Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc
------------------

Số: 3927/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 13 tháng 11 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BTNMT-BNV ngày 15/7/2008 của Liên bộ: Tài nguyên và Môi trường - Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường thuộc UBND các cấp;

Theo đề nghị tại Tờ trình số 939/TTr-STNMT ngày 27/10/2014 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (kèm theo Văn bản số 1606/STP-XDVB ngày 27/10/2014 của Sở Tư pháp),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này là “Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2 QĐ;
- Văn phòng Chính phủ (để b/cáo);
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (để b/cáo);
- T. trực Tỉnh ủy; HĐND, UBND tỉnh (để b/cáo);
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, PgNN.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Quyền

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3927/QĐ-UBND ngày 13/11/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về nguyên tắc, phương thức, nội dung phối hợp và trách nhiệm của các bên trong công tác phối hợp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;

2. Đối tượng áp dụng bao gồm các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện), Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã).

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Cơ quan chủ trì là cơ quan được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức thực hiện;

2. Cơ quan phối hợp là cơ quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chủ trì trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đối với các nhiệm vụ có liên quan đến chức năng quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực ngành mình quản lý.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Việc phối hợp phải dựa trên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định và được Ủy ban nhân dân tỉnh giao tại quy chế này; đảm bảo yêu cầu chuyên môn, chất lượng và thời hạn phối hợp thực hiện nhiệm vụ, không làm giảm vai trò, trách nhiệm và thẩm quyền của mỗi cơ quan;

2. Bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động phối hợp; đề cao trách nhiệm cá nhân của Thủ trưởng cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và cán bộ, công chức tham gia phối hợp, đồng thời hoạt động phối hợp giữa các cá nhân không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của cơ quan phối hợp;

3. Công tác phối hợp được thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng.

Chương II

PHƯƠNG THỨC PHỐI HỢP

Điều 4. Phương thức phối hợp

Tùy theo tính chất, nội dung của công việc, cơ quan chủ trì quyết định việc áp dụng các phương thức phối hợp sau đây:

1. Lấy ý kiến bằng văn bản;

2. Lấy ý kiến tại cuộc họp;

3. Khảo sát, kiểm tra thực địa.

Điều 5. Phương thức lấy ý kiến bằng văn bản

Việc lấy ý kiến bằng văn bản được thực hiện theo trình tự sau:

1. Cơ quan chủ trì có văn bản đề nghị tham gia ý kiến và các tài liệu, hồ sơ liên quan đến việc cần xin ý kiến tham gia gửi kèm đến các cơ quan phối hợp. Văn bản đề nghị phải xác định cụ thể nội dung, thời gian cần xin ý kiến đối với từng cơ quan phối hợp;

Cơ quan chủ trì có thể yêu cầu cơ quan phối hợp sửa trực tiếp vào hồ sơ hoặc có ý kiến bằng văn bản và ấn định thời gian góp ý tối thiểu là 05 ngày, tối đa không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan phối hợp nhận được văn bản đề nghị và các tài liệu, hồ sơ của cơ quan chủ trì.

2. Cơ quan phối hợp có trách nhiệm tham gia ý kiến theo đề nghị của cơ quan chủ trì theo quy định tại Khoản 1, Điều này và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình. Trường hợp cơ quan phối hợp không có ý kiến tham gia theo đề nghị của cơ quan chủ trì phải nêu rõ lý do. Quá thời hạn quy định mà cơ quan phối hợp không có ý kiến thì cơ quan chủ trì hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Người đứng đầu cơ quan phối hợp phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc không có ý kiến hoặc có ý kiến chậm so với quy định.

3. Cơ quan chủ trì có trách nhiệm tiếp thu, tổng hợp ý kiến của cơ quan phối hợp, trường hợp không tiếp thu ý kiến của cơ quan phối hợp thì phải có văn bản giải trình về lý do không tiếp thu và phải chịu trách nhiệm về việc không tiếp thu ý kiến đó.

Điều 6. Phương thức lấy ý kiến tại cuộc họp

Việc lấy ý kiến tại cuộc họp được thực hiện theo trình tự sau:

1. Trước ngày họp 05 ngày làm việc, cơ quan chủ trì gửi cơ quan phối hợp Công văn mời họp, trong đó xác định thời gian, địa điểm, nội dung và thành phần tham dự cuộc họp. Kèm theo Công văn mời họp phải gửi đầy đủ các hồ sơ, tài liệu liên quan đến các vấn đề cần xin ý kiến. Trường hợp cần thiết phải giải quyết nhanh công việc theo yêu cầu của UBND tỉnh mà chưa chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, hồ sơ và không đảm bảo đúng thời gian như quy định trên thì phải nêu rõ lý do trong Công văn mời họp.

2. Thủ trưởng cơ quan phối hợp phải cử cán bộ, công chức tham gia theo đúng thành phần và yêu cầu của cơ quan chủ trì; cán bộ, công chức tham gia họp phải có trách nhiệm phát biểu về vấn đề cần lấy ý kiến và chịu trách nhiệm về ý kiến phát biểu tại cuộc họp. Trường hợp cán bộ, công chức được thủ trưởng cử tham gia họp không đúng thành phần theo đề nghị của cơ quan chủ trì thì thủ trưởng cơ quan cử cán bộ, công chức tham gia họp phải chỉ đạo cán bộ, công chức tham gia họp phát biểu về vấn đề cần lấy ý kiến theo yêu cầu của cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm về ý kiến phát biểu của cơ quan mình tại cuộc họp. Cơ quan được mời họp có quyền từ chối tham gia họp nếu việc gửi công văn, tài liệu không đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Khoản 1, Điều này hoặc vì lý do chính đáng khác. Lý do từ chối tham gia họp phải được thể hiện bằng văn bản và gửi đến cơ quan chủ trì trước khi họp.

3. Cơ quan chủ trì có trách nhiệm ghi đầy đủ nội dung cuộc họp bằng văn bản. Nếu cuộc họp thống nhất được các nội dung thì ý kiến kết luận tại cuộc họp phải bao gồm ý kiến của tất cả các thành viên tham gia họp; trường hợp nội dung cuộc họp không thống nhất thì phải ghi đầy đủ ý kiến của từng thành viên tham gia họp. Kết thúc cuộc họp, các thành viên tham gia họp có trách nhiệm ký vào biên bản để xác nhận ý kiến của mình. Trường hợp cơ quan phối hợp cử cán bộ tham gia họp không đúng thành phần thì thủ trưởng cơ quan ký xác nhận và chịu trách nhiệm về ý kiến của cơ quan mình tại Biên bản cuộc họp.

Điều 7. Phương thức khảo sát, kiểm tra thực địa

Trường hợp cần thiết phải thực hiện việc khảo sát, kiểm tra thực địa mà có sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị thì công tác phối hợp được thực hiện theo quy định sau:

1. Trong thời gian là 05 ngày trước ngày tiến hành khảo sát, kiểm tra cơ quan được giao chủ trì có công văn đề nghị cơ quan phối hợp tham gia khảo sát, kiểm tra. Công văn đề nghị tham gia khảo sát, kiểm tra phải xác định rõ thời gian, địa điểm, nội dung khảo sát, kiểm tra; yêu cầu về số lượng, chức vụ, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác của người tham gia khảo sát, kiểm tra; các điều kiện về phương tiện đi lại, thiết bị, dụng cụ cần thiết để thực hiện việc khảo sát, kiểm tra hoặc các điều kiện khác (nếu có).

2. Chậm nhất là 01 ngày trước ngày tiến hành khảo sát, kiểm tra cơ quan phối hợp phải có công văn trả lời hoặc thông báo cho cơ quan chủ trì biết về việc cử người tham gia khảo sát, kiểm tra kể cả trường hợp từ chối tham gia khảo sát, kiểm tra nếu việc phối hợp không phù hợp.

3. Cơ quan chủ trì có trách nhiệm lập biên bản về việc khảo sát, kiểm tra. Biên bản khảo sát, kiểm tra phải thể hiện đầy đủ thành phần, thời gian, địa điểm, các nội dung khảo sát, kiểm tra thực tế. Các thành viên tham gia khảo sát, kiểm tra có trách nhiệm ký vào Biên bản để làm cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Chương III

NỘI DUNG PHỐI HỢP

Điều 8. Phối hợp trong công tác phòng ngừa ô nhiễm môi trường

1. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì công tác phòng ngừa ô nhiễm và bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh; có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường; theo dõi, đánh giá chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh và công bố công khai các thông tin, cảnh báo; truyền thông, phổ biến, giáo dục chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường; thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh;

2. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn là cơ quan chủ trì công tác phòng ngừa ô nhiễm và bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực, địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của mình và có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (cung cấp thông tin, số liệu, thẩm định các hồ sơ, thủ tục hoặc tham gia xử lý đối với trường hợp có liên quan đến lĩnh vực, đơn vị mình quản lý).

3. UBND cấp huyện là cơ quan chủ trì trong công tác phòng ngừa ô nhiễm và bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý, có trách nhiệm: Xây dựng và phê duyệt chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường; truyền thông, phổ biến, giáo dục chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường; thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trên địa bàn theo thẩm quyền.

4. UBND cấp xã là cơ quan chủ trì trong công tác phòng ngừa ô nhiễm và bảo vệ môi trường trên địa bàn và có trách nhiệm: Xây dựng kế hoạch, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường; vận động nhân dân xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong hương ước; hướng dẫn việc đưa tiêu chí về bảo vệ môi trường vào đánh giá thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, khu dân cư và gia đình văn hóa.

5. Cơ quan chủ trì trong công tác phòng ngừa và bảo vệ môi trường có quyền đề nghị các cơ quan, tổ chức khác phối hợp thực hiện.

Điều 9. Phối hợp trong việc xử lý ô nhiễm môi trường

1. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì việc xử lý các trường hợp để xảy ra ô nhiễm môi trường tại các cơ sở thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (trừ trường hợp thuộc địa bàn quản lý của Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn) hoặc các trường hợp để xảy ra ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến địa bàn của nhiều huyện, có trách nhiệm như sau:

a) Khi tiếp nhận và xác nhận thông tin về ô nhiễm môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động hoặc phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã có liên quan thành lập đoàn công tác liên ngành xuống hiện trường kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm; hướng dẫn, yêu cầu đối tượng gây ô nhiễm môi trường thực hiện các biện pháp để giảm thiểu các thiệt hại về môi trường và khắc phục hậu quả do ô nhiễm môi trường gây ra.

b) Trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc vượt quá khả năng, thẩm quyền phải báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo ứng phó với các sự cố môi trường nhằm huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị để xử lý, khắc phục các sự cố môi trường.

c) Thực hiện việc xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm hành chính đối với các đối tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

2. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn, UBND cấp huyện, UBND cấp xã là cơ quan phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường để xử lý các trường hợp để xảy ra ô nhiễm trong các trường hợp nêu tại Khoản 1, Điều này, có trách nhiệm chấp thuận sự điều động của cơ quan chủ trì hoặc Ban chỉ đạo ứng phó với các sự cố môi trường (trong trường hợp xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng) về lực lượng, phương tiện; tham gia giải quyết, xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chủ trì trong việc xử lý các trường hợp để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn, trừ trường hợp do Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc do Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn chủ trì xử lý.

a) Khi tiếp nhận và xác nhận thông tin về ô nhiễm môi trường, UBND cấp huyện chủ động hoặc phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp xã có liên quan thành lập đoàn công tác liên ngành xuống hiện trường kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm; hướng dẫn, yêu cầu đối tượng gây ô nhiễm môi trường thực hiện các biện pháp để giảm thiểu các thiệt hại về môi trường hoặc khắc phục hậu quả do ô nhiễm môi trường gây ra.

b) Trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường vượt quá khả năng, thẩm quyền phải báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn xử lý nhằm khắc phục các sự cố môi trường.

c) Thực hiện việc xử lý và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn mình quản lý.

4. Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý các trường hợp thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường để xảy ra ô nhiễm môi trường tại các khu vực thuộc trách nhiệm quản lý.

a) Khi tiếp nhận và xác nhận thông tin về ô nhiễm môi trường, Ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường và UBND cấp huyện, UBND cấp xã nơi xảy ra ô nhiễm và phối hợp với các sở, ban, ngành, có liên quan thành lập đoàn công tác liên ngành xuống hiện trường kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm; hướng dẫn, yêu cầu đối tượng gây ô nhiễm môi trường thực hiện các biện pháp để giảm thiểu các thiệt hại về môi trường hoặc khắc phục hậu quả do ô nhiễm môi trường gây ra.

b) Trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường vượt quá khả năng, thẩm quyền phải báo cáo UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn xử lý nhằm khắc phục các sự cố môi trường.

c) Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với các vấn đề về ô nhiễm môi trường trên địa bàn mình quản lý.

5. Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn khu dân cư thuộc phạm vi quản lý. Trường hợp có vấn đề vượt quá thẩm quyền phải báo cáo với Ủy ban nhân dân cấp huyện để xử lý theo quy định của pháp luật.

6. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, UBND cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh và trước pháp luật khi xảy ra các vấn đề về ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực, địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của đơn vị.

7. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước và các quy định của pháp luật.

Điều 10. Phối hợp trong việc khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường

1. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì trong công tác xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường trên địa bàn tỉnh, có trách nhiệm:

a) Kiểm tra, đánh giá và công bố hiện trạng môi trường sau khi đã được khắc phục; tham mưu cho UBND và Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các biện pháp hạn chế, can thiệp hoặc phục hồi môi trường.

b) Hướng dẫn tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả và phục hồi môi trường.

2. Các sở, ban, ngành phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điểm a, b, Khoản 1, Điều này; kiến nghị UBND, Chủ tịch UBND tỉnh áp dụng các hình thức cưỡng chế, bắt buộc các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm thực hiện biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường.

3. UBND cấp huyện, xã có trách nhiệm theo dõi, giám sát và báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND và Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện việc khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường của tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn mình quản lý.

4. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường chịu trách nhiệm: Thực hiện biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước và các quy định của pháp luật.

5. Kinh phí để thực hiện việc khắc phục ô nhiễm môi trường:

a) Trường hợp tổ chức, cá nhân gây ra ô nhiễm môi trường hoặc sự cố môi trường thì phải chịu trách nhiệm về kinh phí thực hiện việc khắc phục ô nhiễm môi trường.

b) Trường hợp ô nhiễm môi trường hoặc sự cố môi trường không do lỗi của tổ chức, cá nhân gây ra thì các cơ quan chủ trì phải có trách nhiệm xây dựng, dự trù kinh phí trình cấp có thẩm quyền quyết định. Kinh phí thực hiện được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước về bảo vệ môi trường.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc khi thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định tại Quy chế này và quy định của pháp luật liên quan thì được khen thưởng theo quy định của Nhà nước; nếu bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường; nếu bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng thì được hưởng chế độ chính sách theo quy định chung của Nhà nước.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ được giao theo quy định tại Quy chế này hoặc vi phạm quy định của pháp luật liên quan gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức khác thì căn cứ vào tính chất mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm của mình gây ra.

3. Người có nhiệm vụ mà lợi dụng quyền hạn, làm trái pháp luật, có hành vi dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời các trường hợp gây ô nhiễm môi trường thì bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại về vật chất cho Nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Trách nhiệm của các cơ quan

Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về nhiệm vụ được giao và có trách nhiệm cụ thể sau đây:

1. Chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Pháp luật và Quy chế này;

2. Báo cáo về Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh những cơ quan phối hợp không thực hiện trách nhiệm theo nội dung quy chế này.

3. Cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và pháp luật về quy trình xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường; đồng thời có trách nhiệm giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc xử lý, khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường.

4. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện Quy chế, định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.