nơi vui chơi, giải trí cho người dân.

Trước áp lực của đô thị hóa, mặc dù đã có những giải pháp thực hiện trong thời gian qua, nhưng các giải pháp còn đơn lẻ, thiếu tính hệ thống và đồng bộ, các giải pháp về hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư tương xứng... dẫn đến tình trạng ô nhiễm tại các hồ.

Do vậy, việc xây dựng Đề án “Xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường các hồ nội thành trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” nhằm thực hiện đồng thời các giải pháp với lộ trình cụ thể để khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường xung quanh hồ, góp phần hoàn thành mục tiêu Xây dựng Đà Nẵng-Thành phố môi trường.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 của Quốc hội.

- Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (định hướng các hồ điều tiết là cấu thành quan trọng trong điều tiết, thoát nước và cần được cải tạo và xây dựng theo hướng tăng sức chứa, tăng khả năng điều tiết thoát nước).

- Quyết định số 1460/QĐ-TCMT ngày 12/11/2019 của Tổng cục môi trường về việc ban hành hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số chất lượng nước Việt Nam (VN-WQI).

- Quyết định số 1099/QĐ-UBND ngày 02/4/2021 của UBND thành phố về ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” được ban hành (mục tiêu trên năm 2030 chỉ số WQI>90).

- Quyết định số 5117/QĐ-UBND ngày 30/7/2014 của UBND thành phố về Đề án “Xây dựng mạng lưới quan trắc không khí và nước thành phố Đà Nẵng” (07 hồ được tổ chức quan trắc, tần suất 03 tháng/lần).

- Quyết định số 3462/QĐ-UBND ngày 01/11/2021 của UBND thành phố về phê duyệt “Chương trình quan trắc chất lượng môi trường thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025” (10 hồ ô nhiễm trong khu vực đô thị sẽ được tổ chức quan trắc, tần suất 03 tháng/lần kể từ năm 2022).

- Quyết định số 499/QĐ-UBND ngày 31/01/2018 của UBND thành phố Đà Nẵng về phê duyệt Quy hoạch thoát nước thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Quyết định số 947/QĐ-UBND ngày 01/3/2019 của UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt Đề án Tài nguyên nước mặt thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (phê duyệt danh mục 13 hồ có chức năng điều tiết nước mưa quan trọng cần tập trung bảo vệ).

- Quyết định số 4514/QĐ-UBND ngày 08/10/2018 của UBND thành phố Đà Nẵng về phê duyệt Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn thành phố.

III. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Mục đích

Việc xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường các hồ trên địa bàn là đảm bảo chất lượng nước hồ phù hợp với mục đích sử dụng nước mặt, điều tiết nước mưa, tạo cảnh quan môi trường và điều hòa vi khí hậu; Khai thác kết hợp để tạo ra các mô hình sinh thái, điểm nhấn để trở thành nơi vui chơi, giải trí cho nhân dân địa phương.

2. Yêu cầu

a) Trên cơ sở phân tích đặc điểm, tính chất, chức năng và tình trạng ô nhiễm của các hồ trên địa bàn thành phố, xây dựng các giải pháp trong đề án theo vừa theo thứ tự ưu tiên vừa mang tính kết hợp hợp để có sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan.

b) Các giải pháp định hướng tại đề án theo quy định về bảo vệ môi trường, phù hợp với định hướng, chủ trương của Đảng và nhà nước; mang tính khả thi cao và huy động các nguồn lực ngoài nhà nước tham gia theo nguyên tắc “được hưởng lợi từ môi trường phải có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường”.

V. MÔI TRƯỜNG CÁC HỒ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

1. Đặc điểm các hồ

Trên địa bàn thành phố có tổng số 47 hồ, trong đó riêng địa bàn huyện Hòa Vang có 19 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích chứa 33 triệu m3, nằm biệt lập và hiện ít chịu tác động bởi các nguồn thải. Do vậy, trong phạm vi đề án này chỉ tập trung phân tích, đề xuất các giải pháp xử lý ô nhiễm, đảm bảo ô nhiễm tại tại 28 hồ nội thành. Đây là những hồ có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nhưng đang chịu tác động bởi quá trình đô thị hóa của thành phố trong thời gian qua.

Trong số 28 hồ nội thành, có 01 hồ điều tiết, cấp nước[1]; 01 hồ cảnh quan, di tích lịch sử1a và 26 hồ điều tiết nước mưa và cảnh quan. Phần lớn các hồ là không có cống bao. Kết quả khảo sát cho thấy: 18/28 hồ đã được kè xung quanh hồ hoặc kè một phần, 01 hồ đã được kè nhưng bị sạt lở[2], 09 hồ chưa được kè[3]. Đối với các hồ đã được kè đá, thì nhìn chung điều kiện vệ sinh và cảnh quan xung quanh hồ cơ bản đảm bảo, không có hiện tượng lấn chiếm đổ đất, phế thải. Tại các hồ chưa kè chắn có 02/09[4] hồ bị cây cỏ bao phủ phần lớn vùng mặt nước và có hiện tượng san lấp hồ.

Số hồ trực tiếp nhận nước thải là 18/28 hồ; 03 hồ không tiếp nhận nước thải[5]; 07 hồ có hệ thống cống bao tách nước thải quanh hồ, có các cửa xả vào và đều có cửa phai hoặc ngưỡng tràn tách nước thải (trong đó 05/7 hồ có tình trạng rò rỉ, tiếp nhận nước thải khi không có mưa[6]), hồ Trung Nghĩa 1 đã xây dựng hệ thống cống bao nhưng hiện vẫn tiếp nhận trực tiếp nước thải từ kênh Yên Thế - Bắc Sơn do hệ thống cống công bao dọc kênh đang thi công chưa hoàn thiện.

2. Chất lượng nước hồ

Trong phạm vi Đề án “Xây dựng mạng lưới quan trắc không khí và nước thành phố Đà Nẵng” đã thực hiện quan trắc chất lượng môi trường định kỳ tại 07 hồ nội thành từ năm 2015 - 2019 với tần suất 03 lần/năm.

Kết quả quan trắc tại các hồ nội thành trong 05 năm qua cho thấy: ô nhiễm dinh dưỡng, hữu cơ và vi sinh vật; chất lượng nước theo mùa có sự khác biệt. Cụ thể: COD, amoni, photphat mùa khô cao hơn mùa mưa Riêng coliform và TSS thì ngược lại. Một số hồ, hàm lượng amoni và photphat đang có xu hướng tăng lên. Có thể phân loại mức độ ô nhiễm các hồ nội thành như sau[7]:

- Các hồ bị ô nhiễm:[8] (20 hồ), gồm các hồ: Thạc Gián, Nguyễn Phước Tần, Đò Xu, Bàu Sấu, Khu E1, Xuân Hòa A, K20, Phước Lý, Trung Nghĩa 2, Công Viên 29/3, Bàu Gia Hạ, Khu C, khu B2 GĐ2 - PK2, Hòa Phú, Trung Nghĩa 1, Phần Lăng, Vĩnh Trung, 02 Hecta, Bàu Làng, hồ E2 MR PK2.

- Các hồ có nguy cơ bị ô nhiễm[9] (08 hồ), gồm các hồ: Xanh, Đình Làng Hải Châu, khu B2 GĐ2 - PK3, Bá Tùng, E2 MR GĐ2, Bàu Gia Thượng, Bàu Tràm, Nguyễn Thế Lịch. Riêng hồ Xanh, chất lượng nước hồ cơ bản đáp ứng mục đích cấp nước sinh hoạt (cột A2 QCVN 08-MT:2015/BTNMT).

3. Các giải pháp đã triển khai

a) Vệ sinh môi trường, xử lý ô nhiễm

Trong khu vực nội thành đã có 19/28 hồ được đặt hàng thực hiện vệ sinh môi trường thường xuyên, nội dung chủ yếu: cắt cỏ, vớt rác, mái taluy, dọn vệ sinh, trong đó 16/28 hồ được sử dụng nguồn đặt hàng thoát nước và xử lý nước thải thành phố và giao trực tiếp cho Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng thực hiện, 03 hồ trên địa bàn quận Thanh Khê[10] do quận quản lý và bố trí ngân sách địa phương thực hiện. 09 hồ còn lại cần được thực hiện duy trì vệ sinh môi trường, phần lớn các hồ này chưa được kè nên xung quanh, cỏ cây mọc và rác nhiều.

Để giảm thiểu ô nhiễm và tạo cảnh quan một số hồ nội thành, trong những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu và lắp bè thủy sinh tại 12/28 hồ, sử dụng loài thủy sinh chủ yếu: bèo lục bình, chuối hoa, thủy trúc, 09 hồ sau khi lắp đặt bè thủy sinh được đơn vị thoát nước tiếp tục công tác duy trì bè thủy sinh tạo cảnh quan.

Hình 1: Hồ Hòa Phú

Hình 2: Hồ Trung Nghĩa 2

Nhìn chung, các hồ lắp bè thủy sinh đã góp phần đáng kể giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện mỹ quan khu vực. Tuy nhiên, hạn chế là một số bè lắp trước đây có cấu trúc bè đơn giản, vật liệu tre nên dễ bị hỏng và trôi khi mưa lớn, bão. Do vậy cần nghiên cứu các bè thủy sinh với vật liệu tốt, gia cố tốt để bảo bảo độ bền và đảm bảo mỹ quan đô thị.

Số lượng hồ nội thành được duy trì vệ sinh môi trường hiện nay là 19/28 hồ, tần suất 07 ngày/lần là không đảm bảo công tác vệ sinh môi trường xung quanh hồ và trên mặt nước.

b) Giải pháp kỹ thuật

Phần lớn các hồ nội thành đang tiếp nhận nước thải, song các giải pháp hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ, chưa tương xứng với sự phát triển chung của thành phố. Trong vòng 05 năm qua, chỉ có 01/28 hồ nội thành được tổ chức nạo vét[11]; đã xây dựng cống bao quanh các hồ Thạc Gián, Vĩnh Trung, Công viên 29/3, Đò Xu, Phần Lăng, Trung Nghĩa 1, Đình Làng Hải Châu; đã cải tạo các cửa xả để ngăn nước thải chảy vào hồ vào mùa khô tại các hồ: Công viên 29/3, Thạc Gián, Vĩnh Trung nhưng vẫn còn tình trạng nước thải qua ngưỡng tràn tại cửa xả vào hồ không thường xuyên trong năm, gây ô nhiễm và dẫn đến nhiều đợt cá chết.

Một số dự án về cải tạo, nạo vét hồ đã được bố trí nguồn vốn, nhưng quá trình triển khai khá chậm, ảnh hưởng đến chất lượng nước hồ cũng như việc triển khai các giải pháp khác để cải thiện môi trường hồ, cụ thể: Hợp phần nạo vét hồ 29/3 ghi vốn 2012 nhưng vẫn chưa được triển khai; tình trạng dự án chậm triển khai, kéo dài nhiều năm tại khu vực hồ Thạc Gián, Vĩnh Trung gây mất mỹ quan đô thị.

Một số dự án cải tạo một số hồ chưa đồng bộ, có 03 hồ chỉ kè một phần, 07 hồ đã có hệ thống cống bao tách nước thải nhưng chưa hoàn chỉnh vẫn còn một số cửa phai chưa kín hoặc có đoạn chưa được thu gom hết nước thải, dẫn đến nước thải vẫn chảy vào hồ gây ô nhiễm thời gian qua.

c) Công tác quản lý nhà nước

Trên cơ sở Điều 11 Quyết định số 33/2018/QĐ-UBND ngày 01/10/2018 của UBND thành phố quy định: 09 nội dung chính về bảo vệ môi trường hồ trên địa bàn; quy định trách nhiệm tổ chức, cá nhân giao khai thác, sử dụng đất ven hồ và mặt nước phải thực hiện các nghĩa vụ trách nhiệm bảo vệ môi trường và tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành; quy định phân cấp quản lý nhà nước về môi trường hồ ao cho quận, huyện. Theo đó đến nay, 03 hồ nội thành trên địa bàn quận Thanh Khê được địa phương trực tiếp quản lý nhà nước, bố trí nguồn vốn và đặt hàng với đơn vị dịch vụ để duy trì bè và thực hiện vệ sinh môi trường định kỳ.

Thực tế, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường chưa quy định cụ thể về quản lý môi trường đối với ao, hồ. Quyết định số 33/2018/QĐ-UBND chỉ có quy định 01 điều nhưng chưa đáp ứng tính cụ thể, quy định trên cũng chưa phân định rõ ràng giữa các đơn vị thực hiện, nên quá trình triển khai trong thực tiễn còn một số bất cập như: chưa rõ trách nhiệm cụ thể việc khắc phục sự cố xảy ra trên hồ, như cá chết, tảo nổi, ô nhiễm...; chưa có quy định cụ thể việc kiểm soát, quản lý chất lượng nước các hồ; nhiều đơn vị tham gia quản lý, khai thác trên cùng một hồ điều hoà, dẫn đến tình trạng không thống nhất trong phối hợp, không phát huy hết chức năng thoát nước và điều hoà khí hậu của các hồ, làm phát sinh ô nhiễm môi trường.

Về quản lý thoát nước và xử lý nước thải, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 46/2018/QĐ-UBND ngày 27/12/2018. Tại quyết định, nội dung quản lý hệ thống hồ điều hòa có giao kiểm soát các hành vi xả nước thải vào hồ; kiểm tra, giám sát việc khai thác, sử dụng hồ điều hòa vào các mục đích khác nhau đã được cấp phép để bảo đảm chức năng điều hòa nước mưa và môi trường; Duy trì mực nước ổn định của hồ điều hòa, bảo đảm tốt nhiệm vụ điều hòa nước mưa; Định kỳ nạo vét đáy hồ, vệ sinh lòng hồ và bờ hồ; Lập quy trình quản lý, các quy định khai thác, sử dụng hồ điều hòa. Về phân cấp đã giao Sở Xây dựng, đơn vị thoát nước (Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải) và UBND các quận, huyện thực hiện.

Hoạt động về thoát nước và xử lý nước thải được Sở Xây dựng giao Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thực hiện định kỳ bằng nguồn vốn đặt hàng của thành phố.

Đánh giá chung: Trong thời gian qua, mặc dù có nhiều giải pháp thực hiện liên quan đến các hồ trên địa bàn thành phố, nhưng các giải pháp chưa đồng bộ, chưa phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong công tác kiểm soát ô nhiễm, các dự án hạ tầng kỹ thuật liên quan chậm hoặc chưa triển khai đúng tiến độ; phần lớn hồ nội thành chưa có cống bao để tách nước thải để sử dụng chức năng của các hồ đúng vai trò điều tiết; trong công tác quản lý nhà nước có sự phân công chưa rõ dẫn đến bị động trong ứng phó các sự cố có liên quan. Công tác quản lý, giám sát bảo vệ môi trường ở các hồ thời gian qua còn thiếu vai trò tham gia của cộng đồng địa phương.

Phần II

NỘI DUNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Bảo tồn, phục hồi môi trường các hồ, tạo nên khu vực có giá trị cảnh quan, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đảm bảo khả năng ứng phó biến đổi khí hậu và hướng đến mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành thành phố sinh thái, phát triển bền vững.

b) Chất lượng nước các hồ nội thành được xử lý và đáp ứng QCVN 08- MT:2015/BTNMT-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2021 - 2025

- Từng bước kiểm soát chất lượng nước các hồ trên địa bàn thành phố, tập trung cải thiện chất lượng môi trường ở các hồ đã ô nhiễm (có chỉ số WQI từ 01 - 50); kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước tại hồ đang sử dụng để cấp nước sinh hoạt cho thành phố.

- Hoàn thiện hệ thống cống bao ở một số hồ trong nội thành, nâng cấp cải tạo hệ thống thu gom đảm bảo ngăn nước thải vào hồ trong mùa khô và tách toàn bộ nước mưa đợt đầu ra khỏi hồ vào mùa mưa.

- Theo tính chất, mức độ ô nhiễm các hồ đã phân loại, nghiên cứu áp dụng tổ hợp các giải pháp để tăng cường quá trình tự làm sạch trong hồ, như: bổ sung nước, làm giàu ôxy cho nước, thực hiện quy trình sinh học, hóa học chuyển hóa các chất ô nhiễm.

- Tạo không gian xanh và mỹ quan đô thị cho thành phố để trở thành các điểm vui chơi, giải trí cho người dân.

b) Giai đoạn 2025 - 2030

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cống bao, nâng cấp cải tạo hệ thống thu gom xung quanh hồ đô thị còn lại.

- Xây dựng các hồ đô thị trở thành hồ sinh thái và đảm bảo khai thác triệt để vai trò điều hòa thoát nước vào mùa mưa.

- Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các dự án kết hợp cải tạo các hồ trên địa bàn trở thành nơi vui chơi giải trí, thu hút du lịch.

- Kiểm soát được tình trạng xả nước thải, chất thải vào hồ, tách riêng nước mưa đợt đầu ra khỏi hồ.

- Chất lượng nước các hồ nội thành được xử lý và đáp ứng QCVN 08- MT:2015/BTNMT về chất lượng nước mặt theo các mục đích sử dụng xác định.

II. PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Các hồ thuộc phạm vi Đề án gồm: 28 hồ nội thành, không bao gồm các hồ chứa thủy lợi và các hồ, ao trong phạm vi sử dụng đất đã giao cho chủ dự án quản lý, trong đó tập trung đề xuất giải pháp cụ thể cho từng hồ nội thành hiện đang tiếp nhận nước thải.

2. Thời gian thực hiện: 2021 - 2030.

III. NỘI DUNG VÀ NHIỆM VỤ THỰC HIỆN

1. Giai đoạn từ năm 2021 - 2025

a) Nhóm hồ ô nhiễm

- Thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước hồ bằng chế phẩm, xây dựng quy trình xử lý ô nhiễm và duy trì chất lượng nước hồ sau xử lý làm cơ sở đề xuất phương án xử lý ô nhiễm nước tối ưu để triển khai nhân rộng, cụ thể:

+ Thực nghiệm tại 04 hồ đã có cống bao và đang tiếp nhận nước thải: Thạc Gián, Vĩnh Trung, Phần Lăng, Đò Xu.

+ Kiểm tra, giám sát và đánh giá thử nghiệm xử lý ô nhiễm môi trường nước theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn để lựa chọn chế phẩm phù hợp với tính chất, đặc điểm từng hồ.

+ Trên cơ sở đó, triển khai xử lý ô nhiễm nước đồng bộ tại 06 hồ đô thị đã có cong bao.

- Nạo vét 08 hồ đã được kè có chứa nhiều bùn đáy, bao gồm: Đò Xu, Phần Lăng, Trung Nghĩa 1, Trung Nghĩa 2, hồ 29/3, E1, Phước Lý, Nguyễn Phước Tần.

- Duy trì chất lượng nước tại các hồ đã được xử lý ô nhiễm kết hợp các giải pháp: Lắp đặt và duy trì bè thủy sinh, lắp đặt máy sục khí (hoặc sục khí kết hợp đài phun nước, cải tạo cửa phai, lắp hệ thống theo dõi mực nước, đặt hàng vệ sinh môi trường, kêu gọi đầu tư lắp đặt các thùng rác, nhà vệ sinh công cộng, dụng cụ thể thao, cải tạo cảnh quan.

- Nghiên cứu xây dựng tuyến cống bao xung quanh và lắp đặt cửa phai tại các cống xả vào/ra tại 06 hồ trên địa bàn các quận Thanh Khê, Hải Châu, Liên Chiểu: Nguyễn Phước Tần, Khu E1, Bầu Sấu, Phước Lý, Trung Nghĩa 2 và Xuân Hòa A.

- Xây dựng và thực hiện Chương trình quan trắc chất lượng môi trường nước các hồ, với tần suất quan trắc 02 lần/tháng. Đáp ứng tối thiểu 10 thông số môi trường cơ bản gồm: Nhiệt độ, pH, DO, độ đục, TSS, NH4+, COD, BOD5, PO43-, Tổng coliform làm cơ sở đánh giá chỉ số ô nhiễm nước (WQI).

- Nghiên cứu, đề xuất dự án lắp đặt 05 - 10 hệ thống trắc chất lượng nước tự động, liên tục ở hồ nội thành để huy động nguồn vốn ngoài ngân sách thực hiện.

- Sửa chữa mái ta luy tại hồ Đò Xu.

b) Đối với nhóm hồ có nguy cơ ô nhiễm

- Nghiên cứu đề xuất dự án Đầu tư hệ thống quan trắc chất lượng nước mặt tự động, liên tục đối với hồ Xanh để theo dõi kịp thời chất lượng nước mặt sử dụng cho mục đích cấp nước của thành phố.

- Nghiên cứu lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật: cống bao thu nước thải riêng, kè xung quanh hoặc cải tạo kè hoàn thiện; xây dựng cảnh quan và xung quanh đối với 05 hồ: Hồ Xanh, Bàu Tràm, E2 MR GĐ2, Bàu Gia Thượng và Bá Tùng.

- Duy trì chất lượng nước tại các hồ có nguy cơ ô nhiễm bằng các giải pháp: Lắp đặt và duy trì bè thủy sinh, lắp đặt máy sục khí (hoặc sục khí kết hợp đài phun nước, cải tạo cửa phai, lắp hệ thống theo dõi mực nước, đặt hàng vệ sinh môi trường, cải tạo cảnh quan, số lượng hồ triển khai: 03 hồ: E2 MR GĐ2, Nguyễn Thế Lịch, Bàu Gia Thượng.

- Nghiên cứu giải pháp triển khai trao đổi nước vào mùa khô đối với hồ Đình Làng Hải Châu.

- Thực hiện quan trắc chất lượng nước, kiểm soát nguồn thải vào hồ, thực hiện vệ sinh môi trường.

2. Giai đoạn từ năm 2025 - 2030

a) Nhóm hồ ô nhiễm

- Duy trì chất lượng nước các hồ sau xử lý đáp ứng quy chuẩn cho phép bằng các giải pháp kết hợp tại 06/06 hồ đã có công bao xung quanh (đã xác định năm 2021).

- Triển khai xử lý ô nhiễm nước tại các hồ mới xây dựng tuyến cống bao xung quanh ở giai đoạn 2021 - 2025 trường hợp phát sinh ô nhiễm. Dự kiến 06 hồ: Nguyễn Phước Tần, Khu E1, Bầu Sấu, Phước Lý, Trung Nghĩa 2 và Xuân Hòa A.

- Triển khai cải tạo đồng bộ các giải pháp kết hợp tại 06 hồ nêu trên: Nguyễn Phước Tần, Khu E1, Bầu Sấu, Phước Lý, Trung Nghĩa 2 và Xuân Hòa A.

- Triển khai các dự án đầu tư/kêu gọi đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc chất lượng nước tự động đối với hồ điều hòa nằm ở khu vực trung tâm thành phố có tính chất quan trọng: hồ Công viên 29/3, Phần Lăng, Hòa Phú, Trung Nghĩa 1, Trung Nghĩa 2, Phước Lý, Xuân Hòa A, Nguyễn Phước Tần, Đò Xu.

- Thực hiện Chương trình quan trắc chất lượng môi trường nước các hồ.

- Nghiên cứu lập dự án và xây dựng tuyên công bao xung quanh và lắp đặt cửa phai tại các cống xả vào 07 hồ ở các quận, huyện: Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang: Khu C, Khu E1, Khu B2 GĐ2-PK2, K20, Nguyễn Phước Tần, Bàu Gia Hạ, E2 MR PK2.

- Triển khai xử lý ô nhiễm nước tại các hồ mới xây dựng tuyến cống bao xung quanh ở giai đoạn 2021 - 2025 trường hợp phát sinh ô nhiễm tại 07 hồ.

b) Đối với nhóm hồ có nguy cơ ô nhiễm

- Đầu tư hệ thống quan trắc chất lượng nước mặt tự động, liên tục đối với hồ Xanh.

- Đầu tư hạ tầng kỹ thuật liên quan đến các hồ gồm: cống bao kè xung quanh hoặc cải tạo kè hoàn thiện; xây dựng cảnh quan và xung quanh tại 05 hồ: Hồ Xanh, Bàu Tràm, E2 GĐ2, Bàu Gia Thượng và Bá Tùng.

- Duy trì chất lượng nước tại các hồ có nguy cơ ô nhiễm bằng các biện pháp kết hợp: Lắp đặt và duy trì bè thủy sinh, lắp đặt máy sục khí (hoặc sục khí kết hợp đài phun nước, cải tạo cửa phai, lắp hệ thống theo dõi mực nước, đặt hàng vệ sinh môi trường, cải tạo cảnh quan.

- Thực hiện quan trắc chất lượng nước, kiểm soát nguồn thải vào hồ, thực hiện vệ sinh môi trường.

- Thực hiện Chương trình quan trắc chất lượng môi trường nước các hồ.

3. Nội dung và nhiệm vụ cụ thể: Chi tiết tại phụ lục 2, 3, 4 kèm theo.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp kỹ thuật

a) Đối với các hồ chưa được cải tạo, cần thực hiện cải tạo đồng bộ với các nội dung chính: Nạo vét lòng hồ đến cao trình thiết kế; Xây dựng kè, đường dạo, chiếu sáng, không gian xanh xung quanh hồ; Lắp đặt cống bao thu gom nước thải; Lắp đặt trạm bơm (nếu cần), ngưỡng tràn, cửa phai.

b) Đối với các hồ cải tạo một phần: Tiếp tục triển khai xây dựng kè; Cải tạo tách nước thải đối với các hồ có hệ thống cống bao xung quanh nhưng chưa tách nước thải triệt để; Sửa chữa, cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ đối với các hạng mục đã xuống cấp.

c) Trên cơ sở đã hoàn thiện hệ thống cống bao hoặc các hồ hiện nay đã cơ bản hoàn thiện hệ thống cống bao, cần tiến hành công tác duy trì chất lượng nước:

- Tiến hành xử lý ô nhiễm bằng chế phẩm phù hợp, duy trì chất lượng nước hồ sau xử lý bằng việc lắp đặt các bè thủy sinh, máy sục khí, thực hiện vệ sinh môi trường.

- Thực hiện chương trình quan trắc chất lượng nước định kỳ; đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc chất lượng nước tự động theo lộ trình phù hợp với mục tiêu sử dụng nước và chức năng của hồ.

- Đối với các hồ đã chuyển sang duy trì chất lượng nước hồ, cần lắp đặt các thùng rác, nhà vệ sinh công cộng, dụng cụ thể thao, trồng cây xanh... xung quanh hồ.

d) Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND quận, huyện chủ động kêu gọi các dự án đầu tư nhằm tạo cảnh quan sinh thái, kết hợp tạo không gian vui chơi giải trí cho cộng đồng địa phương theo đúng quy định pháp luật.

2. Giải pháp quản lý

a) Tăng cường năng lực quản lý khai thác mặt nước hồ, cảnh quan xung quanh và chất lượng nước hồ.

b) Tăng cường kiểm soát các nguồn thải liên quan đến chất lượng nước hồ đô thị thông qua việc kiểm soát chặt chẽ thủ tục đánh giá tác động môi trường của các dự án, cơ sở; kiểm soát thực thi các quy định pháp luật về: bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, quan trắc định kỳ, nghĩa vụ tài chính về bảo vệ môi trường, xả thải, đấu nối thoát nước.

c) Các nguồn nước thải phát sinh từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác xả vào các hồ phải đảm bảo quy định, sức chịu tải và quy định về phân vùng các nguồn tiếp nhận nước thải trên địa bàn thành phố.

d) Giao cơ quan đầu mối theo dõi tiến độ và yêu cầu Chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cải tạo hồ.

đ) Thực hiện chương trình quan trắc chất lượng nước các hồ định kỳ và lập báo cáo định kỳ để kiểm soát chất lượng nước; đồng thời tích hợp kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt sông, hồ trên địa bàn thành phố.

e) Định kỳ rà soát, điều chỉnh bổ sung Đề án cho phù hợp với yêu cầu thực tế.

g) Xây dựng và trình UBND thành phố ban hành quy chế quản lý hồ, duy trì, ứng phó sự cố về môi trường tại các hồ sau xử lý ô nhiễm.

3. Giải pháp khoa học công nghệ

a) Nghiên cứu các biện pháp có khả năng xử lý ô nhiễm bằng chế phẩm hóa học, sinh học để xử lý nước tại các hồ; phương án bổ sung nước mặt để làm giàu ôxy, cấp nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn để cải thiện cảnh quan môi trường hồ; tỉa thưa đàn cá; kết hợp các biện pháp cơ học làm giàu ôxy cho nước hồ, tạo cảnh quan hồ; nghiên cứu; nhân rộng các giải pháp tối ưu.

b) Chủ động phối hợp, phát huy tối đa nguồn lực của các tổ chức nghiên cứu khoa học để ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới, hiệu quả trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường nước.

4. Giải pháp tuyên truyền

a) Chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền đến các hộ dân, tổ chức, cá nhân về các quy định bảo vệ môi trường, quản lý chất thải, vai trò và lợi ích của hồ.

b) Phát động và duy trì hàng năm Tuần lễ “Khơi thông mương, hệ thống thoát nước trên địa bàn”.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí dự kiến thực hiện Đề án: 1.367 tỷ đồng (Một ngàn ba trăm sáu mươi bảy tỷ đồng), trong đó nguồn sự nghiệp môi trường: 109 tỷ đồng, nguồn xây dựng cơ bản: 1.258 tỷ đồng (chưa kể nguồn vốn huy động ngoài ngân sách).

Kinh phí thực hiện dự kiến chi tiết đầu tư cho từng giai đoạn và của từng hồ được thể hiện tại Phụ lục 2, 3, 4 kèm theo Đề án.

2. Nguồn vốn thực hiện: Nguồn vốn sự nghiệp môi trường thành phố bố trí cho hoạt động đặt hàng, xử lý ô nhiễm tại các hồ; vốn xây dựng cơ bản đầu tư cho các công trình liên quan đến hạ tầng kỹ thuật; nguồn vốn huy động ngoài ngân sách[12]. Theo từng phân kỳ giai đoạn của Đề án, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổng hợp, đề xuất kinh phí thực hiện.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chủ trì, tham mưu UBND thành phố thành lập Tổ công tác để tổ chức thực hiện công tác thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước hồ trước khi bàn giao để tổ chức thực hiện duy trì.

- Thành phần Tổ công tác gồm: Đại diện Lãnh đạo các Sở: Xây dựng, Khoa học và Công nghệ; UBND quận, huyện, phường, xã; đơn vị thoát nước, chuyên gia, đơn vị có liên quan.

- Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch thử nghiệm xử lý ô nhiễm các hồ; so sánh, đánh giá, đề xuất lựa chọn công nghệ/phương án thử nghiệm phù hợp; kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả, tính khả thi làm cơ sở tham mưu UBND thành phố ban hành phương án xử lý ô nhiễm, duy trì để áp dụng rộng rãi trên địa bàn thành phố.

- Hình thức hoạt động: Họp Tổ công tác, lấy ý kiến bằng văn bản, kiểm tra thực địa đánh giá các kết quả trước, trong và sau khi thử nghiệm.

b) Trước ngày 30/12 hàng năm, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Đề án và chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch cấp thành phố để tổ chức triển khai thực hiện Đề án này cho năm tiếp theo.

c) Tổ chức đánh giá chất lượng môi trường nước mặt, trầm tích, đánh giá khả năng chịu tải, hạn ngạch xả nước thải đối với nguồn nước mặt trên địa bàn thành phố.

d) Lựa chọn đơn vị thực hiện thử nghiệm và chỉ đạo đơn vị trực thuộc triển khai nhiệm vụ thử nghiệm xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ theo đúng quy trình xử lý ô nhiễm, đúng quy định của pháp luật.

đ) Chủ trì xây dựng và trình UBND thành phố ban hành quy chế quản lý, duy trì chất lượng nước các hồ sau xử lý ô nhiễm; Lồng ghép vào kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt sông, hồ nội tỉnh theo hướng dẫn của Trung ương.

e) Tổ chức các nhiệm vụ, dự án theo phân công tại phụ lục kèm theo Đề án này; Là đầu mối triển khai thực hiện Đề án; Định kỳ hàng năm rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Đề án; trình UBND quyết định điều chỉnh mục tiêu, nội dung Đề án trong trường hợp cần thiết.

2. Sở Xây dựng

a) Chỉ đạo đơn vị vận hành thoát nước phối hợp với đơn vị thực hiện thử nghiệm và chính quyền địa phương trong quá trình thử nghiệm đảm bảo vận hành thoát nước.

b) Chủ trì hướng dẫn UBND huyện triển khai Quyết định số 46/2018/QĐ-UBND ngày 27/12/2018 của UBND thành phố về ban hành quy định về thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn phố đảm bảo phân cấp.

c) Chủ trì theo dõi việc thực hiện các dự án cải, duy trì vệ sinh môi trường các hồ điều tiết thoát nước trên địa bàn thành phố; Thẩm định Dự án cải tạo hồ sao cho đảm bảo quy hoạch; Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình; Tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và cung cấp chỉ giới, quy hoạch hiện có của khu vực cải tạo hồ; Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các quận, huyện cắm mốc giới các hồ cải tạo.

d) Chỉ đạo Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng xây dựng phương án quản lý, rào chắn, hành lang bảo vệ, đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan đối với hồ Xanh, để đảm bảo an toàn đối với nguồn cấp nước mặt phục vụ sinh hoạt cho thành phố trong phạm vi được giao.

đ) Theo dõi, đôn đốc và tạo điều kiện để các dự án, nhiệm vụ đầu tư liên quan đến hạ tầng kỹ thuật thuộc Đề án được triển khai đúng tiến độ.

3. Sở Khoa học và Công nghệ

a) Đẩy mạnh, ưu tiên nguồn kinh phí phục vụ nghiên cứu, đề xuất ứng dụng khoa học công nghệ trong việc xử lý ô nhiễm và duy trì chất lượng nước hồ, xử lý nước thải và xử lý bùn thải.

b) Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước hồ.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND thành phố thẩm định các nhiệm vụ, cân đối khả năng bố trí kế hoạch vốn dự án trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.

b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận huyện và các đơn vị liên quan trong việc kêu gọi, huy động các nguồn tài trợ (vốn ODA, tài trợ không hoàn lại) và các nguồn vốn hợp pháp khác để cải tạo các hồ trong Đề án.

c) Chủ trì hướng dẫn các nhà đầu tư về các thủ tục đầu tư theo chức năng nhiệm vụ được giao, trong đó lồng ghép triển khai các nhiệm vụ trong Đề án.

5. Sở Tài chính

Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách, trên cơ sở dự toán do các cơ quan lập để thực hiện nhiệm vụ theo nội dung Đề án, sau khi đã xác định cụ thể nguồn kinh phí huy động ngoài ngân sách; Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường theo quy định.

6. UBND các quận, huyện

a) Chỉ đạo UBND các phường, xã và đơn vị trực thuộc (nơi có địa điểm thử nghiệm) phối hợp triển khai các hoạt động thử nghiệm.

b) Thực hiện giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án cải tạo hồ (nếu có).

c) Phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường đối với các hồ; Giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

d) Thực hiện xử lý ô nhiễm các hồ lần đầu và duy trì chất lượng nước hồ hàng năm sau khi xử lý lần đầu; duy trì chất lượng nước hồ sau xử lý thử nghiệm đã bàn giao.

đ) Thường xuyên rà soát các hồ trên địa bàn theo mức độ ô nhiễm tại Đề án này, lập dự án và triển khai: duy tu, bảo dưỡng, cải tạo cảnh quan; chịu trách nhiệm quản lý, khai thác hiệu quả đúng quy định.

e) Tổ chức hoạt động phòng ngừa và kiểm soát các nguồn thải vào hồ trên địa bàn theo phân cấp; Tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn xả thải vào hồ, xử lý vi phạm có liên quan; cập nhật thông tin phản ánh ô nhiễm liên quan đến hồ trên địa bàn.

f) Hàng năm, xây dựng kế hoạch thực hiện theo nội dung phân công và đề xuất các giải pháp để quản lý hồ trên địa bàn.

7. Đơn vị thoát nước

a) Thực hiện quản lý các hồ theo quy định.

b) Phối hợp với UBND các quận, huyện trong công tác bảo vệ môi trường các hồ theo quy định.

c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện công tác quan trắc chất lượng nước các hồ, xử lý ô nhiễm hồ.

8. Các sở, ban ngành, đơn vị có liên quan đến danh mục nội dung, nhiệm vụ, dự án kèm Đề án có trách nhiệm chủ trì đề xuất và triển khai thực hiện theo nội dung phân công.

9. Các tổ chức, cá nhân liên quan: Thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật về khai thác, sử dụng nguồn nước mặt và bảo vệ môi trường hồ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xử lý, cải tạo và duy trì chất lượng nước hồ./.

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 



[1] Hồ Xanh quận Sơn Trà, 1a Hồ Đình Làng Hải Châu.

[2] Hồ Đò Xu.

[3] Hồ Bàu Làng, hồ Xanh, Bàu Sấu, Nguyễn Phước Tần, Bàu Gia Thượng, Bàu Gia Hạ, hồ Phước Lý, hồ Khu dân cư Hoà Thọ, Hồ E2 MR PK2.

[4] Hồ Khu dân cư Hoà Thọ và Bàu Gia Thượng.

[5] Hồ Đình Làng Hải Châu và hồ Xanh và Bàu Làng.

[6] Hồ Đò Xu, Thạc Gián, Vĩnh Trung, Công Viên 29/3, Phần Lăng

[7] Tính toán theo Hướng dẫn tính chỉ số chất lượng nước WQI của Tổng cục Môi trường.

[8] Chỉ số WQI từ 01 - 50: Nước bị ô nhiễm.

[9] Chỉ số WQI từ 51 - 75: Chất lượng nước sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác.

[10] Công viên 29/3, Xuân Hòa A, Hồ 2ha.

[11] Hồ 2 Hecta tổ chức nạo vét năm 2019.

[12] Nguồn vốn ODA, chương trình hợp tác quốc tế, từ nguồn thu phí môi trường và đóng góp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc mọi thành phần kinh tế, vốn của chủ đầu tư khai thác sử dụng mặt nước hồ.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4121/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án Xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường các hồ nội thành trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

  • Số hiệu: 4121/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/12/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Lê Quang Nam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/12/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản