Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 389/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 01 tháng 03 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC THUỘC BỘ TÀI CHÍNH LÀM CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, XỬ LÝ ĐƠN THƯ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 06/7/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/06/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 46/2012/TTLT-BTC-TTCP ngày 16/3/2012 của Bộ Tài chính - Thanh tra Chính phủ quy định chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức thuộc Bộ Tài chính làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Lưu: VT, Vụ KHTC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Sỹ Danh

 

QUY ĐỊNH

CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC THUỘC BỘ TÀI CHÍNH LÀM CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, XỬ LÝ ĐƠN THƯ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 389/QĐ-BTC ngày 01 tháng 3 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

Chương I:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng:

Chế độ bồi dưỡng tại Quy định này thực hiện đối với: Cán bộ, công chức của các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cán bộ, công chức của các đơn vị có liên quan được mời, triệu tập, phối hợp tham gia làm nhiệm vụ tiếp công dân.

Điều 2. Đối tượng được hưởng chế độ bồi dưỡng:

1. Cán bộ, công chức của Bộ Tài chính có trách nhiệm, được phân công nhiệm vụ tiếp công dân tại Phòng tiếp công dân của Bộ Tài chính.

2. Cán bộ, công chức của các đơn vị có liên quan trong và ngoài ngành Tài chính được Lãnh đạo Bộ Tài chính, Lãnh đạo Thanh tra Bộ Tài chính mời, triệu tập, phối hợp tham gia làm nhiệm vụ tiếp công dân tại Phòng tiếp công dân của Bộ Tài chính.

3. Cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ chuyên trách xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, bao gồm:

3.1. Tại Thanh tra Bộ Tài chính: Phó Chánh Thanh tra phụ trách lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo và các cán bộ, công chức công tác tại Phòng Quản lý các vấn đề về khiếu nại tố cáo của công dân.

3.2. Tại các Vụ, Cục thuộc Bộ: Mỗi đơn vị tối đa 02 cán bộ, công chức.

3.3. Tại các Tổng cục, Kho bạc Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước:

a. Cơ quan Tổng cục, Kho bạc Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Mỗi đơn vị tối đa 04 cán bộ, công chức.

b. Các Cục Thuế, Cục Hải quan, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực, Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh và tương đương: Mỗi đơn vị tối đa 03 cán bộ công chức.

c. Các Chi cục Thuế, Chi cục Hải quan, Chi cục Dự trữ Nhà nước khu vực, Kho bạc Nhà nước cấp huyện và tương đương: Mỗi đơn vị tối đa 02 cán bộ, công chức.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện chế độ bồi dưỡng:

1. Thủ trưởng đơn vị cân nhắc khi giao nhiệm vụ cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (số lượng cán bộ; thời gian tiếp công dân, thụ lý hồ sơ, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh) trên cơ sở đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán ngân sách được giao.

2. Chế độ bồi dưỡng tại Quy định này được tính theo số ngày thực tế cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác tiếp công dân; số ngày thực tế cán bộ, công chức trực tiếp xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

3. Trường hợp cán bộ, công chức được hưởng chế độ bồi dưỡng tại Điều 2 Quy định này khi tham gia tiếp công dân tại Phòng tiếp công dân của Bộ Tài chính; xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh từ 50% thời gian tiêu chuẩn của ngày làm việc trở lên thì được hưởng toàn bộ mức chi bồi dưỡng của ngày làm việc, nếu dưới 50% thời gian tiêu chuẩn của ngày làm việc thì được hưởng 50% mức chi bồi dưỡng của ngày làm việc tại Quy định này.

4. Trường hợp trong một thời gian, cán bộ, công chức được giao nhiều nhiệm vụ trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và mỗi nhiệm vụ được hưởng một mức bồi dưỡng khác nhau thì chỉ được hưởng một mức bồi dưỡng cao nhất.

Chương II:

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Mức chi bồi dưỡng:

1. Các đối tượng quy định tại Khoản 1, 2 Điều 2 Quy định này khi trực tiếp làm công tác tiếp công dân tại Phòng tiếp công dân của Bộ Tài chính: Được bồi dưỡng mức tối đa 100.000 đồng/ngày/người nếu chưa được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thanh tra, 80.000 đồng/ngày/người nếu đã được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thanh tra.

2. Các đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 2 Quy định này: Được bồi dưỡng mức tối đa 50.000 đồng/ngày/người.

Điều 5. Lập dự toán, thanh toán và quyết toán kinh phí:

1. Lập dự toán:

Các đơn vị thực hiện lập dự toán chi bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định và tổng hợp trong dự toán chi thường xuyên, thực hiện tự chủ hàng năm của đơn vị.

Riêng tại Cơ quan Bộ Tài chính: Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện lập dự toán chi bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức của Thanh tra Bộ và của các Vụ làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định từ nguồn dự toán kinh phí được trích từ các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra đã thực nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Thông tư liên tịch số 90/2012/TTLT-BTC-TTCP ngày 30/5/2012 của Bộ Tài chính - Thanh tra Chính phủ, gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính để tổng hợp trong dự toán hàng năm của Cơ quan Bộ.

2. Chấp hành dự toán:

2.1. Dự toán chi bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được bố trí trong dự toán chi thường xuyên, giao thực hiện tự chủ hàng năm của đơn vị.

Riêng tại Cơ quan Bộ Tài chính: Dự toán chi bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức của Thanh tra Bộ và của các Vụ được bố trí trong dự toán kinh phí được trích từ các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra đã thực nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Thông tư liên tịch số 90/2012/TTLT-BTC-TTCP .

2.2. Thanh toán chi bồi dưỡng:

- Các đơn vị mở sổ theo dõi, ghi chép cụ thể: Họ tên cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ, nội dung, thời gian tiếp công dân; số ngày xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

- Hàng tháng bộ phận được giao nhiệm vụ theo dõi, giải quyết khiếu nại, tố cáo của đơn vị lập bảng kê chi tiết số ngày làm việc của các cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh... báo cáo Thủ trưởng đơn vị phê duyệt làm căn cứ chi bồi dưỡng theo quy định.

Riêng tại Cơ quan Bộ Tài chính: Hàng tháng, Thanh tra Bộ Tài chính lập bảng kê, phê duyệt chi tiết số ngày thực tế các cán bộ, công chức của Cơ quan Bộ làm công tác tiếp công dân và cán bộ, công chức của các đơn vị có liên quan được mời, triệu tập, phối hợp tham gia làm công tác tiếp công dân tại Phòng tiếp công dân của Bộ Tài chính; cán bộ, công chức của Thanh tra Bộ chuyên trách xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Các Vụ lập bảng kê, phê duyệt chi tiết số ngày thực tế các cán bộ, công chức của đơn vị chuyên trách xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính làm thủ tục thanh toán bồi dưỡng theo quy định.

- Khoản chi bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được thanh toán cùng tiền lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

2.3. Khoản chi bồi dưỡng đối với các cán bộ, công chức thuộc biên chế trả lương của đơn vị nào do đơn vị đó thực hiện chi trả từ dự toán được giao.

Riêng khoản chi bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức của các đơn vị có liên quan trong và ngoài ngành Tài chính được Lãnh đạo Bộ Tài chính, Lãnh đạo Thanh tra Bộ Tài chính mời, triệu tập, phối hợp tham gia làm công tác tiếp công dân do Vụ Kế hoạch - Tài chính chi trả.

3. Khoản chi bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hạch toán mục 7000 chi phí nghiệp vụ chuyên môn của từng ngành (tiểu mục 7049 chi phí khác) và được tổng hợp trong quyết toán ngân sách hàng năm của đơn vị theo quy định.

Điều 6. Trách nhiệm của các đơn vị:

1. Lập, phê duyệt danh sách cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ chuyên trách xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh:

1.1. Đối với Cơ quan Bộ Tài chính:

- Các Vụ, Cục thuộc Bộ lập danh sách cán bộ, công chức của đơn vị gửi Thanh tra Bộ Tài chính.

- Thanh tra Bộ Tài chính tổng hợp chung trình Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt bằng hình thức Quyết định về danh sách các cán bộ, công chức của các Vụ, Cục và của Thanh tra Bộ Tài chính được hưởng chế độ bồi dưỡng.

1.2. Đối với các Tổng cục, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Tổng cục trưởng các Tổng cục, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt bằng hình thức quyết định về danh sách các cán bộ, công chức của đơn vị và của các đơn vị trực thuộc hoặc ủy quyền cho Cục trưởng các Cục Thuế, Cục Hải quan, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực, Giám đốc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh và tương đương phê duyệt bằng hình thức quyết định về danh sách cán bộ, công chức của đơn vị và của các đơn vị trực thuộc được hưởng chế độ bồi dưỡng.

2. Thủ trưởng các đơn vị:

- Căn cứ khối lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của đơn vị, nguồn kinh phí và mức chi bồi dưỡng tại Điều 4 Quy định này: Quy định cụ thể mức chi bồi dưỡng đối với từng đối tượng trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

-  Thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định. Những khoản chi bồi dưỡng không đúng quy định: Khi các cơ quan có tuyên truyền thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phát hiện phải thu hồi về công quỹ; cán bộ, công chức đề xuất, phê duyệt sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.

- Năm 2013, chủ động sắp xếp, bố trí trong phạm vi dự toán ngân sách được giao và các nguồn kinh phí hợp pháp khác của đơn vị để thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức theo quy định.

Chương III:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Tổ chức thực hiện:

Quy định chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức thuộc Bộ Tài chính làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được áp dụng thực hiện từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính (qua Vụ Kế hoạch - Tài chính và Thanh tra Bộ Tài chính) để kịp thời nghiên cứu, xem xét, giải quyết.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 389/QĐ-BTC năm 2013 về chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức thuộc Bộ Tài chính làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

  • Số hiệu: 389/QĐ-BTC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/03/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Phạm Sỹ Danh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản