Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3885/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 03 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CƯỠNG CHẾ THU HỒI NHÀ Ở THUỘC SỞ HỮU NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Nhà ở;

Căn cứ Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Nhà ở;

Theo nội dung Thông báo số 678/TB-VP ngày 17/11/2021 của Văn phòng UBND thành phố và đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 7928/TTr-SXD ngày 21 tháng 10 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp tổ chức triển khai thực hiện cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc các Sở, Ban, Ngành; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện; Giám đốc Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà Đà Nẵng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường, xã; Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- TTTU, TTHĐND thành phố;
- CT, các PCT UBND thành phố;
- Lưu: VT, ĐTĐT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Nam

 

QUY CHẾ PHỐI HỢP

TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CƯỠNG CHẾ THU HỒI NHÀ Ở THUỘC SỞ HỮU NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3885/QĐ-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương I      

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này hướng dẫn việc phối hợp tổ chức triển khai thực hiện cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được áp dụng sau khi UBND thành phố ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở.

2. Đối tượng áp dụng

a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, cá nhân người nước ngoài có liên quan sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

b) Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

Mọi hoạt động phối hợp phải trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của các bên tham gia Quy chế phối hợp này và tuân thủ quy định của pháp luật.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp cưỡng chế và biện pháp phối hợp cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc Sở hữu nhà nước

1. Nguyên tắc phối hợp cưỡng chế

a) Việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật;

b) Việc thực hiện cưỡng chế được thực hiện trong các ngày làm việc hành chính.

2. Biện pháp phối hợp cưỡng chế để thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước

a) Di chuyển người và tài sản (nếu có) ra khỏi nhà ở;

b) Các biện pháp khác theo quy định pháp luật.

Điều 4. Điều kiện phối hợp cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước

1. Người sử dụng nhà ở không chấp hành quyết định thu hồi nhà ở thuộc Sở hữu nhà nước sau khi Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà đã thông báo, vận động, thuyết phục.

2. Quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước có hiệu lực thi hành,

3. Quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân phường, xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi nhà ở bị thu hồi.

4. Người sử dụng nhà ở đã nhận được Quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước có hiệu lực thi hành.

Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà phối hợp cùng UBND phường (xã), Đội Kiểm tra Quy tắc đô thị quận (huyện) bàn giao Quyết định cưỡng chế. Trường hợp người sử dụng nhà ở không nhận Quyết định cưỡng chế thu hồi hoặc vắng mặt tại địa phương thì Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà chủ trì phối hợp với UBND cấp xã, phường lập biên bản ghi nhận sự việc.

Chương II

CƯỠNG CHẾ THU HỒI NHÀ Ở THUỘC SỞ HỮU NHÀ NƯỚC

Điều 5. Phương thức phối hợp trước và sau khi thực hiện cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước

1. Trước khi tiến hành cưỡng chế, Chủ tịch UBND quận, huyện quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Quy chế này. Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm chủ trì lập phương án cưỡng chế trình Ủy ban nhân dân quận, huyện phê duyệt; thực hiện cưỡng chế theo phương án đã được phê duyệt.

2. Sau khi hoàn thành việc cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản có xác nhận của các cơ quan, đơn vị liên quan tham gia thực hiện cưỡng chế và tiến hành bàn giao cho Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà quản lý, vận hành theo quy định.

Điều 6. Phương thức phối hợp thực hiện cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước khi không có người sử dụng nhà ở

1. Ban thực hiện cưỡng chế triển khai thực hiện cưỡng chế theo phương án đã được phê duyệt; trường hợp trong nhà ở có tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải thực hiện kiểm đếm tài sản, lập biên bản kiểm đếm vắng mặt, thực hiện đóng gói, niêm phong, bảo quản tài sản theo quy định.

2. Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển tài sản ra khỏi nhà ở và thông báo cho người có tài sản đến nhận lại tài sản (nếu có).

3. Trường hợp không có người đến nhận tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế giao tai sản cho Ủy ban nhân dân phường, xã bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật. Quá thời hạn 06 tháng sau khi cưỡng chế, người có tài sản nếu không đến nhận lại thì UBND phường, xã có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản đến Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để tiến hành xử lý tài sản theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Phương thức phối hợp thực hiện cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước khi có người sử dụng nhà ở.

1. Cưỡng chế thu hồi nhà ở khi có người sử dụng nhà ở nhưng người sử dụng vắng mặt khi thực hiện cưỡng chế.

a) Trước khi thực hiện cưỡng chế, Ban thực hiện cưỡng chế giao UBND phường, xã nơi triển khai cưỡng chế giới thiệu chỗ thuê nhà cho người bị cưỡng chế (nếu người bị cưỡng chế có nhu cầu), kinh phí thuê nhà do người bị cưỡng chế chi trả.

b) Ban thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế; nếu người, bị cưỡng chế chấp hành thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao nhà được thực hiện chậm nhất sau 10 (mười) ngày kể từ ngày lập biên bản.

c) Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế theo quy định Khoản b Điều này thì Ban thực hiện cưỡng chế tổ chức thực hiện cưỡng chế.

d) Ban thực hiện cưỡng chế triển khai thực hiện cưỡng chế theo phương án đã được phê duyệt; trường hợp trong nhà ở có tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải thực hiện kiểm đếm tài sản, lập biên bản kiểm đếm vắng mặt, thực hiện đóng gói, niêm phong, bảo quản tài sản theo quy định. Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển tài sản ra khỏi nhà ở và thông báo cho người có tài sản đến nhận lại tài sản.

Trường hợp không có người đến nhận tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế giao tài sản cho Ủy ban nhân dân phường, xã bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật. Quá thời hạn 06 tháng sau khi cưỡng chế, người có tài sản nếu không đến nhận lại thì UBND phường, xã có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản đến Bạn thực hiện cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để tiến hành xử lý tài sản theo quy định của pháp luật.

2. Cưỡng chế thu hồi nhà ở khi có người sử dụng nhà ở và người sử dụng có mặt khi thực hiện cưỡng chế

a) Trước khi thực hiện cưỡng chế, Ban thực hiện cưỡng chế giao UBND phường, xã nơi triển khai cưỡng chế giới thiệu chỗ thuê nhà cho người bị cưỡng chế (nếu người bị cưỡng chế có nhu cầu), kinh phí thuê nhà do người bị cưỡng chế chi trả.

b) Ban thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế; nếu người bị cưỡng chế chấp hành thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao nhà được thực hiện chậm nhất sau 10 (mười) ngày kể từ ngày lập biên bản.

c) Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế theo quy định Khoản b Điều này thì Ban thực hiện cưỡng chế tổ chức thực hiện cưỡng chế;

d) Ban thực hiện cưỡng chế có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan tự chuyển tài sản ra khỏi nhà ở; nếu không thực hiện thì Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người và tài sản ra khỏi nhà ở.

Trước khi di chuyển phải thực hiện kiểm đếm tài sản, Ban thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản, tổ chức thực hiện đóng gói, niêm phong tài sản theo quy định và thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản.

đ) Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế giao tài sản cho Ủy ban nhân dân phường, xã bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật. Quá thời hạn 06 tháng sau khi cưỡng chế, người có tài sản nêu không đến nhận lại thì UBND phường, xã có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản đến Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để tiến hành xử lý tài sản theo quy định của pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm của Sở Xây dựng

1. Chỉ đạo Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà phối hợp cùng UBND quận, huyện trong quá trình thực hiện cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

2. Kịp thời tiếp thu những vấn đề phát sinh, vướng mắc về quy trình, việc phối hợp cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kịp thời chỉ đạo, xử lý hoặc sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp với tình hình thực tế và quy định hiện hành.

3. Tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo đúng quy định của pháp luật

4. Định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Điều 9. Trách nhiệm của UBND quận, huyện

1. UBND quận, huyện ban hành quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Trong đó, thành phần gồm:

a) Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện là Trưởng ban;

b) Đại diện Lãnh đạo Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận, huyện là Phó Trưởng ban;

c) Đại diện Lãnh đạo Trung tâm Quản lý và khai thác nhà là thành viên

d) Các thành viên gồm đại diện các cơ quan: công an, tài chính, thanh tra, tư pháp, xây dựng quận, huyện; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường, xã nơi có nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; Ủy ban nhân dân phường, xã nơi có nhà ở và một số thành viên khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện quyết định.

2. Chỉ đạo UBND các xã, phường chủ động nghiên cứu hồ sơ các trường hợp thuộc diện cưỡng chế do Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà cung cấp trước khi thực hiện cưỡng chế, nắm bắt hoàn cảnh cụ thể của các trường hợp, chủ động tiến hành vận động tuyên truyền các trường hợp tự nguyện bàn giao. Nếu không chấp hành thì tiến hành công tác cưỡng chế, đảm bảo thời gian thực hiện công tác cưỡng chế theo quy định.

3. Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cưỡng chế, giải quyết khiếu nại liên quan đến việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật về khiếu nại và các điều kiện, phương tiện cần thiết phục vụ cho việc cưỡng chế; đề xuất UBND thành phố bố trí kinh phí cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, kinh phí bảo quản tài sản cưỡng chế theo quy định

4. Ủy ban nhân dân quận, huyện căn cứ vào quy định tại Quy chế này để xây dựng, ban hành kế hoạch phối hợp giữa các đơn vị có liên quan trong việc thực hiện.

5. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã nơi có nhà ở thuộc sở hữu nhà nước bị thu hồi có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện việc giao, niêm yết công khai quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; tham gia thực hiện cưỡng chế; niêm phong, di chuyển tài sản, bảo quản tài sản của người bị cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước.

6. Sau khi hoàn thành việc cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thì lập biên bản có xác nhận của các cơ quan, đơn vị liên quan tham gia thực hiện cưỡng chế và tiến hành bàn giao cho Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà quản lý, vận hành theo quy định

Điều 10. Trách nhiệm của Công an thành phố Đà Nẵng

Công an thành phố có trách nhiệm chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tham mưu, phối hợp với chính quyền các cấp tham gia quá trình cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước khi có yêu cầu theo đúng các quy định của pháp luật có liên quan. Chủ động xây dựng phương án, kế hoạch đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội trước, trong và sau quá trình tổ chức thi hành Quyết định cưỡng chế.

Điều 11. Trách nhiệm của Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng

1. Phối hợp cùng Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà; UBND các quận, huyện triển khai thực hiện trách nhiệm được giao tại Quyết định số 13/2019/QĐ-UBND ngày 14/02/2019 của UBND thành phố về việc ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

2. Chỉ đạo đơn vị cấp nước các quận, huyện thực hiện thanh lý hợp đồng cung cấp nước đối với các hộ gia đình có quyết định thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Điều 12. Trách nhiệm của Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng

1. Phối hợp cùng Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà; UBND các quận huyện triển khai thực hiện trách nhiệm được giao tai Quyết định số 13/2019/QĐ-UBND ngày 14/02/2019 của UBND thành phố về việc ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

2. Chỉ đạo các điện lực trực thuộc thực hiện thanh lý hợp đồng mua bán điện đối với các hộ gia đình có quyết định thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước

Điều 13. Trách nhiệm của Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà

1. Phối hợp UBND phường (xã), Đội Kiểm tra Quy tắc đô thị quận (huyện) bàn giao Quyết định cưỡng chế, trường hợp người sử dụng nhà ở không nhận Quyết định hoặc vắng mặt tại địa phương thì lập các thủ tục theo Khoản 4 Điều 4, Quy chế này.

2. Phối hợp với UBND các quận, huyện thực hiện cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước khi UBND các quận, huyện có yêu cầu.

3. Cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ liên quan của các trường hợp thuộc diện cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đến UBND các quận, huyện chậm nhất trước 05 ngày kể từ khi UBND thành phố ban hành Quyết định cưỡng chế.

4. Thực hiện tiếp nhận nhà ở thuộc sở hữu nhà nước sau khi hoàn thành việc cưỡng chế thu hồi

5. Tổng hợp, báo cáo về Sở Xây dựng, UBND thành phố sau khi thực hiện việc tiếp nhận bàn giao nhà ở sau cưỡng chế thu hồi.

Điều 14. Đại Phát thanh truyền hình Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng, Chuyên đề Công an thành phố Đà Nẵng

Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác tuyên truyền, thông tin các chủ trương chính sách của thành phố liên quan đến việc cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Điều 15. Lãnh đạo các Sở, ban, ngành chức năng của thành phố trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình chủ động phổ biến, quán triệt, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện nghiêm túc Quy chế này.

Điều 16. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh hoặc có những vướng mắc, các cơ quan, tổ chức và cá nhân phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kịp thời chỉ đạo, xử lý hoặc sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp với tình hình thực tế và quy định./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3885/QĐ-UBND năm 2021 về Quy chế phối hợp tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

  • Số hiệu: 3885/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/12/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Lê Quang Nam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/12/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản