Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 3916/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 23 tháng 07 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TỔNG THỂ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG GIAI ĐOẠN 2011 – 2015

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 246/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 63/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển an toàn thông tin số quốc gia đến năm 2020;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Công Thương giai đoạn 2011 – 2015 kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và các đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT;
- Lưu: VT, TMĐT

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Danh Vĩnh

 

KẾ HOẠCH

TỔNG THỂ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG GIAI ĐOẠN 2011 – 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3916/QĐ-BCT ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

A. MỤC TIÊU

I. Mục tiêu chung

Ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ngành công thương, hoàn thành vượt mức và trước thời hạn các mục tiêu quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước mức bộ ngành.

II. Mục tiêu cụ thể

Các mục tiêu cụ thể cần đạt được vào năm 2015:

1. 80% các văn bản, tài liệu chính thức được trao đổi giữa các đơn vị dưới dạng điện tử.

2. 100% cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc.

3. 80% các dịch vụ công được cung cấp ở mức độ 3 trở lên.

4. Xây dựng và khai thác hiệu quả các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành công thương.

5. Cung cấp thông tin trực tuyến một cách đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định pháp luật phục vụ người dân và doanh nghiệp.

6. Đảm bảo hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến, tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thông tin số.

B. NỘI DUNG

I. Hoàn thiện môi trường tổ chức và pháp lý

1. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản liên quan tới ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước của Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ phù hợp với pháp luật về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, các chiến lược, chương trình, quy hoạch, đề án phát triển công nghệ thông tin quốc gia.

2. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực cải cách hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ.

3. Thực hiện đúng các quy định pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, bao gồm trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực, đơn vị mình; bố trí cán bộ chuyên ngành hoặc cán bộ kiêm nhiệm công nghệ thông tin tại đơn vị mình.

4. Định kỳ rà soát quy chế quản lý trang thông tin điện tử của Bộ, kiện toàn tổ chức và hoạt động của ban biên tập trang thông tin điện tử của các đơn vị trực thuộc Bộ, đảm bảo trang thông tin điện tử của tất cả các đơn vị hoạt động hiệu quả và tuân thủ các quy định pháp luật.

5. Tiếp tục kiện toàn đơn vị chuyên ngành về công nghệ thông tin theo các quy định tại Luật Công nghệ thông tin và Nghị định số 64/2007/NĐ-CP về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.

6. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo công nghệ thông tin của Bộ Công Thương, triển khai kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách chung về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.

II. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

1. Định kỳ tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về công nghệ thông tin cho các cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng yêu cầu của công việc và khai thác hiệu quả các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu.

2. Định kỳ tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về công nghệ thông tin thuộc các lĩnh vực như tài chính, nhân sự, kế hoạch, khoa học và công nghệ … nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyên môn.

3. Đào tạo và đào tạo lại các cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về công nghệ thông tin trong các lĩnh vực chuyên ngành như thiết kế hệ thống, quản trị mạng, phần mềm ứng dụng, an toàn an ninh thông tin. Tạo điều kiện cho cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm về công nghệ thông tin được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn ở trong và ngoài nước.

4. Định kỳ hàng năm giới thiệu về những thành tựu mới của công nghệ thông tin và cơ hội ứng dụng các thành tựu này trong các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Công Thương cho các cán bộ lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị.

III. Phát triển hạ tầng kỹ thuật

1. Các đơn vị trực thuộc Bộ đảm bảo trang bị cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức ít nhất một máy tính cá nhân với chất lượng và cấu hình phù hợp; từng bước trang bị các thiết bị đầu cuối di động cho các cán bộ, công chức có nhu cầu.

2. Tất cả các đơn vị đều có mạng cục bộ (LAN) hoặc mạng diện rộng (WAN) với chất lượng phù hợp với nhu cầu trao đổi thông tin số hóa và triển khai các ứng dụng thuộc chức năng nhiệm vụ của đơn vị cũng như của cả Bộ.

3. Xây dựng mạng nội bộ (Intranet) của ngành công thương phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước của Bộ: hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ và các đơn vị; cung cấp, trao đổi, khai thác thông tin nội bộ của Bộ và ngành công thương.

4. Đảm bảo hệ thống máy tính và mạng của các đơn vị trực thuộc Bộ được kết nối với Mạng truyền số liệu chuyên dùng của Chính phủ theo hướng dẫn của cơ quan chủ quản.

5. Đảm bảo tất cả các máy tính cá nhân được kết nối Internet tốc độ cao, ngoại trừ một số máy tính cá nhân được sử dụng cho các công việc đòi hỏi an toàn thông tin theo quy định của pháp luật.

6. Nhanh chóng nâng cấp các Trung tâm tích hợp dữ liệu (Data Center) của các đơn vị đủ khả năng xử lý các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị trong cả giai đoạn kế hoạch; đảm bảo khả năng tích hợp và liên thông giữa các Trung tâm tích hợp dữ liệu để tối ưu hiệu suất các thiết bị, phòng ngừa các rủi ro về mất an toàn thông tin liên quan tới các sự cố về điện, cháy nổ, tin tặc, v.v…

IV. Phát triển các hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin

1. Phát triển các hệ thống thông tin chuyên ngành công thương:

a) Hệ thống thông tin pháp luật công thương;

b) Hệ thống thông tin chiến lược, kế hoạch, quy hoạch ngành công thương;

c) Hệ thống thông tin tổ chức cán bộ;

d) Hệ thống thông tin tài chính;

đ) Hệ thống thông tin năng lượng;

e) Hệ thống thông tin hóa chất;

g) Hệ thống thông tin thị trường nước ngoài;

h) Hệ thống thông tin thị trường trong nước;

i) Hệ thống thông tin quản lý thị trường;

k) Hệ thống thông tin quản lý cạnh tranh, phòng vệ thương mại và bảo vệ người tiêu dùng;

l) Hệ thống thông tin thống kê;

m) Hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp.

2. Xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và ngành công thương:

a) Cơ sở dữ liệu quốc gia:

Đầu tư và phát triển “Cơ sở dữ liệu quốc gia kinh tế công nghiệp và thương mại” theo Quyết định số 48/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31 tháng 3 năm 2009 phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009 – 2010, các chỉ đạo liên quan của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông;

b) Cơ sở dữ liệu ngành công thương:

- Cơ sở dữ liệu về xúc tiến thương mại;

- Cơ sở dữ liệu về khoa học và công nghệ ngành công thương, công nghệ sinh học, nhiên liệu sinh học, khai khoáng, vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng phó với biến đổi khí hậu;

- Cơ sở dữ liệu về môi trường công nghiệp;

- Cơ sở dữ liệu về kỹ thuật an toàn công nghiệp;

- Cơ sở dữ liệu về công nghiệp nông thôn;

- Cơ sở dữ liệu cơ khí.

Trong quá trình triển khai Kế hoạch này, căn cứ tình hình cụ thể có thể bổ sung, kết hợp hoặc loại bỏ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

3. Các ứng dụng công nghệ thông tin:

a) Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương;

b) Các trang thông tin điện tử của các đơn vị;

c) Cung cấp dịch vụ công trực tuyến;

d) Thư điện tử và quản lý văn bản;

đ) Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dự báo;

e) Ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chuyên môn khác như tài chính, hội nghị trực tuyến, thanh tra, thi đua khen thưởng, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ công chức, khoa học và công nghệ, v.v…

V. Bảo đảm an toàn thông tin số

Việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành công thương phải tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thông tin số quốc gia.

1. Các đơn vị triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin số phù hợp với quy định tại Nghị định số 64/2007/NĐ-CP về bảo đảm an toàn thông tin trên môi trường mạng và Quyết định số 63/QĐ-TTg về quy hoạch phát triển an toàn thông tin số quốc gia đến năm 2020.

2. Trong năm 2011 các đơn vị phải hoàn thành việc rà soát mức độ đảm bảo an toàn thông tin số các hệ thống thông tin và các ứng dụng thuộc phạm vi quản lý của đơn vị, thực hiện ngay các giải pháp cụ thể để khắc phục các thiếu sót về an toàn thông tin.

3. Đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị nắm vững và thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn thông tin số cũng như bảo vệ thông tin cá nhân cho mọi công dân tham gia vào hệ thống thông tin của Bộ Công Thương.

4. Đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin chủ trì, phối hợp với các đơn vị triển khai dự án đảm bảo an toàn thông tin số do Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương triển khai tại Quyết định số 63/QĐ-TTg; phối hợp với các đơn vị triển khai Hệ thống chữ ký số và chứng thực chữ ký số chuyên dùng của Bộ Công Thương.

VI. Đầu tư cho công nghệ thông tin

1. Các đơn vị thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về đầu tư cho công nghệ thông tin, ưu tiên bố trí ngân sách cho ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xác định đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước là đầu tư phát triển.

2. Kinh phí đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin tại các đơn vị bao gồm kinh phí ngân sách nhà nước (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên) và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

3. Hàng năm các đơn vị có trách nhiệm lập dự toán kinh phí chi thường xuyên bảo đảm cho hoạt động duy trì, vận hành các ứng dụng công nghệ thông tin của năm tiếp theo phù hợp với quy định của pháp luật, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

4. Các đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án công nghệ thông tin có trách nhiệm phối hợp với đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin, Vụ Kế hoạch và các đơn vị liên quan đảm bảo triển khai dự án theo đúng các mục tiêu quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và mục tiêu nêu tại Kế hoạch tổng thể này.

5. Ngoài kinh phí từ ngân sách nhà nước, các đơn vị cần chủ động tìm kinh phí từ các nguồn vốn khác cho các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của mình phù hợp với pháp luật.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ vào Kế hoạch tổng thể này, các đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm về ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị mình; kiểm tra, đánh giá và báo cáo định kỳ hàng năm và đột xuất theo hướng dẫn và yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ thông tin và của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng.

2. Khi xây dựng các nhiệm vụ, dự án, đề án, chương trình phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin các đơn vị chủ trì có trách nhiệm phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Vụ Kế hoạch và các đơn vị liên quan xây dựng, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định.

3. Vụ Tài chính và Vụ Kế hoạch có trách nhiệm tổng hợp, cân đối kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển để thực hiện các nhiệm vụ, dự án, đề án, chương trình ứng dụng công nghệ thông tin theo Kế hoạch tổng thể này.

4. Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin định kỳ hàng năm đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương; phối hợp, hỗ trợ các Sở Công Thương triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nhiệm vụ chuyên môn gắn với Kế hoạch tổng thể này.

5. Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và tổng hợp việc thực hiện Kế hoạch tổng thể của các đơn vị; xây dựng báo cáo tổng hợp hàng năm hoặc đột xuất gửi Bộ trưởng, đề xuất việc điều chỉnh các nội dung của Kế hoạch tổng thể cho phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước của Bộ cũng như các chủ trương, đường lối, chính sách, chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin quốc gia.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3916/QĐ-BCT năm 2010 phê duyệt Kế hoạch tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Công Thương giai đoạn 2011 – 2015 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 3916/QĐ-BCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/07/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Lê Danh Vĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/07/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản