Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3933/QĐ-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC SÁNG TẠO VÀ QUẢNG BÁ TÁC PHẨM ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG TRỰC THUỘC BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH”

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Công văn số 2075-CV/VPTW ngày 12 tháng 9 năm 2016 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến kết luận của đồng chí Tổng Bí thư;

Căn cứ Thông báo số 435/TB-VP ngày 11 tháng 10 năm 2016 của Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tại cuộc họp giao ban Tuần 41;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác sáng tạo và quảng bá tác phẩm đối với các đơn vị nghệ thuật truyền thống trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.

Điều 2. Giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Đề án “Tăng cường công tác sáng tạo và quảng bá tác phẩm đối với các đơn vị nghệ thuật truyền thống trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.

Điều 3. Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước, từ nguồn thu bán vé và kinh phí xã hội hóa.

Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ trưởng;
- Thứ trưởng Vương Duy Biên;
- Lưu: VT, NTBD, NVN.20.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Thiện

 

ĐỀ ÁN

“TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC SÁNG TẠO VÀ QUẢNG BÁ TÁC PHẨM ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG TRỰC THUỘC BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH”
(Ban hành theo Quyết định số 3933/QĐ-BVHTTDL ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Phần mở đầu

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Sự cần thiết xây dựng Đề án

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 04 đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống và 02 đơn vị ca múa nhạc dân gian, dân tộc, gồm: Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát múa Rối Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc, Đoàn Nghệ thuật Âu Cơ thuộc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam.

Nghệ thuật sân khấu Tuồng, Chèo, Cải lương, múa Rối và nghệ thuật ca múa nhạc dân gian, dân tộc là những loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, là tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, vừa là thành tố tạo nên bản sắc văn hóa, vừa là phương tiện biểu đạt các giá trị văn hóa được tích tụ qua chiều dài lịch sử dựng xây đất nước của dân tộc Việt Nam. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, nghệ thuật truyền thống gặp nhiều khó khăn về phương pháp sáng tạo, nguồn lực con người, bị các loại hình giải trí khác lấn át nên lâm vào tình trạng thiếu vắng khán giả.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị của nghệ thuật truyền thống trong thời kỳ hội nhập là vấn đề cấp thiết nhằm “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” góp phần tích cực trong quá trình “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Đề án “Tăng cường công tác sáng tạo và quảng bá tác phẩm đối với các đơn vị nghệ thuật truyền thống trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước, khuyến khích sáng tạo nghệ thuật, phổ biến tác phẩm nghệ thuật truyền thống tới công chúng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Công văn số 2075-CV/VPTW ngày 12 tháng 9 năm 2016 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc “Tăng cường chỉ đạo việc tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tổ chức biểu diễn, đảm bảo sự đan xen, hài hoà giữa các loại hình nghệ thuật, văn nghệ truyền thống và hiện đại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.

Đề án tập trung giải quyết những vấn đề sau:

1. Bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật truyền thống trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

2. Đổi mới về phương pháp sáng tạo để có nhiều tác phẩm nghệ thuật truyền thống chất lượng cao; đổi mới phương thức hoạt động biểu diễn để quảng bá tác phẩm nghệ thuật tới mọi tầng lớp nhân dân.

3. Tăng cường sự đầu tư của Nhà nước và các nguồn lực xã hội khác đối với công tác sáng tạo và quảng bá tác phẩm cho các đơn vị nghệ thuật truyền thống trực thuộc Bộ.

4. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù trong đầu tư phát triển nguồn lực con người, nuôi dưỡng tài năng, cải thiện điều kiện làm việc cho lực lượng sáng tạo nghệ thuật truyền thống.

5. Đẩy mạnh giao lưu hợp tác quốc tế để góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam qua các giá trị của nghệ thuật truyền thống.

2. Căn cứ xây dựng Đề án

- Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

- Công văn số 2075-CV/VPTW ngày 12 tháng 9 năm 2016 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc tăng cường chỉ đạo việc tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tổ chức biểu diễn, bảo đảm đan xen, hài hòa giữa các loại hình nghệ thuật, văn nghệ truyền thống và hiện đại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

- Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020.

- Quyết định số 1456/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Thông báo số 435/TB-VP ngày 11 tháng 10 năm 2016 của Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tại cuộc họp giao ban Tuần 41.

- Quyết định số 3694/QĐ-BVHTTDL ngày 24 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án.

Phần thứ Nhất

ĐÁNH GIÁ CHUNG

Trong những năm qua, các đơn vị nghệ thuật truyền thống trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực trong công tác phục vụ các nhiệm vụ chính trị, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống mà nhiều thế hệ ông, cha đã tạo dựng trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, sức ép của cơ chế thị trường và sự bùng nổ các loại hình nghệ thuật giải trí đã gây áp lực không nhỏ cho nghệ thuật truyền thống. Sự xuất hiện nhiều chương trình giải trí trên các phương tiện truyền thông, các chương trình ca múa nhạc tạp kỹ tổng hợp là một trong những nguyên nhân quan trọng đẩy nghệ thuật truyền thống lâm vào tình cảnh thiếu vắng khán giả. Các đơn vị nghệ thuật truyền thống trực thuộc Bộ như: Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát múa Rối Việt Nam... đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình sáng tạo và quảng bá tác phẩm nghệ thuật tới công chúng.

Đa số đơn vị phải đi lưu diễn ngoài trời ở các địa phương, biểu diễn tại các lễ hội phục vụ khán giả nông thôn nên nguồn thu từ tổ chức biểu diễn rất thấp, đời sống của nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn.

Ngoài những chính sách chung cho nghệ thuật biểu diễn, chúng ta chưa có cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị nghệ thuật truyền thống, khuyến khích sức lao động của đội ngũ sáng tạo và thu hút lớp trẻ có năng khiếu gắn bó sự nghiệp và cuộc đời với nghệ thuật truyền thống.

Các đơn vị nghệ thuật truyền thống còn lúng túng về khuynh hướng nghệ thuật, phương pháp sáng tạo, mô hình hoạt động để phù hợp với xu thế phát triển nghệ thuật trong cơ chế thị trường và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong thời kỳ mới. Đội ngũ sáng tạo đủ về số lượng nhưng hạn chế về chất lượng, chưa đủ sức tiếp nối các thế hệ đi trước, thiếu vắng tài năng, đặc biệt là các thành phần sáng tạo quan trọng như: tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ. Chính vì vậy mà nhiều năm gần đây nghệ thuật truyền thống thiếu vắng những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao.

Những năm qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư, nâng cấp trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, phương tiện vận chuyển, trang thiết bị kỹ thuật... nhưng còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn để phục vụ công tác dàn dựng, luyện tập, biểu diễn của các đơn vị. Sự trông chờ vào nguồn ngân sách bao cấp của nhà nước đang trở thành rào cản, chưa tạo được động lực để tập thể lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ tìm ra cách thức huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia vào quá trình sáng tạo và quảng bá tác phẩm.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, vấn đề toàn cầu hóa là xu thế tất yếu, là quy luật phát triển. Điều quan trọng của nghệ thuật truyền thống trong hội nhập quốc tế là phải tiếp nhận những yếu tố tích cực, loại bỏ những yếu tố tiêu cực để phát triển hài hòa trong sự tác động đa chiều của nhiều loại hình nghệ thuật khác và sự tác động của đời sống xã hội.

Phần thứ Hai

PHẠM VI, MỤC TIÊU, NỘI DUNG ĐỀ ÁN

1. Phạm vi của Đề án

Đề án được áp dụng với các đơn vị nghệ thuật truyền thống trực thuộc Bộ, gồm:

- Nhà hát Tuồng Việt Nam.

- Nhà hát Chèo Việt Nam.

- Nhà hát Cải lương Việt Nam.

- Nhà hát múa Rối Việt Nam.

- Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc.

- Đoàn Nghệ thuật Âu Cơ thuộc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam.

2. Mục tiêu của Đề án

1.1. Mục tiêu tổng quát

- Tuyên truyền, phổ biến tới các tầng lớp nhân dân và du khách quốc tế về giá trị của các loại hình nghệ thuật truyền thống, định hướng thẩm mỹ để thế hệ trẻ nhận thức rõ vị trí, vai trò của nghệ thuật truyền thống trong đời sống xã hội.

- Tăng cường đầu tư của nhà nước, huy động các nguồn lực xã hội góp sức về mọi mặt cho các đơn vị nghệ thuật truyền thống trực thuộc Bộ, trong đó đặc biệt coi trọng đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực, quá trình sáng tạo và phổ biến tác phẩm tới công chúng.

- Hỗ trợ đội ngũ sáng tạo bằng cơ chế đặc thù để khuyến khích các nghệ sĩ phấn đấu sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đạt chất lượng cao.

- Xây dựng các mô hình, phương thức tổ chức hoạt động biểu diễn phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, đặc thù của mỗi loại hình nghệ thuật, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân để giới thiệu sản phẩm nghệ thuật tới đông đảo tầng lớp khán giả ở cả thành thị, nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa...

- Từng bước cải thiện đời sống vật chất của đội ngũ nghệ sĩ bằng các nguồn thu hợp pháp từ công tác tổ chức biểu diễn, các mô hình hợp tác, liên doanh, liên kết giữa đơn vị nghệ thuật với các tổ chức, doanh nghiệp.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Xác định việc bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống làm kim chỉ nam, là khuynh hướng phát triển để tạo nên bản sắc riêng của mỗi đơn vị nghệ thuật truyền thống trực thuộc Bộ.

- Xây dựng kế hoạch chi tiết, có lộ trình để đào tạo, tuyển dụng đội ngũ sáng tạo, nghệ sĩ biểu diễn, đảm bảo lực lượng nghệ sĩ trong đơn vị luôn có tính kế thừa về độ tuổi, trình độ chuyên môn nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt coi trọng công tác đào tạo tài năng trẻ, luôn dẫn đầu về số lượng các giải thưởng trong các cuộc thi tài năng trẻ toàn quốc đối với nghệ thuật truyền thống.

- Đổi mới phương thức sáng tạo, lựa chọn những kịch bản tốt để dàn dựng nhằm có nhiều tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao. Hàng năm, mỗi đơn vị dàn dựng ít nhất 02 tác phẩm, chương trình mới và khôi phục ít nhất 01 tác phẩm, chương trình truyền thống mẫu mực do các nghệ sĩ trẻ đảm nhiệm, bảo đảm chất lượng tác phẩm năm sau cao hơn năm trước; đơn vị nghệ thuật truyền thống trực thuộc Bộ phải dẫn đầu về thành tích trong các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật truyền thống chuyên nghiệp toàn quốc và liên hoan quốc tế tổ chức tại Việt Nam.

- Chủ động sáng tạo để tìm ra những phương thức, mô hình mới để phổ biến tác phẩm tới đông đảo quần chúng nhân dân, huy động các nguồn lực xã hội góp phần đầu tư cho sáng tạo và quảng bá tác phẩm, nâng dần tỷ lệ nguồn thu từ dịch vụ, biểu diễn để nâng cao đời sống của nghệ sĩ, viên chức và người lao động thuộc đơn vị, phấn đấu hàng năm tăng mức nhu nhập tối thiểu của người lao động từ nguồn thu dịch vụ và biểu diễn từ 5% đến 10%.

- Xây dựng kế hoạch biểu diễn hàng năm phục vụ nhân dân tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Rạp biểu diễn do đơn vị quản lý, các tỉnh/thành trong cả nước. Mỗi đơn vị nghệ thuật truyền thống trực thuộc Bộ biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội từ 5 đến 10 buổi/năm, số buổi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân, biểu diễn doanh thu tăng dần hàng năm.

- Nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện vận chuyển, thiết bị âm thanh, ánh sáng đảm bảo tính đồng bộ phục vụ tốt cho công tác tập luyện, biểu diễn tại chỗ, lưu động cho các đoàn biểu diễn thuộc đơn vị.

3. Nội dung của Đề án

3.1. Đầu tư cơ sở vật chất

- Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện vận chuyển, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng phục vụ việc tập luyện, biểu diễn tại các đơn vị và biểu diễn phục vụ nhân dân tại các địa phương.

- Đầu tư mua sắm đồng bộ nhạc cụ, phục trang, thiết bị phụ trợ đạt chuẩn nhằm hoàn thiện cho từng vị trí đảm nhiệm công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng chương trình, vở diễn.

3.2. Phát triển nguồn nhân lực

- Xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn hàng năm cho đội ngũ nghệ sỹ biểu diễn có tuổi đời dưới 30 tuổi và mời các chuyên gia, đạo diễn, nhạc sĩ, diễn viên nghệ thuật truyền thống có uy tín, giàu kinh nghiệm để tập huấn, truyền dạy và thực hành kỹ thuật diễn xuất, kỹ thuật biểu diễn âm nhạc cho nghệ sỹ.

- Tuyển chọn đội ngũ diễn viên trẻ có đủ điều kiện về thanh, sắc và năng khiếu đã tốt nghiệp các trường đạo tạo nghệ thuật, tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ, đảm bảo có đủ năng lực chuyên môn để làm việc lâu dài tại đơn vị. Rà soát lực lượng nghệ sỹ hiện có để bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giúp cho các nghệ sỹ nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thi nâng ngạch theo quy định của nhà nước.

- Đào tạo, bồi dưỡng trình độ năng lực quản lý, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ từ cấp phòng, đoàn trực thuộc trở lên, giải quyết dần sự thiếu hụt cán bộ quản lý trong thời gian trước mắt và lâu dài.

3.3. Định hướng phát triển nghệ thuật

- Xây dựng kế hoạch bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị của từng loại hình nghệ thuật truyền thống, dựa trên các nguyên tắc và đặc trưng cơ bản của từng loại hình, tránh tình trạng làm biến dạng, lai tạp làm mất giá trị gốc của từng loại hình nghệ thuật.

- Dàn dựng, làm mới, nâng cao các chương trình, vở diễn, tiết mục, tích trò, trích đoạn mẫu mực của ông, cha để lại... phù hợp với trình độ nhận thức, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong thời kỳ mới.

- Tập trung đầu tư, sáng tác, dàn dựng những tác phẩm mới, phản ánh những vấn đề bức xúc của xã hội; ca ngợi quê hương đất nước, mẫu người tiêu biểu trong thời kỳ mới; phản ánh về lịch sử, con người Việt Nam trong quá khứ và hiện tại.

- Tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của nền nghệ thuật tiên tiến trên thế giới, kết hợp với nghệ thuật truyền thống Việt Nam để sáng tạo ra nhiều chương trình, vở diễn đạt chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao nhận thức và định hướng thẩm mỹ đối với khán giả.

- Các đơn vị chủ động xây dựng ngân hàng tác phẩm, tạo sự phong phú về đề tài (lịch sử, dân gian, dã sử, huyền sử, hiện đại; các tác phẩm ca múa nhạc mang đậm bản sắc dân tộc...) cho đơn vị mình; đa dạng hóa các hình thức biểu diễn phục vụ nhân dân.

3.4. Đặt hàng sáng tác các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao

- Các đơn vị lựa chọn một số tác giả có uy tín, có khả năng sáng tạo nổi trội để đặt hàng sáng tác tác phẩm. Hội đồng nghệ thuật thẩm định, góp ý khách quan để tác giả chỉnh sửa, nâng cao, đảm bảo tốt về chất lượng kịch bản mới triển khai dàn dựng. Kế hoạch đặt hàng xây dựng cho 5 năm liên tiếp để có thời gian cho tác giả sáng tạo ra tác phẩm đạt chất lượng cao.

- Cơ chế đặt hàng do đơn vị thỏa thuận với tác giả căn cứ theo Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

3.5. Công tác dàn dựng và phổ biến tác phẩm

- Các đơn vị lựa chọn những đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ... có chuyên môn cao để dàn dựng tác phẩm. Quá trình dàn dựng không khoán gọn cho đạo diễn mà phải ký kết hợp đồng, bàn bạc kỹ về chuyên môn với từng thành phần sáng tạo.

- Ban Giám đốc, Hội đồng nghệ thuật theo dõi chặt chẽ quá trình dàn dựng, đóng góp về chuyên môn để Nhóm sáng tạo nâng cao chất lượng tác phẩm. Đơn vị không nghiệm thu hoặc báo cáo cấp trên nghiệm thu những tác phẩm yếu kém về tư tưởng, nội dung và nghệ thuật.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông để đông đảo công chúng hiểu rõ về giá trị các tác phẩm nghệ thuật của đơn vị, liên kết với các tổ chức, cá nhân để tổ chức biểu diễn nhằm xây dựng lực lượng khán giả riêng cho đơn vị.

- Xây dựng kế hoạch, lịch biểu diễn thường kỳ tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Rạp biểu diễn do đơn vị quản lý, tạo lập thương hiệu, địa chỉ thưởng thức nghệ thuật thường xuyên cho khán giả đối với loại hình nghệ thuật của đơn vị.

- Quảng bá tác phẩm tới các trường học để xây dựng đội ngũ khán giả tương lai và cho học sinh, sinh viên hiểu về giá trị của nghệ thuật truyền thống.

3.6. Hợp tác, giao lưu quốc tế

- Các đơn vị chủ động liên doanh, liên kết với các công ty lữ hành trong nước và quốc tế để biểu diễn phục vụ khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam.

- Vận động các doanh nghiệp Việt Nam, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước tài trợ để Nhà hát tham gia biểu diễn phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhằm quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người, nghệ thuật truyền thống Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Phần thứ Ba

PHÂN CÔNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổ chức thực hiện

Trên cơ sở Đề án được phê duyệt, Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch, Tài chính, Văn phòng Bộ, Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội, các đơn vị nghệ thuật truyền thống và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Đề án này.

2. Phân công nhiệm vụ

2.1. Cục Nghệ thuật biểu diễn

- Chỉ đạo, định hướng phát triển nghệ thuật truyền thống; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng kế hoạch biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội cho các đơn vị nghệ thuật truyền thống trực thuộc Bộ.

- Tổng hợp kế hoạch dàn dựng, biểu diễn hàng năm của các đơn vị, báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định.

- Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm về chất lượng nghệ thuật chương trình, vở diễn của các đơn vị nghệ thuật truyền thống.

- Tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án, báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định.

2.2. Vụ Kế hoạch, Tài chính

- Đảm bảo nguồn kinh phí cho các đơn vị nghệ thuật truyền thống trực thuộc Bộ thực hiện các công việc được đặt hàng, giao nhiệm vụ; kinh phí quảng bá, phổ biến tác phẩm tới công chúng tại Nhà hát Lớn Hà Nội và các địa phương trên toàn quốc.

- Hướng dẫn các đơn vị thực hiện quản lý tài chính, thu, chi theo đúng các quy định hiện hành.

2.3. Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp với Nhà hát Lớn Hà Nội, các đơn vị nghệ thuật truyền thống trực thuộc Bộ xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá chương trình, tác phẩm nghệ thuật truyền thống, biểu diễn theo kế hoạch tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

- Chủ trì công tác vận động tài trợ kinh phí thực hiện các Chương trình, vở diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

2.4. Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội

- Chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ các đơn vị nghệ thuật truyền thống trực thuộc Bộ biểu diễn theo kế hoạch tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

- Chủ động phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, quảng bá các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu đến công chúng.

- Chủ động vận động, kêu gọi tài trợ, quảng cáo; đảm bảo tốt công tác lễ tân phục vụ khán giả và hỗ trợ tối đa việc tổ chức biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật truyền thống tại Nhà hát Lớn Hà Nội;

- Thiết kế maket quảng cáo, giấy mời, vé xem nghệ thuật theo mẫu thống nhất cho tất cả đêm diễn của các đơn vị nghệ thuật truyền thống.

2.5. Các đơn vị nghệ thuật truyền thống trực thuộc Bộ

- Căn cứ nội dung Đề án, các đơn vị tổ chức thực hiện, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

2.6. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ

- Tổ chức cho lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị đi xem biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

3. Kinh phí thực hiện Đề án

- Kinh phí do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước được cấp.

- Kinh phí từ nguồn thu bán vé, quảng cáo;

- Kinh phí vận động tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ nội dung Đề án, tổ chức thực hiện và báo cáo Bộ trưởng theo quy định./.