Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4027/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 8 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ ĐIỀU PHỐI THAM MƯU XỬ LÝ CÁC CÔNG VIỆC PHÁT SINH CỦA DỰ ÁN “ĐẦU TƯ PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2002 - 2003”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ các Quyết định số 3911/QĐ-UB ngày 19 tháng 8 năm 2003, Quyết định số 628/QĐ-UB ngày 17 tháng 02 năm 2004 và Quyết định số 5480/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt và điều chỉnh dự án Đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2002 - 2003;

Căn cứ Quyết định số 1684/QĐ-UBND ngày 14 tháng 4 năm 2010 và Quyết định số 553/QĐ-UBND ngày 06 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố thành lập Tổ Điều phối tham mưu xử lý các công việc phát sinh của dự án “Đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2002 - 2003”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tại Công văn số  4027/SGTVT-VTĐB ngày 03 tháng 4 năm 2012 và của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 525/TTr-SNV ngày 30 tháng 7 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này, Quy chế Quản lý và hoạt động của Tổ Điều phối tham mưu xử lý các công việc phát sinh của dự án “Đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2002 - 2003”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các sở, ngành thành phố, các đơn vị và cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- VPUB: Các PVP;
- Các Phòng CV;
- Lưu:VT, (ĐTMT-Thg) H.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tín

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ ĐIỀU PHỐI THAM MƯU XỬ LÝ CÁC CÔNG VIỆC PHÁT SINH CỦA DỰ ÁN “ĐẦU TƯ PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2002 - 2003”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4028/QĐ-UBND ngày 07 tháng 8 năm 2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định quyền hạn, trách nhiệm, chế độ làm việc của Tổ Điều phối tham mưu xử lý các công việc phát sinh của dự án “Đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2002 - 2003” (sau đây gọi tắt là Tổ Điều phối và Dự án 1.318 xe buýt) và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc giải quyết các tồn tại phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Gồm các thành viên của Tổ Điều phối và các cơ quan, đơn vị sau đây:

1. Các cơ quan, đơn vị có mối liên hệ trực tiếp đến Dự án 1.318 xe buýt, gồm:

a) Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước thành phố;

b) Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xe khách Sài Gòn, chủ đầu tư chính;

c) Liên hiệp Hợp tác xã vận tải thành phố, chủ đầu tư thứ cấp;

d) Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vận tải thành phố, chủ đầu tư thứ cấp.

2. Các cơ quan, đơn vị có mối liên hệ gián tiếp đến Dự án 1.318 xe buýt, gồm:

a) Sở Giao thông vận tải;

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư;

c) Sở Tài chính;

d) Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn Trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

đ) Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng thành phố.

Điều 3. Nguyên tắc và cách thức làm việc

Tổ Điều phối làm việc theo các nguyên tắc:

1. Tổ Điều phối làm việc theo hình thức họp do Tổ trưởng Tổ Điều phối chủ trì và kết luận nội dung cuộc họp. Cuộc họp có giá trị khi có đủ 2/3 thành viên Tổ Điều phối dự họp. Trường hợp thành viên không tham gia cuộc họp, phải báo cáo Tổ trưởng Tổ Điều phối và có ý kiến bằng văn bản gởi đến Tổ trưởng Tổ Điều phối trước cuộc họp.

2. Kết luận của Tổ trưởng cuộc họp dựa trên ý kiến đa số (quá bán) của thành viên dự họp liên quan về thu hồi vốn vay và lãi vay, liên quan đến giải quyết các tồn tại phát sinh trong quá trình thực hiện dự án. Ngoại trừ các vấn đề đã được giải quyết cụ thể trong Quy chế này, những vấn đề phát sinh được thảo luận tập thể nhưng không đạt được sự thống nhất (không đạt kết quả quá bán hoặc có ý kiến bảo lưu không thống nhất của thành viên dự họp), phải trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết.

3. Sau khi ý kiến của Tổ Điều phối được thống nhất, các vấn đề cần giải quyết thuộc thẩm quyền của Sở ngành, đơn vị nào thì Sở ngành, đơn vị đó có trách nhiệm thụ lý và báo cáo cho Tổ Điều phối tại kỳ họp lần sau. Đối với các vấn đề vượt quá thẩm quyền, Tổ Điều phối sẽ trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

4. Bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có mối liên hệ trực tiếp và gián tiếp đến Dự án 1318 xe buýt.

5. Đảm bảo sự tham gia của các thành viên trong giải quyết các vấn đề liên quan thu hồi vốn vay, lãi vay, các nghĩa vụ tài chính và những tồn tại phát sinh trong quá trình thực hiện dự án; bảo đảm tính dân chủ.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC CỦA TỔ ĐIỀU PHỐI

Điều 4. Nhiệm vụ của Tổ Điều phối

1. Có nhiệm vụ làm tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết các vấn đề liên quan đến Dự án 1.318 xe buýt, nhằm đảm bảo dự án vận hành tốt, hoạt động đúng mục tiêu đã được phê duyệt, đảm bảo khả năng trả nợ gốc và lãi vay:

- Tham mưu xử lý các tồn tại, phát sinh mới của dự án;

- Có trách nhiệm đôn đốc các chủ đầu tư hoàn trả vốn vay và lãi vay đầy đủ, đúng hạn.

2. Giải quyết việc điều chuyển, chuyển nhượng phương tiện vận tải giữa các chủ đầu tư thứ cấp và trong nội bộ của từng chủ đầu tư thứ cấp theo quy định pháp luật.

3. Khi thực hiện nhiệm vụ tại Khoản 1, Khoản 2 của Điều này, Tổ trưởng Tổ Điều phối được sử dụng con dấu của Sở Giao thông vận tải để giải quyết các các công việc liên quan.

Điều 5. Quyền hạn của Tổ Điều phối

1. Trong trường hợp cần thiết, Tổ Điều phối có thể phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét đề xuất giải quyết việc chuyển nguồn tiền trợ giá cho hoạt động xe buýt để trả nợ gốc và lãi vay cho Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước thành phố trước khi chuyển tiền trợ giá về tài khoản chủ đầu tư và các chủ đầu tư thứ cấp.

2. Đề nghị Sở Giao thông vận tải xem xét xử lý đóng tuyến, chuyển quyền khai thác tuyến, chuyển quyền quản lý và khai thác phương tiện của các doanh nghiệp sử dụng phương tiện của dự án không đúng mục tiêu đầu tư hoặc có năng lực quản lý yếu kém.

Điều 6. Chế độ làm việc

1. Tổ Điều phối làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Tổ trưởng Tổ Điều phối ký phát hành văn bản trên danh nghĩa Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải kiêm Tổ trưởng Tổ Điều phối.

2. Định kỳ 6 tháng một lần, Tổ Điều phối nhóm họp để kiểm soát và xử lý công việc. Trong trường hợp cần giải quyết ngay các vấn đề phát sinh, Tổ trưởng Tổ Điều phối sẽ tổ chức họp đột xuất.

Điều 7. Chế độ thông tin, báo cáo

1. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xe khách Sài Gòn (đại diện cho các chủ đầu tư), có nhiệm vụ gởi báo cáo cho Tổ Điều phối và các thành viên thuộc đối tượng tại Khoản 2 Điều 2 của Quy chế này theo định kỳ hàng quý (chậm nhất vào ngày 20 của tháng kế tiếp mỗi quý). Các chủ đầu tư thứ cấp có nhiệm vụ gởi báo cáo cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xe khách Sài Gòn trước ngày 10 của tháng kế tiếp mỗi quý. Báo cáo bao gồm: Tình hình phương tiện có mặt vào thời điểm báo cáo so với số lượng tiếp nhận ban đầu; tình hình trả nợ gốc và lãi vay đến hạn (số tiền, trả đúng hạn hay trễ hạn, nguyên nhân trễ hạn); Tổng số dư nợ đến ngày báo cáo; Tỷ lệ dư nợ trên tổng số vốn đã vay; Tình hình trả vốn vay trước hạn (nếu có); Các đề xuất, kiến nghị (nếu có).

Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước thành phố có trách nhiệm xác nhận trên báo cáo này về tình hình trả nợ gốc và lãi vay.

2. Trong trường hợp cần thiết, Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước thành phố báo cáo trực tiếp bằng văn bản cho Tổ trưởng Tổ Điều phối về tình trạng trả nợ vốn vay và lãi vay trễ hạn của các chủ đầu tư.

3. Tài liệu phục vụ cho các cuộc họp của Tổ Điều phối phải được cơ quan chủ trì chuẩn bị và gửi đến các thành viên của Tổ Điều phối trước ngày tổ chức cuộc họp ít nhất 01 ngày.

Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ trưởng Tổ Điều phối

1. Quyết định tổ chức và chủ trì các cuộc họp của Tổ Điều phối để thảo luận và tổng hợp kết luận các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ của Tổ Điều phối theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Quy chế này và các đối tượng quy định tại Điều 2 Quy chế này đều có nghĩa vụ phải thi hành. Trong trường hợp cần thiết và thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 4 Quy chế này, Tổ trưởng Tổ Điều phối chịu trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố cho ý kiến chỉ đạo, giải quyết.

2. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố về hoạt động của Tổ Điều phối.

3. Phân công nhiệm vụ các thành viên của Tổ Điều phối.

Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Tổ Điều phối

1. Tham dự đầy đủ các cuộc họp Tổ Điều phối và chuẩn bị đóng góp ý kiến về các vấn đề được nêu trong báo cáo của các thành viên thuộc đối tượng tại Khoản 1 Điều 2 Quy chế này; việc vắng mặt của các thành viên phải được thay thế bằng văn bản góp ý kiến gửi trước khi cuộc họp được tổ chức. Các thành viên có quyền tranh luận thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng để đi đến thống nhất cao.

2. Ý kiến bảo lưu của thành viên Tổ Điều phối khi tham gia thảo luận nếu khác với ý kiến kết luận của chủ tọa cuộc họp phải được Tổ Điều phối báo cáo đầy đủ lên Ủy ban nhân dân thành phố.

3. Chấp hành nghiêm chỉnh sự phân công của Tổ trưởng Tổ Điều phối.

Điều 10. Bảo đảm điều kiện làm việc của Tổ Điều phối

1. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm bảo đảm điều kiện vật chất, kỹ thuật để Tổ Điều phối hoàn thành nhiệm vụ, trách nhiệm của mình quy định trong Quy chế này.

2. Các cơ quan, tổ chức có thành viên trong Tổ Điều phối theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tạo điều kiện để Tổ Điều phối hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

3. Kinh phí hoạt động của Tổ Điều phối: do ngân sách nhà nước đảm bảo theo quy định.

Chương III

GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ TỒN TẠI TRONG THỜI GIAN THỰC HIỆN DỰ ÁN 1.318 XE BUÝT

Điều 11. Điều chuyển phương tiện vận tải thuộc Dự án 1.318 xe buýt giữa các chủ đầu tư

1. Tổ Điều phối chịu trách nhiệm điều chuyển phương tiện thuộc Dự án 1.318 xe buýt giữa các chủ đầu tư thứ cấp để khai thác tốt nhất các xe thuộc dự án này.

2. Khi có quyết định điều chuyển, các chủ đầu tư liên quan phải thực hiện việc chuyển quyền sở hữu theo thời gian quy định; các chủ đầu tư thứ cấp phải tiến hành ký kết lại hợp đồng với các đơn vị được giao khai thác xe (trong hợp đồng phải có điều khoản cam kết tiếp tục đưa xe tham gia hoạt động vận chuyển khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố).

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm thi hành

Sở Giao thông vận tải, Tổ Điều phối có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp tổ chức thực hiện Quy chế này; tổng hợp tình hình, đề xuất và báo cáo định kỳ hàng quý cho Ủy ban nhân dân thành phố để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc hoặc điều chỉnh nội dung Quy chế (nếu có) cho phù hợp./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4027/QĐ-UBND năm 2012 về Quy chế Quản lý và hoạt động của Tổ Điều phối tham mưu xử lý việc phát sinh của dự án “Đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2002 - 2003”

  • Số hiệu: 4027/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/08/2012
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Hữu Tín
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản