Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 403/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI ĐẾN NĂM 2030

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 của Bộ Y tế.

Điều 2. Tổng cục Dân số chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện: tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Đ/c Bộ trưởng (để b/c);
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố;
- Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố;
- Lưu: VT, TCDS (10b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Xuân Tuyên

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 403/QĐ-BYT ngày 20 tháng 01 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

I. SỰ CẦN THIẾT

Thế kỷ XXI được gọi là thế kỷ già hóa dân số1. Trên thế giới từ năm 2000 đến năm 2050, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi sẽ tăng gấp đôi từ 11% đến 22%. Số lượng người từ 60 tuổi trở lên (tuổi 60+) được dự báo sẽ tăng lên 1.400 triệu vào năm 2030 và 2.100 triệu vào năm 20502. Tại các nước ASEAN có gần 60 triệu người cao tuổi chiếm 9,3% tổng dân số; năm 2050 sẽ tăng lên 24% tổng dân số3 và trở thành khu vực dân số già1.

Năm 2011, nước ta chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số4; năm 2019, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 11,86% dân số5. Theo dự báo tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên 16,66% vào năm 2029 và lên 26,10% vào năm 20496. Nước ta là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, có nước hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già như: Pháp: 115 năm; Australia: 73 năm7...nhưng ở Việt Nam chỉ khoảng 26 năm12.

Tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí... đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở nước ta.

Người cao tuổi Việt Nam sống chủ yếu ở nông thôn, sống cùng con cháu; đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn. Người cao tuổi đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” và thường mắc các bệnh mạn tính, bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng chưa thích ứng già hóa dân số nhanh; việc xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi và triển khai các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức8.

Nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập nêu trên, ngày 13/10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1579/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030.

Để triển khai thực hiện, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 1579/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cụ thể như sau:

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 của Bộ Y tế để triển khai Quyết định 1579/QĐ-TTg ngày 13/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030.

III. THỜI GIAN THỰC HIỆN

Kế hoạch hành động được thực hiện từ 2021 đến 2030 và chia làm 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 từ 2021 đến 2025

- Giai đoạn 2 từ 2026 đến 2030

IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đẩy mạnh tuyên truyền vận động thay đổi hành vi tạo môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

a) Tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa những thách thức của già hóa dân số với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt đối với chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Vận động cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư kinh phí; huy động mọi nguồn lực phù hợp với điều kiện của địa phương để tổ chức thực hiện và giám sát, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình

Các hoạt động:

- Định kỳ cung cấp thông tin cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về công tác xây dựng, thực hiện và đánh giá, giám sát chính sách, pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

- Thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, báo cáo chuyên đề và tổ chức diễn đàn, đối thoại trên các phương tiện thông tin đại chúng với sự tham gia của lãnh đạo Đảng, chính quyền, đại biểu Quốc hội, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, đại biểu Hội đồng nhân dân...

- Phối hợp với các trường chính trị, hành chính các cấp chỉnh sửa, cập nhật đào tạo và tập huấn về các nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thuộc chương trình đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống các trường chính trị, hành chính.

Đơn vị chủ trì: Văn phòng Đảng ủy; Tổng cục Dân số.

Đơn vị phối hợp: Vụ Truyền thông, Thi đua-Khen thưởng, Công đoàn ngành Y tế, các đơn vị liên quan và Sở Y tế các tỉnh/thành phố.

b) Đẩy mạnh truyền thông giáo dục thay đổi hành vi của người dân về quyền, nghĩa vụ, lợi ích của chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và tham gia thực hiện các mục tiêu của Chương trình

Các hoạt động:

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông lớn như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tăng cường phát sóng, đăng tải các tin, bài, phóng sự... về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

- Mở rộng các hình thức truyền thông hiện đại để cung cấp thông tin, tư vấn về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi qua internet, trang tin điện tử, mạng xã hội, điện thoại di động và các phương tiện truyền tin khác; tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên các trang tin có nhiều người truy cập, các trang tin mà người cao tuổi ưa thích và quan tâm.

- Chuyển tải các nội dung, tài liệu truyền thông về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi từ bản in sang bản điện tử đưa lên mạng internet.

- Thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm trên truyền hình/đài phát thanh và các cơ quan khác với sự tham gia của các nhà quản lý và các chuyên gia về các vấn đề chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

- Tổ chức các cuộc thi về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên mạng: Thực hiện hai năm một lần.

- Tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, các chuyến đi thực tế cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí và cán bộ làm công tác truyền thông và thông tin cơ sở để cung cấp thông tin, định hướng nội dung truyền thông ưu tiên, nắm bắt tình hình thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại các địa phương.

- Sản xuất và cung cấp các bản tin, tài liệu vận động về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho các cấp lãnh đạo (bản tin, sách mỏng, các báo cáo tổng hợp...).

- Biên soạn cuốn tài liệu cung cấp các nội dung truyền thông trên đài truyền thanh của xã, phường, thị trấn, nhất là đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc vào năm 2021. Các năm tiếp theo (hai năm một lần): cập nhật, bổ sung các thông tin mới.

Đơn vị chủ trì: Vụ Truyền thông, Thi đua-Khen thưởng.

Đơn vị phối hợp: Tổng cục Dân số, Công đoàn ngành Y tế; các đơn vị liên quan và Sở Y tế các tỉnh/thành phố.

2. Củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống bệnh không lây nhiễm, khám chữa bệnh cho người cao tuổi; từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi

a) Nâng cao năng lực cho các bệnh viện (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) thực hiện khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho tuyến dưới

Các hoạt động:

- Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương:

+ Phối hợp nghiên cứu khoa học về lão khoa cơ bản, lão khoa lâm sàng và lão khoa xã hội. Hỗ trợ để nâng cao năng lực ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới trong chăm sóc và nâng cao sức khỏe người cao tuổi, là tuyến cuối về chuyên ngành lão khoa;

+ Hỗ trợ cung cấp một số trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho việc chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới;

+ Tổ chức đào tạo liên tục, đào tạo nâng cao về chuyên ngành lão khoa; Phối hợp với các cơ sở đào tạo nhân lực y tế trong việc biên soạn tài liệu và hướng dẫn thực hành lão khoa;

+ Tổ chức giám sát hỗ trợ kỹ thuật, chỉ đạo tuyến trên phạm vi cả nước.

Đơn vị chủ trì: Cục Quản lý khám, chữa bệnh

Đơn vị phối hợp: Tổng cục Dân số, Bệnh viện lão khoa TW; Sở Y tế các tỉnh/thành phố và các đơn vị liên quan.

- Tại bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh, huyện (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi)

+ Xây dựng quy định về tiêu chí của phòng khám lão khoa, khoa lão, khu có giường điều trị người bệnh là người cao tuổi tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa;

+ Cung cấp trang thiết bị cho các phòng khám lão khoa, khoa lão hoặc có giường điều trị người bệnh là người cao tuổi của bệnh viện đa khoa, chuyên khoa;

+ Đào tạo, tập huấn, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho các khoa lão của bệnh viện đa khoa và chuyên khoa.

Đơn vị chủ trì: Cục Quản lý khám, chữa bệnh

Đơn vị phối hợp: Tổng cục Dân số, Bệnh viện lão khoa TW; Sở Y tế các tỉnh/thành phố và các đơn vị liên quan.

b) Nâng cao năng lực cho trạm y tế cấp xã trong thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống các bệnh không lây nhiễm cho người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng.

Các hoạt động:

- Bổ sung, hoàn thiện nhiệm vụ của trạm y tế về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi;

+ Phổ biến kiến thức về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh mạn tính và các bệnh thường gặp ở người cao tuổi;

+ Hướng dẫn các kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe; phục hồi chức năng cho người cao tuổi tại cộng đồng;

+ Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi;

+ Khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi tại trạm y tế và tại nơi cư trú;

+ Lập hồ sơ theo dõi sức khỏe bao gồm cả quản lý, cấp phát thuốc bệnh không lây nhiễm cho người cao tuổi;

+ Xây dựng kế hoạch và lập dự toán công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú hàng năm...

- Tổ chức đào tạo, tập huấn; giám sát, hỗ trợ thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng;

- Xây dựng kế hoạch bổ sung trang thiết bị thiết yếu trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và phục hồi chức năng cho người cao tuổi tại cộng đồng.

Đơn vị chủ trì:

+ Tại Trung ương: Tổng cục Dân số

+ Tại địa phương: Sở Y tế các tỉnh/thành phố

Đơn vị phối hợp: Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng, Bệnh viện lão khoa TW

c) Tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo.

Các hoạt động:

- Xây dựng mô hình tổ chức chiến dịch;

- Thí điểm triển khai ở một số địa bàn.

- Đánh giá, hướng dẫn nhân rộng mô hình thực hiện chiến dịch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, hướng dẫn địa phương tiếp tục triển khai để trở thành hoạt động thường quy tại trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số xây dựng, thí điểm mô hình.

Đơn vị phối hợp: Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng, Bệnh viện lão khoa TW, Sở Y tế các tỉnh/thành phố.

d) Xây dựng mô hình Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ban ngày.

Các hoạt động:

- Xây dựng mô hình trung tâm chăm sóc người cao tuổi ban ngày, hướng dẫn địa phương triển khai;

- Triển khai mô hình tại một số tỉnh/thành phố;

- Đánh giá kết quả mô hình, xây dựng các quy định để triển khai mở rộng mô hình.

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số xây dựng, thí điểm mô hình.

Đơn vị phối hợp: Sở Y tế các tỉnh/thành phố

e) Xây dựng các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và các loại hình câu lạc bộ khác của người cao tuổi.

Các hoạt động:

- Thành lập và duy trì hoạt động của câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi;

- Lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe vào Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và các loại hình câu lạc bộ của người cao tuổi khác;

- Xây dựng, hướng dẫn quy định về tổ chức, nhiệm vụ, cách thức thành lập, trang thiết bị cho câu lạc bộ hoặc lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe trong sinh hoạt của câu lạc bộ;

- Xây dựng chương trình, tài liệu tập huấn hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho người nhà người cao tuổi, chủ nhiệm câu lạc bộ;

- Tổ chức các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ tập trung tại nhà văn hóa thôn, xóm, khu phố hoặc các cơ sở khác (như chùa, đình)

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số xây dựng, thí điểm mô hình

Đơn vị phối hợp: Sở Y tế các tỉnh/thành phố và các đơn vị liên quan.

g) Xây dựng và phát triển mạng lưới tình nguyện viên tham gia các hoạt động theo dõi, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm tại gia đình cho người cao tuổi

Các hoạt động:

- Thành lập tổ tình nguyện viên ở cấp xã (Trạm trưởng/phó trạm y tế là Tổ trưởng, thành viên là cán bộ dân số và đại diện Hội người cao tuổi xã, bác sĩ gia đình. Mỗi thôn có ít nhất từ 3-5 người tình nguyện viên là cộng tác viên dân số, y tế thôn bản, hội viên Hội người cao tuổi và thành viên một số ban ngành ở thôn/ấp/bản/làng);

- Xây dựng, hướng dẫn quy định về chức năng, nhiệm vụ, cách thức thành lập tổ tình nguyện viên, các chính sách khuyến khích cho các tình nguyện viên; các trang thiết bị thiết yếu cho tình nguyện viên;

- Duy trì các hoạt động của tổ tình nguyện viên ở cấp xã, phường, thị trấn

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số xây dựng, thí điểm mô hình.

Đơn vị phối hợp: Sở Y tế các tỉnh/thành phố và các đơn vị liên quan.

h) Xây dựng, triển khai mô hình xã, phường, thị trấn thân thiện với người cao tuổi

Các hoạt động:

- Xây dựng ban hành bộ tiêu chí xã, phường, thị trấn thân thiện với người cao tuổi (các nội dung của bộ tiêu chí cụ thể hóa nội dung của Điều 10 Luật Người cao tuổi năm 2009, các văn bản khác nhằm giúp cho già hóa khỏe mạnh, chăm sóc xã hội, phát huy vai trò của người cao tuổi);

- Triển khai xây dựng xã, phường, thị trấn thân thiện với người cao tuổi;

- Đánh giá kết quả, nhân rộng mô hình xã, phường, thị trấn thân thiện với người cao tuổi.

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số xây dựng, thí điểm mô hình.

Đơn vị phối hợp: Sở Y tế các tỉnh/thành phố và các đơn vị liên quan.

i) Xây dựng triển khai mô hình Trung tâm (Viện) dưỡng lão theo hình thức phù hợp, tiến tới xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Các hoạt động:

- Xây dựng mô hình trung tâm dưỡng lão có nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi theo phương thức xã hội hóa:

- Hướng dẫn địa phương triển khai mô hình:

- Đánh giá kết quả mô hình, xây dựng các quy định để triển khai mở rộng.

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số xây dựng, thí điểm mô hình.

Đơn vị phối hợp: Sở Y tế các tỉnh/thành phố và các đơn vị liên quan.

k) Xây dựng, triển khai mô hình ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (mạng xã hội, internet...)

Các hoạt động:

- Xây dựng mô hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi qua mạng (viễn thông, internet), hướng dẫn địa phương triển khai thí điểm:

- Triển khai mô hình:

- Đánh giá kết quả mô hình, xây dựng các quy định để triển khai mở rộng mô hình.

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số xây dựng, thí điểm mô hình.

Đơn vị phối hợp: Cục Công nghệ thông tin; Sở Y tế các tỉnh/thành phố và các đơn vị liên quan.

3. Đào tạo, tập huấn chuyên môn cho người làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

a) Đào tạo, tập huấn chuyên môn cho người làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở các tuyến: Bệnh viện Lão khoa Trung ương: các bệnh viện trừ bệnh viện chuyên khoa nhi; Trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế cấp xã; cơ sở chăm sóc sức khỏe; cán bộ dân số và tình nguyện viên ở cơ sở.

Các hoạt động:

- Xây dựng chương trình và tài liệu đào tạo, tập huấn cho từng nhóm đối tượng;

- Tổ chức đào tạo, tập huấn giảng viên;

- Tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ, chứng nhận phù hợp với đối tượng.

Đơn vị chủ trì: Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo

Đơn vị phối hợp: Tổng cục Dân số; Cục Quản lý khám, chữa bệnh; Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Sở Y tế các tỉnh/thành phố và các đơn vị liên quan.

b) Đưa nội dung lão khoa vào chương trình đào tạo cho sinh viên đại học và sau đại học trong hệ thống các trường y trên cả nước

Các hoạt động:

- Xây dựng chương trình và tài liệu đào tạo về lão khoa cho sinh viên ngành y đa khoa của các trường đại học y, sinh viên ngành điều dưỡng của các trường có ngành điều dưỡng:

- Hướng dẫn các trường đại học, cao đẳng y đưa chương trình và tài liệu đào tạo về lão khoa để đào tạo cho sinh viên các trường và học viên sau đại học;

- Tổ chức tập huấn cho các giảng viên về nội dung, chương trình.

Đơn vị chủ trì: Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo.

Đơn vị phối hợp: Tổng cục Dân số; Cục Quản lý khám, chữa bệnh; Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Sở Y tế các tỉnh/thành phố và các đơn vị liên quan.

4. Hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

a) Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật; hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Các hoạt động:

- Khảo sát đánh giá tình hình thực hiện các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; các văn bản liên quan đến việc xây dựng, phát triển mô hình, phong trào chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hiện hành ở trung ương và địa phương;

- Dự kiến xây dựng và ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật và các quy định, quy trình, quy chuẩn chuyên môn kỹ thuật:

+ Quy định về chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

+ Quy định về xây dựng, quản lý và vận hành Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ban ngày; Trung tâm dưỡng lão theo hình thức phù hợp, tiến tới xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

+ Bộ tiêu chí xã, phường, thị trấn thân thiện với người cao tuổi.

+ Quy định về mã nghề, chương trình, tài liệu đào tạo cho người chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

+ Sổ theo dõi, quản lý sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ;

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số.

Đơn vị phối hợp: Vụ Pháp chế, Vụ Bảo hiểm y tế và các đơn vị có liên quan.

b) Xây dựng hệ thống: chi báo thống kê, giám sát; thông tin, cơ sở dữ liệu điện tử quản lý công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Các hoạt động:

- Xây dựng bộ chi báo thống kê, bộ công cụ giám sát; hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu điện tử quản lý công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (theo quy định tại Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Cổng dịch vụ công quốc gia)

- Triển khai thực hiện;

- Giám sát và kiểm tra;

- Tổ chức các hội thảo triển khai, sơ kết hàng năm, tổng kết.

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số

Đơn vị phối hợp: Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, Cục Công nghệ thông tin

5. Nghiên cứu, hợp tác quốc tế

a) Triển khai nghiên cứu khoa học cung cấp bằng chứng phục vụ hoạch định chính sách, biện pháp thực hiện các mục tiêu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học, chuyển giao công nghệ y - sinh học tiên tiến về phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Các hoạt động:

Một số nghiên cứu cụ thể cần sớm thực hiện:

- Nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong giai đoạn năng lực tốt và ổn định; giai đoạn suy giảm năng lực; giai đoạn suy giảm năng lực nghiêm trọng;

- Dinh dưỡng đối với người cao tuổi;

- Đặc điểm bệnh tật người cao tuổi; nghiên cứu lão học người cao tuổi Việt Nam;

- Nhu cầu chuẩn bị cho tuổi già;

- Tác động của một số chính sách trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi;

- Đánh giá đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ về kết quả thực hiện Chương trình.

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số

Đơn vị phối hợp: Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo và các đơn vị liên quan.

b) Hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề ưu tiên; chuyên môn, kỹ thuật, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ: tăng cường liên doanh, liên kết; vận động các nguồn vốn quốc tế để thực hiện nhanh, hiệu quả các mục tiêu của Chương trình

Các hoạt động:

- Tổ chức hội thảo, trao đổi kinh nghiệm, tài liệu về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi;

- Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm về thích ứng với già hóa dân số và chăm sóc sức khỏe ở một số quốc gia đã trải qua giai đoạn già hóa dân số, có thực trạng người cao tuổi tương đồng với Việt Nam;

- Hàng năm tham gia các cuộc hội thảo quốc tế trao đổi kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi;

- Thường xuyên trao đổi, vận động, tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực song phương và đa phương, của các tổ chức phi chính phủ, vay ưu đãi (ODA, NGO, IDA) để thực hiện Chương trình.

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số

Đơn vị phối hợp: Vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị liên quan.

6. Bảo đảm nguồn lực thực hiện Chương trình

a) Đa dạng hóa nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi về từng bước tăng mức đầu tư. Bố trí các chương trình, dự án về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào chương trình, dự án đầu tư công. Nghiên cứu, thí điểm tiến tới hình thành quỹ dưỡng lão trên cơ sở đóng góp của người dân, bảo đảm mọi người đều được chăm sóc khi về già.

Đơn vị chủ trì: Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế

Đơn vị phối hợp: Tổng cục Dân số và các đơn vị liên quan.

b) Huy động nguồn lực tham gia thực hiện Chương trình

Toàn bộ mạng lưới y tế, dân số: cán bộ, thành viên các ngành, đoàn thể từ trung ương tới cơ sở bao gồm cả người cao tuổi và hội viên Hội Người cao tuổi tham gia thực hiện các hoạt động của Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đơn vị chủ trì: Tổng cục Dân số

Đơn vị phối hợp: Các đơn vị liên quan.

VII. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí

- Ngân sách chi thường xuyên của Bộ Y tế

- Ngân sách viện trợ, tài trợ

- Ngân sách khác

- Ngân sách địa phương: căn cứ vào Thông tư số 96/2018/TT-BTC ngày 18/10/2018 quy định về quản lý, sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ: ưu đãi tín dụng và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi và tình hình thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch, kinh phí phù hợp.

2. Tổng ngân sách của Bộ Y tế dự kiến giai đoạn 2021-2030: 1.518.354 triệu đồng

- Kinh phí dự kiến giai đoạn 2021 -2025: 660.154 triệu đồng.

Trong đó

+ Kinh phí dự kiến thực hiện nhiệm vụ 1: 33.500triệu đồng

+ Kinh phí dự kiến thực hiện nhiệm vụ 2: 570.539 triệu đồng

+ Kinh phí dự kiến thực hiện nhiệm vụ 3: 38.040 triệu đồng

+ Kinh phí dự kiến thực hiện nhiệm vụ 4: 8.475 triệu đồng

+ Kinh phí dự kiến thực hiện nhiệm vụ 5: 9.600 triệu đồng

- Kinh phí dự kiến thực hiện giai đoạn 2026-2030: 858.200 triệu đồng.

Đến năm 2025, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2021-2025, cơ quan Chủ trì thực hiện Chương trình sẽ xây dựng kế hoạch và ngân sách phù hợp với tình hình thực tế và kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Cơ chế quản lý và điều hành Chương trình thực hiện theo các quy định về quản lý nguồn vốn sự nghiệp y tế/dân số vã xã hội hóa công tác y tế/dân số và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng cục Dân Số-Kế hoạch hóa gia đình

- Xây dựng kế hoạch, dự toán ngân sách hàng năm thực hiện Chương trình, báo cáo Bộ Y tế theo quy định.

- Chủ trì, điều phối và chịu trách nhiệm thực hiện Chương trình; phối hợp với các Vụ/đơn vị có liên quan hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành các thủ tục tiếp nhận và sử dụng các nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật, bao gồm cả nguồn vốn nước ngoài và nguồn vốn huy động hợp pháp khác cho Chương trình.

- Định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết các hoạt động của Chương trình báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế.

- Tổ chức triển khai hệ thống báo cáo, điều tra, thống kê, hệ cơ sở dữ liệu về người cao tuổi và cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tổng hợp báo cáo định kỳ.

- Chủ trì đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chương trình 5 năm vào năm 2025, tổng kết vào năm 2030.

2. Vụ Kế hoạch - Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình báo cáo Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Tài chính để cân đối và phân bổ nguồn lực cho Chương trình; cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình; hướng dẫn triển khai Chương trình.

- Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, trên cơ sở khả năng ngân sách nhà nước, hàng năm bố trí ngân sách thực hiện Chương trình; hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác liên quan.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo chức năng nhiệm vụ.

3. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh

- Chủ trì thực hiện các nội dung liên quan về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại các cơ sở khám chữa bệnh.

- Đề xuất phát triển khoa lão khoa tại các cơ sở khám chữa bệnh

- Phối hợp với Tổng cục Dân số và các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn. Đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo chức năng nhiệm vụ.

4. Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo

- Phối hợp với Tổng cục Dân số xác định yêu cầu, khả năng đào tạo: xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm và của giai đoạn.

- Chủ trì tổ chức các lớp đào tạo theo chức năng, nhiệm vụ.

5. Vụ Hợp tác quốc tế

- Phối hợp với Tổng cục Dân số tổ chức trao đổi kinh nghiệm, tài liệu; học tập kinh nghiệm về thích ứng với già hóa dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

- Hàng năm tham gia các cuộc hội thảo quốc tế trao đổi kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi;

- Thường xuyên trao đổi, vận động, tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực song phương và đa phương, của các tổ chức phi chính phủ, vay ưu đãi (ODA, NGO, IDA) để thực hiện Chương trình.

6. Các cơ quan khác trực thuộc Bộ Y tế

Theo phạm vi quản lý, các Vụ, Cục, Đơn vị thuộc Bộ Y tế chủ động phối hợp với Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình nghiên cứu triển khai có hiệu quả Chương trình.

7. Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố:

- Xây dựng kế hoạch/Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của tỉnh/thành phố theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện.

- Bố trí nhân lực, phương tiện, kinh phí thực hiện Chương trình và các hoạt động theo điều kiện đặc thù của địa phương trong dự toán ngân sách hàng năm theo quy định của luật ngân sách nhà nước.

- Lồng ghép có hiệu quả Chương trình với các Chương trình mục tiêu khác trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Chương trình tại địa phương; thực hiện chế độ báo cáo việc thực hiện Chương trình trên địa bàn theo quy định hiện hành.

Trong quá trình quản lý thực hiện, ngoài việc tuân thủ Quyết định này, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện theo các quy định hiện hành. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, báo cáo Bộ Y tế (Tổng cục Dân số) xử lý kịp thời./.

___________________

1 UN, tỷ lệ người cao tuổi 65* chiếm 7% trở lên là dân số bước vào giai đoạn già hóa, chiếm từ 14% trở lên là dân số già, từ 21% trở lên là dân số siêu già, tương đương với nhóm tuổi 60* là 10%, 20%, 30%

2 WHO, Chiến lược và kế hoạch hành động toàn cầu đối với vấn đề lão hóa và sức khỏe, 2016

3 UN, World population Ageing 2015: UNFPA, Stale of World Population, 2015

4 Tổng cục Thống kê, Kết quả Điều tra biến động DS-KHHGĐ năm 2011, tỷ lệ người cao tuổi 65+ là 7%

5 Tổng cục Thống kê, Kết quả Tổng điều tra 2019

6 Tổng cục Thống kê, Dự báo dân số Việt Nam, 2009-2049

7 Ngân hàng Thế giới, sống lâu và thịnh vượng hơn, 2016

8 World Bank, Live long and Prosper Ageing in East Asia and Pacific, 2015.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 403/QĐ-BYT năm 2021 về Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 403/QĐ-BYT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/01/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Đỗ Xuân Tuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản