Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3995/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 14 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN PHÒNG CHỐNG LŨ LỤT VÙNG HẠ DU NĂM 2016 CÔNG TRÌNH: HỒ CỬA ĐẠT, HUYỆN THƯỜNG XUÂN, TỈNH THANH HÓA

CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL- UBTVQH10 ngày 04/4/2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 10;

Căn cứ Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 07/5/2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập;

Xét đề nghị của Công ty TNHH một thành viên Sông Chu tại Tờ trình số 920/SC-KT ngày 09/8/2016 về việc phê duyệt Phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du năm 2016 công trình hồ Cửa Đạt (kèm theo phương án) và Kết quả thẩm định số 2172/SNN&PTNT-TL ngày 22/7/2016 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du năm 2016 công trình hồ Cửa Đạt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, bao gồm nhũng nội dung chính như sau:

1. Các thông số kỹ thuật chủ yếu:

1.1. Cụm công trình đầu mối đập chính Cửa Đạt:

- Là hồ điều tiết năm; công trình cấp đặc biệt.

- Diện tích tưới: 86.862 ha đất canh tác (trong đó, Nam sông Chu là 54.043ha và Bắc sông Chu - Nam sông Mã là 32.831 ha).

- Giảm lũ với tần suất 0,6%, bảo đảm mực nước tại Xuân Khánh không vượt quá (+13.71) m (lũ lịch sử năm 1962).

- Bổ sung nước mùa kiệt cho hạ du để đẩy mặn, cải tạo môi trường sinh thái với lưu lượng Q = 30,42 m3/s.

- Diện tích lưu vực: 5.938 km2.

- MNDBT:  Ñ(+110.00) m, ứng với dung tích thiết kế: WBT= 793,7x106 m3.

- MNSC: Ñ(+121.33) m, ứng với dung tích toàn bộ: WSC= 1.450x106 m3.

- MNC: Ñ(+73.00) m, ứng với dung tích chết: WC = 268,69x106m3.

- Đập chính dài 987,13 m; cao trình đỉnh đập (+121.30) m; cao trình đỉnh tường chắn sóng (+122.50) m.

- Tràn xả lũ: Tràn xả mặt 5 cửa, kích thước mỗi cửa (bxh) = (11x17) m; lưu lượng xả lớn nhất ứng với P = 0,1% là Qtr = 8.200 m3/s.

- Tuy nen dài 802,3 m, khẩu độ F = 9 m; cao độ ngưỡng (+30.00) m; lưu lượng xả lớn nhất (P = 1%) Qmax=1.230 m3/s.

- Nhà máy thủy điện: Công suất lấp máy 97 MW; gồm 2 tổ máy.

1.2. Cụm đầu mối Dốc Cáy:

- Đập phụ dài 242,3 m; cao trình đỉnh (+122.30) m.

- Kênh dẫn thượng lưu dài 1.358 m, kích thước (bxh) = (2,8x3,8) m; lưu lượng thiết kế Qtk = 36,66 m3/s.

- Tuynel dài 350 m, đường kính D = 3 m, độ dốc đáy i = 0,4%; lưu lượng xả lớn nhất 36,66 m3/s.

1.3. Cụm đầu mối Hón Can:

- Đập phụ dài 357 m; cao trình đỉnh (+122.50) m.

- Công trình thoát lũ suối Bọng:

+ Cống điều tiết: Chiều dài cống 101 m, kích thước (bxh) = (1x1,5) m; lưu lượng thiết kế Qtk = 18,6 m3/s.

+ Kênh thoát lũ kết hợp tưới: Chiều dài (kể cả cống điều tiết) L = 1.076 m; lưu lượng thiết kế Qtk = 11,5 m3/s.

+ Đập dâng: Chiều dài phần đập (kể cả cống điều tiết) 237 m; cao trình đỉnh đập (+108.00) m.

1.4. Cụm đầu mối Bản Trác:

Đập phụ: Chiều dài đoạn I là 85 m; chiều dài đoạn II là 36,4 m; cao trình đỉnh đập (+121.70) m; cao trình đỉnh tường chắn sóng (+122.00) m.

2. Phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập:

2.1. Mục tiêu:

- Xác định hoặc dự kiến được tuyến lũ quét và phạm vi ngập lụt khi xảy ra sự cố.

- Đề ra được phương án bảo vệ, phòng tránh hoặc giảm nhẹ thiệt hại cho các khu dân cư, cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng.

- Xây dựng phương án sơ tán dân cư nhanh chóng, triệt để, bảo đảm tính mạng của nhân dân.

2.2. Dự kiến các tình huống:

- Trường hợp 1: Xả lũ hồ Cửa Đạt với tần suất lũ 0,6%, mực nước hồ trước khi lũ đến đang ở cao trình +105.00 m, mực nước sông ở mức báo động III (mực nước tại Giàng +6.50 m).

- Trường hợp 2: Xả lũ hồ Cửa Đạt với tần suất lũ kiểm tra 0,01%, mực nước hồ trước khi lũ đến đang ở mực nước dâng bình thường (+110.00) m, mực nước sông ở mức báo động III (mực nước tại Giàng +6.50 m).

- Trường hợp 3: Trường hợp khả năng xả lũ của hồ chứa không đáp ứng tiêu chuẩn thiết kế đập hiện hành, tình huống vỡ đập tính với lũ thiết kế P = 0,1%.

- Trường hợp 4: Trường hợp khả năng xả lũ của hồ chứa đáp ứng tiêu chuẩn thiết kế đập hiện hành, tình huống vỡ đập tính với lũ kiểm tra P = 0,01%.

2.3. Phương án xử lý các tình huống:

2.3.1. Trường hợp 1: Xả lũ hồ Cửa Đạt với tần suất lũ 0,6%, mực nước hồ trước khi lũ đến đang ở cao trình +105.00 m, mực nước sông ở mức báo động III (mực nước tại Giàng +6.50 m).

Lưu lượng xả qua tràn được tính với lũ P = 0,6%, lưu lượng đỉnh lũ 8.430m3/s, tổng lượng lũ 7 ngày đến hồ là 1.472x106 m3, Qxả max = 3.468 m3/s kết hợp với mực nước trên sông tương đương báo động III thì dòng chảy lũ phần lớn vẫn chảy trong 2 đê sông Chu chưa gây ra sự cố tràn bờ nghiêm trọng. Diễn biến mực nước dọc sông Chu hạ lưu hồ Cửa Đạt dự kiến như sau:

- Thượng lưu đập Bái Thượng:

(+22.35) m;

- Hạ lưu đập Bái Thượng:

(+17.91) m;

- Thượng lưu Lam Kinh:

(+16.22) m;

- Hạ lưu Lam Kinh:

(+16.02) m;

- Thượng lưu Mục Sơn:

(+15.64) m;

- Hạ lưu Mục Sơn:

(+15.54) m;

- Thượng lưu Hạnh Phúc:

(+13.32) m;

- Hạ lưu Hạnh Phúc:

(+13.27) m;

- Xuân Khánh:

(+11.58) m;

- Giàng:

(+7.98) m;

Trong trường hợp này để đảm bảo an toàn cho hồ Cửa Đạt phải xả lũ với tần suất lũ 0,6% thì mực nước lớn nhất tại Xuân Khánh (+11.58) m (đê hữu sông Chu tại Xuân Khánh là +15.70 m) nhỏ hơn mực nước lũ lịch sử năm 1962 (+13.71) m, lớn nhất tại Giàng là +7.98 m (trường hợp sông Chu chưa phân lũ); toàn tuyến đê sông Chu đảm bảo an toàn.

2.3.2. Trường hợp 2: Xả lũ hồ Cửa Đạt với tần suất lũ kiểm tra 0,01%, mực nước hồ trước khi lũ đến đang ở mực nước dâng bình thường (+110.00) m, mực nước sông ở mức báo động III (mực nước tại Giàng +6.50 m).

Lưu lượng xả qua tràn được tính với lũ P = 0,01%, lưu lượng đỉnh lũ kiểm tra 18.900 m3/s, tổng lượng lũ 5 ngày đến hồ là 2.174x106 m3, Qxả max = 11.594m3/s, dung tích phòng lũ của hồ 472,2x106 m3, tổng lượng lũ xả xuống hạ du 1.701,8x106 m3. Diễn biến mực nước dọc sông hạ lưu hồ Cửa Đạt dự kiến như sau:

- Thượng lưu đập Bái Thượng:

(+27.75) m;

- Hạ lưu đập Bái Thượng:

(+23.19) m;

- Thượng lưu Lam Kinh:

(+21.38) m;

- Hạ lưu Lam Kinh:

(+21.12) m;

- Thượng lưu Mục Sơn:

(+20.85) m;

- Hạ lưu Mục Sơn:

(+20.53) m;

- Thượng lưu Hạnh Phúc:

(+18.65) m;

- Hạ lưu Hạnh Phúc:

(+18.55) m;

- Xuân Khánh:

(+16.53) m;

- Giàng:

(+10.68) m;

Trong trường hợp này để đảm bảo an toàn cho hồ Cửa Đạt phải xả lũ với tần suất lũ kiểm tra 0,01% thì mực nước lớn nhất tại Xuân Khánh (+16.53) m (đê hữu sông Chu tại Xuân Khánh là +15.70 m) lớn hơn mực nước lũ lịch sử năm 1962 (+13.71) m, lớn nhất tại Giàng là +10.68 m (trường hợp sông Chu chưa phân lũ); toàn tuyến đê sông Chu không đảm bảo an toàn. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong vùng phải thực hiện phương án phân lũ phía tả sông Chu để giảm mực nước tại Giàng về báo động III đảm bảo an toàn cho tuyến đê hữu sông Chu và đặc biệt là khu vực kinh tế chính trị thành phố Thanh Hóa. Chọn đoạn đê tả sông Chu từ K0+00 - K2+500 thuộc 2 xã Xuân Châu và Thọ Minh có đỉnh đê bằng mực nước thiết kế và cục bộ một số vị trí đỉnh đê thấp hơn mực nước thiết kế từ (0,2 - 0,5) m, đây là đoạn đê đầu tuyến, địa chất thân và nền tốt, chênh lệch giữa đỉnh đê và chân đê phía đồng nhỏ nên chọn vị trí này đê phân lũ sông Chu về phía tả. Như vậy, toàn bộ các xã thuộc tả Thọ Xuân, tả Thiệu Hóa và huyện Yên Định phải thực hiện phương án sơ tán dân. Mặt khác, đoạn đê hữu sông Chu từ K0 - K8 (từ Bái Thượng đến Tứ Trụ, Thọ Diên) có bờ đê thấp nhưng đã được cứng hóa đỉnh bờ và dọc bờ có dân cư ở dày nên đoạn này sẽ chống tràn khi mực nước lớn và phải chú ý di dân khi không đủ khả năng chống tràn. Thẩm quyền quyết định sơ tán dân do UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

2.3.3. Trường hợp 3: Trường hợp khả năng xả lũ của hồ chứa không đáp ứng tiêu chuẩn thiết kế đập hiện hành, tình huống vỡ đập tính với lũ thiết kế (P = 0,1%).

Hồ Cửa Đạt đã vượt cao trình (+110.00) m và công trình đầu mối xảy ra sự cố dẫn đến vỡ đập chính. Tổng lượng nước xả xuống hạ du là 2.555 triệu m3, gồm dung tích hồ chứa từ cao trình (+50.00 - +119.05) m là 1.297 triệu m3 và lượng nước đến ứng với lũ thiết kế 72 h là 1.258 triệu m3, nước dồn xuống hạ lưu trong thời gian 3 ngày với lưu lượng nước bình quân xuống sông Chu khoảng 9.857 m3/s, lưu lượng Max có thể đến QMax = 51.343 m3/s, Diễn biến mực nước dọc sông Chu hạ lưu hồ Cửa Đạt dự kiến như sau:

- Hạ lưu đập Cửa Đạt, mực nước ở cao trình (+42.72) m;

- Tại thượng lưu đập Bái Thượng, mực nước ở cao trình (+28.12) m;

- Hạ lưu đập Bái Thượng, mực nước ở cao trình (+23.61) m;

- Mực nước tại trạm thủy văn Xuân Khánh ở cao trình (+16.91) m;

- Tại cửa sông Chu (Giàng), mực nước ở cao trình (+10.98) m.

- Khả năng xảy ra ở đê sông Chu:

+ Đê tả sông Chu sẽ bị tràn từ K0+00 - K7+00 (dài 7 km) (có nhiều khả năng vỡ đoạn này do cột nước tràn lớn), ước tính có khoảng 18 xã của huyện Thọ Xuân, 15 xã của huyện Thiệu Hóa và 2 xã của huyện Yên Định (nằm kẹp giữa đê tả sông Chu, hữu sông Mã và đê hữu sông Cầu Chày) sẽ bị ngập lụt sâu từ (2 - 2,5) m, trong đó có khoảng 5.510 ha vùng trũng thấp sẽ bị ngập sâu từ (2,6 - 2,8) m (tổng lượng nước tràn vào khu vực này khoảng 90 triệu m3). Đây cũng là vùng phân lũ nhằm mục đích chậm lũ cho sông Chu để bảo vệ tuyến đê hữu nhưng do lượng nước dồn về quá lớn nên tuyến đê hữu sông Chu vẫn bị mất an toàn nghiêm trọng.

+ Đê hữu sông Chu sẽ bị tràn từ K0+00 - K9+00 (dài 9 km), ước tính có khoảng 27 xã của huyện Thọ Xuân, 13 xã của huyện Thiệu Hóa bị ngập lụt nặng sâu từ (2,2 - 2,5) m, trong đó vùng trũng thấp bị ngập sâu từ (3 - 3,5) m, ngoài ra có 14 xã của huyện Triệu Sơn, 3 xã của thành phố Thanh Hóa cũng bị ảnh hưởng nhưng mức độ ngập sâu từ 0,5 m đến dưới 1 mét. Tổng lượng nước tràn vào vùng này khoảng 102 triệu m3. Vùng ven như một số xã của huyện Triệu Sơn (ngoài 14 xã đã nêu ở trên), Nông cống, Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa cũng bị nước chảy tràn xuống nhưng do các vùng này ở xa, lượng nước xuống đến các khu vực này đã bị phân tán theo các hướng rất nhiều nên độ sâu ngập lụt không lớn và không đề cập trong phương án này.

+ Khu vực hạ lưu hồ Cửa Đạt thuộc huyện Thường Xuân (các xã Xuân Cảm, Xuân Cao, Thọ Thanh, Xuân Dương, Ngọc Phụng và thị trấn Thường Xuân) và một số xã ven sông của 2 huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa sẽ bị ngập nặng nhất, chiều sâu ngập ước tính từ (3 - 4) m.

Thời gian nước chảy truyền từ hồ chứa Cửa Đạt đến các vùng hạ du kể từ lúc vỡ đập khoảng (10 - 12) h, đặc biệt các khu vực gần hồ và vùng ngoại đê, ven sông sẽ bị ngập ngay trong khoảng (4 - 5) h kể từ lúc hồ xảy ra sự cố.

Riêng đê sông Mã, khi hồ Cửa Đạt bị vỡ, dọc tuyến sông Chu bị tràn và đã phân lũ phía tả thì theo tính toán sơ bộ mực nước tại trạm Giàng khoảng (+7.80)m (cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1980 là 0,3 m) nhưng vẫn còn cách đỉnh đê khoảng (0,7 - 1) m nên không ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống đê này.

2.3.4. Trường hợp 4: Trường hợp khả năng xả lũ của hồ chứa đáp ứng tiêu chuẩn thiết kế đập hiện hành, tình huống vỡ đập tính với lũ kiểm tra.

Hồ Cửa Đạt đã vượt cao trình (+110.00) m và công trình đầu mối xảy ra sự cố dẫn đến vỡ đập chính. Tổng lượng nước xả xuống hạ du là 3.103 triệu m3, gồm dung tích hồ chứa từ cao trình (+50.00 - +121.33) m là 1.369 triệu m3 và lượng nước đến ứng với lũ thiết kế 72 h là 1.734 triệu m3, nước dồn xuống hạ lưu trong thời gian 3 ngày với lưu lượng nước bình quân xuống sông Chu khoảng 11.972 m3/s, lưu lượng Max có thể đến QMax = 123.385 m3/s. Diễn biến lũ xảy ra tương tự như trường hợp 2 nhưng ảnh hưởng tăng về mức độ ngập lụt, diện tích đất canh tác và thời gian ngập lụt kéo dài.

2.4. Phân giao nhiệm vụ:

2.4.1. Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh:

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để tham mưu kịp thời cho Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành và Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) công trình hồ Cửa Đạt triển khai phương án đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối và sơ tán dân ở khu vực hạ lưu khi có các tình huống xảy ra.

2.4.2. Ban Chỉ huy PCLB công trình hồ Cửa Đạt;

- Chịu trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng Quân đội, Công an, Bộ đội Biên phòng (theo phương án hiệp đồng) tổ chức thực hiện việc tuần tra, ứng cứu và xử lý các sự cố xảy ra tại công trình đầu mối, đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa lụt bão năm 2016.

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước, lưu lượng về hồ, lưu lượng xả lũ, báo cáo thường xuyên về Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để quyết định các biện pháp xử lý kịp thời, đặc biệt là việc sơ tán dân khu vực hạ lưu.

2.4.3. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thanh Hóa:

Chịu trách nhiệm dự báo, cảnh báo và cung cấp số liệu mưa lũ kịp thời, chính xác để UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh có căn cứ ra lệnh báo động khẩn cấp và triển khai sơ tán dân.

2.4.4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:

Bố trí lực lượng, phương tiện để tham gia xử lý sự cố công trình đầu mối hồ Cửa Đạt (theo phương án hiệp đồng) và hỗ trợ sơ tán dân khi có lệnh. Chuẩn bị, tổ chức bắn pháo hiệu và kéo còi báo động tại khu vực công trình đầu mối khi có lệnh.

2.4.5. Công an tỉnh:

Chuẩn bị lực lượng, phương tiện giúp dân sơ tán khi có lệnh; đồng thời đảm bảo an ninh trật tự trong vùng sơ tán (kể cả nơi đi và nơi đến).

2.4.6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Kiểm tra, đôn đốc các đơn vị chuyên ngành phối hợp với các huyện tổ chức tuần tra canh gác và xử lý các sự cố về đê điều, hồ đập trên địa bàn tỉnh.

2.4.7. Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng:

Chuẩn bị và chịu trách nhiệm đáp ứng đầy đủ các phương tiện phục vụ việc sơ tán, cứu hộ dân theo lệnh điều động của UBND tỉnh và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

2.4.8. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp Bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh tổ chức đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống, đặc biệt là khu vực hồ chứa Cửa Đạt. Chuẩn bị sẵn sàng hệ thống thông tin liên lạc dự phòng để làm nhiệm vụ khi được điều động, phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và Lãnh đạo tỉnh.

2.4.9. Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa:

Điều động các loại vật tư, trang thiết bị dự trữ Quốc gia để hỗ trợ cho công tác sơ tán dân khi có yêu cầu và được sự chỉ đạo của Nhà nước.

2.4.10. Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa và các cơ quan thông tin đại chúng:

Chịu trách nhiệm thông tin kịp thời diễn biến mưa lũ và các chỉ đạo khẩn cấp của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để các cấp chính quyền và nhân dân biết, chủ động phòng tránh.

2.4.11. Các ngành Y tế, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các cơ quan có liên quan:

Các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện để đảm bảo các nhu yếu phẩm cần thiết, cung cấp đủ cơ số thuốc, dụng cụ y tế, hóa chất để xử lý nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, cứu đói,… cho người dân phải sơ tán và ổn định đời sống nhân dân.

2.4.12. UBND các huyện, xã trong vùng bị ảnh hưởng:

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến từng xã và từng xã phải có trách nhiệm phổ biến đến từng gia đình để xây dựng phương án cụ thể cho từng địa phương khi có tình huống xả lũ vượt tần suất thiết kế, tình huống vỡ đập và phương án phòng tránh lũ, quy định hiệu lệnh báo động với các tình huống, quy định hướng sơ tán, vị trí sơ tán của từng thôn, từng xóm để nhân dân chủ động thực hiện một cách nghiêm túc.

- Tổ chức thành lập các lực lượng cứu hộ, cứu nạn sơ tán dân cư, huy động phương tiện, nguồn lực giúp dân sơ tán bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trên địa phương mình theo phương án đảm bảo có hiệu quả.

- Rà soát, bổ sung phương án sơ tán dân trên địa bàn huyện, xã thật chi tiết, cụ thể và có tính khả thi cao nhất, đề phòng hồ chứa Cửa Đạt xảy ra sự cố nghiêm trọng.

- Thông báo và quán triệt phương án đến tận chính quyền cấp thôn, xã và quần chúng nhân dân biết để chủ động đối phó khi có sự cố xảy ra trong mùa lụt bão năm 2016, với tinh thần “Chủ động tự cứu lấy mình trước khi được Nhà nước đến cứu”.

- Tổ chức chuẩn bị các điều kiện đảm bảo theo phương án đã lập để sẵn sàng thực hiện khi có các tình huống xảy ra.

- Tổ chức triển khai thực hiện phương án khẩn trương, nghiêm túc khi có lệnh của UBND tỉnh và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

1. Sau khi Phương án được phê duyệt, Ban Chỉ huy PCLB hồ Cửa Đạt phối hợp với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện Đông Sơn, Ngọc Lặc, Thiệu Hóa, thành phố Thanh Hóa, Thọ Xuân, Thường Xuân, Triệu Sơn, Yên Định, Vĩnh Lộc tổ chức triển khai, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, công tác phục vụ hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng đối phó khi có lũ lụt xảy ra.

Phổ biến, tuyên truyền và thông báo rộng rãi Phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du hồ Cửa Đạt đến tất cả các địa phương và nhân dân vùng bị ảnh hưởng biết để chủ động ứng phó khi hồ Cửa Đạt vận hành.

2. Chế độ thông tin liên lạc, chế độ báo cáo:

2.1. Báo cáo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện vùng hạ du hồ chứa nước Cửa Đạt (Đông Sơn, Ngọc Lặc, Thiệu Hóa, thành phố Thanh Hóa, Thọ Xuân, Thường Xuân, Triệu Sơn, Yên Định, Vĩnh Lộc):

- Báo động 1: Ngày 2 lần vào lúc 7 h, 19 h.

- Báo động 2: Ngày 3 lần vào lúc 7 h, 13 h, 19 h.

- Báo động 3: Báo động khẩn cấp 1 h báo cáo 2 lần.

2.2. Báo cáo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi cục Thủy lợi:

- Báo động 1: Ngày 1 lần vào lúc 7 h.

- Báo động 2: Ngày 3 lần vào lúc 7 h, 13 h, 19 h.

- Báo động 3: Báo động khẩn cấp 1 h báo cáo 2 lần.

3. Quy định chế độ trực ban tại đập, chế độ trực ban tại Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp:

3.1. Tại công trình:

Khi có báo bão, tất cả thành viên trong Ban Chỉ huy PCLB công trình phải có mặt, phân công cụ thể công việc phụ trách của các thành viên, tiến hành thực hiện nghiêm túc sự phân công của Trưởng Ban. Bộ phận thường trực phải thường xuyên có mặt 24/24 h để điều hành công tác, theo phương châm chỉ huy tại chỗ.

3.2. Tại Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp:

Khi có bão lụt, các thành viên phải có mặt đầy đủ, thực hiện công việc theo sự phân công của Trưởng Ban. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng thành viên để tổ chức điều hành công tác có hiệu quả, bám sát Phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du công trình hồ Cửa Đạt đã đề ra.

4. Thẩm quyền quyết định sơ tán dân theo quy định hiện hành:

Đối với công trình hồ Cửa Đạt là công trình quan trọng cấp Quốc Gia do Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh quyết định sơ tán.

5. Quy định hiệu lệnh báo động cho từng tình huống đã nêu trên:

Để thống nhất chung hiệu lệnh báo động các tình huống xảy ra cho toàn vùng nhằm chủ động đối phó với các tình huống; quy định hiệu lệnh như sau:

- Tình huống xả lũ qua tràn ứng với lũ kiểm tra, phải đề phòng cứu hộ đê do mực nước sông lên cao thì thông báo bằng thông tin truyền thanh và các phương tiện liên lạc khác như: Ban Chỉ huy quân sự huyện Thường Xuân sẽ hú còi từng hồi tại 2 địa điểm, Công ty TNHH một thành viên Sông Chu - Chi nhánh Ban quản lý Khai thác công trình thủy lợi Cửa Đạt và thị trấn Thường Xuân, các địa phương nối tiếp nhau thổi tù và dứt đoạn, đánh trống, kẻng,... theo hiệu lệnh khẩn cấp, đánh ngũ liên (5 tiếng liên hồi).

- Tình huống vỡ đập hiệu lệnh sơ tán dân cư”. Ban Chỉ huy quân sự huyện Thường Xuân sẽ bắn pháo hiệu và hú còi liên hồi tại 2 địa điểm, Công ty TNHH một thành viên Sông Chu - Chi nhánh Ban quản lý Khai thác công trình thủy lợi Cửa Đạt và thị trấn Thường Xuân, các địa phương nối tiếp nhau thổi tù và rúc liên khúc, đánh trống, kẻng, cồng, chiêng,... theo hiệu lệnh cực kỳ khẩn cấp, đánh tam liên (3 tiếng liên hồi).

- Đối với các địa phương ngoài việc trống, kẻng, cồng, chiêng, thổi tù và phải kết hợp dùng loa đài thông tin các tình huống trên để mọi người dân biết.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trưởng Ban Chỉ huy PCLB hồ Cửa Đạt, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sông Chu và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3 QĐ;
- Ban Chỉ đạo TW về PCTT; (để b/c);
- Bộ Nông nghiệp và PTNT; (để b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh; (để b/c);
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền;
- Phó Chánh Văn phòng Lê Thanh Hải;
- Lưu: VT, NN.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Quyền