Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3859/QĐ-BTNMT | Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2022 |
CÔNG BỐ CÁC SỰ KIỆN NGÀNH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG NĂM 2022.
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Quyết định số 2601/QĐ-BTNMT ngày 23 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Quy chế bình xét, công bố các sự kiện ngành tài nguyên và môi trường hằng năm;
Căn cứ Quyết định số 3306/QĐ-BTNMT ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thành lập Hội đồng bình xét sự kiện ngành tài nguyên và môi trường năm 2022;
Theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bình xét sự kiện ngành tài nguyên và môi trường năm 2022 và Chánh Văn phòng Bộ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Công bố các sự kiện ngành tài nguyên và môi trường năm 2022 ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Giao Văn phòng Bộ chủ trì, phối hợp Báo Tài nguyên và Môi trường, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, truyền thông các sự kiện ngành tài nguyên và môi trường năm 2022 theo quy định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Bộ, Tổng biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường, Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG |
CÁC SỰ KIỆN NGÀNH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG NĂM 2022
(Ban hành theo Quyết định số: /QĐ-BTNMT ngày tháng năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, trong đó đã xác định 05 quan điểm và 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết từ nay đến 2025 và đến 2030, trọng tâm là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển mới, với những yêu cầu cụ thể: Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; hoàn thiện cơ chế xác định giá đất; hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai; hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất; hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; xây dựng các quy định pháp luật đối với quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích.
Ngày 10/02/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã đề ra 04 quan điểm mới là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của ngành địa chất và khoáng sản trong giai đoạn mới, cụ thể: (1) Tiếp tục khẳng định tài nguyên địa chất, khoáng sản vừa là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia cần phải được quy hoạch, điều tra, thăm dò đầy đủ; được quản lý tập trung, thống nhất; khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả; (2) Điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản phải đi trước một bước, làm cơ sở xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu; (3) Công tác quản lý quy hoạch, điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản phải có tầm nhìn chiến lược, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cả trước mắt, trung và dài hạn; (4) Có sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả từ khâu quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác đến chế biến, sử dụng khoáng sản; đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại, theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẳng định được vị trí đặc biệt là một Bộ đa ngành quản lý nguồn lực đầu vào của nền kinh tế, có ảnh hưởng lớn đến quốc phòng, an ninh, gác cửa cho phát triển bền vững đất nước; tiếp cận các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh tài nguyên, an ninh sinh thái; tham mưu, giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước trên nhiều lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Bộ đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước về đổi mới chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, giai đoạn phát triển.
Nhân dịp Lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ (2002 - 2022), toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ngành tài nguyên và môi trường đã vinh dự nhận được Thư chúc mừng của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng. Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng của ngành đối với sự phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, Thủ tướng đã giao cho ngành tài nguyên và môi trường 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đặc biệt là tập trung hoàn thành hệ thống chính sách pháp luật; lập, phê duyệt các quy hoạch, chiến lược đảm bảo khả thi, định hình không gian phát triển đất nước với tầm nhìn dài hạn, phân bổ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên.
04. Thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”
Các mục tiêu được cụ thể hóa thông qua việc công bố Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Nhóm các đối tác quốc tế nhân dịp Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ASEAN-EU với gói tài chính tối thiểu đạt 15,5 tỷ USD được huy động trong giai đoạn từ 3 - 5 năm tới. Tại Hội nghị COP27, quốc tế đánh giá cao việc Việt Nam phê duyệt Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật, khẳng định có thể nâng tổng mức đóng góp về giảm phát thải lên mức 43,5%, tương đương với 403,7 triệu tấn CO2, vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường. Cùng nhiều cơ chế, chính sách, chiến lược ban hành và các hoạt động tham gia đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao Việt Nam là mẫu hình đi đầu về các hành động thích ứng biến đổi khí hậu.
Lần đầu tiên, Báo cáo đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo tại Việt Nam được công bố, khẳng định nước ta có nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời, năng lượng gió dồi dào nhất khu vực và hàng đầu thế giới; là cơ sở thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, dần thay thế năng lượng truyền thống, hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại các Hội nghị COP26, COP27.
05. Hệ thống cảnh báo sớm phát huy hiệu quả trong giảm nhẹ thiên tai
Trải qua năm 2022 với nhiều khác biệt và đặc thù, thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn thể hiện tính chất cực đoan nguy hiểm, số cơn bão, áp thấp nhiệt đới không nhiều hơn trung bình các năm trước nhưng đã xuất hiện siêu bão, các trận mưa lớn cường độ lớn và dồn dập gây áp lực cho các đô thị của nước ta. Việc chủ động cảnh báo, dự báo sớm đã giúp các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng tránh đã giảm thiệt hại ở mức thấp nhất do thiên tai, trong đó tác động cơn bão số 4 - cơn bão được xác định đạt cường độ siêu bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua trên khu vực Biển Đông.
Cơ quan đầu ngành khí tượng thủy văn Việt Nam đã vinh dự đón Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đến thăm, làm việc và đánh giá cao các thành tích đạt được của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam trong công tác dự báo, cảnh báo sớm, cũng như vai trò đóng góp đối với các nước trong khu vực và thế giới thông qua nhiều hoạt động quan trọng. Đồng thời, mong muốn Việt Nam với kinh nghiệm trong vận hành hệ thống cảnh báo sớm sẽ tích cực tham gia thực hiện mục tiêu trong 5 năm tới, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm ở các quốc gia, hướng tới một thế giới an toàn, bền vững.
06. Khung pháp lý, chính sách bảo vệ môi trường tiếp tục được hoàn thiện
Triển khai thi hành Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050... Theo thẩm quyền, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện các quy định chuyên ngành công tác bảo vệ môi trường. Qua đó, khung pháp lý, chính sách cho hoạt động bảo vệ môi trường bảo đảm tương thích, tổng thể, toàn diện, hài hòa với các hệ thống pháp luật khác, phù hợp với xu hướng phát triển; phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp cũng như cả hệ thống chính trị trong việc tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, từ hoạch định chính sách đến tổ chức, giám sát thực hiện.
Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V được tổ chức, đã xác định mục tiêu thực thi mạnh mẽ và hiệu quả các chủ trương, chiến lược, chính sách lớn về bảo vệ môi trường; đặt công tác bảo vệ môi trường vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững đất nước giai đoạn tới.
07. Hoàn thành nhiều quy hoạch, đề án, dự án trọng điểm quốc gia về tài nguyên nước
Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27/12/2022, trong đó quy định toàn diện, tích hợp nội dung của các ngành khai thác, sử dụng nước phù hợp định hướng, quan điểm xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia. Công bố Báo cáo tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016 - 2021, trong đó đã đánh giá, dự báo đến năm 2030 về nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh của nước ta (khoảng 122 tỷ m3/năm, tăng 1,5 lần so với hiện nay). Hoàn thành, trình Chính phủ Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn”, trong đó đã đánh giá đầy đủ, toàn diện, khoa học, chi tiết hiện trạng nước dưới đất và dữ liệu quản lý, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất bàn giao 17 đô thị lớn, trọng điểm của nước ta.
08. Kết nối Cơ sở dữ liệu đất đai và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Hệ thống đã được hoàn thành về cấu trúc, mô hình và nền tảng công nghệ thông tin để kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ cơ sở dữ liệu đất đai và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh. Theo đó, đã thực hiện thành công hàng nghìn giao dịch và khai thác, tra cứu, xác thực thông tin điện tử dữ liệu thông tin đất đai và dân cư đạt mức độ 4. Đến nay, 56 tỉnh, thành phố với 309 đơn vị hành chính cấp huyện, 4.267 đơn vị hành chính cấp xã, phường được kết nối với 18 trường nội dung thông tin nghiệp vụ đất đai và dân cư. Nâng cao hiệu quả vận hành của toàn Hệ thống, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an đã chính thức ký kết kết nối cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; ký kết Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2022 - 2026. Đây là một trong nhiều hoạt động nổi bật của tổng thể kết quả cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường và liên ngành được triển khai mạnh mẽ, toàn diện.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (COP15), Việt Nam cùng các quốc gia thành viên đã thống nhất thông qua Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Kunming - Montreal định hướng công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên toàn cầu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Nhiều địa phương tham gia các hoạt động quốc tế hướng đến phát triển bền vững, điển hình là đại diện lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng được bầu đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Mạng lưới các chính quyền địa phương của PEMSEA về phát triển bền vững vùng bờ (Mạng lưới PNLG) lần thứ 15; Thành phố Cần Thơ đại diện cho Việt Nam tham gia vòng Chung kết Chương trình Thành phố xanh toàn cầu (Global - OPCC) bên cạnh nhiều thành phố trên thế giới. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thành công và đặt dấu ấn đậm nét tại nhiều hội nghị, sự kiện quốc gia, quốc tế quan trọng; ký kết các chương trình hợp tác vì mục tiêu phát triển bền vững./.
- 1Quyết định 3144/QĐ-BTNMT năm 2017 về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 12-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế" do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 2Quyết định 1707/QĐ-BTNMT năm 2020 Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 3Quyết định 2652/QĐ-BTNMT công bố các sự kiện ngành tài nguyên và môi trường năm 2021 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 1Luật đất đai 2013
- 2Quyết định 2601/QĐ-BTNMT năm 2017 về Quy chế bình xét, công bố sự kiện ngành tài nguyên và môi trường hằng năm do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 3Quyết định 3144/QĐ-BTNMT năm 2017 về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 12-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế" do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 4Luật Bảo vệ môi trường 2020
- 5Quyết định 1707/QĐ-BTNMT năm 2020 Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 6Quyết định 2652/QĐ-BTNMT công bố các sự kiện ngành tài nguyên và môi trường năm 2021 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 7Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2022 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 8Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 9Nghị định 68/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- 10Quyết định 1622/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 3859/QĐ-BTNMT công bố các sự kiện ngành tài nguyên và môi trường năm 2022 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên
- Số hiệu: 3859/QĐ-BTNMT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 30/12/2022
- Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Người ký: Trần Hồng Hà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra