Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 397/2001/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 397/2001/QĐ-TTG NGÀY 10 THÁNG 4 NĂM 2001 VỀ CÁC BIỆN PHÁP TIÊU THỤ LÚA HÀNG HÓA Ở CÁC TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG VÀ VIỆC ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU GẠO NĂM 2001

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các Bộ: Thương mại, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Vật giá Chính phủ tại Hội nghị bàn về tiêu thụ lúa hàng hóa và xuất khẩu gạo ngày 04 tháng 4 năm 2001 tại thành phố Hồ Chí Minh.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các Bộ, ngành có liên quan thực hiện ngay các biện pháp sau đây để tiếp tục thúc đẩy việc tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân và xuất khẩu gạo năm 2001.

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long kiểm tra và chỉ đạo các doanh nghiệp mua đủ 1 triệu tấn gạo tạm trữ đã được giao trong tháng 4 năm 2001. Ban Vật giá Chính phủ ban hành văn bản quy định tiêu chuẩn lúa tạm trữ xuất khẩu theo mức giá sàn đã đưọc quy định và tỷ lệ quy đổi giữa lúa và gạo mua tạm trữ.

2. Trong thời gian tạm trữ, cho phép các doanh nghiệp được đảo kho số lượng tạm trữ và phải mua tiếp ngay để bảo đảm đủ số lượng và thời gian tạm trữ được giao.

Bộ Tài chính thực hiện việc ứng trước cho doanh nghiệp 70% khoản bù lãi suất vay ngân hàng để mua tạm trữ, sau khi quyết toán, thanh toán đủ 100% cho doanh nghiệp.

3. Bộ Thương mại chủ trì cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội lương thực Việt Nam sớm phân bổ công khai các hợp đồng Chính phủ về xuất khẩu gạo cho các tỉnh và doanh nghiệp được giao mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính thực hiện việc thu chênh lệch giá các hợp đồng Chính phủ về xuất khẩu gạo để hỗ trợ phần lỗ của việc thực hiện tạm trữ 1 triệu tấn gạo nêu trên.

4. Sau khi thực hiện xong hợp đồng Chính phủ về xuất khẩu gạo và các hợp đồng khác để tiêu thụ 1 triệu tấn gạo tạm trữ với giá mua thực tế, nếu thực sự còn bị lỗ thì được bù lỗ.

Bộ Thương mại có trách nhiệm chỉ đạo, giám sát giá gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp để làm cơ sở cho việc tính toán bù lỗ.

Bộ Tài chính theo dõi kịp thời, chặt chẽ và có hướng dẫn cụ thể việc bù lỗ cho các doanh nghiệp, trực tiếp đến làm việc cụ thể với các tỉnh để xử lý bù lỗ kịp thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đủ vốn hoạt động và quản lý chặt chẽ việc xem xét bù lỗ, không để xảy ra tiêu cực.

5. Bộ Tài chính xem xét từng trường hợp cụ thể, đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với đề nghị của các tỉnh và các Tổng công ty Lương thực về việc bù khoản lỗ phát sinh do tiêu thụ gạo tạm trữ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1039/CP-KTTH ngày 30 tháng 9 năm 1999 về việc điều hành xuất khẩu gạo quý 4 năm 1999.

6. Cho phép các doanh nghiệp được bán theo phương thức trả chậm nếu có hợp đồng bán gạo từ 3 vạn tấn trở lên. Cho phép làm thí điểm lập kho ngoại quan để bán gạo ở các nước châu Phi. Giao Bộ Thương mại chủ trì thống nhất với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có đề án cụ thể về 2 phương thức bán gạo trên, đề xuất phương án hỗ trợ bảo lãnh của Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

7. Nhà nước có chính sách hỗ trợ, thưởng cho các doanh nghiệp có công tìm kiếm thị trường mới về xuất khẩu gạo. Giao Bộ Thương mại chủ trì bàn thống nhất với Bộ Tài chính về chính sách hỗ trợ, thưởng cho doanh nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

8. Bộ Tài chính nghiên cứu để có phương án sửa đổi thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm phụ (tấm, cám) trong quá trình chế biến gạo xuất khẩu nhằm hỗ trợ cho việc xuất khẩu gạo để Chính phủ xem xét trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Thực hiện việc miễn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi hoa hồng mà doanh nghiệp Việt Nam trả cho doanh nghiệp nước ngoài. Giao Bộ Tài chính xem xét, giải quyết cụ thể.

9. Do tạm hoãn thu thuế sử dụng đất nông nghiệp sau tháng 6 năm 2001, Bộ Tài chính tăng tiến độ trợ cấp chi ngân sách để bảo đảm nguồn chi của các tỉnh 6 tháng đầu năm 2001.

10. Bộ Thương mại chủ động cùng các tỉnh, các doanh nghiệp tổ chức các đoàn đi các nước để tìm thêm thị trường, hợp đồng mới. Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp để làm việc này. Giao Bộ Tài chính giải quyết cụ thể.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Bộ trưởng các Bộ: Thương mại, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trưởng ban Vật giá Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Thủ trưởng các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nguyễn Công Tạn

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 397/2001/QĐ-TTg về biện pháp tiêu thụ lúa hàng hóa ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo năm 2001 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 397/2001/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/04/2001
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Công Tạn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/04/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản