Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/2013/QĐ-UBND

Vĩnh Yên, ngày 31 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ VẬN HÀNH CỔNG THÔNG TIN ĐỐI THOẠI DOANH NGHIỆP - CHÍNH QUYỀN TỈNH VĨNH PHÚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Công nghệ Thông tin ngày 26 tháng 9 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13 tháng 06 năm 2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;

Theo đề nghị của Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc tại Tờ trình số 297/TTr-VP ngày 06 tháng 12 năm 2013 ban hành Quy chế tạm thời về vận hành Cổng thông tin đối thoại doanh nghiệp - chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tạm thời về vận hành Cổng thông tin đối thoại doanh nghiệp - chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc tại địa chỉ: doithoaidoanhnghiep.vinhphuc.gov.vn

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các cá nhân tham gia Cổng thông tin đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phùng Quang Hùng

 

QUY CHẾ TẠM THỜI

VỀ VẬN HÀNH CỔNG THÔNG TIN ĐỐI THOẠI DOANH NGHIỆP - CHÍNH QUYỀN TỈNH VĨNH PHÚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 41/2013/QĐ-UBND ngày 31 tháng 11 năm 2013 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

Chương I.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định quyền và trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân tham gia vận hành hệ thống Cổng thông tin đối thoại doanh nghiệp - chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc (sau đây gọi tắt là Cổng đối thoại doanh nghiệp hoặc Cổng).

2. Đối tượng áp dụng

a) Đối tượng đặt câu hỏi: Các doanh nghiệp, tổ chức có tư cách pháp nhân và cá nhân được chấp thuận là thành viên Cổng đối thoại doanh nghiệp (sau đây gọi chung là Doanh nghiệp).

b) Đối tượng trả lời: Cơ quan, đơn vị tham gia trả lời theo Quyết định số 34/2012/QĐ-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2012 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc (sau đây gọi là Cơ quan trả lời).

c) Đối tượng quản lý, điều hành: Các tổ chức, cá nhân chỉ đạo điều hành hoạt động của hệ thống; Các cơ quan, đơn vị quản trị hệ thống, quản trị nội dung, vận hành hệ thống, điều phối câu hỏi - trả lời, nhận các phản hồi của các Doanh nghiệp, thực hiện các công việc liên quan khác của hệ thống.

d) Đơn vị thi công xây dựng Cổng đối thoại doanh nghiệp.

Điều 2. Nguyên tắc vận hành

1. Hệ thống hoạt động theo mô hình cổng thông tin điện tử trên Internet với nhiều thành viên tham gia vào hệ thống có sự phân quyền khác nhau. Mỗi cơ quan, đơn vị/mỗi thành viên tham gia hệ thống thực hiện đúng quyền và trách nhiệm của mình, phải đảm bảo an toàn thông tin với hệ thống. Mỗi tác vụ trên hệ thống có sự hỗ trợ giám sát của hệ thống và các cơ quan/cá nhân được giao nhiệm vụ quản trị hệ thống để có căn cứ xem xét khi có các vấn đề phát sinh xảy ra.

2. Nội dung trả lời doanh nghiệp trên Cổng thông tin đối thoại mang tính pháp lý. Các cơ quan trả lời phải chịu trách nhiệm về nội dung trả lời của mình, khi câu trả lời đã chính thức xuất bản lên Cổng sẽ không được sửa. Nếu phát hiện thấy câu trả lời không chính xác phải báo ngay Ban quản trị hệ thống để tạm dừng xuất bản, sau đó báo cáo Thường trực Ban chỉ đạo hoặc Lãnh đạo IPA Vĩnh Phúc (Khi được ủy quyền) để có phương án xử lý phù hợp.

3. Doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu sử dụng bất kỳ ngoại ngữ nào trong 4 thứ tiếng Anh, Nhật, Hàn, Trung thì Hệ thống phải trả lời theo ngôn ngữ đó kèm theo bản tiếng Việt làm cơ sở đối chiếu.

Điều 3. Địa chỉ tên miền

doithoaidoanhnghiep.vinhphuc.gov.vn

qa.vinhphuc.gov.vn

g2b.vinhphuc.gov.vn

Chương II.

TỔ CHỨC, QUẢN LÝ VÀ VẬN HÀNH

Điều 4. Mô hình hoạt động của Cổng đối thoại

a) Mô hình:

b) Lưu ý: Giữa đối tượng hỏi và các cơ quan trả lời chỉ làm việc qua môi trường Internet. Doanh nghiệp phải đăng ký và đăng nhập hệ thống rồi đặt câu hỏi với hệ thống. Trường hợp doanh nghiệp hỏi không trực tiếp qua Cổng đối thoại doanh nghiệp thì cơ quan nhận được câu hỏi sẽ trả lời Doanh nghiệp theo các hình thức mà cơ quan vẫn áp dụng từ trước.

Điều 5. Quy trình đối thoại

a) Lưu đồ thể hiện quy trình đối thoại:

b) Mô tả quy trình:

Bước 1: Sau khi Doanh nghiệp đã đăng ký và đã được chấp thuận là thành viên của Cổng đối thoại doanh nghiệp, Doanh nghiệp đăng nhập vào Cổng tại địa chỉ: doithoaidoanhnghiep.vinhphuc.gov.vn và thực hiện nhập nội dung câu hỏi theo hướng dẫn trực quan của phần mềm. Doanh nghiệp có thể chọn/không chọn lĩnh vực của câu hỏi và/hoặc cơ quan trả lời. Tiếp theo Doanh nghiệp thực hiện gửi câu hỏi theo khuôn mẫu của phần mềm.

Bước 2: Đối với các câu hỏi mà Doanh nghiệp chọn lĩnh vực cần hỏi và/hoặc Cơ quan trả lời thì sẽ được gửi trực tiếp đến Cơ quan trả lời tương ứng. Ngược lại, các câu hỏi khác (không xác định rõ cơ quan trả lời) thì Hệ thống sẽ tự động chuyển đến Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư. Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư nghiên cứu nội dung câu hỏi và điều phối câu hỏi của Doanh nghiệp (chưa có địa chỉ trả lời, có địa chỉ trả lời chưa rõ ràng hoặc có nhiều địa chỉ trả lời) đến đúng Cơ quan trả lời. Trường hợp câu hỏi có nội dung liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư sẽ xin ý kiến của Thường trực Ban chỉ đạo (hoặc Giám đốc IPA Vĩnh Phúc nếu được ủy quyền). Thường trực Ban chỉ đạo (hoặc Giám đốc IPA Vĩnh Phúc) sẽ chỉ định một Cơ quan trả lời làm đầu mối có trách nhiệm chủ trì, xin ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan sau đó tổng hợp trả lời Doanh nghiệp.

Bước 3: Cơ quan trả lời nhận câu hỏi gửi đến và tiến hành nghiên cứu, trả lời câu hỏi của Doanh nghiệp theo hạn định. Nội dung trả lời trước khi đưa lên Cổng đối thoại doanh nghiệp phải được phê duyệt của lãnh đạo Cơ quan trả lời. Thủ trưởng Cơ quan trả lời chịu trách nhiệm về tính pháp lý của nội dung trả lời. Thời gian nghiên cứu, trả lời câu hỏi thông qua Cổng đối thoại Doanh nghiệp không quá 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được câu hỏi. Các trường hợp sau đây, tổng thời gian (ngày làm việc) trả lời Doanh nghiệp có thể vượt quá 05 ngày nhưng không vượt quá 10 ngày, đồng thời Cơ quan trả lời thông báo lý do chậm trả lời đến Doanh nghiệp và Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư:

a) Câu hỏi có nội dung vượt quá thẩm quyền của Cơ quan trả lời, cần xin ý kiến của cơ quan có đủ thẩm quyền. Đối với câu hỏi phải xin ý kiến của cơ quan thẩm quyền cấp Trung ương thì thời gian chờ ý kiến không tính vào thời gian trả lời của Cơ quan trả lời nhưng Cơ quan trả lời phải có trách nhiệm đôn đốc các cơ quan cho ý kiến để tổng hợp trả lời doanh nghiệp được sớm nhất.

b) Câu hỏi có nội dung liên quan đến nhiều cơ quan.

c) Nội dung hỏi và trả lời phải dịch sang tiếng nước ngoài.

Trường hợp câu hỏi không đúng chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan trả lời, cơ quan tiếp nhận câu hỏi sẽ chuyển câu hỏi về Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư để điều phối tiếp câu hỏi này đến đúng cơ quan có chức năng. Ngoài việc trả lời thông qua Cổng đối thoại doanh nghiệp, Cơ quan trả lời có trách nhiệm cung cấp văn bản trả lời khi có yêu cầu của Thường trực Ban chỉ đạo hoặc theo đề nghị của Doanh nghiệp.

Điều 6. Phân công trách nhiệm

a) Thường trực Ban chỉ đạo Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh (sau đây gọi tắt là Thường trực Ban chỉ đạo) điều hành chung hoạt động của Cổng đối thoại doanh nghiệp. Thường trực Ban chỉ đạo có thể ủy quyền cho Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thực hiện nhiệm vụ quản lý và điều hành Cổng đối thoại.

b) Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư: Chịu trách nhiệm toàn bộ hệ thống trừ phần việc đã phân công cho Sở Thông tin và Truyền thông. Ban là đầu mối tiếp nhận, tổng hợp câu hỏi của Doanh nghiệp, giúp Thường trực Ban chỉ đạo điều phối các câu hỏi, gửi đến các Cơ quan trả lời. Hàng tháng, quý, năm tổng hợp kết quả đối thoại, các thông tin phản hồi từ độc giả báo cáo Thường trực Ban chỉ đạo; Theo dõi tình hình hoạt động của Cổng đối thoại, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông duy trì và phát triển Hệ thống, phối hợp với Hội Doanh nghiệp tỉnh khảo sát đánh giá tình hình hoạt động của Cổng; Đề xuất với Thường trực Ban chỉ đạo các nội dung nhằm duy trì và phát triển hệ thống hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Ngoài ra Ban cũng là một cơ quan trả lời, Ban chịu trách nhiệm dịch các câu hỏi/trả lời ra tiếng nước ngoài khi cơ quan trả lời không có khả năng biên dịch.

c) Doanh nghiệp: Là danh từ dùng chung chỉ các doanh nghiệp, các hiệp hội, các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân và các cá nhân được chấp thuận là thành viên Cổng đối thoại doanh nghiệp. Trước mắt, hệ thống chưa hoàn thiện nên mới áp dụng cho các tổ chức, nếu các cá nhân thực sự có nhu cầu sẽ liên hệ với Ban quản trị hệ thống để cấp tài khoản riêng cho cá nhân. Doanh nghiệp đăng ký sẽ được Ban quản trị hệ thống kiểm tra, duyệt (nếu được chấp nhận sẽ duyệt trong vòng 24 giờ) và cho phép gửi câu hỏi. Doanh nghiệp có trách nhiệm đăng ký trung thực các thông tin theo mẫu của phần mềm để Ban quản trị hệ thống kiểm duyệt. Nội dung câu hỏi cần rõ ràng, ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề để các cơ quan trả lời thực hiện theo đúng yêu cầu doanh nghiệp. Trước khi Doanh nghiệp đặt câu hỏi phải đăng nhập vào hệ thống theo tài khoản đã đăng ký, khi kết thúc phải đóng cả trình duyệt Internet để đảm bảo an toàn tài khoản. Cán bộ quản lý tài khoản phải giữ bí mật tài khoản và theo định kỳ phải thay đổi mật khẩu, phải chịu trách nhiệm trước doanh nghiệp của mình về các câu hỏi đã gửi vào hệ thống. Các doanh nghiệp không lợi dụng diễn đàn này để có những hành vi xấu và không liên quan đến doanh nghiệp. Các khiếu nại tố cáo không áp dụng ở phần Cổng thông tin đối thoại doanh nghiệp.

d) Cơ quan trả lời: Các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị; Các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Danh sách cụ thể cơ quan trả lời được quy định trong Quyết định 34/2012/QĐ-UBND ngày 15/10/2013 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài ra, nếu nội dung câu hỏi liên quan đến các cơ quan không có trong Quyết định 34/2012/QĐ-UBND thì Thường trực Ban chỉ đạo (hoặc ủy quyền cho Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư) sẽ có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan đó tham gia trả lời phục vụ yêu cầu của doanh nghiệp. Nếu cơ quan trả lời có khả năng dịch ra tiếng nước ngoài theo yêu cầu của doanh nghiệp thì phải tự biên dịch và trả lời cả bản tiếng Việt, tiếng nước ngoài. Nếu không có khả năng biên dịch thì chuyển về Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư biên dịch và trả lời doanh nghiệp. Khuyến khích việc trả lời doanh nghiệp trước hạn. Các cơ quan trả lời chậm hơn quy định sẽ tùy theo mức độ, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban chỉ đạo Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư sẽ có những biện pháp xử lý phù hợp. Nội dung trả lời phải dễ hiểu, tường minh, không trả lời bằng việc tham chiếu nhiều văn bản, địa chỉ website không rõ ràng.

Lưu ý: Nội dung câu trả lời ngoài việc đưa lên Cổng đối thoại doanh nghiệp sẽ gửi tin nhắn qua điện thoại và email của người gửi câu hỏi.

đ) Phối hợp trả lời: Với câu hỏi của Doanh nghiệp mà chỉ có duy nhất một cơ quan trả lời thì áp dụng theo quy định ở Khoản d, Điều này. Với câu hỏi liên quan đến nhiều cơ quan thì sẽ có một cơ quan chủ trì trả lời, các cơ quan còn lại phối hợp trả lời. Doanh nghiệp khi đặt câu hỏi có thể lựa chọn cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp trả lời. Nếu Doanh nghiệp lựa chọn chưa đúng hoặc cần thiết thêm các cơ quan phối hợp trả lời thì cơ quan chủ trì có quyền yêu cầu các cơ quan phối hợp trả lời các phần việc thuộc trách nhiệm cơ quan mình. Trước ít nhất 01 ngày, cơ quan phối hợp phải có ý kiến trả lời để cơ quan chủ trì tổng hợp, trả lời doanh nghiệp được đúng tiến độ.

e) Văn phòng UBND tỉnh giám sát, kiểm tra chung các hoạt động của toàn hệ thống, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trả lời các câu hỏi của Doanh nghiệp, nghiên cứu tổng hợp theo dõi hoạt động của Cổng đối thoại doanh nghiệp. Ngoài ra Văn phòng UBND tỉnh cũng là một cơ quan trả lời như các cơ quan trả lời khác.

g) Sở Thông tin và Truyền thông: Quản trị hệ thống Cổng đối thoại doanh nghiệp, chịu trách nhiệm về hoạt động an toàn, thông suốt của Cổng đối thoại doanh nghiệp, chịu trách nhiệm với các cơ quan pháp luật về giấy phép hoạt động của Cổng đối thoại vì Cổng đối thoại là thành phần của Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh. Ngoài ra Sở Thông tin và Truyền thông cũng là một cơ quan trả lời như các cơ quan trả lời khác.

h) Các hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh phối hợp với Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng Cổng đối thoại doanh nghiệp một cách hiệu quả, giải quyết cơ bản những thắc mắc của doanh nghiệp. Hàng năm Hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì phối hợp với Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư khảo sát về hoạt động của Cổng thông qua đánh giá từ các doanh nghiệp của tỉnh, từ đó có những kiến nghị đề xuất với lãnh đạo tỉnh về việc thực hiện trả lời của các Cơ quan trả lời nói riêng của Cổng đối thoại doanh nghiệp nói chung. Các hiệp hội có thể đại diện, thay mặt cho các doanh nghiệp đặt câu hỏi đối với hệ thống.

i) Cán bộ thường trực của cơ quan trả lời: Chịu trách nhiệm về an toàn tài khoản cơ quan mình. Phải cập nhật các lĩnh vực trả lời của cơ quan mình theo đúng chức năng nhiệm vụ. Khi nhận được câu hỏi phải báo cáo ngay người có trách nhiệm để phân công đơn vị/cá nhân trả lời. Cán bộ thường trực phải theo dõi tiến độ để đôn đốc các bộ phận, cá nhân được giao để trả lời doanh nghiệp đúng hạn.

k) Đơn vị xây dựng phần mềm: Là Nhà thầu xây dựng phần mềm Cổng thông tin đối thoại doanh nghiệp - chính quyền. Đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng hoàn chỉnh phần mềm theo hợp đồng đã ký và bảo hành 12 tháng kể từ ngày nghiệm thu bàn giao. Trong quá trình sử dụng nếu có bất kỳ lỗi nào trên hệ thống Nhà thầu phải tập trung sửa chữa ngay tức thì để hệ thống hoạt động ổn định trở lại. Ngoài ra, Nhà thầu cùng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp, cơ quan trả lời trong tất cả các tình huống. Sau khi hết bảo hành Nhà thầu cùng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp tục phối hợp với nhau để duy trì và phát triển Cổng đối thoại doanh nghiệp trên tinh thần thỏa thuận hợp tác. Các nội dung khác liên quan đến Nhà thầu được quy định ở các văn bản khác.

Điều 7. Trách nhiệm đối với an toàn thông tin

Ban quản trị hệ thống phối hợp với các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm đảm bảo an toàn an ninh thông tin trong toàn bộ hệ thống. Mỗi thành viên tham gia phải nêu cao tinh thần trách nhiệm để hệ thống được an toàn, hoạt động ổn định. Hệ thống phải có khả năng lưu lại vết thông tin của các đơn vị đã trả lời để làm cơ sở quy trách nhiệm khi có vấn đề phát sinh xảy ra.

Điều 8. Chế độ thông tin báo cáo

Chế độ thông tin trong hệ thống chủ yếu được trao đổi qua email đã đăng ký và tin nhắn SMS. Mọi thông tin qua email và tin nhắn SMS mang tính chất pháp lý, cần lưu lại để đối chất trong khi xảy ra tranh luận.

Hàng tuần, tháng, quý, năm hoặc bất thường các báo cáo thống kê được in ra trình Thường trực Ban chỉ đạo, làm cơ sở để đôn đốc, nhắc nhở các Cơ quan trả lời thực hiện tốt mục tiêu đề ra.

Chương III.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Tổ chức thực hiện

Trên cơ sở phân công trách nhiệm ở Điều 5, các Cơ quan trả lời nghiêm túc thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Giao cho Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư làm đầu mối giúp UBND tỉnh giám sát, theo dõi đôn đốc vận hành Cổng thông tin đối thoại; thống kê, tổng hợp báo cáo định kỳ và đột xuất với UBND tỉnh.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh hoặc nội dung chưa hợp lý cần sửa đổi, bổ sung các đơn vị phản ánh kịp thời về Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 41/2013/QĐ-UBND Quy chế tạm thời vận hành Cổng thông tin đối thoại doanh nghiệp - chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc

  • Số hiệu: 41/2013/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/12/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Phùng Quang Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/01/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản