Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3910/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 31 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP THỰC HIỆN VIỆC NẠO VÉT LÒNG HỒ CHỨA NƯỚC THỦY LỢI, KẾT HỢP THU HỒI ĐẤT LÀM VẬT LIỆU SAN LẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/1 1/2019;

Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19/6/2017;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014:

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17/11/2010;

Căn cứ Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Thủy lợi;

Căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;

Căn cứ Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản:

Căn cứ Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/5/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 432/TTr-SNN ngày 22/12/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp thực hiện việc nạo vét lòng hồ chứa nước thủy lợi, kết hợp thu hồi đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện Quy chế này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường; Cục thuế tỉnh; Công an tỉnh; Sở Giao thông vận tải; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, TNT, NN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hà Sỹ Đồng

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP THỰC HIỆN VIỆC NẠO VÉT LÒNG HỒ CHỨA NƯỚC THỦY LỢI, KẾT HỢP THU HỒI ĐẤT LÀM VẬT LIỆU SAN LẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3910/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong, quá trình thực hiện nạo vét lòng hồ chứa nước thủy lợi, kết hợp thu hồi đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

2. Đối tượng áp dụng:

Cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến việc quản lý hồ chứa nước thủy lợi; bảo vệ tài nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức, đơn vị được UBND tỉnh giao thực hiện nạo vét lòng hồ chứa nước thủy lợi, kết hợp thu hồi đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc triển khai dự án nạo vét lòng hồ chứa nước thủy lợi, kết hợp thu hồi đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

Bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện việc nạo vét lòng hồ chứa nước thủy lợi, kết hợp thu hồi đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quáng Trị.

Việc thực hiện, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tuân thủ các quy định của Quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan.

Việc kiểm tra, giám sát phải được thực hiện đồng bộ và có sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan và được tiến hành đồng thời.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý

Việc nạo vét lòng hồ chứa nước thủy lợi, kết hợp thu hồi đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phải đảm bảo hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả nhằm bảo vệ, cải tạo làm tăng dung tích và phát huy hiệu quả sử dụng đa mục tiêu của hồ chứa, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước; không gây tác động xấu đến môi trường sinh thái, cảnh quan khu vực; không ảnh hưởng đến các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng, di tích văn hóa, lịch sử, các công trình liên quan đến an ninh - quốc phòng; không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh.

Việc nạo vét lòng hồ chứa nước thủy lợi, kết hợp thu hồi đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phải được cấp có thẩm quyền cấp phép theo quy định.

Chương II

QUY ĐỊNH CHI TIẾT

Điều 4. Khảo sát, lập kế hoạch thực hiện

1. Căn cứ vào tình hình thực tế trong quá trình quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước thủy lại, UBND các huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi là UBND cấp huyện), Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị (sau đây gọi là Công ty) tiến hành khảo sát đánh giá sơ bộ tình hình bồi lấp lòng hồ sơ với quy mô thiết kế ban đầu, xác định nhu cầu tăng thêm dung tích của hồ chứa nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ - du lịch - thương mại, công nghiệp, nước sinh hoạt...để đề xuất phương án nạo vét đất trong lòng hồ chứa thủy lợi nhằm tăng thêm dung tích hồ chứa (UBND cấp huyện đề xuất đối với các hồ chứa thủy lợi do địa phương quản lý; Công ty đề xuất đối với các hồ chứa do tỉnh quản lý) gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện.

2. Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, đơn vị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Sở, ngành có liên quan kiểm tra, đánh giá tình hình thực tế theo đề xuất, tham mưu UBND tỉnh đề xuất chủ trương thực hiện dự án.

3. Sau khi có chủ trương thực hiện dự án, các đơn vị, tổ chức (sau đây gọi là chủ đầu tư) có đủ năng lực và có nhu cầu nạo vét lòng hồ chứa nước thủy lợi, kết hợp thu hồi đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trình UBND xin thực hiện dự án.

4. Sau khi được UBND tỉnh chấp thuận thực hiện dự án, chủ đầu tư tiến hành các nội dung sau:

a) Lập các thủ tục lựa chọn nhà thầu tư vấn lập báo cáo đánh giá tình hình bồi lấp lòng hồ, nhu cầu cần tăng thêm dung tích của hồ chứa phục vụ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ - du lịch - thương mại công nghiệp, nước sinh hoạt, xác định khối lượng khai thác.

b) Lập hồ sơ dự án, hồ sơ đánh giá tác động môi trường, hồ sơ cấp phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, cấp phép theo quy định.

Điều 5. Trách nhiệm phối hợp của các Cơ quan, đơn vị liên quan

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Là cơ quan hướng dẫn, tiếp nhận và thẩm định hồ sơ dự án và hồ sơ cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

b) Chỉ đạo, hướng dẫn các chủ đầu tư, đơn vị quản lý đập, hồ chứa nước thực hiện các nội dung quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 05/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất Cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi của các tổ chức, cá nhân được cấp phép.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Là cơ quan hướng dẫn, tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp phép tận thu khoáng sản, báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho đối tượng thuộc thẩm quyền;

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thu hồi đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quang Trị;

c) Kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án cải tạo, phục hồi môi trường.

3. Cục Thuế tỉnh

a) Hướng dẫn các tổ chức nạo vét lòng hồ chứa nước thủy lợi, kết hợp thu hồi đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đăng ký, kê khai nộp tiền thuế tài nguyên, các loại thuê, phí bảo vệ môi trường;

b) Kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc chấp hành chính sách thu tiền thuê tài nguyên, chính sách thuê, phí bảo vệ môi trường.

4. Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải

a) Có trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các phương tiện khai thác, vận chuyển đất không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, an toàn giao thông và vi phạm luật giao thông đường bộ;

b) Phối hợp với UBND cấp huyện trong công tác quản lý hoạt động nạo vét lòng hồ chứa nước thủy lợi, kết hợp thu hồi đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

5. Các Sở, ngành liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thẩm định vị trí, hồ sơ cấp phép; thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động nạo vét lòng hồ chứa nước thủy lợi, kết hợp thu hồi đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; xử lý vi phạm theo tham quyền.

6. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi;

b) Giải quyết các thủ tục thuộc thẩm quyền về đất đai, cơ sở hạ tầng và các thủ tục khác có liên quan để hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện nạo vét lòng hồ chứa nước thủy lợi đảm bảo đúng quy định pháp luật;

c) Chỉ đạo các các phòng chuyên môn trực thuộc, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với chủ đầu tư đảm bảo an ninh trật tự; giám sát thi công, vận chuyển vật liệu, bảo vệ môi trường và các công việc khác trong quá trình thực hiện dự án.

7. Đơn vị quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước

a) Kiểm tra hồ sơ, ban hành văn bản thỏa thuận việc nạo vét lòng hồ chứa nước thủy lợi, kết hợp thu hồi đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị;

b) Tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động nạo vét lòng hồ chứa nước thủy lợi, kết hợp thu hồi đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị của các tổ chức, cá nhân được cấp phép;

c) Phối hợp với các tổ chức, cá nhân dược cấp phép thực hiện việc nạo vét lòng hồ chứa nước thủy lợi, kết hợp thu hồi đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đúng nội dung giấy phép;

d) Thực hiện giám sát trong quá trình nạo vét lòng hồ chứa nước thủy lợi, kết hợp thu hồi đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị theo hồ sơ dự án được duyệt và theo quy định hiện hành.

8. Trách nhiệm của Chủ đầu tư:

a) Lập hồ sơ dự án, hồ sơ cấp phép, báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường, phương án thu hồi đất trình cơ quan chức năng thẩm định theo quy định;

b) Lập các thủ tục để được thuê đất, ký hợp đồng thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai (nếu có). Thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng theo phương án đã được phê duyệt (nếu có);

c) Cắm mốc giới các điểm góc khu vực nạo vét tại thực địa;

d) Có xác nhận khu vực đảm bảo an toàn đối với vật liệu cháy, nổ;

e) Phối hợp với Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị (đối với các hồ chứa thủy lợi do tỉnh quản lý), UBND cấp huyện (đối với các hồ chứa thủy lợi do địa phương quản lý) lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực để giám sát trong quá trình triển khai thực hiện theo hồ sơ thiết kế và hồ sơ cấp phép được duyệt;

f) Báo cáo bằng văn bản đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác hồ chứa về kế hoạch thực hiện hàng năm;

g) Thực hiện dự án theo đúng nội dung quy định của giấy phép; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, phục hồi môi trường theo nội dung đã cam kết; bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan; đảm bảo an toàn lao động, an ninh trật tự, an toàn xã hội;

h) Có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa những tuyến đường bị ảnh hưởng do việc vận chuyển máy móc thiết bị và sản phẩm khai thác gây ra;

i) Thực hiện nghĩa vụ về nộp thuế tài nguyên, tiền thuê đất (nếu có), tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường, ký quỹ phục hồi môi trường và các khoản thu khác theo quy định;

k) Dừng ngay hoạt động nạo vét nếu phát hiện khoáng sản khác, khoáng sản quý hiếm, các di chỉ, cổ vật trong phạm vi được cấp phép. Tổ chức bảo vệ hiện trường và báo cáo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và chính quyền địa phương để được xem xét, giải quyết theo quy định;

l) Khi hết thời hạn nạo vét lòng hồ chứa nước, phải dừng việc nạo vét ngoài thực địa, hoàn thành việc phục hồi môi trường khu vực đã nạo vét. Báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra, xác nhận;

m) Trường hợp nạo vét với khối lượng lớn, có thể ảnh hưởng đến quy mô công trình thi trước khi làm hồ sơ cấp phép chủ đầu tư có trách nhiệm hợp đồng với đơn vị tư vấn đủ năng lực tính toán điều chỉnh quy trình vận hành công trình, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các Sở, Ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện và đơn vị quản lý, khai thác đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Quy chế này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc đề nghị các đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để xem xét, giải quyết theo quy định./.