Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HOÀ BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 40/2023/QĐ-UBND

Hoà Bình, ngày 19 tháng 12 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN ĐỐI VỚI CÁC CHỨC DANH LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CẤP PHÒNG VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG; CHỨC DANH LÃNH ĐẠO THUỘC CHI CỤC, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP TRỰC THUỘC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN; LÃNH ĐẠO PHÒNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN HOẶC PHỤ TRÁCH, THEO DÕI LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ; CHỨC DANH LÃNH ĐẠO TRUNG TÂM DỊCH VỤ NÔNG NGHIỆP THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định 138/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức;

Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

Căn cứ Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

Căn cứ Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 842/TTr-SNN ngày 10/11/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tiêu chuẩn đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; chức danh lãnh đạo thuộc Chi cục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc phụ trách, theo dõi lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; chức danh lãnh đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 và thay thế Quyết định số 55/2021/QĐ-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Quy định điều kiện, tiêu chuẩn chức danh Trưởng phòng, phó Trưởng phòng và các chức danh tương đương, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trưởng phòng, phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân các huyện; Trưởng phòng, phó Trưởng phòng phụ trách, theo dõi lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại phòng Kinh tế thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bộ Nội vụ;
- Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ);
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các Ban của HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các Phó CVPUBND tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NVK (V65b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Bùi Văn Khánh

 

QUY ĐỊNH

TIÊU CHUẨN ĐỐI VỚI CÁC CHỨC DANH LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CẤP PHÒNG VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG; CHỨC DANH LÃNH ĐẠO THUỘC CHI CỤC, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP TRỰC THUỘC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN; LÃNH ĐẠO PHÒNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN HOẶC PHỤ TRÁCH, THEO DÕI LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ; CHỨC DANH LÃNH ĐẠO TRUNG TÂM DỊCH VỤ NÔNG NGHIỆP THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 40/2023/QĐ-UBND ngày 19/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quy định này xác định tiêu chuẩn chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và các chức danh tương đương, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây gọi tắt là Sở); Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và chức danh tương đương thuộc Chi cục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở (sau đây gọi tắt là đơn vị trực thuộc Sở); Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân các huyện; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng phụ trách, theo dõi lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại phòng Kinh tế thuộc Ủy ban nhân dân thành phố (sau đây gọi tắt là cấp huyện); Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thuộc cấp huyện (sau đây gọi chung là Trưởng phòng, phó Trưởng phòng và tương đương), cụ thể:

a) Chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở, trực thuộc Sở, gồm: Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các phòng chuyên môn thuộc Sở; Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra; Chi Cục trưởng, Phó Chi Cục trưởng các Chi Cục trực thuộc Sở; Giám đốc, Phó Giám đốc; Trưởng ban, Phó Trưởng ban các Trung tâm, Ban Quản lý trực thuộc Sở.

b) Chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và chức danh tương đương thuộc đơn vị, trực thuộc Sở, gồm: Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các phòng chuyên môn nghiệp vụ; Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng; Đội trưởng, Phó Đội trưởng; Giám đốc, Phó Giám đốc; Trưởng ban, Phó Trưởng ban; Trạm trưởng, Phó Trạm trưởng thuộc các đơn vị, trực thuộc Sở.

c) Chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc cấp huyện, gồm: Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng phụ trách, theo dõi lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại phòng Kinh tế; Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thuộc cấp huyện.

2. Quy định này áp dụng đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình; Các Chi cục, các Trung tâm, các Ban quản lý trực thuộc Sở; Ủy ban nhân đân cấp huyện khi xem xét, đánh giá, đề nghị cấp có thẩm quyền hoặc theo thẩm quyền bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển các chức danh lãnh đạo quản lý quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 2. Nguyên tắc áp dụng

1. Công chức, viên chức khi được xem xét bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc, trực thuộc Sở; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc đơn vị, trực thuộc Sở; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc cấp huyện phải đảm bảo các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh theo Quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Điều kiện, tiêu chuẩn nêu trong Quy định này là căn cứ để Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các đơn vị hành chính, sự nghiệp trực thuộc Sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xem xét quy hoạch, đánh giá, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa đội ngũ công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý theo từng chức danh đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc, trực thuộc Sở; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc đơn vị, trực thuộc Sở; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc cấp huyện.

3. Đảm bảo nguyên tắc dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và tuân thủ đúng thẩm quyền, quy trình, thủ tục quy định.

Điều 3. Vị trí, chức trách

1. Trưởng phòng và tương đương thuộc, trực thuộc Sở: Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Trưởng các phòng chuyên môn thuộc Sở và Trưởng các đơn vị trực thuộc Sở (sau đây gọi chung là người đứng đầu) là người đứng đầu một phòng, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp, quản lý nhà nước về ngành, chuyên ngành, dịch vụ công hoặc làm nhiệm vụ đảm bảo, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Sở theo sự phân công của Giám đốc sở. Chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về mọi hoạt động của phòng, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

2. Trưởng phòng và tương đương thuộc đơn vị trực thuộc Sở (sau đây gọi chung là Trưởng phòng) là người đứng đầu một phòng thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu, giúp Thủ trưởng đơn vị quản lý nhà nước về ngành, chuyên ngành, dịch vụ công hoặc làm nhiệm vụ đảm bảo, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của đơn vị theo sự phân công của Thủ trưởng đơn vị. Chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị và trước pháp luật về mọi hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

3. Trưởng phòng và tương đương thuộc cấp huyện (sau đây gọi chung là Trưởng phòng) là người đứng đầu một phòng quản lý và tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực, dịch vụ công trên địa bàn cấp huyện và thực hiện các nhiệm vụ khác được cấp có thẩm quyền giao; chịu trách nhiệm trực tiếp trước Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đồng thời chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về mọi hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

4. Phó Trưởng phòng và đương đương thuộc, trực thuộc Sở: Phó Chánh Văn phòng, Phó Chánh Thanh tra, Phó Trưởng các phòng chuyên môn và Phó Trưởng các đơn vị trực thuộc Sở (sau đây gọi chung là cấp Phó của người đứng đầu) giúp người đứng đầu thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể do người đứng đầu giao. Chịu trách nhiệm trước người đứng đầu và trước pháp luật về mọi hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

5. Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc đơn vị trực thuộc Sở (sau đây gọi chung là Phó trưởng phòng) là người giúp Trưởng phòng thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể do trưởng phòng giao. Chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng và trước pháp luật về mọi hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

6. Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc cấp huyện (sau đây gọi chung là Phó trưởng phòng) là người giúp Trưởng phòng thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể do trưởng phòng giao. Chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng và trước pháp luật về mọi hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và các chức danh tương đương thuộc, trực thuộc Sở

1. Về chính trị tư tưởng

a) Trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng về độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng.

b) Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trong bất kỳ tình huống nào, kiên quyết đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước.

c) Có tinh thần yêu nước nồng nàn, đặt lợi ích của Đảng, quốc gia - dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân; sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

d) Yên tâm công tác, chấp hành nghiêm sự phân công của cơ quan, tổ chức và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

2. Về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật

a) Có phẩm chất đạo đức trong sáng; lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư và vì nhân dân phục vụ; bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, không tham vọng quyền lực, không háo danh; không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.

b) Tâm huyết và có trách nhiệm với công việc; gương mẫu, cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ.

c) Có tinh thần đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của tập thể, cá nhân; hợp tác, trọng dụng người tài, hướng dẫn, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công chức, viên chức, người lao động; được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm.

d) Tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm, nói không đi đôi với làm;

đ) Tuân thủ và thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; thực hiện các quy định, quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị và địa phương nơi công tác; báo cáo đầy đủ, trung thực với cấp trên; cung cấp thông tin chính xác, khách quan; thực hiện việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập theo quy định

3. Năng lực, uy tín

a) Nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ; Có năng lực nghiên cứu xây dựng đề án, văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực chuyên môn được giao; đề xuất kế hoạch, biện pháp công tác trong phạm vi được giao;

b) Có năng lực quản lý và tổ chức thực hiện chính sách và pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực, chuyên ngành, hoặc nhiệm vụ được giao; thực hiện cải cách hành chính, chế độ công chức, công vụ; theo dõi việc thực hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân thuộc thẩm quyền;

c) Có năng lực điều hành, đoàn kết đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị và phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; biết phát huy sức mạnh tập thể để xây dựng cơ quan đơn vị trong sạch, vững mạnh.

d) Có khả năng đánh giá tổng kết thực tiễn, dự báo tình hình, tham mưu giúp lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ thuộc phạm vi được phân công;

đ) Có khả năng bao quát hoạt động của đơn vị, phân công, giao việc cho công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm và yêu cầu nhiệm vụ; có khả năng đúc rút kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất ý kiến về công tác quản lý nghiệp vụ;

4. Về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và ngạch công chức, viên chức

a) Trình độ chuyên môn: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm, lĩnh vực được phân công, cụ thể:

- Chức danh Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng Sở: Có một trong số chuyên ngành: Luật; hành chính; quản lý nhà nước; tài chính, kế toán, kiểm toán; nhóm chuyên ngành kinh tế; nhóm chuyên ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi;

- Chức danh Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra Sở: Có một trong số các chuyên ngành về lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi; nhóm chuyên ngành kinh tế; luật; tài chính, kế toán, kiểm toán;

- Chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ: Có một trong số các chuyên ngành: Luật; quản trị nhân lực; quản lý công; hành chính; nhóm chuyên ngành kinh tế; các chuyên ngành về lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy lợi;

- Chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính: Có một trong số các chuyên ngành: Kế hoạch; tài chính, kế toán, kiểm toán; nhóm chuyên ngành kinh tế; quản lý công; quản lý đất đai; các chuyên ngành về lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp và thủy lợi;

- Chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình: Có một trong số các chuyên ngành thủy lợi, xây dựng, giao thông;

- Chức danh Chi Cục trưởng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: Có một trong số các chuyên ngành: Trồng trọt; nông học; khoa học cây trồng; bảo vệ thực vật, công nghệ sinh học, lâm nghiệp, lâm học, lâm sinh, cải tạo đất, thủy nông;

- Chức danh Chi Cục trưởng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Có một trong số các chuyên ngành chăn nuôi; thú y; thủy sản;

- Chức danh Chi Cục trưởng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi: Có một trong số chuyên ngành công trình thủy lợi; công trình xây dựng; kỹ thuật xây dựng công trình thủy; công nghệ kỹ thuật xây dựng; kỹ thuật tài nguyên nước; kỹ thuật cấp thoát nước; quản lý xây dựng; kinh tế xây dựng; kỹ thuật xây dựng công trình giao thông và các chuyên ngành phù hợp thuộc lĩnh vực thủy lợi; xây dựng;

- Chức danh Chi Cục trưởng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm: Có một trong số các chuyên ngành lâm nghiệp, lâm sinh, lâm học, quản lý tài nguyên rừng, quản lý bảo vệ rừng và môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên, kinh tế lâm nghiệp, lâm nghiệp xã hội; luật; trồng trọt, nông học, khoa học cây trồng và các chuyên ngành phù hợp thuộc lĩnh vực lâm nghiệp;

- Chức danh Chi Cục trưởng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản: Có một trong số chuyên ngành về thủy sản; chăn nuôi, thú y;

- Chức danh Chi Cục trưởng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn: Có một trong số các chuyên ngành trồng trọt, nông học, khoa học cây trồng, bảo vệ thực vật; thủy sản; chăn nuôi, thú y; quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; chế biến bảo quản nông sản; khoa học môi trường; công nghệ sinh học; nhóm chuyên ngành kinh tế; các chuyên ngành thuộc lĩnh vực lâm nghiệp, thủy lợi và xây dựng;

- Chức danh Chi Cục trưởng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản: Có một trong số các chuyên ngành trồng trọt, nông học, khoa học cây trồng, bảo vệ thực vật; thủy sản; chăn nuôi, thú y; quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; chế biến bảo quản nông sản; khoa học môi trường; công nghệ sinh học; nhóm chuyên ngành kinh tế; các chuyên ngành thuộc lĩnh vực lâm nghiệp;

- Chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông: Có một trong số chuyên ngành: Trồng trọt, nông học, khoa học cây trồng, bảo vệ thực vật; thủy sản; chăn nuôi, thú y; quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; chế biến bảo quản nông sản; khuyến nông và phát triển nông thôn; quản lý tài nguyên môi trường; khoa học môi trường; công nghệ sinh học; nhóm chuyên ngành kinh tế; các chuyên ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp;

- Chức danh Trưởng ban, Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Đà: Có một trong số chuyên ngành: Lâm nghiệp; lâm sinh; lâm học; quản lý tài nguyên rừng; quản lý bảo vệ rừng và môi trường; quản lý tài nguyên thiên nhiên; lâm nghiệp xã hội; trồng trọt, khoa học cây trồng; quản lý đất đai; nhóm chuyên ngành kinh tế và các chuyên ngành phù hợp thuộc lĩnh vực lâm nghiệp;

- Chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản: Có một trong số chuyên ngành: Trồng trọt, nông học, khoa học cây trồng, bảo vệ thực vật; chăn nuôi, thú y; thủy sản; lâm nghiệp, lâm sinh, lâm học; công nghệ sinh học; khoa học môi trường; hóa sinh; nhóm chuyên ngành kinh tế và các chuyên ngành phù hợp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp; thủy sản;

- Chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn: Có một trong số chuyên ngành: Công trình thủy lợi; công trình xây dựng; kỹ thuật xây dựng công trình thủy; công nghệ kỹ thuật xây dựng; kỹ thuật tài nguyên nước; kỹ thuật cấp thoát nước; quản lý xây dựng; khoa học môi trường; công nghệ sinh học; hóa sinh và các chuyên ngành gần thuộc lĩnh vực thủy lợi; xây dựng; nhóm chuyên ngành kinh tế.

- Chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng và Tu bổ các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn: Có một trong số chuyên ngành: Công trình thủy lợi; công trình xây dựng; kỹ thuật xây dựng công trình thủy; công nghệ kỹ thuật xây dựng; kỹ thuật tài nguyên nước; kỹ thuật cấp thoát nước; quản lý xây dựng; kinh tế xây dựng và các chuyên ngành phù hợp thuộc lĩnh vực thủy lợi; xây dựng; giao thông;

b) Đã giữ ngạch chuyên viên hoặc tương đương trở lên;

c) Kiến thức quản lý nhà nước: Đã qua đào tạo, bồi dưỡng và có Chứng chỉ quản lý nhà nước chương trình chuyên viên hoặc tương đương trở lên theo quy định của Bộ Nội vụ; chức danh nghề nghiệp theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành.

d) Trình độ lý luận chính trị: Có bằng tốt nghiệp Trung cấp lý luận chính trị hoặc tương đương trở lên.

đ) Đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn khác theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành;

e) Trình độ tin học, ngoại ngữ: Thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

f) Về kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp phòng: Có chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương trở lên (sau khi được bổ nhiệm, chậm nhất 12 tháng tính từ ngày được bổ nhiệm).

5. Các tiêu chuẩn khác

a) Tuổi bổ nhiệm:

- Trường hợp được đề nghị bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc đề nghị bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cao hơn thì tuổi bổ nhiệm phải còn đủ 05 năm công tác tính từ khi thực hiện quy trình bổ nhiệm; trường hợp đặc biệt báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;

- Trường hợp được đề nghị bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, quản lý mà thời hạn mỗi lần bổ nhiệm dưới 05 năm theo quy định của pháp luật chuyên ngành và của cơ quan có thẩm quyền thì tuổi bổ nhiệm phải đủ một nhiệm kỳ;

- Trường hợp được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ đang giữ thì không tính tuổi bổ nhiệm theo quy định tại điểm khoản này;

b) Đối với nhân sự tại chỗ phải được quy hoạch chức vụ, chức danh bổ nhiệm hoặc được quy hoạch chức vụ, chức danh tương đương trở lên. Đối với nhân sự từ nơi khác phải được quy hoạch chức vụ, chức danh tương đương trở lên.

c) Kinh nghiệm công tác:

- Đối với Trưởng phòng và tương đương: Đã có thời gian từ đủ 02 năm trở lên đảm nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở một trong các chức vụ: Phó Trưởng phòng và tương đương trở lên hoặc là công chức, viên chức đã có thời gian công tác trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 05 năm trở lên trong đó có ít nhất 03 năm được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ.

- Đối với Phó Trưởng phòng và tương đương: Là công chức, viên chức đã có thời gian công tác trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 03 năm trở lên.

d) Có hồ sơ, lý lịch cá nhân được xác minh, có bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.

đ) Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của Đảng và của pháp luật; không đang trong thời hạn xem xét xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật. Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian xem xét kỷ luật thì chưa xem xét bổ nhiệm chức vụ cao hơn.

e) Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao;

f) Riêng chức danh Chánh Thanh tra Sở, trước khi bổ nhiệm phải có văn bản thỏa thuận của Chánh Thanh tra tỉnh.

g) Trường hợp tiếp nhận công chức, viên chức từ các cơ quan, đơn vị khác đến công tác và bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định này.

Điều 5. Điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm lại Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và các chức danh tương đương thuộc, trực thuộc Sở

1. Đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, điểm a, b, d, đ, e khoản 4 và điểm d, đ, e khoản 5, Điều 4 Quy định này. Ngoài ra, còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

a) Đối với Trưởng phòng và tương đương: Phải có chứng chỉ bồi dưỡng chương trình chuyên viên chính hoặc tương đương trở lên.

b) Về kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp phòng: Có chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương trở lên theo quy định của Bộ Nội vụ.

2. Các tiêu chuẩn khác

a) Hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;

b) Cơ quan có nhu cầu về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý.

c) Trong thời gian chấp hành quyết định kỷ luật mà không thuộc diện phải xem xét miễn nhiệm, cho từ chức theo quy định của Đảng và của pháp luật.

Điều 6. Điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và các chức danh tương đương thuộc Chi cục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở

1. Đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, điểm b, c, đ, e khoản 4, điểm a, b, d, đ, e khoản 5 Điều 4 Quy định này. Ngoài ra, còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

2. Về trình độ chuyên môn: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm được phân công phụ trách.

3. Về trình độ lý luận chính trị: Đối với chức danh Trưởng phòng và tương đương phải có bằng tốt nghiệp Trung cấp lý luận chính trị hoặc tương đương trở lên.

4. Kinh nghiệm công tác:

a) Đối với Trưởng phòng và tương đương: Là công chức, viên chức đã có thời gian công tác trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 05 năm trở lên trong đó có ít nhất 03 năm được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ.

b) Đối với Phó Trưởng phòng và tương đương: Là công chức, viên chức đã có thời gian công tác trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 03 năm trở lên.

5. Trường hợp tiếp nhận công chức, viên chức từ các cơ quan, đơn vị ngoài Sở đến công tác hoặc từ đơn vị này sang đơn vị khác và ngược lại trong Sở để bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng, Phó trưởng phòng và tương đương tại phòng, đội, trạm, hạt, ban thuộc đơn vị của Sở phải đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định này.

Điều 7. Điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm lại Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và các chức danh tương đương thuộc Chi cục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở

1. Đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, điểm b, c, đ, e khoản 4, điểm d, đ, e khoản 5 Điều 4; điểm b, khoản 1, khoản 2 Điều 5; khoản 2 Điều 6 Quy định này.

2. Về trình độ lý luận chính trị: Đối với chức danh phó Trưởng phòng và tương đương phải có bằng tốt nghiệp Trung cấp lý luận chính trị hoặc tương đương trở lên.

Điều 8. Điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc phụ trách, theo dõi lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

1. Đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, điểm b, c, d, đ, e khoản 4, điểm a, b, c, d, đ, e khoản 5 Điều 4, khoản 2, Điều 6 Quy định này.

2. Trường hợp tiếp nhận công chức, viên chức từ các cơ quan, đơn vị khác đến công tác và bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc phụ trách, theo dõi lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phải đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định này.

Điều 9. Điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm lại Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc phụ trách, theo dõi lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

1. Đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, điểm b, c, đ, e khoản 4, điểm d, đ, e khoản 5 Điều 4; điểm b, khoản 1, khoản 2 Điều 5; khoản 2 Điều 6 Quy định này.

2. Đối với Trưởng phòng: Phải có chứng chỉ bồi dưỡng chương trình chuyên viên chính hoặc tương đương trở lên.

Điều 10. Điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

1. Đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, điểm b, c, đ, e khoản 4, điểm a, b, c, d, đ, e khoản 5 Điều 4; khoản 2 Điều 6 Quy định này.

2. Đối với chức danh Giám đốc phải có bằng tốt nghiệp Trung cấp lý luận chính trị hoặc tương đương trở lên.

3. Trường hợp tiếp nhận công chức, viên chức từ các cơ quan, đơn vị khác đến công tác và bổ nhiệm chức vụ Giám đốc, phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phải đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định này.

Điều 11. Điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm lại Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

1. Đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, điểm b, c, đ, e khoản 4, điểm d, đ, e khoản 5 Điều 4; điểm b, khoản 1, khoản 2 Điều 5; khoản 2 Điều 6 Quy định này.

2. Về trình độ lý luận chính trị: Đối với chức danh Phó Giám đốc phải có bằng tốt nghiệp Trung cấp lý luận chính trị hoặc tương đương trở lên.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Trách nhiệm thi hành

1. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ điều kiện, tiêu chuẩn, chức danh đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương trực thuộc Sở, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch công chức, viên chức quản lý; thực hiện các thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo phân cấp quản lý và Quy định này.

2. Chi Cục trưởng, Trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ điều kiện, tiêu chuẩn, chức danh đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc đơn vị, báo cáo, đề nghị cơ quan chủ quản xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch công chức, viên chức quản lý; thực hiện các thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc đơn vị theo phân cấp quản lý và Quy định này.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ điều kiện, tiêu chuẩn, chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng; Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, quy hoạch công chức, viên chức quản lý; thực hiện các thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, luân chuyển, điều động theo phân cấp quản lý và Quy định này.

4. Giám đốc Sở Nội vụ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định này.

Điều 13. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc những vấn đề chưa phù hợp thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chi Cục trưởng, Trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 40/2023/QĐ-UBND về Quy định tiêu chuẩn đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; chức danh lãnh đạo thuộc Chi cục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc phụ trách, theo dõi lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; chức danh lãnh đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, tỉnh Hòa Bình

  • Số hiệu: 40/2023/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/12/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình
  • Người ký: Bùi Văn Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản