Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3936/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 23 tháng 10 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 107/NQ-CP NGÀY 16 THÁNG 8 NĂM 2018 CỦA CHÍNH PHỦ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp;

Căn cứ Kế hoạch số 106-KH/TU ngày 07 tháng 8 năm 2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21 tháng 5 năm 2018 tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 755/TTr-SNV ngày 18 tháng 10 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ (Có Kế hoạch kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Phó CVP UBND tỉnh;
- Trung tâm CNTT - VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NC(65b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Dương Thái

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 107/NQ-CP NGÀY 16 THÁNG 8 NĂM 2018 CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 3936/QĐ-UBND ngày 23 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nghị quyết số 107/NQ-CP của Chính phủ, Kế hoạch số 106-KH/TU ngày 07/8/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang của các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, người sử dụng lao động và người lao động trong doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc cải cách chính sách tiền lương.

2. Xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu cụ thể để Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là sở, ngành, địa phương) tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 107/NQ-CP và Kế hoạch số 106-KH/TU.

3. Phấn đấu đạt các mục tiêu cụ thể

a) Từ năm 2018 đến năm 2020

- Đối với khu vực công:

+ Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để cải cách chính sách tiền lương: Tiếp tục tăng thu, tiết kiệm chi tạo nguồn cải cách tiền lương; sắp xếp tổ chức bộ máy, hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với tinh giản biên chế;

+ Thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở kịp thời theo quy định của Chính phủ;

+ Tham gia vào việc xây dựng chế độ tiền lương mới theo nội dung cải cách chính sách tiền lương, gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết của Trung ương và của tỉnh.

- Đối với khu vực doanh nghiệp:

+ Triển khai thực hiện tốt việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ;

+ Triển khai thực hiện tốt việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Nhà nước.

b) Từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030

- Đối với khu vực công, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để thực hiện theo lộ trình của Nghị quyết và Kế hoạch của Tỉnh ủy đã đề ra, cụ thể:

+ Định kỳ thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước;

+ Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị;

+ Năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Phấn đấu chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức đạt 0,3 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức;

+ Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Phấn đấu chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức đạt 0,5 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức;

+ Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp. Phấn đấu chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức đạt không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức.

- Đối với khu vực doanh nghiệp:

+ Từ năm 2021, các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp;

+ Thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo phương thức khoán chi phí tiền lương gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến năm 2025 và tiến tới giao khoán nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vào năm 2030.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp. Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, phương pháp, cách làm, tạo sự đồng thuận cao ở các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người hưởng lương và toàn xã hội trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách tiền lương.

2. Tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, tăng thu ngân sách; phân bổ nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ về lộ trình tăng lương cơ sở, gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, đổi mới sự nghiệp công lập theo Nghị quyết của Trung ương.

3. Bố trí tỷ lệ nhất định trong phần tăng thu dự toán và tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương cho cải cách chính sách tiền lương; tăng cường quản lý thu, đổi mới phương pháp xây dựng dự toán thu đảm bảo sát với thực hiện tạo chuyển biến căn bản trong việc chống thất thu, xử lý và ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn thuế. Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước và đầu tư xây dựng cơ bản; tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước. Cụ thể như sau:

- Hằng năm, ngân sách các cấp dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương cho cải cách chính sách tiền lương;

- Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước; tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên tăng thêm hằng năm cho đến khi thực hiện khoán quỹ tiền lương trên cơ sở biên chế được cấp có thẩm quyền giao;

- Nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương còn dư sau khi bảo đảm điều chỉnh mức lương cơ sở hằng năm và bảo đảm các chính sách an sinh xã hội, các dự án đầu tư theo quy định phải tiếp tục sử dụng để thực hiện cải cách chính sách tiền lương sau năm 2020, không sử dụng vào mục đích khác khi không được cấp có thẩm quyền cho phép;

- Bám sát quy định của nhà nước, bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước như: Tiền bồi dưỡng họp; tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án; hội thảo... Thực hiện khoán quỹ lương gắn với mục tiêu tinh giản biên chế cho các cơ quan, đơn vị. Mở rộng cơ chế khoán kinh phí gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ. Không gắn mức lương của cán bộ, công chức, viên chức với việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chính sách, chế độ không có tính chất lương. Xây dựng quy định khoán các chế độ ngoài lương (xe ô tô, điện thoại,...). Chỉ ban hành các chính sách, chế độ mới khi đã bố trí, cân đối được nguồn lực thực hiện;

- Thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương đối với đơn vị sự nghiệp công lập đúng Nghị quyết của Chính phủ, phù hợp với loại hình tự chủ đã được UBND tỉnh quyết định.

4. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành với cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính các cấp trong quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, tránh chồng chéo, lãng phí. Quy định rõ quyền hạn gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội.

5. Rà soát, hoàn thiện danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc, xác định cơ cấu công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; xác định khung năng lực theo từng vị trí việc làm trong cơ quan Đảng, Đoàn thể, Nhà nước. Trên cơ sở đó, thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang để thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.

6. Thực hiện có hiệu quả Đề án số 03-ĐA/TU ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Tỉnh ủy về sắp xếp lại tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh giai đoạn 2016-2021; Đề án số 01-ĐA/TU ngày 29 tháng 8 năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2016-2020.

7. Triển khai có hiệu quả các Kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh số 77-KH/TU ngày 26 tháng 01 năm 2018 thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kế hoạch số 74-KH/TU ngày 16 tháng 01 năm 2018 thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW; các Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành kèm theo các Quyết định số 1038/QĐ-UBND, 1040/QĐ-UBND ngày 03 tháng 4 năm 2018.

8. Tiếp tục thực hiện cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí, danh mục, ngành, lĩnh vực chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

9. Thực hiện tốt chính sách tinh giản biên chế; kiên quyết cắt giảm tối thiểu 10% biên chế của cả hệ thống chính trị theo Kết luận số 17-KL/TW ngày 11 tháng 9 năm 2017 của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện tinh giản biên chế của các tổ chức trong hệ thống chính trị năm 2015-2016, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2017-2021.

10. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách tiền lương theo quy định của pháp luật trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình né tránh, thực hiện không nghiêm túc hoặc không thực hiện nhiệm vụ được giao trong thực hiện cải cách chính sách tiền lương và vi phạm quy định của pháp luật về tiền lương.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 107/NQ-CP, kế hoạch số 106-KH/TU và Kế hoạch này, hoàn thành trong tháng 11 năm 2018.

b) Tổ chức tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung cải cách, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cải cách chính sách tiền lương đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý, hoàn thành trong Quý IV năm 2018.

c) Thực hiện rà soát, xây dựng hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp (nếu có) đối với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập; triển khai thực hiện chế độ tiền lương mới theo quy định; đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện việc tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện chính sách tiền lương trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý.

d) Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này và Kế hoạch thực hiện của các sở, ban, ngành, địa phương mình.

đ) Định kỳ trước ngày 15 tháng 11 hàng năm báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch này gửi Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Nội vụ

a) Chủ trì tổ chức và phối hợp thực hiện rà soát, hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm, cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập; triển khai thực hiện chế độ tiền lương mới theo quy định; đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hướng dẫn số lượng tối đa những người hoạt động không chuyên trách theo từng loại hình cấp xã, thôn, khu dân cư, các chức danh được hưởng phụ cấp; thực hiện kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện chính sách tiền lương trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này, định kỳ trước ngày 25 tháng 11 hàng năm tổng hợp báo cáo và kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện đồng bộ và có hiệu quả Kế hoạch; bám sát các nội dung liên quan trong Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh để thực hiện việc báo cáo theo quy định.

c) Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh trong việc triển khai có hiệu quả, đồng bộ các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch số 106-KH/TU ngày 07 tháng 8 năm 2018 của Tỉnh ủy và các văn bản của Trung ương về chính sách tiền lương.

3. Sở Tài chính

a) Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch này theo quy định.

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, cân đối bố trí nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương; Thực hiện tạo nguồn cải cách tiền lương theo hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính để đảm bảo nguồn thực hiện chính sách tiền lương mới theo quy định; đẩy nhanh tiến độ thực hiện giá dịch vụ sự nghiệp công, từng bước tính đúng, tính đủ các chi phí đối với các loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu gửi Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) làm cơ sở đề xuất phương án mở rộng quan hệ tiền lương và điều chỉnh mức lương và các chế độ phụ cấp, tiền thưởng thực hiện theo đúng lộ trình đã đề ra.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Thực hiện quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng bảo đảm Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp; quản lý việc thành lập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động; thực hiện và hướng dẫn thi hành chính sách tiền lương tối thiểu vùng trong doanh nghiệp theo lộ trình báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định.

b) Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan thực hiện tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện chính sách tiền lương trong các doanh nghiệp.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hải Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh

a) Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, mở các chuyên trang, chuyên mục thường xuyên đăng tải các tin, bài, văn bản liên quan về việc triển khai thực hiện, kết quả thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 107/NQ-CP và Kế hoạch số 106-KH/TU và Kế hoạch này.

b) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các sở, ngành, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận xã hội, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị trong việc cải cách chính sách tiền lương.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị có liên quan triển khai, tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định và thời gian. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc các cơ quan, đơn vị, địa phương có văn bản gửi về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3936/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 107/NQ-CP do tỉnh Hải Dương ban hành

  • Số hiệu: 3936/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/10/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
  • Người ký: Nguyễn Dương Thái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản