Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3730/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 28 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14/6/2005 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25/11/2009;

Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 24/11/2006;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020; Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 51/2005/NQ-HĐND ngày 21/7/2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển nguồn nhân lực phục vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 – 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 439/TTr-SKHĐT ngày 19/12/2011 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 – 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 – 2020 (Kèm theo Quyết định này bản quy hoạch chi tiết), với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

- Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 – 2020 phải phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong cùng thời kỳ, nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

- Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 – 2020 là một trong những khâu đột phá quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nhằm tạo ra đội ngũ nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, bảo đảm kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.

- Đầu tư phát triển nhân lực là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền và của toàn xã hội. Cần tăng cường trách nhiệm, vai trò quản lý của cấp ủy đảng, chính quyền đồng thời phát huy vai trò của toàn xã hội trong việc phát triển nhân lực; Bên cạnh việc nhà nước ưu tiên đầu tư cho phát triển đào tạo, cần phải huy động mọi nguồn lực xã hội, bao gồm các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội thông qua việc thực hiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hợp tác trong và ngoài nước.

2. Mục tiêu phát triển nhân lực

2.1. Mục tiêu tổng quát:

Quy hoạch phát triển nhân lực là cơ sở để các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai thành kế hoạch phát triển nhân lực hàng năm phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Phát triển nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, nhân cách, năng lực nghề nghiệp và thể chất; đảm bảo sự hợp lý về cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề phục vụ các ngành kinh tế phát triển, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2011 – 2020.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

+ Năm 2015 dự kiến qui mô dân số khoảng 2,8 – 2,9 triệu người; số người trong độ tuổi lao động là 1.960.000 người; số lao động đang làm việc khoảng 1.581.600 người; Đến năm 2020 dự kiến qui mô dân số khoảng 3,1 – 3,2 triệu người; số người trong độ tuổi lao động là 2.150.000 người; số lao động đang làm việc khoảng 1.793.400 người; số lao động được giải quyết việc làm mỗi năm từ 80.000 đến 85.000 lao động.

+ Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đạt mức 2,5% vào năm 2015, đạt mức 2,0% vào năm 2020.

+ Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn 89% (năm 2015) và 92% (năm 2020).

+ Đến năm 2015 nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo 65% và 77% vào năm 2020; Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 50% năm 2015 và 65% năm 2020.

+ Nhân lực qua đào tạo ngành Nông, Lâm, Ngư nghiệp tăng từ 21% năm 2010 lên 28% vào năm 2015 và 50% năm 2020, ngành Công nghiệp – Xây dựng tăng tương ứng là 66% lên 74,9% và 80%, ngành Dịch vụ từ 68,7% lên 77,6% và 88%.

+ 100% đối tượng đặc thù, đối tượng chính sách có nhu cầu học nghề được hỗ trợ kinh phí học nghề.

+ Phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ sinh viên/vạn dân đạt 300.

+ Phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và giáo dục toàn diện. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

II. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC THỜI KỲ 2011-2020

1. Phát triển nhân lực theo bậc đào tạo

- Tổng số nhân lực qua đào tạo năm 2015 chiếm khoảng 65% và năm 2020 chiếm 77% trong tổng số người làm việc trong nền kinh tế. Trong tổng số nhân lực qua đào tạo, số nhân lực đào tạo qua hệ thống dạy nghề năm 2015 khoảng 74,6% năm 2020 khoảng 70,1%; số nhân lực qua hệ thống giáo dục đào tạo năm 2015 khoảng 25,4%, năm 2020 khoảng 29,9%.

- Về cơ cấu bậc đào tạo, năm 2015, số nhân lực qua đào tạo ở bậc sơ cấp nghề và không bằng (doanh nghiệp và cơ sở sản xuất đào tạo tại chỗ) chiếm khoảng 61,3% tổng số nhân lực đã qua đào tạo của nền kinh tế; con số tương ứng của bậc trung cấp là khoảng 17,1%; bậc cao đẳng khoảng 8,6%; bậc đại học trở lên khoảng 13%. Năm 2020, số nhân lực qua đào tạo ở bậc sơ cấp nghề và không bằng (doanh nghiệp và cơ sở sản xuất đào tạo tại chỗ) khoảng 50,6% tổng số nhân lực đã qua đào tạo của nền kinh tế; con số tương ứng của bậc trung cấp là khoảng 21,4%; bậc cao đẳng khoảng 14,3%; bậc đại học trở lên khoảng 13,6%.

2. Phát triển nhân lực chia theo ngành/lĩnh vực

2.1 Khu vực Nông, lâm, ngư nghiệp

- Năm 2015 nhân lực của khu vực Nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 23% tổng nhân lực trong nền kinh tế. Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo tăng lên khoảng 28% trong đó trình độ sơ cấp nghề và không bằng chiếm khoảng 72,1%, trình độ trung cấp chiếm khoảng 20,4%, trình độ cao đẳng chiếm khoảng 5,6%, trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 1,9%.

- Năm 2020 nhân lực của khu vực Nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 20% tổng nhân lực trong nền kinh tế. Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo tăng lên khoảng 50% trong đó trình độ sơ cấp nghề và không bằng chiếm khoảng 66%; trình độ trung cấp chiếm khoảng 22%; trình độ cao đẳng chiếm khoảng 10%; trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 2%.

- Giai đoạn 2011-2020 có khoảng 40-45% tổng số lao động qua đào tạo được đào tạo, bồi dưỡng lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng, trong đó có khoảng 10%-12% lao động qua đào tạo được bồi dưỡng tại các trường, các trung tâm.

2.2. Khu vực Công nghiệp – Xây dựng

- Năm 2015 nhân lực trong khu vực Công nghiệp – Xây dựng tăng lên khoảng 43% tổng nhân lực trong nền kinh tế. Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo tăng lên khoảng 74,9% trong đó trình độ sơ cấp nghề và không bằng chiếm khoảng 67,8%, trình độ trung cấp chiếm khoảng 16,7%, trình độ cao đẳng chiếm khoảng 6,1%, trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 9,3%.

- Năm 2020 nhân lực trong khu vực Công nghiệp – Xây dựng chiếm khoảng 45% tổng nhân lực trong nền kinh tế. Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo tăng lên khoảng 80,5% trong đó trình độ sơ cấp nghề và không bằng chiếm khoảng 56,8%, trình độ trung cấp chiếm khoảng 23,5%, trình độ cao đẳng chiếm khoảng 12,5%, trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 7,5%.

- Giai đoạn 2011-2020 có khoảng từ 40-45% tổng số lao động qua đào tạo được đào tạo, bồi dưỡng lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng, trong đó có khoảng 15% (giai đoạn 2011-2015) và 10% (giai đoạn 2016-2020) lao động qua đào tạo được bồi dưỡng tại các trường, các trung tâm.

2.3. Khu vực Dịch vụ

- Nhân lực trong khu vực Dịch vụ năm 2015 chiếm khoảng 34% và năm 2020 chiếm khoảng 35% tổng nhân lực trong nền kinh tế. Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong khu vực Dịch vụ tăng từ mức 68,7% năm 2010 lên khoảng 77,5% năm 2015 và khoảng 88% năm 2020. Trong số nhân lực được đào tạo, trình độ sơ cấp nghề và đào tạo ngắn hạn chiếm khoảng 50,9% năm 2015 và khoảng 38,4% năm 2020; trình độ trung cấp chiếm khoảng 16,7% năm 2015 và khoảng 19% năm 2020; trình độ cao đẳng chiếm khoảng 12,3% năm 2015 và khoảng 17,8% năm 2020; trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 20,1% năm 2015 và khoảng 24,7% năm 2020.

- Giai đoạn 2011-2020 có khoảng từ 35-40% tổng số lao động qua đào tạo được đào tạo, bồi dưỡng lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng, trong đó có khoảng 15% (giai đoạn 2011-2015) và 29% (giai đoạn 2016-2020) lao động qua đào tạo được bồi dưỡng tại các trường, các trung tâm.

3. Phát triển nhân lực của một số ngành/lĩnh vực kinh tế đặc thù

3.1. Đội ngũ công chức (CC)

Dự báo nhu cầu lao động qua đào tạo của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh (không bao gồm ngành Y tế, Giáo dục):

Đến năm 2015: trình độ kỹ thuật: 6,71%; trung học chuyên nghiệp: 11,78%; cao đẳng: 4,52%; đại học 77,10%; trên đại học: 4,35%.

Giai đoạn 2016 – 2020: dạy nghề: 3,75%; trung học chuyên nghiệp: 8,75%; cao đẳng: 6,25%; đại học: 75%; trên đại học: 6,25%.

- Dự báo nhu cầu lao động qua đào tạo các cơ quan Đảng, đoàn thể cấp tỉnh, huyện:

Đến năm 2015: đại học và trên đại học là 1.276 người.

Đến năm 2020: đại học và trên đại học là 1.661 người.

3.2. Đội ngũ giáo viên, giảng viên

a) Đội ngũ giáo viên, giảng viên hệ Giáo dục – Đào tạo (Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học và trên Đại học)

Đến năm 2015, số giáo viên, giảng viên bậc trung cấp chuyên nghiệp có trình độ thạc sĩ trở lên khoảng 29%, đại học khoảng 71%; Số giáo viên, giảng viên bậc cao đẳng có trình độ thạc sĩ khoảng 24%, tiến sĩ 5%; số giáo viên, giảng viên ở bậc đại học có trình độ tiến sĩ khoảng 21% và thạc sĩ là 42%.

- Đến năm 2020, số giáo viên, giảng viên ở bậc cao đẳng có trình độ thạc sĩ khoảng 41%, tiến sĩ là 9%; số giáo viên, giảng viên ở bậc đại học có trình độ thạc sĩ khoảng 60%, tiến sĩ khoảng 31%.

Dự kiến tỷ lệ giáo viên, giảng viên cần phải đào tạo bồi dưỡng:

- Giai đoạn 2011-2015 khoảng 13,0% đến 15,0% so với tổng số giáo viên, giảng viên ở các bậc đào tạo.

- Giai đoạn 2016-2020: Tỷ lệ giáo viên, giảng viên ở các bậc cần phải đào tạo bồi dưỡng khoảng từ 8,0% đến 10,0% trong đó tỷ lệ giáo viên, giảng viên bậc Đại học cần phải đào tạo bồi dưỡng khoảng từ 5,0 đến 6,0% so với tổng số giáo viên, giảng viên.

b) Đội ngũ giáo viên, giảng viên hệ Dạy nghề

Đến năm 2015, số giáo viên, giảng viên dạy nghề các bậc cần có khoảng trên 2.500 người, trong đó: giáo viên, giảng viên Cao đẳng nghề khoảng trên 500 người, Trung cấp nghề là 1.000 người, Trung tâm dạy nghề trên 1.000 người (dự kiến bình quân một năm tăng khoảng 100 người).

Giai đoạn 2016-2020, số giáo viên, giảng viên dạy nghề các bậc cần có khoảng trên 4.000 người, trong đó: giáo viên, giảng viên Cao đẳng nghề khoảng trên 1.000 người; giáo viên, giảng viên bậc Trung cấp nghề khoảng trên 1.500 người; trung tâm dạy nghề khoảng trên 1.500 người (dự kiến bình quân một năm tăng khoảng 100 người).

Dự kiến tỷ lệ giáo viên, giảng viên cần phải đào tạo bồi dưỡng:

Đến năm 2015: tỷ lệ giáo viên, giảng viên ở các bậc cần đào tạo bồi dưỡng khoảng 20% - 30% so với tổng số giáo viên, giảng viên.

Đến năm 2020: tỷ lệ giáo viên, giảng viên ở các bậc cần đào tạo bồi dưỡng khoảng từ 15% đến 25% so với tổng số giáo viên, giảng viên.

3.3. Đội ngũ cán bộ Y tế

- Đến năm 2015: đạt tỷ lệ 8 bác sỹ/10.000 dân và 35 cán bộ y tế/ 10.000 dân.

- Đến năm 2020: đạt tỷ lệ 9 bác sỹ/10.000 dân và 40 cán bộ y tế/ 10.000 dân.

3.4. Nhân lực nhóm doanh nghiệp

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Giai đoạn 2011 – 2015 nhu cầu tuyển dụng 8% lao động có trình độ đại học trở lên, 10% lao động có trình độ trung cấp và cao đẳng, 55% lao động đã qua đào tạo nghề, 27% lao động chưa qua đào tạo. Giai đoạn 2016 – 2020 nhu cầu tuyển dụng 10% lao động có trình độ đại học trở lên, 10% lao động có trình độ trung cấp và cao đẳng, 60% lao động đã qua đào tạo nghề, 20% lao động chưa qua đào tạo.

- Doanh nghiệp không có vốn nhà nước: Giai đoạn 2011 – 2015 nhu cầu tuyển dụng 5% lao động có trình độ đại học trở lên, 10% lao động có trình độ trung cấp và cao đẳng, 45% lao động đã qua đào tạo nghề, 40% lao động chưa qua đào tạo. Giai đoạn 2016 – 2020 nhu cầu tuyển dụng 8% lao động có trình độ đại học trở lên, 12% lao động có trình độ trung cấp và cao đẳng, 50% lao động đã qua đào tạo nghề, 30% lao động chưa qua đào tạo.

- Doanh nghiệp có vốn nhà nước: Giai đoạn 2011-2015 nhu cầu tuyển dụng 10% lao động trình độ đại học trở lên, 20% lao động có trình độ trung cấp và cao đẳng, 45% lao động sơ cấp nghề và không bằng (do doanh nghiệp và đơn vị tự đào tạo), 25% lao động chưa qua đào tạo. Giai đoạn 2016 – 2020 nhu cầu tuyển dụng 12% lao động có trình độ đại học trở lên, 23% lao động có trình độ trung cấp và cao đẳng, 45% lao động sơ cấp nghề và không bằng (do doanh nghiệp và đơn vị tự đào tạo), 20% lao động chưa qua đào tạo.

3.5. Phát triển nhân lực ngành Công nghệ thông tin

Là lĩnh vực công nghệ cao và có xu hướng phát triển nhanh, dự báo đến năm 2015, tổng số nhân lực ngành công nghệ thông tin khoảng 16.367 người, năm 2020 là 26.850 người và được qua đào tạo 100%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 21,9% năm 2015 và 22,6% năm 2020.

III. NHỮNG GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC

1. Đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nhân lực:

1.1. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và của toàn xã hội về phát triển nhân lực.

1.2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, đào tạo và pháp luật về phát triển nhân lực (hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục, đào tạo…).

1.3. Hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển nhân lực, đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý.

1.4. Cải tiến và tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành về phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.

2. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống công cụ khuyến khích và thúc đẩy phát triển nhân lực:

2.1. Về đầu tư phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

2.2. Về tài chính và sử dụng ngân sách cho phát triển nhân lực.

2.3. Việc làm, bảo hiểm, bảo trợ xã hội.

2.4. Huy động các nguồn lực trong xã hội cho phát triển nhân lực.

2.5. Đãi ngộ và thu hút nhân tài.

2.6. Phát triển thị trường lao động và hệ thống công cụ, thông tin thị trường lao động.

2.7. Quan tâm thực hiện công tác cải cách hành chính.

3. Mở rộng, tăng cường sự phối hợp và hợp tác để phát triển nhân lực

3.1. Sự phối hợp và hợp tác với các cơ quan, tổ chức TƯ (cấp TƯ và TƯ đóng trên địa bàn tỉnh).

3.2. Sự phối hợp và hợp tác với các tỉnh bạn.

3.3. Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế.

4. Vốn đầu tư

4.1. Dự báo nhu cầu vốn

- Tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2011 – 2015: 10.125,7 tỷ đồng

Trong đó:

+ Vốn cho đào tạo nhân lực: 2.444,7 tỷ đồng;

+ Vốn cho đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo: 7.660 tỷ đồng.

- Tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2016 – 2020: 19.339 tỷ đồng

Trong đó:

+ Vốn cho đào tạo nhân lực: 3.839 tỷ đồng;

+ Vốn cho đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo: 15.500 tỷ đồng.

4.2. Khả năng huy động các nguồn vốn:

4.2.1. Cơ sở tính nguồn vốn:

a) Chi đào tạo nguồn nhân lực:

Khả năng chi ngân sách của địa phương: Tỉnh rất quan tâm cân đối vốn đảm bảo hoạt động của ngành giáo dục đào tạo, tuy nhiên so với nhu cầu đào tạo quá lớn thì ngân sách địa phương có hạn, không đáp ứng đầy đủ. Do vậy cần huy động các nguồn lực sau đây:

- Khuyến khích vận động các doanh nghiệp quan tâm dành kinh phí chi cho đào tạo để phục vụ cho doanh nghiệp.

- Do người được đào tạo chi trả.

- Ngoài ra các trường, các cơ sở đào tạo cần lồng ghép thực hiện với các chương trình, dự án khác để tạo thêm nguồn vốn cho đào tạo.

b) Chi đầu tư cơ sở đào tạo:

- Ngân sách tỉnh tập trung đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo công lập, đồng thời kiến nghị trung ương hỗ trợ vốn để đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đào tạo.

- Các trường, cơ sở đào tạo mới chủ yếu huy động từ nguồn vốn xã hội hóa.

4.2.2. Cơ cấu vốn:

a) Tổng số vốn cho đào tạo nhân lực giai đoạn 2011-2020: 6.283,7 tỷ đồng, trong đó:

- Ngân sách trung ương: 589,7 tỷ đồng, chiếm 9,4% tổng nguồn vốn.

- Ngân sách địa phương: 1.850 tỷ đồng, chiếm 29,4% tổng nguồn vốn.

- Nguồn huy động từ doanh nghiệp: 348 tỷ đồng, chiếm 5,5% tổng nguồn vốn.

- Nguồn huy động từ các chương trình dự án: 40 tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng nguồn vốn.

- Nguồn từ người được đào tạo: 3.456 tỷ đồng, chiếm 55% tổng nguồn vốn.

b) Tổng số vốn đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo nhân lực giai đoạn 2011-2020: 23.160 tỷ đồng, trong đó:

- Đề nghị Ngân sách trung ương hỗ trợ: 2.520 tỷ đồng, chiếm 10,9% tổng nguồn vốn.

- Ngân sách địa phương: 2.460 tỷ đồng, chiếm 10,6% tổng nguồn vốn.

- Nguồn huy động từ doanh nghiệp, tổ chức (vốn XHH): 18.180 tỷ đồng, chiếm 78,5% tổng nguồn vốn.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

Để thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 – 2020 có hiệu quả, các ngành, các cấp cần tổ chức làm tốt những việc sau đây:

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Tổng hợp, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện hàng năm, đến năm 2015 có đánh giá tổng kết thực hiện giai đoạn 5 năm đồng thời đề xuất điều chỉnh, cập nhật các nội dung liên quan phù hợp yêu cầu thực tế từng giai đoạn.

- Chủ trì đề xuất cân đối vốn đầu tư từ ngân sách để đầu tư mở rộng các cơ sở đào tạo công lập.

- Trong công tác xúc tiến đầu tư, quan tâm vận động các cá nhân, tổ chức đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đào tạo và các mục tiêu ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh.

- Lập kế hoạch đào tạo, phát triển nhân lực của ngành hàng năm để tổ chức thực hiện.

- Thực hiện tổng hợp, báo cáo theo định kỳ, báo cáo theo quy định.

2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:

- Phối hợp cùng với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện quy hoạch liên quan đến lĩnh vực dạy nghề, trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện hàng năm.

- Tham mưu UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đào tạo nghề; đề xuất điều chỉnh bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan.

- Thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động về đào tạo nghề, hệ thống nghiên cứu khoa học về dạy nghề.

- Lập kế hoạch thực hiện hàng năm lĩnh vực đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và các việc khác liên quan.

- Lập kế hoạch đào tạo, phát triển nhân lực của ngành hàng năm để tổ chức thực hiện.

- Tổng hợp báo cáo định kỳ theo quy định.

3. Sở Công Thương:

Chủ trì xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển dụng đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp, khu công nghiệp và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn, trong đó chú ý đào tạo nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ và một số lĩnh vực theo yêu cầu hội nhập như dịch vụ kinh doanh logistic…

- Lập kế hoạch đào tạo, phát triển nhân lực của ngành hàng năm để tổ chức thực hiện.

- Tổng hợp báo cáo định kỳ theo quy định.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

- Xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, chuyên ngành công  nghệ sinh học.

- Lập kế hoạch đào tạo, phát triển nhân lực của ngành hàng năm để tổ chức thực hiện.

- Tổng hợp báo cáo định kỳ theo quy định.

5. Sở Nội vụ:

- Chủ trì phối hợp cùng các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố về xây dựng kế hoạch đào tại, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm và cả giai đoạn.

- Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách liên quan lĩnh vực phụ trách nhằm phát triển nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng.

- Triển khai và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện chế độ thu hút, tổ chức thanh, kiểm tra việc thực hiện của các địa phương.

- Lập kế hoạch đào tạo, phát triển nhân lực của ngành hàng năm để tổ chức thực hiện.

- Tổng hợp báo cáo định kỳ theo quy định.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Tham mưu cho tỉnh các cơ chế chính sách mới để phát triển nguồn nhân lực liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách.

- Lập kế hoạch đào tạo, phát triển nhân lực của ngành hàng năm để tổ chức thực hiện.

- Tổng hợp báo cáo định kỳ theo quy định.

7. Sở Tài chính:

- Chủ trì cân đối nguồn ngân sách chi cho hoạt động giáo dục đào tạo, kiểm tra giám sát, quản lý chi theo quy định hiện hành.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc huy động nguồn vốn đầu tư cho các dự án giáo dục, đào tạo.

- Lập kế hoạch đào tạo, phát triển nhân lực của ngành hàng năm để tổ chức thực hiện.

- Tổng hợp báo cáo định kỳ theo quy định.

8. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì đề xuất điều chỉnh bổ sung quy hoạch sử dụng đất đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục đào tạo.

- Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND cấp huyện và các sở, ngành liên quan rà soát, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương, đảm bảo đủ quỹ đất phát triển cơ sở đào tạo, dạy nghề.

- Lập kế hoạch đào tạo, phát triển nhân lực của ngành hàng năm để tổ chức thực hiện. Đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng thu hút nhân lực cho các cơ quan cấp huyện, xã đảm bảo thực hiện công tác quản lý tài nguyên môi trường tốt hơn.

- Tổng hợp báo cáo định kỳ theo quy định.

9. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Thực hiện công tác thông tin và tuyên truyền cho các ngành, các cấp, các đơn vị có liên quan hiểu rõ tầm quan trọng của công tác phát triển nhân lực để tổ chức thực hiện.

- Lập kế hoạch đào tạo, phát triển nhân lực của ngành hàng năm để tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để tiến tới thực hiện Chính phủ điện tử.

- Tổng hợp báo cáo định kỳ theo quy định.

10. UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa:

- Có trách nhiệm quy hoạch, dành quỹ đất cho phát triển mở rộng trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề trên cơ sở mạng lưới quy hoạch của tỉnh.

- Phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong công tác đào tạo, phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực trên địa bàn.

- Hàng năm, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện phát triển nhân lực của địa phương mình.

- Tổng hợp báo cáo định kỳ theo quy định.

11. Ban Quản lý các Khu công nghiệp:

- Theo dõi, điều tra nắm tình hình lao động trong các Khu công nghiệp.

- Là đầu mối để thực hiện đào tạo và đào tạo lại lao động trong các Khu công nghiệp.

- Là đầu mối giữa các doanh nghiệp có nhu cầu lao động và các đơn vị đào tạo nghề.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện cung ứng lao động cho các Khu công nghiệp.

- Tổng hợp báo cáo định kỳ theo quy định.

12. Các Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hoạt động trên địa bàn tỉnh:

- Mỗi đơn vị chủ động tính toán, đảm bảo nguồn tài chính để thực hiện cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động trong đơn vị.

- Hàng năm trên cơ sở định hướng phát triển của từng đơn vị có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, trình độ chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ lao động phù hợp.

- Tổng hợp báo cáo định kỳ theo quy định.

13. Các đơn vị khác trong tỉnh:

- Có trách nhiệm triển khai thực hiện quy hoạch.

- Lập kế hoạch hàng năm về công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong đơn vị mình và ngành mình.

- Tổng hợp báo cáo định kỳ theo quy định.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh và các cơ quan liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KH và ĐT);
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Trung tâm CB;
- Lưu: VT, VX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thành Trí

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3730/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 – 2020

  • Số hiệu: 3730/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/12/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Nguyễn Thành Trí
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/12/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản