Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/2000/QĐ-UB | Lạng sơn, ngày 15 tháng 7 năm 2000 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÓ THỜI HẠN CÁN BỘ CÔNG CHỨC VỀ CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN VÀ XÃ BIÊN GIỚI LÀM CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI, AN NINH-QUỐC PHÒNG, XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO.
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ( sửa đổi), ngày 21/6/1994;
Căn cứ Nghị định số 135/1998/ QĐ-TTg, ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển Kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa;
Căn cứ Quyết định số 42/1999/ QĐ-TTg ngày 10 tháng 3 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường có thời hạn cán bộ, công chức về các xã làm công tác xóa đói, giảm nghèo;
Theo đề nghị của Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh tại tờ trình số 237/ TTr-TC ngày 27 tháng 6 năm 2000.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Tăng cường có thời hạn cán bộ công chức ở các cơ quan hành chính sự nghiệp, cơ quan của Đảng các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước từ tỉnh đến huyện; các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước thuộc trung ương quản lý đóng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ( sau đây gọi tắt là các cơ quan, đơn vị) về các xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới làm công tác phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, xóa đói giảm nghèo.
Mỗi xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới tăng cường ít nhất 2 cán bộ công chức.
Thời hạn cán bộ công chức tăng cường về xã là 3 năm.
Điều 2: Cán bộ, công chức tăng cường về xã phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau:
- Có năng lực công tác, kinh nghiệm và kỹ năng tác nghiệp thành thục.
- Am hiểu về công tác ở cơ sở, phong tục tập quán của nhân dân.
- Có bản lĩnh chính trị kiên định, trung thành với Đảng, với Tổ quốc; chấp hành và thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và quy định của tổ chức.
- Có phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm và năng lực vận động quần chúng.
- Có sức khỏe bảo đảm công tác, độ tuổi không quá 45 ( đối với nam) và 40 (đối với nữ).
Điều 3: Nhiệm vụ của cán bộ, công chức tăng cường về xã:
1. Giúp UBND xã xây dựng và tổ chức triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng cơ sở hạ tâng, định canh, định cư, kinh tế mới, xóa đói giảm nghèo; huy động nguồn lực tại chỗ, tổ chức, hướng dẫn cách làm ăn, phát triển sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm.
2. Giúp và đề xuất với UBND xã về biện pháp tổ chức quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền xã và các phong trào hoạt động khác thiết thực, có hiệu quả.
3. Thực hiện nghiêm chỉnh quy chế công tác của huyện quy định và chế độ thông tin, báo cáo đối với UBND huyện.
4. Tham gia sinh hoạt đảng ( nếu là đảng viên) theo sự phân công của cấp ủy xã.
Điều 4: Cán bộ, công chức tăng cường về xã được hưởng các chế độ như sau:
- Được giữ nguyên lương, phụ cấp, các quyền lợi khác ( nếu có) và biên chế ở cơ quan, đơn vị cử đi. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tục trở về cơ quan, đơn vị công tác. Nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được nâng bậc lương sớm hơn một năm so với quy định.
- Được hưởng một khoản trợ cấp hàng tháng theo quyết định 2202/ UB-QĐ, ngày 29/12/1998 của UBND tỉnh là 300.000 đ/ tháng.
- Chế độ về khen thưởng, kỷ luật thực hiện theo quy định hiện hành.
Các chế độ nói trên của cán bộ, công chức tăng cường về xã do cơ quan, đơn vị cử đi chi trả.
Điều 5: Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị:
1. Đối với cơ quan, đơn vị có cán bộ công chức tăng cường về xã.
- Căn cứ chỉ tiêu được UBND tỉnh giao, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chọn cử người và lập danh sách gửi về tỉnh ( qua Ban TCCQ tỉnh).
- Trường hợp do yêu cầu công tác, phải rút cán bộ, công chức tăng cường về trước thời hạn, thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị thỏa thuận với UBND huyện và cử người khác thay thế với thời hạn chung là 3 năm.
2. Đối với UBND huyện.
- Căn cứ danh sách cán bộ, công chức do UBND tỉnh quyết định cử xuống huyện và số cán bộ công chức tăng cường thuộc huyện quản lý, UBND huyện quyết định từng người về các xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới.
- Trực tiếp quản lý số cán bộ, công chức tăng cường về xã.
- UBND huyện xây dựng Quy chế công tác, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, UBND xã đối với cán bộ công chức tăng cường; trách nhiệm của cán bộ công chức tăng cường đối với UBND huyện và cấp ủy, chính quyền xã được tăng cường.
- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kịp thời với UBND tỉnh về kết quả, hiệu quả của việc tăng cường cán bộ, công chức về các xã trong huyện.
3. Đối với cấp ủy, UBND xã có cán bộ công chức tăng cường.
- UBND xã chịu trách nhiệm quản lý và tạo điều kiện về chỗ ăn, ở điều kiện công tác cho cán bộ công chức tăng cường thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ.
- Giúp cho cán bộ, công chức tăng cường tìm hiểu mọi mặt về tình hình kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng, phong tục tập quán của nhân dân ở địa phương.
- Phối hợp có hiệu quả với cán bộ, công chức tăng cường trong việc tổ chức, triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo...
- Cấp ủy xã chịu trách nhiệm về công tác đảng đối với cán bộ, công chức tăng cường.
- Cấp ủy, UBND xã thực hiện việc nhận xét, đánh giá cán bộ công chức về công tác đảng, kết quả thực hiện nhiệm vụ, đề nghị các hình thức khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức trong thời gian tăng cường ở xã.
4. Đối với Ban Tổ chức chính quyền tỉnh:
- Phối hợp với các huyện, cơ quan, đơn vị xem xét nhu cầu và khả năng tăng cường cán bộ công chức về xã.
- Theo dõi danh sách cán bộ công chức tăng cường về xã, việc thực hiện các chính sách, chế độ đối với cán bộ công chức tăng cường.
Điều 6: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 7: Chánh văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nói tại điều 1, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Trưởng ban chỉ đạo chương trình 135 của tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN |
- 1Quyết định 31/1999/QĐ-UB về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, thời hạn và chính sách đối với cán bộ, công chức làm công tác xóa đói, giảm nghèo ờ xã thuộc diện khó khăn của tỉnh Kon Tum do Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành
- 2Quyết định 1010/QĐ-UBND năm 2007 bãi bỏ văn bản quy định về cơ chế chính sách do tỉnh Lạng Sơn ban hành
- 3Quyết định 50/2006/QĐ-UBND về Đề án Tăng cường cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo tại xã đặc biệt khó khăn khu vực miền núi do tỉnh Quảng Trị ban hành
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994
- 2Quyết định 135/1998/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa do Thủ tướng Chính Phủ ban hành
- 3Quyết định 42/1999/QĐ-TTg về việc tăng cường có thời hạn cán bộ, công chức về các xã làm công tác xoá đói giảm nghèo do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 31/1999/QĐ-UB về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, thời hạn và chính sách đối với cán bộ, công chức làm công tác xóa đói, giảm nghèo ờ xã thuộc diện khó khăn của tỉnh Kon Tum do Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành
- 5Quyết định 50/2006/QĐ-UBND về Đề án Tăng cường cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo tại xã đặc biệt khó khăn khu vực miền núi do tỉnh Quảng Trị ban hành
Quyết định 41/2000/QĐ-UB tăng cường có thời hạn cán bộ, công chức về các xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới làm công tác phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xóa đói giảm nghèo do tỉnh Lạng Sơn ban hành
- Số hiệu: 41/2000/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 15/07/2000
- Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
- Người ký: Dương Công Đá
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra