Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 41/2001/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH  QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở ĐƯỢC QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 25/1999/NĐ - CP NGÀY 19/4/1999 CỦA CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

UỶ BAN NHÂN  DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20/8/1998 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày1/7/1991;
Căn cứ Nghị định số 25/1999/NĐ-CP ngày 19/4/1999 của Chính phủ về phương thức trả nhà ở, giá cho thuê nhà ở khi chưa trả lại nhà và thủ tục xác lập quyền sở hữu nhà ở;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/1999/TTLT – TANDTC –VKSNDTC ngày 25/01/1999 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Nghị quýêt giao dịch nhân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Thông tư số 02/1999/TT-BXD ngày 3/5/1999 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý nhà ở vắng chủ giữa cá nhân với cá nhân quy định tại Nghị quyết giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Địa chính Nhà đất tại tờ trình số 6492/TTr-SĐCNĐ ngày 27 tháng 12 năm 2000,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu nhà ở, cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được quy định tại Nghị định số 25/1999/NĐ-CP ngày19/4/1999 của Chính phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội ”.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Uỷ ban Nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH



 
Lê Quý Đôn

 

QUY ĐỊNH

VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở ĐƯỢC QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 25/1999/NĐ - CP NGÀY 19/4/1999 CỦA CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 41/2001/QĐ-UB ngày 15 tháng 6 năm 2001 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi áp dụng

1. Văn bản này quy định về trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu nhà ở; cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (gọi tắt là Giấy chứng nhận) được quy định tại Nghị định số 25/1999/NĐ-CP ngày 19/4/1999 của Chính phủ về phương thức trả nhà ở, giá cho thuê nhà ở khi chưa trả lại nhà và thủ tục xác lập quyền sở hữu nhà ở được quy định tại Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20/8/1998 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/07/1991 (gọi tắt là Nghị định số 25/1999);

2. Các loại nhà ở được xem xét để xác lập quyền sở hữu và cấp Giấy chứng nhận theo quy định này là nhà ở thuộc phạm vi áp dụng được quy định tại Điều 1 của Nghị định số 25/1999, bao gồm nhà ở được thuộc sở hữu tư nhân đã cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, mua bán, đổi, tặng cho, thừa kế, uỷ quyền cho người khác quản lý diện vắng chủ trước ngày 01 tháng 07 năm 1991 (trừ các loại nhà ở được quy định tại Điều 2 của Nghị định số 25/1999).

Điều 2: Các giấy tờ có liên quan về sở hữu nhà ở

1. Các giấy tờ về nhà ở thuộc sở hữu tư nhân để làm thủ tục xác lập quyền sở hữu nhà ở và cấp Giấy chứng nhận bao gồm: các giấy tờ quy định tại Điều 4 của bản quy định về kê khai đăng ký, xét cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị thành phố Hà Nội (ban hành kèm theo Quyết định số 69/1999/QĐ-UB ngày 10/08/1999 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội) và các giấy tờ có liên quan đến diện tích làm thêm, nhà ở xây dựng mới (nếu có);

2.Giấy uỷ quyền quản lý nhà ở vắng chủ hợp pháp được quy định tại khoản 1 mục II của Thông tư số 02/1999/TT-BXD ngày 03/5/1999 của Bộ Xây dựng.

Điều 3: Xác lập quyền sở hữu nhà ở và cấp Giấy chứng nhận

1. Các bên tham gia giao dịch dân sự về nhà ở là cá nhân, cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi áp dụng được quy định tại Điều 1 của bản quy định này, đã thực hiện xong các nghĩa vụ tài chính đối với các bên có liên quan (nếu có); đã thực hiện xong hoặc được phép ghi nợ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật thì được xét xác lập quyền sở hữu nhà ở và cấp Giấy chứng nhận;

2. Trong quá trình làm thủ tục xác lập quyền sở hữu nhà ở và cấp Giấy chứng nhận, nếu phát sinh những vấn đề cần phải xử lý như: diện tích đất thực tế sử dụng vượt quá diện tích ghi trong giấy tờ sở hữu nhà ở; nhà ở xây dựng không có giấy phép, sai giấy phép thì áp dụng theo Nghị định số 45/CP ngày 3/8/1996 của Chính phủ và Quyết định số 12/1998/QĐ-UB ngày 5/6/1998 của Uỷ ban nhân dân thành phố và các quy định khác có liên quan để giải quyết;

3. Thời hạn xác lập quyền sở hữu nhà ở và cấp Giấy chứng nhận là 30 ngày kể từ ngày bên được công nhận có quyền sở hữu nhà ở nộp đủ hồ sơ hợp lệ và thực hiện nghĩa vụ tài chính được quy định tại khoản 1 của Điều này. Trường hợp kéo dài thời hạn nêu trên thì Sở Địa chính Nhà đất, Uỷ ban nhân dân huyện phải thông báo bằng văn bản cho đương sự biết rõ lý do và thời hạn kéo dài thêm nhưng không quá 30 ngày.

Điều 4: Cơ quan, tổ chức thuộc diện được thụ hưởng ngân sách Nhà nước trả lại nhà ở có trách nhiệm xác định phương thức trả nhà; kế hoạch và thời gian thực hiện, tiền thuê nhà phải trả trong thời gian chưa trả lại nhà, gửi Sở Địa chính Nhà đất để tổng hợp, lập kế hoạch hàng năm trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt.

Điều 5: Các cơ quan, tổ chức thực hiện phương pháp trả lại nhà ở bằng việc trả diện tích đất ở khác thì được Nhà nước xem xét giao đất theo quy hoạch và phải làm thủ tục về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đối với khuôn viên đất có nhà được xác lập quyền sở hữu.

Điều 6: Trách nhiệm của các cơ quan trong việc giải quyết hồ sơ xin xác lập quyền sở hữu nhà ở và cấp giấy chứng nhận.

1. Sở Địa chính Nhà đất chịu trách nhiệm thụ lý hồ sơ, làm thủ tục trình Uỷ ban nhân dân thành phố xác lập quyền sở hữu nhà ở và cấp Giấy chứng nhận cho các đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 3 của bản quy định này - đối với nhà ở tại nội thành và các trường hợp trả nhà ở giữa các cơ quan, tổ chức với cá nhân trên địa bàn các huyện;

2. Phòng Địa chính nhà đất chịu trách nhiệm thụ lý hồ sơ, làm thủ tục trình Uỷ ban nhân dân huyện xác lập quyền sở hữu nhà ở và cấp Giấy chứng nhận cho các đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 3 của bản quy định này - đối với nhà ở tại nông thôn (các xã).

Riêng đối với nhà ở tại thị trấn, Uỷ ban nhân dân huyện trình Uỷ ban nhân dân thành phố xác lập quyền sở hữu nhà ở và cấp Giấy chứng nhận;

3. Uỷ ban nhân dân phường, xã, thị trấn (gọi tắt là Uỷ ban nhân dân cấp xã) chịu trách nhiệm:

a- Xác nhận các giao dịch dân sự về nhà ở thuộc phạm vi áp dụng được quy định tại Điều 1 của bản quy định này và chứng nhận các diện tích làm thêm, nhà ở xây dựng mới (nếu có) không có tranh chấp; chứng nhận những người có quyền thừa kế nhà ở (nếu là thừa kế nhà ở); xác nhận người quản lý, sử dụng nhà ở vắng chủ liên tục từ 30 năm trở lên, kể từ ngày bắt đầu quản lý đến ngày Nghị quyết số 58/1998 có hiệu lực (1/1/1999) sau khi đã niêm yết công khai 7 ngày tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã và tại nhà ở xin cấp xác lập quyền sở hữu nhà ở và cấp Giấy chứng nhận;

b- Xác nhận hộ khẩu thường trú của bên tham gia giao dịch dân sự về nhà ở xin xác lập quyền sở hữu nhà ở và cấp Giấy chứng nhận;

c- Làm thủ tục trích sao bản đồ Địa chính (nếu đã có bản đồ Địa chính) hoặc xác nhận vào hồ sơ kỹ thuật thửa đất do đơn vị có tư cách pháp nhân lập (đối với nơi chưa có bản đồ Địa chính) nơi có nhà ở xin xác lập quyền sở hữu và cấp Giấy chứng nhận.

4. Cơ quan thuế có trách nhiệm:

a- Cục Thuế xác định các khoản nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước của người được cấp Giấy chứng nhận và tổ chức thu nộp ngân sách đối với các trường hợp được Uỷ ban nhân dân thành phố cấp Giấy chứng nhận;

b- Chi cục Thuế tại các huyện xác định các khoản nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước của người được cấp Giấy chứng nhận và tổ chức thu nộp ngân sách đối với trường hợp được Uỷ ban nhân dân huyện cấp Giấy chứng nhận.

Chương 2:

TRÌNH TỰ XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN

Điều 7: Lập hồ sơ xin xác lập quyền sở hữu nhà ở

Cá nhân, cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện theo quy định này muốn làm thủ tục xin xác lập quyền sở hữu nhà ở và cấp giấy chứng nhận phải lập hồ sơ theo quy định tại các chương IV, V, VI và VII của Nghị định số 25/1999.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn xin xác lập quyền sở hữu nhà ở và cấp Giấy chứng nhận do cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải thực hiện các thủ tục được quy định tại khoản 3 Điều 6 của bản quy định này. Thời hạn hoàn tất thủ tục lập hồ sơ nói trên không tính vào thời hạn được quy định tại khoản 3 Điều 3 của bản quy định này.

Điều 8: Tiếp nhận, xác minh và thẩm định hồ sơ xin xác lập quyền sở hữu nhà ở và cấp Giấy chứng nhận.

Sở Địa chính Nhà đất là cơ quan tiếp nhận và thụ lý hồ sơ các trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của Uỷ ban nhân dân thành phố. Phòng Địa chính Nhà đất huyện là cơ quan tiếp nhận hồ sơ các trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của Uỷ ban nhân dân huyện. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan thụ lý có trách nhiệm thực hiện theo các bước sau:

1. Thẩm tra hồ sơ, đối chiếu hồ sơ lưu trữ và kiểm tra tại thực địa; các khoản nghĩa vụ tài chính mà các bên tham gia giao dịch dân sự phải thanh toán xong cho nhau (nếu có). Nếu không đủ điều kiện theo quy định thì trả lại hồ sơ và thông báo cho đương sự biết rõ lý do, hoặc yêu cầu bổ sung hồ sơ nếu thiếu. Thời gian bổ sung hồ sơ không tính vào thời gian nói trên;

2. Hoàn chỉnh hồ sơ, lập tờ trình báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố (đối với các trường hợp do Sở Địa chính Nhà đất thụ lý) hoặc Uỷ ban nhân dân huyện (đối với các trường hợp do Phòng Địa chính Nhà đất thụ lý) về việc xác lập quyền sở hữu nhà ở và cấp Giấy chứng nhận cho người được công nhận có quyền sở hữu nhà ở, các khoản nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước phải nộp.

Điều 9: Quyết định xác lập quyền sở hữu nhà ở và cấp Giấy chứng nhận

1. Đối với nhà ở tại nội thành, thị trấn: trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được Tờ trình của Sở Địa chính Nhà đất (hoặc Uỷ ban nhân dân huyện), Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét ra quyết định xác lập quyền sở hữu nhà ở và cấp Giấy chứng nhận cho người được công nhận có quyền sở hữu nhà ở;

2. Đối với nhà ở tại nông thôn (các xã): Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày Phòng Địa chính Nhà đất trình hồ sơ, Uỷ ban nhân dân huyện ra quyết định xác lập quyền sở hữu nhà ở và cấp Giấy chứng nhận cho người được công nhận có quyền sở hữu nhà ở.

Điều 10: Thực hiện nghĩa vụ tài chính

1. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày Uỷ ban nhân dân thành phố hoặc Uỷ ban nhân dân huyện ra quyết định xác lập quyền sở hữu nhà ở và cấp Giấy chứng nhận, Sở Địa chính Nhà đất, Phòng Địa chính Nhà đất phải có thông báo cho đương sự đến nhận Quyết định và các khoản nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước trước khi nhận Giấy chứng nhận;

 2. Kể từ ngày nhận thông báo người được cấp Giấy chứng nhận phải đến cơ quan Thuế để xác định cụ thể số tiền phải nộp. Sau 3 ngày kể từ nhận được hồ sơ, cơ quan Thuế có trách nhiệm thông báo cho người nộp biết trong tổng số tiền phải nộp và tổ chức thu nộp ngân sách;

3. Trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận có đơn xin chậm nộp các khoản nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước thì Sở Địa chính Nhà đất, hoặc Phòng Địa chính Nhà đất xác nhận các khoản chậm nộp vào Giấy chứng nhận, thực hiện theo thông tư liên tịch số 1442/1999/TTLT-TCĐC-BTC ngày 21/9/1999 của Tổng cục Địa chính và Bộ Tài chính hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Chỉ thị số 18/1999/CT-TTg ngày 01/7/1999 của Thủ tướng Chính phủ .

Điều 11: Tổ chức giao Giấy chứng nhận

 Sau khi người được cấp Giấy chứng nhận đã thực hiện xong hoặc được phép ghi nợ các khoản nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, Sở Địa chính Nhà đất hoặc Phòng Địa chính Nhà đất giao Giấy chứng nhận cho người được cấp Giấy chứng nhận, đồng thời thu lại các giấy tờ gốc có liên quan đến quyền sở hữu nhà ở trước đây và vào Sổ Địa chính để quản lý.

Chương 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12: Sở Địa chính Nhà đất chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát, đôn đốc các Sở, ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện Quy định này, xây dựng các biểu mẫu đơn đối với từng loại hồ sơ xin xác lập quyền sở hữu nhà ở và cấp Giấy chứng nhận; tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho các cán bộ xã, phường, thị trấn.

Điều 13: Uỷ ban nhân dân quận, huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các phường, xã, thị trấn thực hiện những nhiệm vụ trong pham vi thẩm quyền được giao theo quy định này.

Điều 14: Người thừa hành nhiệm vụ, nếu vì động cơ cá nhân, tự lợi, thiếu tinh thần trách nhiệm mà làm sai lệch hồ sơ, thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 15: Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu phát sinh khiếu nại, tố cáo của công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc xin xác lập quyền sở hữu nhà ở và cấp Giấy chứng nhận thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; nếu có vướng mắc, Sở Địa chính Nhà đất có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét bổ sung, sửa đổi./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 41/2001/QĐ-UB về trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu nhà ở, cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được quy định tại Nghị định 25/1999/NĐ - CP trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 41/2001/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/06/2001
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Lê Quý Đôn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/06/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản