Hệ thống pháp luật

BAN BÍ THƯ
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 38-QĐ/TW

Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 1988

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC CỦA BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG,

I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG

Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu chiến lược của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nội chính.

Ban giúp Ban Bí thư theo dõi, kiểm tra các ngành và các cơ quan: kiểm sát, toà án, tư pháp, công an, hải quan, thanh tra, trọng tài kinh tế, Hội Luật gia Việt Nam và công tác lập pháp của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

Ban Nội chính Trung ương có những nhiệm vụ cụ thể sau đây:

1- Nghiên cứu, đề xuất những vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách về lĩnh vực nội chính.

Căn cứ vào chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Nội chính Trung ương có trách nhiệm nghiên cứu, chuẩn bị, hoặc tham gia chuẩn bị các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư bàn và quyết định về công tác nội chính thuộc trách nhiệm được phân công.

Nghiên cứu, đề xuất và theo dõi, kiểm tra việc thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước.

Trên cơ sở tổng kết tình hình thực tế, Ban nghiên cứu, đề xuất kịp thời với Trung ương những vấn đề lớn về nội chính.

Đối với các đề án và các dự thảo luật, pháp lệnh do các cơ quan chuẩn bị trình Ban Bí thư, Bộ Chính trị về lĩnh vực nội chính, Ban có trách nhiệm chủ động phối hợp tham gia nghiên cứu ngay từ đầu, thẩm tra dự án trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Đối với các đề án do Ban được phân công chuẩn bị, Ban cần phối hợp với các ban, ngành, các địa phương có liên quan cùng tham gia nghiên cứu và xin ý kiến của Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

2- Giúp Ban Bí thư theo dõi, kiểm tra các cấp, các ngành, trước hết là các ngành trong khối nội chính chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực nội chính; kịp thời phát hiện ưu điểm để phát huy, những lệch lạc để uốn nắn, hoặc đề nghị Ban Bí thư uốn nắn.

Đối với những việc làm trái chỉ thị, nghị quyết, Ban báo cáo kịp thời với Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Qua kiểm tra, Ban đề xuất những vấn đề cần bổ sung chủ trương, chính sách và kiến nghị các biện pháp thúc đẩy thi hành nghị quyết.

Đối với những vụ vi phạm, phạm tội nghiêm trọng, nếu các ngành chức năng, hoặc giữa địa phương với các ngành trung ương có ý kiến khác nhau, đã bàn bạc nhiều lần vẫn không nhất trí về những vấn đề chủ yếu, phải xin ý kiến Ban Bí thư, thì Ban có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất với Ban Bí thư hướng giải quyết. Nếu được Ban Bí thư giao, Ban chủ trì cùng các ngành xem xét và quyết định theo pháp luật.

Đối với các vụ án quan trọng được Ban Bí thư giao theo dõi, Ban phải kiểm tra, đôn đốc các ngành chức năng làm đúng chỉ thị của Ban Bí thư.

3- Làm tốt công tác tổ chức, cán bộ và xây dựng đảng theo quy chế của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Ban có trách nhiệm tổng hợp tình hình đội ngũ cán bộ các ngành trong khối và cơ quan Ban, đề xuất những chủ trương về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và chính sách đãi ngộ cho phù hợp.

Ban theo dõi, đôn đốc thực hiện và tham gia xây dựng quy hoạch cán bộ của các ngành trong khối.

Ban thẩm tra và phát biểu ý kiến của mình về danh sách cán bộ trong khối do các ngành đề nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về bố trí, đề bạt.

Ban thường xuyên kiểm tra công tác tổ chức cán bộ ở các ngành do Ban theo dõi.

Những vấn đề về tổ chức bộ máy của các ngành phải trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước, Ban góp ý kiến với các ngành trong quá trình chuẩn bị, phát biểu ý kiến với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước trước khi quyết định.

Lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương có trách nhiệm phối hợp với đảng uỷ khối cơ quan nội chính trung ương, giúp đảng uỷ cơ quan các ngành quán triệt và thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Trung ương; về xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh và ban chấp hành đảng bộ, trước hết là kiện toàn bí thư đảng uỷ các cơ quan và tạo thuận lợi cho đảng uỷ khối hoạt động.

4- Ban Nội chính Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn về nghiệp vụ và cùng Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn về tổ chức cho các Ban Nội chính địa phương.

Ban Nội chính Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức về các lĩnh vực nội chính, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, góp ý kiến với Ban Nội chính địa phương và duy trì thông tin hai chiều.

Khi cần, có thể mở hội nghị bàn chuyên đề về công tác nội chính.

II. VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ CÁN BỘ CỦA BAN

Lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương có trưởng ban và một số phó trưởng ban.

Ban làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp với chế độ làm việc tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân. Trưởng ban chịu trách nhiệm trước Trung ương về toàn bộ công việc của Ban được Trung ương giao. Các phó trưởng ban chịu trách nhiệm trước trưởng ban và trước Trung ương về từng lĩnh vực công tác được phân công.

Ban liên hệ với các ban, ngành liên quan theo đúng quy định của Ban Bí thư, trong quy chế làm việc của các ban Đảng.

Tổ chức bộ máy và biên chế của Ban phải gọn, nhẹ, coi trọng chất lượng, gồm những cán bộ thực sự có phẩm chất và năng lực, quán triệt tinh thần đổi mới của Nghị quyết Đại hội VI, nắm vững và kiên quyết thi hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, thực hiện công bằng xã hội, có năng lực nghiên cứu tổng hợp, có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác được giao, nắm vững nguyên tắc tổ chức của Đảng, biết làm công tác tổ chức - cán bộ và xây dựng đảng.

Theo nhu cầu công tác, Ban có thể đề nghị với Ban Bí thư điều động về Ban những cán bộ đủ khả năng đảm nhiệm nhiệm vụ.

Ngoài số cán bộ trong biên chế, Ban được thực hiện chế độ sử dụng cộng tác viên đủ tiêu chuẩn thường xuyên hoặc từng thời gian phục vụ công tác nghiên cứu của Ban.

Trong điều hành công tác, lãnh đạo Ban từng bước thực hiện chế độ chuyên viên.

Để bảo đảm nhiệm vụ của Ban hiện nay, cơ cấu tổ chức của Ban như sau:

- Vụ I (khối an ninh, biên phòng).

- Vụ II (cảnh sát, hải quan).

- Vụ III (kiểm sát, toà án, thanh tra, trọng tài kinh tế).

- Vụ IV (Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, công tác lập pháp của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước).

- Vụ Tổ chức - Tổng hợp.

- Văn phòng Ban (hành chính - quản trị).

Ban Nội chính Trung ương nghiên cứu và bàn thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương về biên chế cán bộ, nhân viên của Ban.

Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương, Ban Tài chính - Quản trị Trung ương, các tỉnh uỷ, thành uỷ, đặc khu uỷ, các ngành trung ương có trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này thay cho Quyết định số 48-QĐ/TW ngày 17-9-1979 của Ban Bí thư.

 

 

T/M BAN BÍ THƯ




Đỗ Mười

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 38-QĐ/TW năm 1988 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của Ban Nội chính Trung ương do Ban Bí thư ban hành

  • Số hiệu: 38-QĐ/TW
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/01/1988
  • Nơi ban hành: Ban Bí thư
  • Người ký: Đỗ Mười
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/01/1988
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản