Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3807/2007/QĐ-UBND | Thanh Hoá, ngày 06 tháng 12 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY ĐỊNH GIA ĐÌNH HIẾU HỌC, GIA ĐÌNH HIẾU HỌC TIÊU BIỂU, DÒNG HỌ HIẾU HỌC, KHU DÂN CƯ HIẾU HỌC VÀ THẨM QUYỀN CÔNG NHẬN CÁC DANH HIỆU ĐÓ”
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật giáo dục năm 2005;
Căn cứ Chỉ thị 11 CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”;
Căn cứ Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg ngày 18/05/2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án Xây dựng đề án xây dựng XHHT;
Căn cứ Chỉ thị số 02- CT/TU ngày 28-2-2006 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH”;
Theo đề nghị của Liên ngành: Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học tỉnh tại Tờ trình số 71 LN/SGD&ĐT-HKH ngày 03/8/2007 và văn bản thẩm định số: 661/STP-VB ngày 10/8/2007 của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định Gia đình hiếu học, Gia đình hiếu học tiêu biểu, Dòng họ hiếu học, Khu dân cư hiếu học và thẩm quyền công nhận các danh hiệu đó”.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh và các ngành, các địa phương có liên quan tổ chức triển khai và tiến hành theo dõi, kiểm tra, sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố và Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ GIA ĐÌNH HIẾU HỌC, GIA ĐÌNH HIẾU HỌC TIÊU BIỂU, DÒNG HỌ HIẾU HỌC, KHU DÂN CƯ HIẾU HỌC VÀ THẨM QUYỀN CÔNG NHẬN CÁC DANH HIỆU ĐÓ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 3807/2007/QĐ-UBND ngày 06/12/2007 của UBND tỉnh Thanh Hóa)
Điều 1. Vai trò của Gia đình hiếu học, khu dân cư và dòng họ hiếu học.
Gia đình hiếu học là tế bào và là thành tố của xã hội học tập. Việc xây dựng Gia đình hiếu học, khu dân cư và dòng họ hiếu học nhằm phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, tạo cơ sở bền vững cho phát triển sự nghiệp giáo dục và xây dựng xã hội học tập.
Điều 2. Các tiêu chí Gia đình hiếu học.
Các Gia đinh đăng ký phấn đấu gia đình hiếu học nếu đồng thời đạt cả 3 tiêu chí sau đây thì được công nhận là Gia đình hiếu học cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn).
1. Tất cả con em trong gia đình ở tuổi đi học (trừ trẻ em tàn tật nặng hoặc bị mất trí) đều được đến trường học tập và học liên tục để đạt phổ cập bậc trung học (THPT, THBT, THCN) hoặc tốt nghiệp THCS phải được đào tạo nghề, đạt kết quả từ trung bình trở lên, đạo đức đạt loại khá hoặc tốt, không mắc tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật.
2. Người lớn tuổi trong gia đình (trừ người già yếu, ốm đau) đều có kế hoạch, nội dung và hình thức học tập phù hợp, thường xuyên có hiệu quả để không ngừng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, nâng cao chất lượng cuộc sống.
3. Các thành viên trong gia đình tích cực tham gia công tác khuyến học, vận động người khác học tập, không tham gia vào các tiêu cực trong thi cử, có quan hệ tốt với cộng đồng và chấp hành tốt chính sách pháp luật; xây dựng gia đình hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ.
Khái niệm gia đình nói trong văn bản này bao gồm bố mẹ và các con.
Điều 3. Các tiêu chí công nhận gia đình hiếu học tiêu biểu cấp huyện.
Những gia đình đã được công nhận là Gia đình hiêú học cấp cơ sở nếu đạt một trong các tiêu chí sau đây thì được công nhận Gia đình hiếu học tiêu biểu cấp huyện.
1. Gia đình hiếu học sản xuất, kinh doanh giỏi: là các gia đình hiếu học biết vận dụng kiến thức học tập được vào sản xuất kinh doanh và trở thành gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi, được công nhận là gia đình sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện trở lên hoặc hộ đạt mức thu nhập 50 triệu đồng/năm/hộ trở lên.
2. Gia đình hiếu học sáng tạo: Là gia đình nhờ việc học tập mà có kiến thức để sáng tạo kỹ thuật, có sáng kiến kinh nghiệm có giá trị đem lại hiệu quả tốt, được cấp huyện trở lên công nhận.
3. Gia đình tú tài: Là gia đình hiếu học có tất cả các thành viên (trừ người già yếu, ốm đau, tàn tật) đều tốt nghiệp bậc Trung học (THPT, TCCN, THBT), đạo đức tốt; sau khi tốt nghiệp bậc trung học tiếp tục được đào tạo nghề nghiệp.
4. Gia đình cử nhân: là gia đình hiếu học có các thành viên (trừ người già, người tàn tật hoặc ốm đau) đều học xong bậc đại học, cao đẳng, đạo đức tốt.
5. Gia đình tiến sĩ: là gia đình có ít nhất một người có bằng tiến sỹ; các thành viên còn lại của gia đình có bằng cử nhân và thạc sỹ (trừ người già, ốm đau, tàn tật).
6. Gia đình hiếu học vượt khó thành đạt: Là gia đình trước đây thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn, đói nghèo nhưng do nhận thức đúng về việc học, biết vượt qua khó khăn về kinh tế, bệnh tật nuôi chí học tập và thành đạt; các thành viên được đào tạo nghề, đạo đức tốt. Nay gia đình đã thoát khỏi đói nghèo; đời sống đã ổn định, vững vàng.
Điều 4. Các tiêu chí công nhận gia đình hiếu học tiêu biểu cấp tỉnh.
Những gia đình đã được công nhận là Gia đình hiêú học tiêu biểu cấp huyện nếu đạt một trong các tiêu chí sau đây thì được công nhận Gia đình hiếu học tiêu biểu cấp tỉnh.
1. Gia đình hiếu học sản xuất kinh doanh giỏi: Là gia đình biết đem kết quả việc học để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, thu nhập từ 70 triệu/năm trở lên hoặc được công nhận là gia đình sản xuất giỏi cấp tỉnh.
2. Gia đình hiếu học sáng tạo: Là gia đình có thành viên biết đem kết quả việc học để sáng tạo và ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, đời sống được các ngành chức năng, các tổ chức kinh tế xã hội từ cấp tỉnh trở lên công nhận. Các thành viên khác trong gia đình đều có trình độ nghề nghiệp và có ý thức lao động sáng tạo.
3. Gia đình cử nhân:
Tất cả các thành viên trong gia đình (trừ người già, yếu, tàn tật, bệnh tật) đã tốt nghiệp đại học, đạo đức tốt.
4. Gia đình Tiến sỹ:
Hầu hết các thành viên của gia đình đều có bằng Tiến sỹ hoặc ít nhất có 2/3 số thành viên của gia đình (trừ người cao tuổi, tàn tật, bệnh tật) có bằng tiến sỹ. Số thành viên còn lại có bằng cử nhân và thạc sỹ.
5) Các Gia đình hiếu học vượt khó thành đạt: Là gia đình xuất phát điểm rất nghèo khó và có những hoàn cảnh đặc biệt, nhưng do phấn đấu, nỗ lực học tập, tu dưỡng mà thành đạt, các thành viên đã được đào tạo từ trình độ trung cấp chuyên nghiệp nghề trở lên (trừ người già, bệnh tật), đạo đức tốt, có việc làm ổn định, thoát được đói nghèo, thu nhập khá.
Điều 5. Các tiêu chí công nhận dòng họ hiếu học.
Các Dòng họ đã đăng ký xây dựng Dòng họ hiếu học và đã đạt đồng thời cả 5 tiêu chí sau đây thì được công nhận là Dòng họ hiếu học.
1. Hầu hết các thành viên trong dòng họ (khoảng 90% số hộ trở lên) nhận thức tốt việc học và chăm lo giáo dục con cháu, xây dựng truyền thống hiếu học và tham gia tốt công tác khuyến học. Có sự giúp đỡ lẫn nhau trong việc học, nhất là các gia đình nghèo, chăm lo cho con cháu học hành thành đạt. Có chi hội hoặc ban khuyến học dòng họ hoạt động toàn diện, thường xuyên, có hiệu quả tốt.
2 Hầu hết các con cháu trong dòng họ (trên 95% số cháu trong độ tuổi, trừ người tàn tật nặng và mất trí) đều học liên tục đạt phổ cập bậc trung học hoặc đào tạo nghề sau THCS. Số học sinh giỏi tăng, số học sinh đậu vào các trường nghề, TCCN, CĐ, ĐH liên tục tăng, không có con cháu mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật và tiêu cực trong thi cử. Số con cháu do học tập mà có nghề nghiệp, việc làm ổn định, thành đạt ngày càng nhiều.
3. Có trên 70% số người lớn đi học ở các TTHTCĐ hoặc lựa chọn hình thức học tập hữu ích, góp sức xây dựng TTHTCĐ.
4. Số gia đình đăng ký và số hộ được công nhận Gia đình hiếu học tăng qua từng năm; ít nhất có trên 50% số hộ trong dòng họ đăng ký xây dựng GĐHH và có ít nhất 50% số hộ đã đăng ký được công nhận gia đình hiếu học. Chi hội hoặc ban khuyến học dòng họ có sổ vàng truyền thống hiếu học ghi danh các gia đình hiếu học
5. Có quỹ khuyến học ngày càng tăng. Đến năm 2010 phải đạt mức 11.000đồng/khâủ (miền xuôi); 8.000 đ/khẩu (miền núi thấp), 6000đ/khẩu (miền núi cao) trở lên. Dòng họ có nhiều hình thức tôn vinh người học giỏi và người thành đạt.
Điều 6. Các tiêu chí công nhận Khu dân cư hiếu học (làng, bản, khu phố).
Các Khu dân cư đăng ký xây dựng Khu dân cư hiếu học và đạt đồng thời cả 5 tiêu chí sau đây thì được công nhận là Khu dân cư hiếu học.
1. Hầu hết các hộ gia đình trong khu dân cư (thôn xóm, làng bản, khu phố...) nhận thức tốt về việc học, chăm lo giáo dục con cháu; biết gắn việc học với xây dựng đời sống văn hoá và phát triển kinh tế; đồng lòng xây dựng truyền thống hiếu học và tham gia tốt công tác khuyến học. Khu dân cư có chi hội khuyến học hoạt động toàn diện, thường xuyên và có hiệu quả. Thực hiện thành nền nếp, linh hoạt các hoạt động quản lý, giáo dục học sinh ở khu dân cư: các gia đình có góc học tập cho học sinh; có tiếng trống, tiếng kẻng báo giờ học buổi tối; tổ chức sinh hoạt văn hoá, thể thao, các hoạt động xã hội hữu ích trong dịp hè và ngày lễ, tết; có tủ sách cho học sinh đọc; có các hình thức giáo dục trẻ em về đạo đức, lối sống; không có học sinh mắc TNXH và vi phạm pháp luật (nếu trước đây đã có thì giúp để thoát khỏi TNXH và tiến bộ về đạo đức), không có học sinh tiêu cực trong thi cử, có mối liên hệ tốt với các nhà trường để phối hợp trong việc giáo dục học sinh.
2. Có trên 95% số con cháu trong độ tuổi (trừ trẻ tàn tật nặng và mất trí) đều học liên tục để đạt trình độ phổ cập trung học hoặc học xong THCS được tiếp tục học nghề; số học sinh đậu vào các trường nghề, TCCN, CĐ, ĐH qua các năm liên tục tăng và số thanh niên có việc làm ngày càng nhiều.
3. Có trên 70% số người lớn tuổi tham gia học tập hữu ích tại các TTHTCĐ hoặc lựa chọn hình thức học tập phù hợp; phối hợp với trung tâm tổ chức tốt các lớp học ở khu dân cư, góp phần xây dựng TTHTCĐ của xã, phường, thị trấn.
4. Số gia đình đăng ký đạt danh hiệu Gia đình hiếu học tăng qua từng năm, ít nhất có trên 50 % tổng số hộ đăng ký xây dựng Gia đình hiếu học và có khoảng trên 1/2 số đã đăng ký được công nhận Gia đình hiếu học. Chi hội có sổ vàng truyền thống hiếu học ghi chép đầy đủ các Gia đình hiếu học.
5. Có quỹ khuyến học ngày càng nhiều; đến năm 2010 phải đạt mức trên 11.000 đồng/ khẩu (MX) với trên 8000đ/khẩu (miền núi thấp) và 6000đ/khẩu trở lên (miền núi cao). Sử dụng quỹ khuyến học đúng mục đích, công khai minh bạch, giúp đỡ được nhiều học sinh thuộc gia đình nghèo vượt qua khó khăn học tập tốt; có các hình thức tôn vinh người học giỏi và thành đạt.
Điều 7. Khu dân cư và Dòng họ đã được công nhận là Khu dân cư và Dòng họ hiếu học, nếu đạt ở mức độ cao hơn các tiêu chí đã nêu ở điều 5 và điều 6 thì được công nhận là Khu dân cư và Dòng họ hiếu học tiêu biểu.
Điều 8. Thẩm quyền công nhận và cấp giấy công nhận.
1. Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn căn cứ vào kết quả bình xét của Hội Khuyến học cơ sở và MTTQ để xét công nhận, cấp giấy công nhận, ghi danh sổ vàng truyền thống hiếu học các gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và khu dân cư hiếu học mỗi năm một lần.
2. Chủ tịch UBND cấp huyện căn cứ vào đề nghị của Chủ tịch UBND cấp xã, Hội Khuyến học huyện và Phòng Giáo dục cấp huyện để xét công nhận, cấp giấy công nhận gia đình hiếu học tiêu biểu, khu dân cư, dòng họ hiếu học tiêu biểu và ghi danh vào sổ vàng truyền thống hiếu học cấp huyện hai năm một lần.
3. Chủ tịch UBND tỉnh căn cứ vào đề nghị của Chủ tịch UBND cấp huyện, Hội Khuyến học tỉnh và Sở Giáo dục- Đào tạo để xét cấp giấy công nhận gia đình hiếu học tiêu biểu, khu dân cư, dòng họ hiếu học tiêu biểu và ghi danh vào truyền thống hiếu học cấp tỉnh hai năm một lần..
4. Các đại biểu được bầu là đại biểu dự đại hội gia đình hiếu học tiêu biểu, dòng họ và khu dân cư hiếu học tiêu biểu được UBND cùng cấp xét khen thưởng.
Điều 9. Việc mở Đại hội gia đình hiếu học, khu dân cư và dòng họ hiếu học tiêu biểu.
1. UBND xã, phường, thị trấn trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức Đại hội gia đình hiếu học (hoặc gia đình hiếu học tiêu biểu), dòng họ hiếu học và khu dân cư hiếu học 3 năm một lần với sự tham mưu của Hội Khuyến học và UBMTTQ xã, phường, thị trấn.
2. UBND huyện, thị, thành phố trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức Đại hội gia đình hiếu học tiêu biểu, dòng họ hiếu học, khu dân cư hiếu học tiêu biểu 3 năm một lần với sự tham mưu của Hội Khuyến học, Phòng Giáo dục và UBMTTQ huyện, thị, thành phố.
3. UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức Đại hội gia đình hiếu học tiêu biểu, dòng họ hiếu học và khu dân cư hiếu học tiêu biểu 5 năm một lần với sự tham mưu của Hội Khuyến học tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo và ủy ban MTTQ tỉnh.
Điều 10. Tổ chức thực hiện.
1. Hội Khuyến học các cấp phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động thường xuyên đến các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ và khu dân cư hiếu học, các tiêu chí gia đình hiếu học, gia đình hiếu học tiêu biểu, khu dân cư và dòng họ hiếu học để xây dựng XHHT, chấn hưng giáo dục, xã hội hoá giáo dục phục vụ cho sự nghiệp CNH-HĐH tỉnh nhà. Các báo, đài địa phương có chuyên mục giới thiệu chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng XHHT, giới thiệu các điển hình về gia đình hiếu học tiêu biểu, khu dân cư và dòng họ hiếu học tiêu biểu.
2. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ, sự chỉ đạo thường xuyên của các cấp chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ với UBMTTQ, các đoàn thể chính trị- xã hội, nghề nghiệp, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang; trong đó Hội Khuyến học giữ vai trò nòng cốt.
3. Tất cả các cấp chính quyền trong tỉnh đều in giấy công nhận gia đình hiếu học, gia đình hiếu học tiêu biểu, khu dân cư hiếu học, dòng họ hiếu học; dòng họ, khu dân cư hiếu học tiêu biểu và sổ vàng truyền thống hiếu học theo mẫu thống nhất chung cho cả tỉnh.
4. Sở Tài chính đưa vào kế hoạch dự toán ngân sách cho cả 3 cấp về hỗ trợ kinh phí để in giấy công nhận và sổ vàng truyền thống hiếu học; kinh phí mở Đại hội biểu dương báo cáo UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh.
Điều 11. Quy định này được áp dụng thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh. Các địa phương, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị vận dụng sáng tạo phù hợp với từng nơi nhằm đem lại kết quả cao nhất. Hàng năm, Liên ngành Hội Khuyến học tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp tình hình thực hiện Quy định này trong toàn tỉnh báo cáo và đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh để bổ sung những nội dung mới, nhất là các tiêu chí cho phù hợp với sự phát triển của tình hình thực tế ở tỉnh ta. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc cần thông tin trực tiếp về Thường trực Hội Khuyến học tỉnh để được hướng dẫn./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 01/2013/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 577/2004/QĐ-UB quy định công nhận Gia đình hiếu học trong phong trào Toàn xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Lào Cai
- 2Quyết định 577/2004/QĐ-UB về Quy định công nhận danh hiệu "Gia đình hiếu học" trong phong trào "Toàn xã hội học tập" trên địa bàn tỉnh Lào Cai
- 1Quyết định 112/2005/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật Giáo dục 2005
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Quyết định 01/2013/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 577/2004/QĐ-UB quy định công nhận Gia đình hiếu học trong phong trào Toàn xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Lào Cai
- 5Quyết định 577/2004/QĐ-UB về Quy định công nhận danh hiệu "Gia đình hiếu học" trong phong trào "Toàn xã hội học tập" trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Quyết định 3807/2007/QĐ-UBND ban hành “Quy định Gia đình hiếu học, Gia đình hiếu học tiêu biểu, Dòng họ hiếu học, Khu dân cư hiếu học và thẩm quyền công nhận các danh hiệu đó” do Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành
- Số hiệu: 3807/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 06/12/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Người ký: Vương Văn Việt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra