Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/2013/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 09 tháng 7 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ HỘ CHIẾU NGOẠI GIAO, HỘ CHIẾU CÔNG VỤ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 65/2012/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007;

Căn cứ Quyết định số 58/2012/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng và quản lý hộ chiếu ngoại giao, công vụ;

Theo đề nghị của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tại công văn số 674/VPUB-NV ngày 08 tháng 5 năm 2013;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; gồm 3 Chương, 9 Điều.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Thanh

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ HỘ CHIẾU NGOẠI GIAO, HỘ CHIẾU CÔNG VỤ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 09 tháng 7 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định việc sử dụng và quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ (sau đây gọi chung là hộ chiếu) ở trong và ngoài nước của cán bộ, công chức thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cán bộ, công chức được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ theo quy định tại Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (sau đây gọi là Nghị định 136) và Nghị định số 65/2012/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136 (sau đây gọi là Nghị định 65); cụ thể:

a) Người được cấp hộ chiếu ngoại giao gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh;

b) Người được cấp hộ chiếu công vụ gồm: cán bộ, công chức trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đang làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị dưới đây:

- Sở, ban, ngành, các hội chính trị xã hội - nghề nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

- Người đứng đầu trong các đơn vị sự nghiệp công lập được cơ quan có thẩm quyền của cơ quan Nhà nước thành lập, quản lý theo quy định của pháp luật.

- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí hoạt động trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

- Người giữ các vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước.

2. Cơ quan có thẩm quyền hoặc cho phép cử cán bộ, công chức đi công tác nước ngoài theo quy định tại Điều 32 Nghị định 136, được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định 65 (sau đây gọi là cơ quan chủ quản) là Ủy ban nhân dân tỉnh (Chủ tịch, Phó Chủ tịch).

3. Cơ quan trực tiếp thực hiện quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ của cán bộ, công chức thuộc các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 2 là Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh (sau đây gọi là cơ quan quản lý hộ chiếu).

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Nguyên tắc sử dụng, quản lý hộ chiếu

1. Hộ chiếu là tài sản của Nhà nước Việt Nam. Việc sử dụng, quản lý hộ chiếu phải được thực hiện theo quy định tại Quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan. Việc sử dụng hộ chiếu không được gây thiệt hại cho uy tín và lợi ích của Nhà nước Việt Nam.

2. Cá nhân, tổ chức có hành vi sử dụng, quản lý hộ chiếu sai quy định thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 4. Thời hạn sử dụng của hộ chiếu

Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp. Nếu hộ chiếu còn giá trị dưới 6 tháng thì được gia hạn một lần, tối đa không quá 3 năm; khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới.

Điều 5. Trách nhiệm của người được cấp hộ chiếu

1. Có trách nhiệm giữ gìn và bảo quản hộ chiếu cẩn thận, không được tẩy xoá, sửa chữa nội dung trong hộ chiếu, không được cho người khác sử dụng, không được sử dụng trái với pháp luật Việt Nam.

2. Chỉ được sử dụng một loại hộ chiếu còn giá trị sử dụng cho mỗi chuyến đi công tác nước ngoài phù hợp với quyết định cử đi công tác và tính chất công việc thực hiện ở nước ngoài, trừ trường hợp đặc biệt theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.

3. Phải khai báo về việc mất hộ chiếu theo quy định như sau:

a) Nếu người đang ở trong nước thì phải khai báo ngay bằng văn bản với cơ quan cấp hộ chiếu và cơ quan cử mình ra nước ngoài;

b) Nếu người đang ở nước ngoài thì phải khai báo ngay bằng văn bản với cơ quan có thẩm quyền nước sở tại và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi gần nhất.

4. Trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhập cảnh Việt Nam sau khi kết thúc chuyến công tác ở nước ngoài, phải nộp lại hộ chiếu cho cơ quan quản lý hộ chiếu, trừ trường hợp có lý do chính đáng do Thủ trưởng cơ quan quản lý hộ chiếu quyết định.

5. Khi thay đổi cơ quan làm việc, phải báo cáo cơ quan quản lý hộ chiếu nơi chuyển đi và chuyển đến để cơ quan này thực hiện việc quản lý hộ chiếu theo quy định.

6. Không được sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ để đi nước ngoài với mục đích cá nhân.

Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan quản lý hộ chiếu

1. Quản lý hộ chiếu của cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý của mình, bao gồm các công việc sau:

a) Lập sổ theo dõi việc giao, nhận hộ chiếu và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hộ chiếu khi được lưu giữ tại cơ quan quản lý hộ chiếu, không để thất lạc, ẩm ướt, hư hại hoặc không sử dụng được (đính kèm mẫu ký nhận hộ chiếu);

b) Bàn giao hộ chiếu cho cán bộ, công chức khi có quyết định cử đi công tác nước ngoài. Việc bàn giao hộ chiếu phải có ký nhận. Nếu hộ chiếu còn thời hạn sử dụng dưới 6 tháng thì thông báo cho đương sự biết để chủ động đề nghị gia hạn hoặc cấp hộ chiếu mới;

c) Chuyển hộ chiếu cho cơ quan quản lý hộ chiếu mới khi người được cấp hộ chiếu được điều chuyển công tác;

d) Báo cáo bằng văn bản cho cơ quan chủ quản về việc người được cấp hộ chiếu cố tình không giao hộ chiếu cho cơ quan quản lý hộ chiếu theo quy định sau khi nhập cảnh về nước và có biện pháp kịp thời thu hồi hộ chiếu.

đ) Thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan cấp hộ chiếu thuộc Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh) và Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an về việc hộ chiếu do cơ quan mình quản lý bị mất, bị hỏng;

e) Chuyển cho cơ quan cấp hộ chiếu thuộc Bộ Ngoại giao để hủy giá trị hộ chiếu của những người không còn thuộc diện được sử dụng hộ chiếu này, bao gồm cả những người đã nghỉ hưu, thôi việc, hết nhiệm kỳ công tác, ra khỏi biên chế, bị chết, bị mất tích;

g) Báo cáo cơ quan chủ quản để xử lý vi phạm đối với việc sử dụng và quản lý hộ chiếu không đúng theo Quy định này.

2. Cơ quan quản lý hộ chiếu của những người được cấp hộ chiếu ngoại giao phải thu giữ và quản lý hộ chiếu của vợ hoặc chồng cùng đi theo hành trình công tác của những người này (nếu có) theo nội dung Quy định này.

3. Cơ quan được ủy quyền quản lý hộ chiếu vi phạm các quy định của Quy định này có thể bị hạn chế hoặc rút lại ủy quyền quản lý hộ chiếu.

Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan chủ quản

1. Trực tiếp hoặc ủy quyền cho các cơ quan trực thuộc trực tiếp thực hiện việc quản lý hộ chiếu theo Quy định này; thông báo cho Bộ Ngoại giao tên cơ quan được ủy quyền quản lý hộ chiếu, nội dung và thời hạn ủy quyền.

2. Trực tiếp hoặc phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng khác xử lý vi phạm trong sử dụng và quản lý hộ chiếu.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức theo dõi, định kỳ báo cáo bằng văn bản về tình hình sử dụng và quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ thuộc phạm vi quản lý của mình.

Điều 9. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các cán bộ, công chức có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề cần bổ sung, sửa đổi, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 38/2013/QĐ-UBND Quy định quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ do tỉnh Ninh Thuận ban hành

  • Số hiệu: 38/2013/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/07/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Nguyễn Đức Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản