Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 39/2020/QĐ-UBND | Hà Tĩnh, ngày 08 tháng 12 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP XỬ LÝ CÁC VẤN ĐỀ VỀ LÃNH SỰ LIÊN QUAN ĐẾN NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015; Bộ luật Dân sự ngày 24/11/2015; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 16/6/2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 25/11/2019; Luật Hộ tịch ngày 20/11/2014; Luật Điều ước quốc tế ngày 09/4/2016; Luật Thi hành án hình sự ngày 14/6/2019;
Căn cứ Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam ngày 25/11/2015; Nghị định số 120/2017/NĐ-CP ngày 06/11/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Ngoại vụ tại Văn bản số 827/TTr-SNgV ngày 01/12/2020 và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Văn bản số 372/BC-STP ngày 12/8/2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp xử lý các vấn đề về lãnh sự liên quan đến người nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/12/2020.
Điều 3. Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh; Giám đốc Sở Ngoại vụ; Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP XỬ LÝ CÁC VẤN ĐỀ VỀ LÃNH SỰ LIÊN QUAN ĐẾN NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 39/2020/QĐ-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm phối hợp của các cơ quan đơn vị tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình xử lý các vấn đề về lãnh sự liên quan đến người nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; các đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức chính trị-xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị).
2. Các tổ chức, doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật và cá nhân trên địa bàn tỉnh có các hoạt động liên quan đến người nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân).
3. Người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại tỉnh Hà Tĩnh, bao gồm người có quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch (sau đây gọi chung là người nước ngoài).
Điều 3. Nguyên tắc xử lý
1. Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế, quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; không ảnh hưởng đến quan hệ giữa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ.
2. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong tỉnh, giữa tỉnh Hà Tĩnh với Bộ Ngoại giao, Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam nhằm giải quyết kịp thời, nhanh chóng và đúng quy định các vấn đề phát sinh liên quan đến người nước ngoài.
3. Công tác phối hợp dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, đơn vị. Các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan đảm bảo sự thống nhất trong xử lý.
4. Đảm bảo bí mật Nhà nước, bảo vệ nội bộ.
5. Không tạm giữ hộ chiếu của người nước ngoài. Trường hợp hộ chiếu đó được coi là vật chứng của vụ án đang được tiến hành điều tra cần thu giữ hoặc trường hợp cần áp dụng biện pháp ngăn chặn xuất cảnh, việc tạm giữ hộ chiếu của người nước ngoài là cần thiết, thì cần trao đổi với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao thống nhất biện pháp xử lý vừa đảm bảo thi hành luật pháp của Việt Nam, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế theo hướng chuyển giao hộ chiếu đó cho cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.
6. Người nước ngoài thuộc các nước có điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia thì việc xử lý áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.
7. Người nước ngoài là viên chức, nhân viên ngoại giao, viên chức, nhân viên lãnh sự và thành viên gia đình thì việc xử lý áp dụng theo Công ước Viên năm 1961 về Quan hệ ngoại giao, Công ước viên năm 1963 về Quan hệ lãnh sự, Pháp lệnh số 25-L/CTN ngày 23/8/1993 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
8. Người không quốc tịch thì việc xử lý như đối với người Việt Nam.
Chương II
NỘI DUNG VÀ TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP
Điều 4. Phản ánh, tiếp nhận và xử lý thông tin
1. Khi phát hiện các vấn đề về lãnh sự liên quan đến người nước ngoài xảy ra trên địa bàn tỉnh, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thông báo ngay và cung cấp thông tin liên quan cho Công an tỉnh và Sở Ngoại vụ. Nội dung thông tin đầy đủ về: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; số hộ chiếu, thời hạn và bản chụp của hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân khác (nếu có); thời gian nhập cảnh, mục đích nhập cảnh Việt Nam; thời gian, địa điểm, nguyên nhân vụ việc; họ tên, địa chỉ, điện thoại thân nhân ở nước ngoài (nếu có).
2. Đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, Sở Ngoại vụ báo cáo UBND tỉnh và Bộ Ngoại giao bằng văn bản để Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam. Đối với những vấn đề thông thường, Sở Ngoại vụ trực tiếp thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời báo cáo UBND tỉnh và Bộ Ngoại giao.
3. Sở Ngoại vụ hỗ trợ Công an tỉnh, các cơ quan chức năng liên quan xác minh thân phận pháp lý, các thông tin liên quan đến người nước ngoài và đề xuất phương án giải quyết đối với những trường hợp người nước ngoài được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Điều 5. Trường hợp người nước ngoài vi phạm pháp luật
1. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Ngoại vụ và các cơ quan chức năng liên quan khác tiến hành điều tra, xử lý vụ việc; cung cấp ngay các thông tin liên quan đến tình hình, kết quả điều tra, xử lý vụ việc, thời gian, địa điểm tạm giữ, tạm giam (nếu có) về Sở Ngoại vụ để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam thực hiện chức năng lãnh sự với công dân nước đó.
2. Tòa án nhân dân tỉnh thông báo thời gian dự kiến xét xử, kết quả xét xử cho Sở Ngoại vụ trong trường hợp người nước ngoài bị đưa ra xét xử để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam thực hiện chức năng lãnh sự với công dân của nước đó.
3. Sở Ngoại vụ thông báo ngay cho cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Ngoại giao về tình hình, kết quả điều tra, xét xử; đồng thời phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan khi cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam có yêu cầu thăm lãnh sự hoặc các yêu cầu khác.
Điều 6. Trường hợp tai nạn giao thông liên quan đến người nước ngoài
1. Công an tỉnh thông báo ngay cho Sở Ngoại vụ khi có trường hợp tai nạn giao thông liên quan đến người nước ngoài; chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan tiến hành điều tra, giải quyết theo chức năng, thẩm quyền; thông báo kết quả điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông liên quan đến người nước ngoài về Sở Ngoại vụ để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam thực hiện chức năng lãnh sự với công dân nước đó.
2. Sở Ngoại vụ hỗ trợ xác định thân phận pháp lý của người nước ngoài, phương tiện giao thông liên quan người nước ngoài trong vụ tai nạn và đề xuất phương án giải quyết đối với các trường hợp được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao; thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Ngoại giao về tình hình, kết quả điều tra, xét xử; đồng thời phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan.
3. Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thực hiện tiếp nhận, cấp cứu, điều trị, chuyển tuyến cho người nước ngoài bị nạn và xử lý những vấn đề liên quan khác trong quá trình điều trị; phối hợp với Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ trong việc lấy lời khai của người nước ngoài bị nạn.
4. Trường hợp người nước ngoài chết do tai nạn giao thông thì xử lý theo Điều 7 Quy chế này.
Điều 7. Trường hợp người nước ngoài chết
1. Công an tỉnh có trách nhiệm
a) Thông báo kịp thời bằng văn bản cho Sở Ngoại vụ các thông tin liên quan đến người nước ngoài chết trên địa bàn tỉnh.
b) Chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Ngoại vụ, cơ quan quản lý người nước ngoài tiến hành thực hiện các hoạt động điều tra, xác minh theo quy định của pháp luật.
c) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chuyển thi hài đến cơ sở y tế hoặc nhà tang lễ có thiết bị bảo quản lạnh gần nhất để lưu giữ và tiến hành thủ tục xác minh, xử lý theo quy định.
d) Chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ, Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan tiến hành khám nghiệm tử thi theo quy định, cụ thể:
- Trường hợp chưa xác định được nguyên nhân chết (có nghi vấn cần khám nghiệm tử thi):
Công an tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Ngoại vụ lấy ý kiến của Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và thân nhân của người nước ngoài chết (nếu có) trước khi thực hiện.
Khi có ý kiến đồng ý của Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và thân nhân của người nước ngoài chết, cơ quan pháp y hoặc cơ quan y tế tiến hành thủ tục pháp y và có kết luận cụ thể về nguyên nhân chết. Kết luận khám nghiệm tử thi phải được gửi về Sở Ngoại vụ để báo cáo UBND tỉnh và Bộ Ngoại giao theo quy định.
- Trường hợp Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và thân nhân của người nước ngoài chết (nếu có) có yêu cầu bằng văn bản đề nghị không khám nghiệm tử thi:
Nếu đã xác định nguyên nhân chết và không có nghi vấn thì không tiến hành khám nghiệm tử thi.
Nếu chưa xác định nguyên nhân chết hoặc có nghi vấn cần phải tiến hành khám nghiệm tử thi thì Công an tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Ngoại vụ tham mưu UBND tỉnh xin ý kiến của Bộ Ngoại giao để trao đổi với cơ quan đại diện nước ngoài trước khi thực hiện.
đ) Thông báo kết quả giải quyết vụ việc, cung cấp các hồ sơ liên quan (trong phạm vi cho phép và trường hợp phía nước ngoài yêu cầu) đến Sở Ngoại vụ để trao đổi với cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.
2. Sở Ngoại vụ có trách nhiệm
a) Thông báo vụ việc cho cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời báo cáo UBND tỉnh và Bộ Ngoại giao.
b) Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh lấy ý kiến Bộ Ngoại giao, Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và thân nhân của người nước ngoài chết về việc tiến hành khám nghiệm tử thi.
c) Hướng dẫn, hỗ trợ thân nhân người nước ngoài chết thực hiện thủ tục Hợp pháp hóa - chứng nhận lãnh sự giấy chứng tử, trích lục khai tử và các giấy tờ có liên quan cần sử dụng ở nước ngoài theo quy định (trừ những nước đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam có quy định được miễn thủ tục này).
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú cuối cùng của người nước ngoài chết có trách nhiệm
a) Đăng ký khai tử cho người nước ngoài theo quy định. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì UBND cấp huyện nơi người nước ngoài chết hoặc nơi phát hiện thi thể của người nước ngoài thực hiện việc đăng ký khai tử.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chuyển thi hài đến cơ sở y tế hoặc nhà tang lễ có thiết bị bảo quản lạnh gần nhất để lưu giữ và xử lý theo quy định.
c) Thông báo bằng văn bản kèm theo trích lục khai tử (bản sao) của người nước ngoài chết tại địa phương cho Bộ Ngoại giao và Sở Ngoại vụ để thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước mà người chết là công dân.
4. Đối với trường hợp người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam chết tại Nhà tạm giữ, Trại tạm giam: Công an tỉnh thành lập Hội đồng khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi nhằm làm rõ nguyên nhân vụ việc và xác định nguyên nhân chết. Sau đó bàn giao tử thi cho Nhà tạm giữ hoặc Trại tạm giam phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục giải quyết theo quy định.
Người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam chết thì giải quyết theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, theo Thỏa thuận quốc tế hoặc Thỏa thuận trực tiếp giữa Việt Nam và nước có người bị tạm giữ, tạm giam chết. Trong trường hợp chưa có Điều ước quốc tế, Thỏa thuận quốc tế tương ứng hoặc giữa Việt Nam và nước có người bị tạm giữ, tạm giam chết không thỏa thuận thống nhất được về giải quyết trường hợp cụ thể, hoặc không xác định được quốc tịch người chết thì giải quyết như đối với người Việt Nam bị tạm giữ, tạm giam chết.
Điều 8. Xử lý thi hài người nước ngoài
1. Đối với thi hài có thân nhân hoặc Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam đến nhận
a) Trường hợp thân nhân của người nước ngoài chết hoặc Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam có Văn bản đề nghị mai táng tại Hà Tĩnh: Sở Ngoại vụ hướng dẫn thân nhân của người chết hoặc Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam liên hệ với UBND cấp huyện có liên quan để tiến hành các thủ tục mai táng theo quy định, đồng thời bàn giao tài sản (nếu có) cho thân nhân người nước ngoài chết hoặc Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.
b) Trường hợp thân nhân của người nước ngoài chết hoặc cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam có văn bản đề nghị đem thi hài về nước: Sở Ngoại vụ hướng dẫn thân nhân của người chết hoặc cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam liên hệ cơ quan kiểm dịch y tế, Trung tâm pháp y tỉnh, hải quan hướng dẫn, hỗ trợ thân nhân của người nước ngoài chết về thủ tục xuất cảnh để chuyển thi hài về nước, đồng thời bàn giao tài sản (nếu có) cho thân nhân người nước ngoài chết hoặc Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.
c) Trường hợp thân nhân của người nước ngoài chết hoặc Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam có văn bản đề nghị hỏa táng thi hài tại Việt Nam và mang di hài (lọ tro) về nước: Sở Ngoại vụ hướng dẫn thân nhân của người nước ngoài chết tiến hành các thủ tục để hỏa táng thi hài tại Việt Nam và mang di hài (lọ tro) về nước, đồng thời bàn giao tài sản (nếu có) cho thân nhân của người nước ngoài chết hoặc Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.
d) Trường hợp sau khi thi hài được mai táng, thân nhân của người nước ngoài chết hoặc Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam có văn bản đề nghị nhận lại thi hài: Sở Ngoại vụ hướng dẫn thân nhân của người chết hoặc Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam liên hệ với UBND cấp huyện nơi tiến hành mai táng, cơ quan kiểm dịch y tế, hải quan tiến hành các thủ tục bàn giao thi hài của người nước ngoài chết đảm bảo yêu cầu, quy định về vệ sinh môi trường.
2. Đối với thi hài không có người nhận
a) Sau thời hạn 07 ngày kể từ ngày kể từ ngày phát hiện thi hài người nước ngoài, nếu Cơ quan đại diện nước ngoài không có ý kiến về giám định pháp y, xử lý thi hài và không có người đến nhận thi hài, Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ, Viện Kiểm sát, Sở Y tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi người nước ngoài chết xử lý và giải quyết vụ việc như đối với trường hợp vô thừa nhận chết trên địa bàn tỉnh (có thể hỏa táng và lưu giữ tro cốt tại nơi lưu giữ tro cốt của địa phương). Kinh phí do UBND tỉnh cấp từ ngân sách tỉnh. Đối với những trường hợp phức tạp, Sở Ngoại vụ gửi thông báo cho cơ quan đại diện lần 2 (thêm thời hạn 07 ngày), đồng gửi Bộ Ngoại giao để phối hợp xử lý.
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi tiến hành mai táng người nước ngoài chết có trách nhiệm lập và quản lý hồ sơ vụ việc.
3. Đối với thi hài chết tại Nhà tạm giữ, Trại tạm giam
a) Trong trường hợp thân nhân của người nước ngoài chết hoặc Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam có văn bản đề nghị xin được chuyển thi hài về nước, Nhà tạm giữ hoặc Trại tạm giam hướng dẫn các thủ tục cần thiết bàn giao thi hài cho Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam hoặc thân nhân của người nước ngoài chết để đem thi hài về nước tiến hành theo điểm b, Khoản 1 Điều này.
b) Trong trường hợp thân nhân của người nước ngoài chết, và Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam không có văn bản đề nghị đưa thi hài về nước hoặc sau khi Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam nhận được thông báo nhưng không có ý kiến đối với thi hài, Nhà tạm giữ hoặc Trại tạm giam giải quyết thủ tục như đối với người Việt Nam bị tạm giữ, tạm giam chết theo quy định.
4. Đối với thi hài bị phân hủy nặng, không nhận dạng được do lâu ngày mới phát hiện được
a) Công an tỉnh tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, tiến hành thu thập các mẫu vật liên quan có thể xác định danh tính nạn nhân thông qua phương pháp phân tích ADN, lập biên bản trước khi bàn giao thi hài cho UBND cấp huyện nơi phát hiện thi hài; thông báo cho Sở Ngoại vụ các thông tin liên quan đến thi hài, kết quả xét nghiệm ADN đối với thi hài.
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi phát hiện thi hài tổ chức mai táng nhằm đảm bảo không để gây ô nhiễm môi trường, đánh dấu nơi chôn cất để tiện cho việc người thân nạn nhân thăm viếng, cất bốc phần mộ sau này.
c) Sở Ngoại vụ thông báo cho cơ quan đại diện nước mà nạn nhân mang quốc tịch hoặc nghi ngờ mang quốc tịch để phối hợp xác minh, đồng thời báo cáo UBND tỉnh và Bộ Ngoại giao. Thông báo cho các cơ quan chức năng khi xác minh được các thông tin liên quan đến thi hài và khi thân nhân nạn nhân có nguyện vọng thăm viếng, sửa sang, cất bốc phần mộ sau này.
Điều 9. Xử lý việc tiếp xúc lãnh sự đối với người bị tạm giữ, tạm giam là người nước ngoài
1. Cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm
a) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Bộ Ngoại giao đề nghị tiếp xúc lãnh sự đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam, trường hợp đồng ý, cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ sở giam giữ trả lời bằng văn bản về việc đồng ý cho tiếp xúc lãnh sự gửi Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan ngoại giao, lãnh sự nước ngoài có yêu cầu liên hệ với cơ quan thụ lý vụ án, cơ sở giam giữ tổ chức tiếp xúc lãnh sự.
Trường hợp không đồng ý cho tiếp xúc lãnh sự thì cơ quan đang thụ lý vụ án trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do để Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài có yêu cầu tiếp xúc lãnh sự.
b) Gửi văn bản trả lời Bộ Ngoại giao về việc đồng ý hoặc không đồng ý cho tiếp xúc lãnh sự về Sở Ngoại vụ và Công an tỉnh để theo dõi.
2. Sở Ngoại vụ có trách nhiệm
a) Hỗ trợ Bộ Ngoại giao làm đầu mối trao đổi với cơ quan đang thụ lý vụ án của tỉnh về đề nghị tiếp xúc lãnh sự nếu Bộ Ngoại giao có yêu cầu.
b) Cử cán bộ tham gia hoạt động tiếp xúc lãnh sự nếu thấy cần thiết.
3. Công an tỉnh có trách nhiệm
a) Thông báo cho Trại tạm giam, Nhà tạm giữ nơi người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam về thời gian, thành phần cơ quan đại diện nước ngoài, người bị tạm giữ, tạm giam được tiếp xúc lãnh sự.
b) Tổ chức thực hiện việc tiếp xúc lãnh sự theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người nước ngoài.
c) Có biện pháp theo dõi, giám sát việc tiếp xúc lãnh sự nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho cán bộ ngoại giao, lãnh sự và kịp thời, phát hiện, ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật các hành vi lợi dụng tiếp xúc lãnh sự để vu khống, tuyên truyền xuyên tạc sự thật hoặc vi phạm quy định về tiếp xúc lãnh sự, vi phạm Nội quy Trại giam, Trại tạm giam.
d) Nhắc nhở hoặc yêu cầu chấm dứt việc tiếp xúc lãnh sự nếu phát hiện trong quá trình tiếp xúc lãnh sự, người đến thăm hoặc người được thăm gặp vi phạm quy định về tiếp xúc lãnh sự hoặc Nội quy Trại giam, Trại tạm giam.
Điều 10. Các trường hợp khác (người nước ngoài mất hộ chiếu, tài sản, lang thang cơ nhỡ, không đủ năng lực hành vi hoặc các trường hợp cần hỗ trợ khác)
1. Các cơ quan, đơn vị tiếp nhận và xử lý vụ việc có trách nhiệm thông báo cho Sở Ngoại vụ các thông tin liên quan đến vụ việc, gồm: Diễn biến vụ việc; họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch, số hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân khác (nếu có); thời gian nhập cảnh, mục đích nhập cảnh vào Việt Nam.
2. Đối với các trường hợp người nước ngoài thuộc diện lang thang cơ nhỡ, không đủ năng lực hành vi và các trường hợp đặc biệt khẩn cấp khác thì trước mắt đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội trong thời gian chờ đợi các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết Chậm nhất sau 02 ngày kể từ ngày đưa người nước ngoài vào các cơ sở bảo trợ xã hội, Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Ngoại vụ, các đơn vị, địa phương có liên quan báo cáo, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý theo quy định.
3. Công an tỉnh có trách nhiệm
a) Điều tra, xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả điều tra cho Sở Ngoại vụ, các cơ quan, đơn vị có liên quan và người nước ngoài cần hỗ trợ để nắm thông tin.
b) Hướng dẫn người nước ngoài thực hiện các thủ tục cần thiết để xuất cảnh nếu có yêu cầu.
4. Sở Ngoại vụ có trách nhiệm
a) Hỗ trợ, hướng dẫn người nước ngoài. Trong trường hợp cần thiết, Sở Ngoại vụ liên hệ với Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam để hỗ trợ người nước ngoài theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.
b) Báo cáo bằng văn bản thông tin về vụ việc gửi UBND tỉnh và Bộ Ngoại giao.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Sở Ngoại vụ
1. Là cơ quan đầu mối trao đổi với các Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam trong quá trình giải quyết các vấn đề về lãnh sự liên quan đến người nước ngoài. Thay mặt UBND tỉnh thông báo kịp thời cho Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và Bộ Ngoại giao các vụ việc lãnh sự thông thường liên quan đến người nước ngoài hoặc báo cáo Bộ Ngoại giao để thông báo cho Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam các vụ việc phức tạp, nhạy cảm, gây hậu quả nghiêm trọng.
2. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến người nước ngoài.
3. Tiếp xúc, hỗ trợ, hướng dẫn người nước ngoài và thân nhân người nước ngoài thực hiện các thủ tục cần thiết trong quá trình điều tra, giải quyết các vụ việc.
4. Thường xuyên trao đổi thông tin với Công an tỉnh và các cơ quan đơn vị liên quan để phối hợp trong công tác quản lý người nước ngoài.
5. Tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Ngoại giao về tình hình các vấn đề về lãnh sự liên quan đến người nước ngoài theo quy định.
Điều 12. Công an tỉnh
1. Là cơ quan đầu mối tiếp nhận thông tin về các vấn đề phát sinh liên quan đến người nước ngoài; thông báo và cung cấp những thông tin liên quan trong quá trình điều tra và kết quả xử lý các vụ việc phát sinh về lãnh sự liên quan đến người nước ngoài trên địa bàn tỉnh về Sở Ngoại vụ.
2. Hàng năm, chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan triển khai kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện các quy định về an ninh trật tự của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
3. Chủ trì quản lý việc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú, hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch
1. Tuyên truyền cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chấp hành các quy định về công tác quản lý người nước ngoài, phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến người nước ngoài.
2. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người nước ngoài đến tỉnh tham quan, du lịch thông qua các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
3. Định kỳ 06 tháng, hàng năm cung cấp số liệu khách du lịch là người nước ngoài đến du lịch trên địa bàn tỉnh cho Công an tỉnh và Sở Ngoại vụ.
Điều 14. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho lao động là người nước ngoài thông qua các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động là người nước ngoài.
2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện công tác quản lý lao động là người nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
3. Định kỳ 06 tháng, hàng năm và đột xuất (nếu được yêu cầu) cung cấp số liệu về lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh cho Công an tỉnh và Sở Ngoại vụ.
Điều 15. Sở Y tế
1. Chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế thông báo cho các cơ quan, đơn vị có liên quan khi có người nước ngoài đến điều trị để phối hợp giải quyết.
2. Đảm bảo các điều kiện cơ bản về khám, chữa bệnh và điều trị. Đề xuất phương án giải quyết trên lĩnh vực chuyên môn nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng cho người nước ngoài trong quá trình giải quyết các vụ việc.
3. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình giải quyết các vấn đề về lãnh sự liên quan đến người nước ngoài như cấp cứu, điều trị, khám nghiệm tử thi, bảo quản thi hài, kiểm dịch y tế....
4. Chủ trì công tác phòng, chống dịch bệnh khi tiếp nhận người nước ngoài có biểu hiện mang bệnh, dịch từ nước ngoài đến. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan tại địa phương.
5. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ y tế tại các bệnh viện, trung tâm y tế để thuận lợi trong việc điều trị cho người nước ngoài.
Điều 16. Sở Tư pháp
Chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch cho người nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Điều 17. Sở Giao thông Vận tải
Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động vận tải, vận chuyển hành khách, cho thuê phương tiện; đặc biệt là vận tải khách người nước ngoài, cho người nước ngoài thuê phương tiện tự điều khiển tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết thủ tục gia hạn Giấy phép liên vận Lào - Việt; quản lý các xe biển số Lào hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Điều 18. Sở Giáo dục và Đào tạo
Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, quán triệt các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh có sử dụng người nước ngoài chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến người nước ngoài và các quy định tại Quy chế này.
Điều 19. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
1. Phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan tăng cường công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia, kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, xuất nhập biên của người nước ngoài tại các cửa khẩu, cảng biển trên hai tuyến biên giới của tỉnh.
2. Tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý người và phương tiện nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh trái phép theo quy định của pháp luật.
3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết các vụ việc lãnh sự liên quan đến người nước ngoài xảy ra trên khu vực biên giới.
Điều 20. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh
Tăng cường quản lý người nước ngoài làm việc, lưu trú trong các khu kinh tế, khu công nghiệp; phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết các vụ việc lãnh sự liên quan đến người nước ngoài xảy ra trong các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Điều 21. Sở Tài chính
Căn cứ các trường hợp phát sinh cụ thể tham mưu UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí theo quy định để xử lý các vấn đề lãnh sự liên quan đến người nước ngoài trên địa bàn tỉnh cho các cơ quan, đơn vị chức năng.
Điều 22. Các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh
Tăng cường quản lý người nước ngoài giảng dạy, học tập tại cơ sở; tuyên truyền, quán triệt người nước ngoài tại cơ sở chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến người nước ngoài, các quy định của địa phương, các nội quy, quy chế của cơ sở; phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết các vụ việc lãnh sự liên quan đến người nước ngoài giảng dạy, học tập tại đơn vị xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Điều 23. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh
1. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến người nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
2. Thông tin kịp thời cho Công an tỉnh và Sở Ngoại vụ về tình hình, kết quả giải quyết các vụ việc liên quan đến người nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Điều 24. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan
1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Quy chế này và các quy định có liên quan đến công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn tỉnh đến các đơn vị trực thuộc, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý.
2. Tăng cường quản lý đối với các hoạt động có yếu tố nước ngoài. Thực hiện nghiêm túc các quy định trong công tác quản lý người nước ngoài và trong quá trình tổ chức các hoạt động có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
3. Có trách nhiệm thông báo cho Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ khi phát hiện các vấn đề về lãnh sự liên quan đến người nước ngoài và phối hợp trong quá trình xử lý.
4. Báo cáo tình hình hoạt động liên quan đến người nước ngoài khi có yêu cầu và các vấn đề phát sinh (nếu có) gửi Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ.
5. Căn cứ các trường hợp cụ thể để xử lý các vấn đề lãnh sự liên quan đến người nước ngoài, tổng hợp kinh phí phát sinh gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.
Điều 25. Điều khoản thi hành
1. Giao Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện Quy chế này.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế này, trường hợp có khó khăn, vướng mắc hoặc phát sinh, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời kiến nghị, phản ánh về Sở Ngoại vụ để nghiên cứu, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
- 1Quyết định 1704/QĐ-UBND năm 2015 về Quy chế phối hợp, xử lý các vấn đề phát sinh về lãnh sự liên quan đến người nước ngoài tỉnh Lâm Đồng
- 2Quyết định 73/2017/QĐ-UBND về quy chế phối hợp, xử lý các vấn đề phát sinh về lãnh sự liên quan, đến người nước ngoài trên địa bàn tỉnh Lai Châu
- 3Quyết định 09/2020/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp xử lý các vấn đề về lãnh sự liên quan đến người nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 4Quyết định 62/QĐ-UBND năm 2022 về Quy chế phối hợp xử lý các vụ việc liên quan đến người nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hà Giang
- 1Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993
- 2Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014
- 3Luật Hộ tịch 2014
- 4Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 5Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
- 6Quyết định 1704/QĐ-UBND năm 2015 về Quy chế phối hợp, xử lý các vấn đề phát sinh về lãnh sự liên quan đến người nước ngoài tỉnh Lâm Đồng
- 7Bộ luật dân sự 2015
- 8Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015
- 9Luật điều ước quốc tế 2016
- 10Nghị định 120/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật thi hành tạm giữ, tạm giam
- 11Quyết định 73/2017/QĐ-UBND về quy chế phối hợp, xử lý các vấn đề phát sinh về lãnh sự liên quan, đến người nước ngoài trên địa bàn tỉnh Lai Châu
- 12Luật Thi hành án hình sự 2019
- 13Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 14Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019
- 15Quyết định 09/2020/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp xử lý các vấn đề về lãnh sự liên quan đến người nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 16Quyết định 62/QĐ-UBND năm 2022 về Quy chế phối hợp xử lý các vụ việc liên quan đến người nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hà Giang
Quyết định 39/2020/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp xử lý các vấn đề về lãnh sự liên quan đến người nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
- Số hiệu: 39/2020/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/12/2020
- Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
- Người ký: Trần Tiến Hưng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra