Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 397/2012/QĐ-UBND

TP.Hà Giang, ngày 21 tháng 02 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị quyết số 35/2010/NQ-CP ngày 27/9/2010 của Chính phủ về thành lập thành phố Hà Giang thuộc tỉnh Hà Giang;

Căn cứ Quyết định số 3672/QĐ-UBND ngày 02/12/2004 của UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quy định tạm thời về quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Giang;

Căn cứ Nghị quyết số 17/2011/NQ-UBND ngày 28/12/2011 của HĐND thành phố về việc phê chuẩn “Quy định về quản lý đô thị trên địa bàn thành phố Hà Giang”;

Xét đề nghị của Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Hà Giang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về Quản lý đô thị trên địa bàn thành phố Hà Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 07 ngày kể từ ngày ký, ban hành và thay thế Quyết định số 1439/2006/QĐ-UBND ngày 24/7/2006 của UBND thị xã Hà Giang (này là Thành phố Hà Giang) ban hành Quy định về Quản lý đô thị.

Điều 3. Chánh Văn phòng HĐND - UBND thành phố, Thủ trưởng các cơ quan chức năng thuộc thành phố, Chủ tịch UBND các phường, xã, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Trần Thái Sơn

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 397/2012/QĐ-UBND ngày 21 tháng 02 năm 2012 của UBND thành phố Hà Giang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

1. Bản Quy định này cụ thể hoá một số quy định của nhà nước trong lĩnh vực quản lý đô thị, quy định trách nhiệm của mọi công dân, tổ chức, nhiệm vụ của các ngành, các cấp từ thành phố đến phường, xã trong việc thực hiện những quy định về quản lý đô thị.

2. Quy định này được áp dụng trên địa bàn thành phố Hà Giang. Mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố, không phân biệt thời hạn, tính chất hoạt động đều phải thực hiện những điều khoản trong bản Quy định.

3. Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp vào việc xây dựng phát triển và quản lý đô thị của thành phố Hà Giang; mọi vi phạm Quy định này đều phải được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, chính xác, nghiêm minh đúng pháp luật. Người thực thi công vụ nếu vi phạm Quy định này căn cứ vào mức độ tính chất sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Chương II

LẬP QUY HOẠCH VÀ QUẢN LÝ QUY HOẠCH XÂY DỰNG ĐÔ THỊ

Điều 2. Đồ án quy hoạch tổng thể cải tạo và phát triển thành phố Hà Giang được cấp có thẩm quyền phê duyệt là cơ sở để thành phố quản lý, xây dựng đô thị, triển khai các quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư xây dựng, địa điểm xây dựng, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch và phát triển đô thị.

Điều 3. Uỷ ban nhân dân thành phố có trách nhiệm lập đồ án quy hoạch xây dựng theo sự phân cấp của UBND tỉnh và quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố. Uỷ ban nhân dân phường, xã phối hợp với các ngành chức năng liên quan điều tra, khảo sát, đề xuất khu vực cần lập quy hoạch với UBND thành phố và có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy hoạch trên địa bàn.

Trong quá trình thực hiện đồ án, nếu xét thấy có điểm chưa hợp lý thì trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quá trình phát triển kinh tế xã hội, nghiêm cấm việc tự điều chỉnh, bổ sung và thay đổi quy hoạch.

Điều 4. Các đồ án quy hoạch chung khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải được cắm mốc giới, phân công, phân cấp quản lý; công bố công khai; niêm yết tại trụ sở chính quyền thành phố, phường, xã và nơi công cộng trong vùng quy hoạch để nhân dân biết, kiểm tra thực hiện. Mọi vi phạm về quy định phải được xử lý kịp thời, công minh theo quy định của pháp luật và phải được thông báo rộng rãi.

Chương III

VỆ SINH MÔI TRƯỜNG VÀ BẢO VỆ CẢNH QUAN ĐÔ THỊ

Điều 5. Vệ sinh môi trường

1. Việc quét, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, phun tưới nước rửa đường do đơn vị được giao nhiệm vụ đảm nhiệm (thông qua hình thức đấu thầu, đặt hàng) và được thực hiện theo kế hoạch nhà nước giao hàng năm.

Việc thải rác, quét, thu gom, vận chuyển, xử lý của các tổ chức, cá nhân tuân theo Quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố Hà Giang ban hành kèm theo Quyết định số 4131/2009/QĐ-UBND ngày 18/12/2009 của UBND thị xã Hà Giang (nay là thành phố Hà Giang) và phải được thực hiện theo ca, kíp hợp lý. Quy định thời gian, địa điểm đổ rác tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị và các hộ gia đình thực hiện. Công tác vận chuyển, xử lý rác phải thực hiện thường xuyên không để rác tồn đọng trong ngày. Phun tưới nước rửa đường, được thực hiện trên một số trục đường theo quy định của UBND thành phố, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.

2. Các hộ gia đình, các cơ quan đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà nghỉ, nhà trọ đóng trên địa bàn thành phố phải có công trình vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, tự đảm nhiệm, đảm bảo vệ sinh môi trường trong gia đình, trong khuôn viên cơ quan đơn vị mình quản lý, tự trang bị thùng đựng rác, chấp hành đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Không được đổ rác bừa bãi ra lòng đường, vỉa hè, rãnh thoát nước làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Hàng tháng phải đóng phí vệ sinh môi trường theo quy định.

3. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khai thác VLXD như: Nung đốt vôi, gạch ngói, khai thác đá, cát sỏi, chế biến lâm sản, sửa chữa, rửa xe máy, xe ô tô... trên địa bàn phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng địa điểm quy hoạch, dự án, phương án sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hành nghề giết mổ gia súc, gia cầm phải đưa vào cơ sở giết mổ tập trung. Nếu không chấp hành thì bị tịch thu sản phẩm và chịu mọi chi phí vận chuyển, tiêu huỷ... nếu tái phạm sẽ bị xử phạt theo các quy định của pháp luật.

5. UBND các phường, xã, Thủ trưởng các cơ quan đơn vị thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân, cán bộ, công nhân viên thực hiện tốt các quy định về vệ sinh môi trường; các ngày cuối tuần tổ chức tổng vệ sinh cơ quan và các khu vực vỉa hè, hành lang xung quanh cơ quan, đơn vị.

6. Các cơ sở y tế, dược phẩm, thú y, bảo vệ thực vật trên địa bàn thành phố phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải bệnh viện, phải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; bệnh phẩm, rác thải y tế, thuốc hết hạn sử dụng, chất thải của bệnh nhân phải được xử lý loại bỏ các mầm bệnh có nguy cơ lây nhiễm trước khi đưa về nơi xử lý tập trung.

7. Đơn vị được giao nhiệm vụ rửa xe sơ bộ trước khi vào thành phố phải thực hiện theo đúng nội dung dự án, phương án sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thu phí vệ sinh theo đúng quy định.

Điều 6. Quản lý cây xanh đường phố

1. Các cơ quan, đơn vị, các hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn thành phố phải chấp hành nghiêm túc quy định của nhà nước, của tỉnh và của UBND thành phố về quản lý cây xanh ban hành theo Quyết định số 1762/2011/QĐ-UBND ngày 22/8/2011 của UBND tỉnh, Quyết định số 4125/2009/QĐ-UBND ngày 18/12/2009 của UBND thành phố. Tích cực trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trồng nơi công cộng và trong khuôn viên đất được giao quản lý không thuộc danh mục cây cấm trồng.

2. Đơn vị được giao quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố có trách nhiệm tuyển chọn giống, ươm trồng và duy trì hệ thống cây xanh đường phố theo kế hoạch được giao hàng năm. Việc trồng, chăm sóc, cắt tỉa tạo tán phải đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật.

3. Nghiêm cấm mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị. Việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh công cộng phải được cấp có thẩm quyền cấp phép (trừ các trường hợp được miễn giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh theo quy định). Thời gian cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh và trồng mới cây thay thế (nếu có) tối đa không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và thời gian thực hiện việc chặt hạ, dịch chuyển không quá 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy phép. Đơn và giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh thực hiện theo mẫu quy định về quản lý cây xanh. Mọi chi phí cho việc thực hiện chặt hạ, dịch chuyển hoặc trồng mới cây xanh sau khi cấp phép do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chi trả.

Trường hợp đột xuất cần chặt hạ, dịch chuyển cây xanh ngay do tình thế khẩn cấp, thiên tai hoặc cây có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm thì đơn vị trực tiếp thực hiện việc quản lý cây xanh có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban nhân dân phường, xã lập biên bản hiện trạng, thực hiện ngay việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh và lập hồ sơ theo quy định để báo cáo cơ quan được phân cấp quản lý cây xanh.

Mọi trường hợp tự ý chặt hạ, dịch chuyển không có giấy phép theo quy định có tác động giết hại cây; khi phát hiện cơ quan quản lý lập biên bản, ghi hình hiện trạng, xử phạt theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng.

Việc chặt, tỉa cành cây đảm bảo an toàn hành lang lưới điện phải có giấy phép chặt hạ của cơ quan có thẩm quyền và có sự phối kết hợp giữa đơn vị được giao quản lý với các đơn vị thi công thuộc ngành điện. Trong quá trình thực hiện phải đảm bảo kỹ thuật, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Điều 7. Bảo vệ cảnh quan đô thị

Các công trình xây dựng cơ bản phải xây dựng đúng quy hoạch, đúng nội dung giấy phép xây dựng, thiết kế hài hoà với cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn và bảo tồn các danh lam thắng cảnh, các công trình văn hoá, nghệ thuật. Nghiêm cấm các hành vi gây hại đến các công trình văn hoá, nghệ thuật những khu danh lam thắng cảnh và các công trình phúc lợi công cộng.

Các tổ chức, cơ quan, đơn vị được giao quản lý công viên, quảng trường, tượng đài có trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác theo đúng phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các loại biển quảng cáo, pa nô, áp phích ngoài trời của các tổ chức, đơn vị, cá nhân, hộ gia đình đều phải có giấy phép trước khi lắp dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tuân thủ theo đề án quy hoạch quảng cáo ngoài trời ban hành kèm theo Quyết định số 3016/QĐ-UBND ngày 24/9/2009 của UBND thị xã Hà  Giang (nay là thành phố Hà Giang). Đối với biển quảng cáo, pa nô, áp phích có kích thước lớn của các tổ chức, đơn vị, cá nhân, hộ gia đình phải có giấy phép của UBND thành phố. Đối với các cơ quan đơn vị tuyên truyền băng rôn phục vụ nhiệm vụ chính trị (mục đích không sinh lời) phải có văn bản thoả thuận với phòng Văn hoá, TT & Du lịch thành phố về địa điểm, kích thước, màu sắc treo. Nghiêm cấm mọi hành vi quảng cáo bằng các hình thức sau: Dán giấy, viết mực, sơn trên cột điện, tường rào, tường nhà, đóng các loại bảng trên thân cây xanh đường phố.

Điều 8. Quản lý nghĩa trang

1. Các tổ chức, cơ quan, đơn vị được giao quản lý nghĩa trang liệt sỹ và các nghĩa trang nhân dân trên địa bàn thành phố có trách nhiệm làm tốt công tác bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh, cây cảnh, hướng dẫn khách vào thăm, viếng.

2. Việc chôn cất, bốc mộ, di chuyển hài cốt và tổ chức dịch vụ tang lễ phải được thực hiện theo đúng quy định quản lý, quy hoạch sử dụng các nghĩa trang của thành phố.

Chương IV

QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI, TÀI NGUYÊN KHÁC VÀ QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG ĐÔ THỊ

Điều 9. Quản lý đất đai

1. Mọi tổ chức và cá nhân sử dụng đất phải sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định của pháp luật.

2. Đăng ký quyền sử dụng đất, thực hiện đầy đủ thủ tục khi chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng, cho quyền sử dụng đất, thế chấp, bảo lãnh góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

3. Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện các biện pháp bảo vệ đất. Nghiêm cấm các hành vi làm suy giảm chất lượng đất hoặc làm biến dạng địa hình gây hậu quả làm cho đất giảm hoặc mất khả năng sử dụng theo mục đích sử dụng đã được xác định.

5. Tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan.

6. Tuân theo các quy định của pháp luật về tìm thấy vật trong lòng đất.

7. Giao lại đất khi có quyết định thu hồi đất hoặc khi hết thời hạn sử dụng đất.

8. Chỉ chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất khác sang đất ở cho những trường hợp thửa đất có diện tích > 30 m2 và có chiều rộng tối thiểu thửa đất không nhỏ hơn 3m. Trường  hợp chuyển đổi mục đích sử dụng từ các loại đất khác sang đất ở có diện tích nhỏ hơn 30m2  thì đất đó phải có thửa liền kề là đất ở và tổng diện tích thửa đất sau khi chuyển đổi không nhỏ hơn 30m2.

9. Đối với khu vực được phép chuyển mục đích sử dụng đất (phù hợp với quy hoạch được phê duyệt) nằm ở vị trí địa hình phức tạp, phải san lấp mặt bằng, yêu cầu phải có hồ sơ thiết kế kỹ thuật tường, kè chắn và có các biện pháp, giải pháp thi công, đảm bảo an toàn cho người, tài sản, các công trình liền kề trong khu vực thi công và vệ sinh, mỹ quan, cảnh quan môi trường, được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trước khi cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Điều 10. Nghĩa vụ của người sử dụng các nguồn tài nguyên khác

1. Việc sử dụng, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến các nguồn tài nguyên môi trường khác phải được phép của cơ quan quản lý, ngành hữu quan, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và phải đăng ký với Uỷ ban nhân dân địa phương, được giao trách nhiệm quản lý hành chính theo quy định của pháp luật.

2. Nghiêm cấm khai thác cát, sỏi trên sông Lô đoạn từ cầu Phong Quang đến cầu Yên Biên II và phạm vi 100m phía thượng lưu và hạ lưu các cầu cứng bắc qua sông.

Điều 11. Quản lý trật tự xây dựng đô thị

1. Hộ gia đình xây dựng nhà ở, chủ đầu tư công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố phải làm thủ tục xin phép trước khi xây dựng, trừ những trường hợp được miễn.

2. Trước khi khởi công xây dựng công trình, các hộ gia đình xây dựng nhà ở, chủ đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn có trách nhiệm:

- Thông báo ngày khởi công bằng văn bản cho UBND thành phố, UBND các phường, xã nơi xây dựng công trình trong thời hạn 7 ngày làm việc.

- Chấp hành nghiêm túc những quy định về điều kiện khởi công, thi công xây dựng công trình theo Luật Xây dựng và các quy định khác có liên quan.

- Mời các chủ công trình liền kề lập biên bản kiểm tra, đánh giá hiện trạng trước khi thi công.

- Chấp hành việc treo biển báo tại công trường thi công theo quy định (tên chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư, nhà thầu thi công, chỉ huy trưởng công trường, thời gian khởi công, hoàn thành...).

- Làm các thủ tục đấu nối vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.

- Đối với các công trình khi triển khai có liên quan đến tháo dỡ công trình cũ, chủ đầu tư dự án lập phương án phá dỡ, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án trước khi tháo dỡ công trình cũ.

3. Trong quá trình thi công xây dựng công trình các hộ gia đình xây dựng nhà ở, chủ đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn có trách nhiệm:

- Thi công tập trung, hoàn thiện gọn, tránh thi công tràn lan, kéo dài.

- Khi công trình hoàn thành phải vệ sinh sạch lòng đường, vỉa hè thuộc khu vực thi công.

- Quá trình thi công nếu xảy ra sự cố công trình hoặc ảnh hưởng tới an toàn các công trình liền kề thì chủ đầu tư xây dựng công trình phải có những trách nhiệm sau:

+ Thông báo cho chính quyền sở tại, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, chủ công trình liền kề bằng văn bản; tạm dừng thi công, mời các cơ quan kiểm định chất lượng công trình đến kiểm tra, xác định nguyên nhân sự cố, giải pháp khắc phục.

+ Thoả thuận biện pháp, giải pháp bồi hoàn, khắc phục sự cố công trình hoặc với chủ quản lý các công trình liền kề, dưới sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Trường hợp không thoả thuận được chuyển hồ sơ sự cố công trình ra cơ quan toà án để thụ lý giải quyết.

+ Chỉ được phép thi công công trình sau khi có kết luận bằng văn bản đã khắc phục xong sự cố của cơ quan có thẩm quyền.

4. Nghiêm cấm việc tự ý tập kết vật liệu dưới lòng đường, trên nắp cống rãnh, vỉa hè, cậy tấm đan rãnh, rải đá, cát, sỏi trong lòng rãnh, chặt sắt, kéo nắn sắt dưới lòng đường gây ảnh hưởng đến kết cấu mặt đường. Nếu có nhu cầu sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè làm nơi tập kết vật liệu, cậy tấm đan rãnh để làm đường vào khu vực thi công công trình thì phải làm thủ tục xin phép tại phòng Quản lý đô thị. Chỉ cho phép thực hiện sau khi đã nộp đủ số tiền đặt cọc, bảo lãnh nguyên trạng cho kết cấu vỉa hè 200.000đ/m2 và rãnh dọc xây là 1.500.000đ/m theo quy định của thành phố vào tài khoản tiền gửi do phòng Quản lý đô thị thành phố mở tại Kho bạc nhà nước.

5. Mọi tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở, trụ sở trên địa bàn thành phố có sử dụng vỉa hè, hành lang đường phải chấp hành nộp khoản thu 500.000đ/công trình, riêng đối với loại đường nhựa còn phải nộp một khoản thu là 600.000đ/1lần đổ mái (nếu có ảnh hưởng). Giao cho UBND các phường, xã, thu số tiền này để sử dụng cho việc chỉnh trang đô thị, tổng vệ sinh lòng đường, vỉa hè trên địa bàn vào những ngày lễ, tết hoặc đón các sự kiện đặc biệt.

Mọi tổ chức, đơn vị, cá nhân, hộ gia đình khi thi công, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và xây dựng các công trình mới (xây dựng nhà, công trình, công trình giao thông, điện, thông tin, cấp thoát nước...) nằm trong phạm vi đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ hoặc tạm thời sử dụng một phần lòng đường liên quan đến an toàn giao thông đường bộ phải thực hiện các quy định của thành phố và các quy định khác, để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông; trong suốt quá trình thi công phải tuân thủ đúng các phương án, biện pháp, thời gian thi công đã được cho phép.

6. Các công trình xây dựng cơ bản nằm trong quy hoạch chi tiết để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng trong tương lai, khi đã có thông báo chính thức của tỉnh và thành phố các cơ quan, đơn vị, cá nhân, hộ gia đình không được xây dựng công trình kiên cố; các trường hợp sửa chữa, cải tạo phải được phép của cơ quan có thẩm quyền; không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho đến khi có quyết định chính thức của cấp có thẩm quyền.

7. Không cấp phép xây dựng cho những hộ gia đình xin phép xây dựng nhà ở kiên cố có diện tích đất xây dựng nhỏ hơn 30m2, bề rộng ngang nhỏ hơn 3m.

8. Các tổ chức, đơn vị, cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu san, lấp mặt bằng phải xin cấp giấy phép đào, san lấp, vận chuyển đất theo quy định, phù hợp với quy hoạch và chỉ được phép thi công sau khi đã có giấy phép được cấp. Phòng Quản lý đô thị là cơ quan trực tiếp tham mưu giải quyết việc cấp phép đào, san lấp, vận chuyển đất, đá.

Chỉ giải quyết cấp phép thực hiện thi công san đào, vận chuyển đất đá cho các trường hợp khi đã thực hiện đầy đủ thủ tục quy định tại cơ quan cấp giấy phép:

- Vị trí san đào phù hợp với quy hoạch và được cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi hiện trạng thửa đất.

- Có kế hoạch thực hiện thi công san đào, vận chuyển đất đá gồm: Có văn bản cho phép điểm đổ đất theo quy định, lịch trình cụ thể về thời gian thực hiện, tuyến đường vận chuyển, số lượng và biển số xe vận chuyển.

- Có phiếu thu đã nộp số tiền vệ sinh đường phố 10.000đ/m3 đất, đá. Với những khối lượng đào, san lấp, vận chuyển đất, đá lớn trên 500m3 và thực hiện trong thời gian dài, cơ quan cấp phép sẽ có quy định cụ thể để thực hiện công tác vệ sinh môi trường riêng.

- Có cam kết thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường, chấp hành các quy định về cấp phép.

- Những trường hợp đào, san lấp mặt bằng có Taluy dương, âm ≥ 3m phải có các biện pháp xử lý phòng sạt lở đất đảm bảo an toàn và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi của mình.

- Kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường vào ngân sách nhà nước tại cơ quan Chi cục thuế.

9. Nghiêm cấm các hành vi xây dựng lấn chiếm, cơi nới chiếm dụng khoảng không trên các vỉa hè, hệ thống thoát nước công cộng, sông, suối, khe cạn.

10. Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển đổ đất đá, phế thải vật liệu xây dựng, đổ rác, nước thải chưa xử lý ra ao hồ, sông suối, rãnh thoát nước gây cản trở dòng chảy, mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường.

Điều 12. Quản lý kiến trúc

Hội đồng thẩm định kiến trúc đô thị do phòng Quản lý đô thị thành phố làm Thường trực có trách nhiệm:

- Thẩm định về mặt kiến trúc các công trình xây dựng trong đô thị theo thẩm quyền cấp phép xây dựng của thành phố.

- Tham gia ý kiến thẩm định, thoả thuận kiến trúc đối với những dự án, công trình xây dựng trên địa bàn thành phố do các ngành của tỉnh chủ trì thẩm định kiến trúc theo phân cấp về các yếu tố:

+ Đảm bảo tính liên hệ, kết nối chặt chẽ về không gian, cảnh quan cho vùng giáp ranh giữa nội thành với ngoại thành; kết hợp điều kiện địa hình, hệ thống cây xanh, mặt nước, hệ thống giao thông hiện có tạo ra không gian kết nối liên thông trong đô thị, thông gió tự nhiên, cải thiện môi trường đô thị.

+ Xây dựng, cải tạo, chỉnh trang các công trình kiến trúc tại các khu vực cảnh quan trong đô thị đã được các cấp quản lý xác định, cần hạn chế tối đa việc làm thay đổi địa hình và đảm bảo sự phát triển bền vững của môi trường tự nhiên.

+ Các công trình kiến trúc trong đô thị phải có thiết kế, do tổ chức, cá nhân có đủ tư cách pháp nhân hoặc người chủ trì thiết kế có chứng chỉ, hành nghề thiết kế. Tuân thủ giấy phép xây dựng và quy hoạch được duyệt.

+ Không được chiếm dụng trái phép không gian đô thị nhằm mục đích tăng diện tích sử dụng công trình; mặt ngoài, mái của công trình kiến trúc đô thị không được sử dụng màu sắc, vật liệu gây ảnh hưởng tới thị giác, sức khoẻ con người, yêu cầu về vệ sinh, an toàn giao thông, an toàn về cháy nổ. Tuỳ từng vị trí mà thể hiện hài hoà, trang nhã hoặc yêu cầu bảo tồn nguyên trạng.

+ Đối với khu dân cư được quy hoạch mới, khi xâydựng phải đảm bảo các yêu cầu kiến trúc ngoại thất thống nhất, đồng bộ với dãy phố, khoảng lùi, độ đua ra của ban công, Loza hệ thống hạ tầng theo quy định.

+ Đối với khu dân cư hiện có khi cải tạo, xây dựng mới phải đảm bảo đặc trưng của dãy phố đã có, các thông số kỹ thuật chiều cao tầng, độ đua của ban công của các công trình liền kề đã xây dựng (riêng yêu cầu về khoảng lùi đối với công trình xây dựng mới tuỳ tình hình thực tế để xem xét cấp giấy phép xây dựng cho phù hợp).

+ Vật liệu xây dựng nhà ở, các công trình công cộng, trụ sở cơ quan trong nội thành không được sử dụng các loại vật liệu mau hỏng dễ cháy nổ để đảm bảo an toàn phòng cháy nổ, mỹ quan đô thị.

+ Việc xây dựng các công trình phải đảm bảo không gây ảnh hưởng tới quốc phòng - an ninh, đảm bảo đúng các quy định quản lý xây dựng của thành phố và sự phối kết hợp quản lý nhà nước trên địa bàn.

Chương V

QUẢN LÝ VỀ HẠ TẦNG KỸ THUẬT ĐÔ THỊ

Điều 13. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

1. Người và phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn thành phố Hà Giang phải chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông, chấp hành các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và an toàn giao thông đô thị quy định tại Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và các quy định của địa phương.

2. Các ngành chức năng của thành phố, các tổ chức đoàn thể, UBND các phường, xã căn cứ các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, tổ chức thực hiện đúng chức năng, quyền hạn nhiệm vụ được giao.

3. Các loại xe ô tô chở khách trên địa bàn nội thành đỗ đón khách đúng địa điểm, giờ giấc theo quy định.

Các loại phương tiện vận tải hàng hoá được phép đi trong nội thành phải chấp hành việc đỗ, bốc, dỡ hàng hoá tại các tuyến đường nội thành theo giờ quy định sau:

Sáng: Từ 4h đến 6h 30 phút.

Trưa: Từ 12h đến 13h.

Chiều, tối: Từ 18h đến 23h.

4. Các xe vận tải chở đất đá, vật liệu xây dựng trên các tuyến đường nội thành thùng xe phải kín, khít đảm bảo không chảy vật liệu khô và ướt (cát, đá, vôi, bê tông...), thùng xe phải có nắp đậy kín hoặc bạt che; khi vận chuyển không được xếp cao quá thùng xe. Trước khi ra khỏi công trình xây dựng hoặc các điểm khai thác và kinh doanh vật liệu xây dựng hay các nơi tập kết, chuyên chở phải thực hiện các biện pháp rửa sạch bên ngoài, lốp xe, gầm xe, đảm bảo không gây bụi bẩn ra đường phố. Việc vận chuyển phế thải, đất đá trên địa bàn nội thành phải có giấy phép do UBND thành phố Hà Giang cấp; nghiêm cấm việc cơi nới thùng xe. Nếu vi phạm, chủ phương tiện sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật và chịu mọi phí tổn vệ sinh đường phố.

5. Uỷ ban nhân dân phường, xã và các ngành có liên quan có trách nhiệm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đô thị, trên phạm vi lòng đường, vỉa hè thuộc địa phận hành chính của mình quản lý.

6. Nghiêm cấm người và phương tiện khi tham gia giao thông dàn hàng ngang trên đường phố, sử dụng ô, điện thoại khi đang điều khiển xe đạp, xe máy, xe ô tô.

7. Nghiêm cấm thả rông gia súc, gia cầm ra đường phố, để gia súc phóng uế trên đường phố; xe súc vật kéo, xe lam không được đi trên các tuyến đường nội thành.

Điều 14. Quản lý lòng đường, vỉa hè

1. Việc quản lý lòng đường, vỉa hè tuân theo các văn bản pháp luật hiện hành và các quy định của thành phố. Phòng Quản lý đô thị là cơ quan Thường trực giúp UBND thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước các công trình giao thông trên địa bàn, trực tiếp quản lý các tuyến đường nội, ngoại thành theo quy định chung. UBND các phường, xã chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông trên địa bàn quản lý, trực tiếp quản lý các trục đường liên cụm, tổ, thôn, xóm, nội bộ các khu dân cư. Hàng năm UBND phường, xã xây dựng kế hoạch, huy động công lao động và các nguồn đóng góp để cải tạo, nâng cấp đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế của địa phương.

- Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần vỉa hè cho việc tang, giỗ phải xin phép UBND phường, xã nơi cư trú, thời gian sử dụnh tạm thời không quá 48h; nghiêm cấm việc dựng rạp đám cưới dưới lòng đường, trên tất cả các trục đường nội thành. UBND phường, xã có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn và giám sát các tổ chức, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân được phép sử dụng không gây ảnh hưởng lối đi cho người, các phương tiện giao thông và mỹ quan đô thị.

- UBND phường, xã cấp phép và thu phí việc sử dụng vỉa hè để bán hàng giải khát, ăn uống về đêm....theo quy hoạch và quy định hiện hành, trên cơ sở đảm bảo vệ sinh môi trường, trật tự, an toàn giao thông.

2. Các trường hợp đào lòng đường, vỉa hè để xây dựng, lắp đặt, sửa chữa để xây dựng các công trình ngầm, công trình trên vỉa hè, chủ đầu tư quản lý công trình kỹ thuật (Điện lực, Bưu điện, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng công cộng, cây xanh...) phải làm các thủ tục xin cấp phép của UBND thành phố Hà Giang. Riêng đối với các tuyến đường quốc lộ qua nội thành trước khi làm thủ tục xin cấp phép phải có văn bản thoả thuận cho phép của cơ quan quản lý theo quy định. UBND thành phố chỉ cấp phép cho các trường hợp được đào lòng đường, vỉa hè khi có đầy đủ hồ sơ xin phép, có văn bản thoả thuận của cơ quan quản lý các đoạn đường quốc lộ qua nội thành và nộp đầy đủ số tiền đặt cọc theo quy định của thành phố là: 2.000.000đ/m cắt đường; 1.500.000đ/m rãnh dọc; 200.000đ/m vỉa hè vào tài khoản tiền gửi do phòng Quản lý đô thị thành phố mở tại Kho bạc nhà nước.

3. Nghiêm cấm các hoạt động ảnh hưởng đến công trình hạ tầng đô thị, vệ sinh môi trường trên bề mặt lòng đường và vỉa hè, bao gồm:

- Đổ nước sinh hoạt, chất lỏng độc hại, dầu mỡ, nước thải chứa hoá chất ra lòng đường và vỉa hè.

- Để phế thải xây dựng, rác, bùn đất, xác súc vật, chất thải súc vật trên bề mặt lòng đường và vỉa hè.

- Tự ý tháo dỡ hoặc đổ bê tông trên bề mặt bó vỉa, tấm đan rãnh thoát nước để tạo dốc xuống lòng đường gây mất mỹ quan đô thị và thay đổi kết cấu vỉa hè tuyến đường; tự ý lắp đặt, xây dựng bậc tam cấp vào nhà và công trình bên đường gây ảnh hưởng đến hoạt động của phương tiện giao thông và người đi bộ.

- Trộn vữa, bê tông, xi măng, trực tiếp trên bề mặt lòng đường và vỉa hè (trường hợp đặc biệt phải có tấm lót bằng kim loại và vệ sinh sạch sẽ sau khi thi công xong).

- Đặt biển quảng cáo có chân di động trên lòng đường, vỉa hè.

- Xây dựng cơi nới, lắp đặt mái che đua ra so với phạm vi đã được cấp giấy phép xây dựng.

- Giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác trên vỉa hè không có giấy phép hoặc không đúng nơi quy định.

- Đỗ, dừng xe ô tô trên các tuyến đường không có biển báo hướng dẫn.

- Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

4. Việc đầu tư xây dựng hè phố, sửa chữa lòng đường được thực hiện với hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm; ưu tiên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng.

Điều 15. Quản lý biển báo giao thông, tên đường, số nhà

1. Việc lắp đặt biển báo giao thông, biển tên đường, biển số nhà phải tuân theo các văn bản hiện hành và quy định của pháp luật, đảm bảo phát huy hiệu quả quản lý, sử dụng.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình (chủ sở hữu nhà ở) có trách nhiệm giữ gìn bảo vệ biển số nhà đã được gắn. Khi biển số nhà bị hư hỏng, bị mất, chủ sở hữu nhà phải làm đơn đề nghị gắn biển số nhà hoặc thay biển số mới gửi UBND phường, xã. Không được dùng biển số sai quy định, không được để nhà thiếu biển số. Trường hợp nhà có treo biển hiệu mà nội dung của biển hiệu có ghi tên địa chỉ (biển số nhà, tên tổ, tên đường phố, tên địa danh) khác với địa chỉ theo quy định thì phải sửa đổi biển hiệu cho phù hợp.

2. Nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tự ý lắp đặt biển số nhà trái với Quy chế đánh số và gắn biển số nhà ban hành kèm theo Quyết định số 05/2006/QĐ-BXD ngày 08/3/2006 của Bộ Xây dựng.

3. Phòng Quản lý đô thị thành phố có trách nhiệm quản lý và tổ chức lắp đặt, xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, duy tu; lựa chọn đơn vị quản lý và giao quản lý hệ thống cọc tiêu; biển báo an toàn giao thông, tên đường, ngõ trên địa bàn thành phố theo đúng quy định hiện hành.

4. UBND phường, xã có trách nhiệm triển khai thực hiện đánh số, gắn biển số nhà cho các hộ trên địa bàn theo đúng quy chế đánh số và gắn biển số nhà ban hành kèm theo Quyết định số 05/2006/QĐ-BXD ngày 08/3/2006 của Bộ Xây dựng.

Thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về đánh số nhà trên địa bàn theo thẩm quyền.

Định kỳ vào ngày 20 tháng 12 hàng năm UBND phường, xã có trách nhiệm triển khai rà soát cấp bổ sung biển số nhà cho các hộ phát sinh trong năm trên địa bàn theo đúng quy định.

Điều 16. Quản lý hệ thống cấp nước đô thị

1. Đơn vị được giao quản lý, vận hành hệ thống cấp nước chịu trách nhiệm quản lý, khai thác sản xuất kinh doanh có hiệu quả toàn bộ hệ thống cấp nước sinh hoạt, đảm bảo chất lượng nước đạt tiêu chuẩn, phục vụ đảm bảo cho nhu cầu đời sống của nhân dân, nhu cầu trong SXKD trên địa bàn thành phố và có trách nhiệm thông báo lịch cấp nước hàng ngày cho nhân dân được biết.

2. Việc phát triển lắp đặt mạng lưới cấp nước phải phù hợp với quy hoạch chung toàn đô thị, lắp đặt đảm bảo kỹ thuật và hoàn trả lại mặt bằng ban đầu. UBND các phường, xã và tổ nhân dân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi giải phóng mặt bằng và giám sát đơn vị thi công.

3. UBND các phường, xã cùng với các ngành chức năng của thành phố có trách nhiệm tuyên truyền tới toàn bộ nhân dân sống trên địa bàn, thực hành sử dụng nước tiết kiệm, có trách nhiệm cùng bảo vệ nguồn tài nguyên nước, bảo vệ hệ thống cấp nước và nộp đầy đủ tiền sử dụng nước, phí nước thải theo quy định.

4. Các cơ quan đơn vị, các hộ gia đình phải chấp hành nghiêm túc các quy định, quy phạm về hành lang bảo vệ nguồn nước. Nghiêm cấm các hành vi xâm phạm đến hệ thống cấp nước và sử dụng nước khi chưa có sự đồng ý của cơ quan quản lý.

Điều 17. Quản lý hệ thống thoát nước đô thị

1. Đơn vị được giao quản lý, vận hành hệ thống thoát nước có trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo dưỡng theo kế hoạch được giao hàng năm; kịp thời khắc phục các phát sinh gây ách tắc ứ đọng toàn bộ hệ thống các công trình thoát nước thải, nước mưa trên địa bàn thành phố; kiểm tra và phối hợp xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

2. Mọi cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, các hộ gia đình trên địa bàn thành phố phải có biện pháp thu gom nước thải và xây dựng công trình xử lý làm sạch trước khi thải ra hệ thống thoát nước công cộng.

3. Nghiêm cấm mọi hành vi làm ô nhiễm, lấn chiếm, xâm phạm đến các công trình thoát nước công cộng, kể cả các dòng chảy, khe suối tự nhiên.

Điều 18. Quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng và thông tin liên lạc

1. Đơn vị được giao quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng có trách nhiệm: Quản lý, vận hành, bảo trì hệ thống chiếu sáng công cộng, kịp thời thay thế, sửa chữa các vật tư điện bị cháy, hỏng; xây dựng kế hoạch duy tu bảo dưỡng hệ thống; lập hồ sơ quản lý theo quy định. Căn cứ điều kiện kinh phí được cấp, điều chỉnh vị trí, giờ chiếu sáng hợp lý đảm bảo ánh sáng phục vụ ở các đường phố, quảng trường, vườn hoa, công viên... đáp ứng yêu cầu cho bảo vệ an ninh, an toàn giao thông và cảnh quan đô thị.

2. Hệ thống cáp thông tin và cáp truyền hình khi kéo, lắp đặt phải căng, bó gọn đảm bảo mỹ quan; bắt buộc phải có thông tin của đơn vị trên bó cáp. Khi có thông báo của thành phố về yêu cầu chỉnh trang đường cáp phải kịp thời thực hiện theo tiến độ thông báo; quá thời hạn yêu cầu, sẽ bị dỡ bỏ để đảm bảo mỹ quan đô thị.

- Khuyến khích, tạo điều kiện cho các đơn vị tổ chức hạ ngầm đường dây cáp, nhưng phải đảm bảo quy hoạch đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã có.

Chương VI

QUẢN LÝ VỀ HẠ TẦNG XÃ HỘI ĐÔ THỊ

Điều 19. Quản lý văn hoá xã hội

1. Các tổ chức, cá nhân cư trú trên địa bàn thành phố phải nghiêm chỉnh chấp hành, thực hiện tốt các quy định của nhà nước và địa phương về nếp sống văn hoá; quản lý các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá, các quy định về nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

2. Toàn dân có trách nhiệm tích cực tham gia vào phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Xây dựng và quản lý các thiết chế văn hoá, thể thao, các cơ sở thờ tự, công trình văn hoá đã được nhà nước công nhận.

3. Vào những ngày lễ, tết, những ngày có sự kiện chính trị của cả nước hay địa phương, mọi hộ gia đình đều phải chấp hành treo cờ tổ quốc theo đúng quy định và thời gian thông báo, không treo cờ tổ quốc sau khi hết thời hạn thông báo. Đối với các cơ quan công sở nhà nước, các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn thành phố phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Chính phủ về nghi lễ treo cờ trong công sở.

Điều 20. Quản lý y tế

1. Mọi tổ chức và cá nhân hành nghề sản xuất kinh doanh lương thực, thực phẩm phải chấp hành những quy định của cơ quan y tế về đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trong việc chế biến, bán lương thực, thực phẩm, hàng ăn uống, giải khát.

2. Giấy phép kinh doanh chỉ cấp khi cơ sở có giấy chứng nhận của cơ quan y tế đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

3. Nghiêm cấm các hành vi làm ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí, làm ô nhiễm môi trường trong thành phố hoặc các khu đông dân cư khác.

4. Các hộ gia đình và cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm phải nghiêm chỉnh chấp hành việc tiêm phòng bắt buộc một số bệnh của gia súc, gia cầm theo quy định hiện hành của nhà nước. Xử phạt các hành vi mua bán gia súc, gia cầm có dịch bệnh, bán thịt gia súc, gia cầm có bệnh cho nhân dân.

5. Việc chôn, hoả táng và di chuyển thi hài, hài cốt người chết do dịch; gia súc, gia cầm bị dịch, thực phẩm nhiễm bệnh phải tuân theo các quy định về vệ sinh phòng dịch và đảm bảo vệ sinh môi trường.

6. Mọi tổ chức và cá nhân trên địa bàn thành phố có trách nhiệm thực hiện những quy định về vệ sinh phòng bệnh, thực hiện những biện pháp phòng chống dịch bệnh ở những nơi đã công bố đang có dịch do cơ quan có thẩm quyền công bố.

Chương VII

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 21.

1. Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý đô thị, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm và đấu tranh với các hành vi vi phạm sẽ được khen thưởng.

2. Mọi hành vi vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đô thị và các điều quy định trong văn bản Quy định này đều bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra còn phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.

Chương VIII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 22. Phân công trách nhiệm

1. UBND các phường, xã có trách nhiệm tổ chức phổ biến, tuyên truyền các quy định về quản lý đô thị nêu trên đến tất cả các cơ quan, đơn vị, các hộ nhân dân trên địa bàn thành phố thực hiện. Chỉ đạo các lực lượng như công an phường, cán bộ địa chính, tư pháp, đội quy tắc phường, xã....thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm và xử lý nghiêm khắc các hành vi cố tình vi phạm theo trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp vượt quá thẩm quyền phải lập đầy đủ hồ sơ đề xuất ý kiến trình UBND thành phố giải quyết.

2. Các ngành chức năng của thành phố, các tổ chức đoàn thể căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức thực hiện có hiệu quả quy định quản lý đô thị trên địa bàn thành phố Hà Giang.

3. Thủ trưởng các cơ quan trung ương, tỉnh và các đơn vị có văn phòng đại diện đứng trên địa bàn thành phố có trách nhiệm quán triệt Quy định quản lý đô thị trên địa bàn thành phố Hà Giang tới đoàn thể công chức, viên chức của đơn vị để thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả cao.

4. Hàng năm các ngành chức năng của thành phố, các tổ chức đoàn thể, UBND các phường, xã và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn có trách nhiệm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện gửi báo cáo bằng văn bản về UBND thành phố.

Điều 23. Hiệu lực thi hành

1. Quy định này có thể được chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và các yêu cầu của quá trình phát triển của đô thị.

2. Chỉ có HĐND thành phố Hà Giang mới có quyền chỉnh sửa, bổ sung Quy định này./.