BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| Hà Nội, ngày 05 tháng 09 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VIỆN ĐIỀU TRA, QUY HOẠCH RỪNG
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Xét đề nghị của Viện trưởng Viện Điều tra, Quy hoạch rừng tại Văn bản số 190/ĐTQHR-TCHC ngày 03/7/2014 về đề xuất sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Điều tra, Quy hoạch rừng;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
1. Viện Điều tra, Quy hoạch rừng (sau đây gọi là Viện) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chức năng điều tra cơ bản tài nguyên rừng; quy hoạch, thiết kế rừng và đất lâm nghiệp; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; đào tạo và hợp tác quốc tế; tư vấn và dịch vụ về kỹ thuật lâm nghiệp trong phạm vi cả nước.
2. Viện có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng để hoạt động theo quy định của pháp luật.
Trụ sở chính của Viện đặt tại huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Kinh phí hoạt động của Viện được bố trí từ ngân sách nhà nước và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
3. Tên giao dịch Quốc tế: Forest Inventory and Planning Institute (viết tắt là FIPI).
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Xây dựng trình Bộ:
a) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án của ngành và của Viện về điều tra, quy hoạch rừng, đất lâm nghiệp, đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường rừng; tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt theo quy định;
b) Các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; định mức kinh tế, kỹ thuật; quy trình, quy phạm, hướng dẫn kỹ thuật thuộc nhiệm vụ được giao và theo quy định của pháp luật.
2. Về điều tra cơ bản:
a) Điều tra hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp; thống kê rừng, kiểm kê rừng và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng;
b) Điều tra phân vùng, đánh giá các nguồn tài nguyên động vật rừng, thực vật rừng;
c) Điều tra và theo dõi đa dạng sinh học, lập địa, các bon, môi trường rừng và biến đổi khí hậu;
d) Điều tra về tình hình kinh tế-xã hội, môi trường liên quan đến quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng tài nguyên rừng.
3. Về quy hoạch lâm nghiệp:
a) Quy hoạch tổng thể phát triển lâm nghiệp cấp quốc gia, vùng và địa phương;
b) Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng; quy hoạch hệ thống các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất; quy hoạch chế biến lâm sản;
c) Quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp;
d) Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội nông thôn miền núi;
đ) Quy hoạch bố trí sắp xếp ổn định dân cư miền núi; xây dựng nông thôn mới miền núi;
e) Quy hoạch hệ thống trang trại lâm nghiệp.
4. Về thiết kế lâm nghiệp:
a) Khảo sát, thiết kế giao đất, giao rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và rừng;
b) Thiết kế trồng, phục hồi, tu bổ và khai thác rừng; xây dựng phương án điều chế rừng, quản lý rừng bền vững;
c) Thiết kế và xây dựng các mô hình nông lâm ngư kết hợp;
d) Thiết kế hạ tầng lâm nghiệp và hạ tầng kinh tế-xã hội khu vực nông thôn.
5. Xây dựng, cập nhật, duy trì, quản lý cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng toàn quốc; tổng hợp tài liệu, số liệu về quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp, kết quả kiểm kê tài nguyên rừng cả nước phục vụ công tác quy hoạch, quản lý nhà nước về lâm nghiệp và công bố định kỳ theo quy định.
6. Về nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ:
a) Nghiên cứu, xây dựng nội dung, phương pháp quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; thống kê rừng, kiểm kê rừng và theo dõi diễn biến tài nguyên và môi trường rừng;
b) Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, hệ thống thông tin địa lý (GIS), viễn thám, bản đồ số và các công nghệ tiên tiến khác trong điều tra, quy hoạch rừng, giám sát, theo dõi biến động tài nguyên và môi trường rừng trong xây dựng các chương trình, dự án đầu tư, quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;
c) Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn về bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, môi trường rừng và biến đổi khí hậu;
d) Tham gia nghiên cứu đánh giá tác động và đề xuất cơ chế, chính sách phát triển ngành lâm nghiệp và kinh tế xã hội vùng, địa phương.
7. Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về điều tra, quy hoạch rừng theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng.
8. Hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế về điều tra, quy hoạch rừng, môi trường rừng, biến đổi khí hậu và phát triển lâm nghiệp; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thuộc nhiệm vụ được giao và theo quy định của pháp luật.
9. Chủ trì thực hiện các chương trình, dự án đầu tư vào Viện; các đề tài nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ liên quan đến điều tra, quy hoạch rừng theo phân công của Bộ trưởng và quy định của pháp luật.
10. Quyết định mời chuyên gia và các nhà khoa học nước ngoài vào Việt Nam và cử công chức, viên chức ra nước ngoài công tác theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
11. Quản lý, xây dựng và phát triển Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam.
12. Về tư vấn, dịch vụ và chuyển giao công nghệ:
a) Tư vấn thẩm định cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án, quy trình, quy phạm kỹ thuật về lâm nghiệp theo quy định;
b) Lập dự án xây dựng các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất; dự án phát triển lâm nghiệp; quy hoạch đa dạng sinh học, định giá rừng; lập hồ sơ chi trả dịch vụ môi trường rừng;
c) Xây dựng, chuyển giao các mô hình tổ chức sản xuất và phát triển nông lâm kết hợp; chuyển giao công nghệ viễn thám, bản đồ và công nghệ thông tin về lĩnh vực lâm nghiệp;
d) Đo đạc, xây dựng bản đồ địa hình, bản đồ địa chính, bản đồ giải thửa; in ấn tài liệu và bản đồ các loại theo quy định của pháp luật;
đ) Đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; chương trình, dự án điều tra, quy hoạch rừng và dự án đầu tư phát triển lâm nghiệp theo quy định của pháp luật;
e) Tư vấn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định;
g) Tư vấn thiết kế trồng rừng, khoanh nuôi, giao đất giao rừng, kiểm kê rừng.
13. Thông tin khoa học, công nghệ và môi trường; phát hành tạp chí, bản tin điện tử chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
14. Xây dựng trình Bộ đề án vị trí việc làm; quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức theo ngạch, số lượng viên chức theo chức danh nghề nghiệp và người lao động theo phân cấp quản lý của Bộ và quy định của pháp luật.
15. Quản lý tài chính, tài sản và các nguồn lực khác; tổ chức các hoạt động thu và thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật.
16. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
1. Lãnh đạo Viện:
a) Lãnh đạo Viện có Viện trưởng và không quá 03 Phó Viện trưởng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định;
b) Viện trưởng điều hành toàn bộ hoạt động của Viện, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trước pháp luật về các hoạt động của Viện; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Phòng, Phân viện, Trung tâm và Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam thuộc Viện (đối với các tổ chức có tư cách pháp nhân phải có ý kiến thẩm định của Bộ bằng văn bản trước khi ban hành); chỉ đạo xây dựng, trình Bộ phê duyệt và tổ chức thực hiện Quy chế Tổ chức và Hoạt động của Viện; bố trí công chức, viên chức, người lao động phù hợp với nhiệm vụ được giao và đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt;
c) Phó Viện trưởng giúp Viện trưởng theo dõi, chỉ đạo một số mặt công tác theo phân công của Viện trưởng và chịu trách nhiệm trước Viện trưởng, trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công phụ trách hoặc ủy quyền.
2. Các Phòng chuyên môn nghiệp vụ:
a) Văn phòng Viện;
b) Phòng Tổ chức cán bộ;
c) Phòng Kế hoạch Tài chính;
d) Phòng Đào tạo và Hợp tác Quốc tế;
đ) Phòng Khoa học, Công nghệ và Môi trường;
e) Phòng Quản lý Thông tin và Cơ sở dữ liệu.
3. Các Phân viện:
a) Phân viện Điều tra, Quy hoạch rừng Đông Bắc Bộ, trụ sở đặt tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc;
b) Phân viện Điều tra, Quy hoạch rừng Tây Bắc Bộ, trụ sở đặt tại huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội;
c) Phân viện Điều tra, Quy hoạch rừng Bắc Trung Bộ, trụ sở đặt tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An;
d) Phân viện Điều tra, Quy hoạch rừng Trung Trung Bộ, trụ sở đặt tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế;
đ) Phân viện Điều tra, Quy hoạch rừng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, trụ sở đặt tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định;
e) Phân viện Điều tra, Quy hoạch rừng Nam Bộ, trụ sở đặt tại quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.
4. Các Trung tâm:
a) Trung tâm Tài nguyên và Môi trường lâm nghiệp, trụ sở đặt tại huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội;
b) Trung tâm Viễn thám và Công nghệ thông tin, trụ sở đặt tại quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội;
c) Trung tâm Tư vấn và Phát triển Lâm nghiệp, trụ sở đặt tại huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
5. Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam, trụ sở đặt tại huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Các Tổ chức quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5 Điều 3 có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng để hoạt động theo quy định của pháp luật.
Phòng, Phân viện, Trung tâm và Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam có cấp trưởng và không quá 02 cấp phó. Lãnh đạo cấp trưởng và cấp phó của các Phòng, Phân viện, Trung tâm và Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam được bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Bãi bỏ Quyết định số 276/QĐ-TCLN ngày 16/9/2010 của Tổng cục Lâm nghiệp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Điều tra, Quy hoạch rừng.
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
1. Viện trưởng Viện Điều tra, Quy hoạch rừng có trách nhiệm tiếp nhận nguyên trạng nhân sự, trụ sở, tài sản, tài chính, phương tiện, trang thiết bị và các nguồn lực khác của Viện Điều tra, Quy hoạch rừng từ Tổng cục Lâm nghiệp ngay sau khi Quyết định này có hiệu lực thi hành; đăng ký hoạt động của Viện với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
2. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Viện trưởng Viện Điều tra, Quy hoạch rừng và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 276/QĐ-TCLN năm 2010 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Điều tra quy hoạch rừng trực thuộc Tổng Cục lâm nghiệp do Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp ban hành
- 2Quyết định 487/QĐ-BNN-TCCB năm 2007 về định mức lao động điều tra quy hoạch rừng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 1Quyết định 487/QĐ-BNN-TCCB năm 2007 về định mức lao động điều tra quy hoạch rừng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Nghị định 199/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 3Quyết định 999/QĐ-TTg năm 2014 về danh sách đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 3818/QĐ-BNN-TCCB năm 2014 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Điều tra, Quy hoạch rừng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 3818/QĐ-BNN-TCCB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 05/09/2014
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Cao Đức Phát
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 05/09/2014
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực