Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 371/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH DANH MỤC TRANG THIẾT BỊ PHÒNG THỦ DÂN SỰ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quản lý sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

QUYẾT ĐỊNH:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định về danh mục trang bị phòng thủ dân sự bảo đảm cho lực lượng phòng thủ dân sự của các bộ, ngành, địa phương; quy định việc lập kế hoạch, dự toán đầu tư, mua sắm, quản lý sử dụng và kiểm tra bảo đảm hoạt động phòng thủ dân sự.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

2. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan đến thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự của các bộ, ngành, địa phương.

Điều 3. Nguồn hình thành trang bị phòng thủ dân sự

Nguồn hình thành trang thiết bị phòng thủ từ ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Chương II

ĐẦU TƯ MUA SẮM, QUẢN LÝ TRANG BỊ PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Điều 4. Danh mục trang bị phòng thủ dân sự

1. Danh mục chi tiết các chủng loại trang bị phòng thủ dân sự (Phụ lục kèm theo).

2. Trong quá trình thực hiện, các danh mục nêu tại Điều này sẽ được xem xét, điều chỉnh bảo đảm phù hợp với yêu cầu phòng thủ dân sự và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Điều 5. Kế hoạch dự toán đầu tư, mua sắm trang thiết bị bảo đảm cho lực lượng phòng thủ dân sự

1. Định kỳ 5 năm, 10 năm, căn cứ vào nhu cầu trang thiết bị bảo đảm cho lực lượng phòng thủ dân sự của các bộ, ngành, địa phương, Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng đề án bảo đảm trang thiết bị phòng thủ dân sự báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai thực hiện đề án theo quy định.

2. Việc lập kế hoạch dự toán ngân sách đầu tư, mua sắm trang thiết bị bảo đảm cho lực lượng phòng thủ dân sự phải thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

3. Thực hiện đầu tư, mua sắm trang thiết bị phòng thủ dân sự phải tuân thủ theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Điều 6. Quản lý, sử dụng, kiểm tra trang bị phòng thủ dân sự

1. Quản lý, sử dụng trang thiết bị phòng thủ dân sự

a) Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ toàn bộ số trang bị phòng thủ dân sự được đầu tư, mua sắm; thực hiện cấp phát, đăng ký, thống kê, kiểm kê, đăng kiểm và báo cáo theo quy định;

b) Việc sử dụng trang bị phải đúng mục đích, đạt hiệu quả trong phòng thủ dân sự.

2. Kiểm tra trang bị phòng thủ dân sự

a) Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan kiểm tra các bộ, ngành, địa phương về công tác cấp phát, quản lý sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, thanh lý và xử lý trang bị phòng thủ dân sự;

b) Các bộ, ngành, địa phương kiểm tra các cơ quan, đơn vị thuộc quyền về công tác đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, thanh lý và xử lý trang bị phòng thủ dân sự theo quy định.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC

Điều 7. Trách nhiệm của Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia

Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác xây dựng đề án, kiểm tra công tác cấp phát, quản lý trang thiết bị phòng thủ dân sự trong phạm vi toàn quốc; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đầu tư, mua sắm, cấp phát, quản lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng và thanh lý, xử lý trang thiết bị phòng thủ dân sự theo quy định.

Điều 8. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

1. Chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam hướng dẫn Cơ quan Thường trực phòng thủ dân sự Bộ Quốc phòng phối hợp với cơ quan thường trực phòng thủ dân sự các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng đề án, dự án và triển khai thực hiện đầu tư, mua sắm và sản xuất vật tư trang bị bảo đảm cho các cơ quan, đơn vị của Quân đội, Dân quân tự vệ làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

2. Hằng năm và theo định kỳ, căn cứ vào tình hình thực tế, tổng hợp nhu cầu theo đề xuất của các bộ, ngành, địa phương điều chỉnh, bổ sung danh mục trang thiết bị phòng thủ dân sự, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương thống nhất danh mục trang thiết bị phòng thủ dân sự dự trữ quốc gia tại Bộ Quốc phòng, Tổng cục Dự trữ Nhà nước/Bộ Tài chính, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong và ngoài quân đội tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các đề án, dự án về bảo đảm vật tư, trang bị, phương tiện cho các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 9. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, tính toán nhu cầu kinh phí thực hiện mua sắm thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành xây dựng kế hoạch, dự kiến phân bổ vốn tăng dự trữ quốc gia hàng năm cho Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia về danh mục hàng dự trữ quốc gia, mức dự trữ quốc gia từng loại hàng phòng thủ dân sự, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 10. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, dự kiến phân bổ vốn đầu tư phát triển cho các đề án, dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị phòng thủ dân sự hàng năm của các bộ, ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch, dự kiến phân bổ kinh phí chi thường xuyên, vốn tăng dự trữ quốc gia mua trang bị phòng thủ dân sự hàng năm theo quy định.

Điều 11. Trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương

1. Phê duyệt kế hoạch và đầu tư ngân sách để mua sắm trang bị bảo đảm cho nhiệm vụ phòng thủ dân sự đối với lực lượng phòng thủ dân sự thuộc quyền và chỉ đạo việc đăng ký, quản lý, sử dụng.

2. Chỉ đạo Cơ quan Thường trực phòng thủ dân sự thuộc quyền chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc bộ, ngành xây dựng kế hoạch và thực hiện việc đầu tư mua sắm các loại vật tư, trang thiết bị, phương tiện bảo đảm cho lực lượng làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

Điều 12. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Phê duyệt kế hoạch và dự toán ngân sách để đầu tư, mua sắm trang thiết bị bảo đảm cho lực lượng thuộc quyền làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự; chỉ đạo việc đăng ký, quản lý, sử dụng.

2. Chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch đầu tư mua sắm các loại vật tư, trang bị, phương tiện bảo đảm phòng thủ dân sự của địa phương mình và triển khai thực hiện.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 14. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Cục Cứu hộ - Cứu nạn/Bộ Tổng tham mưu/BQP;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, Vụ TH;
- Lưu: VT, NC (2).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC TRANG BỊ PHÒNG THỦ DÂN SỰ
(Kèm theo Quyết định số: 371/QĐ-TTg ngày 16 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ)


STT

TÊN TRANG THIẾT BỊ

ĐVT

I

Phương tiện vận tải đường bộ

 

1

Xe ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi

Chiếc

2

Xe ô tô chở người đến 40 chỗ ngồi

Chiếc

3

Xe ô tô vận tải

Chiếc

4

Xe ô tô bán tải

Chiếc

5

Toa xe đường sắt

Chiếc

II

Phương tiện vận tải đường thủy

 

1

Tàu chở khách

Chiếc

2

Tàu hàng khô

Chiếc

3

Tàu chở nước

Chiếc

4

Tàu chở xăng, dầu

Chiếc

5

Tàu chở phương tiện

Chiếc

III

Phương tiện vận tải đường không

 

1

Máy bay chở khách

Chiếc

2

Máy bay vận tải

Chiếc

3

Máy bay trực thăng

Chiếc

IV

Trang bị, phương tiện chỉ huy

 

1

Xe chỉ huy

Chiếc

2

Trang thiết bị quan sát, ghi hình

Bộ

3

Trang thiết bị thông tin

Bộ

4

Hệ thống cơ sở dữ liệu

Hệ thống

5

Hệ thống truyền hình hội nghị

Hệ thống

V

Trang bị, phương tiện thông tin liên lạc

 

1

Xe thông tin liên lạc

Chiếc

2

Hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh

Bộ

3

Trang thiết bị thông tin liên lạc cầm tay

Bộ

VI

Trang bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn hàng không

 

1

Máy bay chữa cháy

Chiếc

2

Máy bay trực thăng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ

Chiếc

3

Xe cứu hộ, cứu nạn hàng không

Chiếc

4

Loa công suất lớn

Bộ

5

Hệ thống chặn và thu giữ máy bay bằng lưới

Bộ

6

Bộ thiết bị cứu hộ gắn trên máy bay trực thăng (dây, tời, lồng cứu hộ)

Bộ

7

Trang thiết bị y tế trên máy bay

Bộ

8

Đèn tìm kiếm cứu nạn cho trực thăng

Bộ

9

Camera ảnh nhiệt lắp trên máy bay

Bộ

10

Áo phao chuyên dùng hàng không

Chiếc

11

Thang dây

Bộ

VII

Trang bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn trên sông, biển

 

1

Tàu tìm kiếm cứu nạn xa bờ

Chiếc

2

Tàu quân y - cứu nạn tốc độ cao

Chiếc

3

Ca nô, xuồng, thuyền máy, mô tô nước

Chiếc

4

Thiết bị vượt sông VSN

Bộ

5

Cần cẩu nổi

Bộ

6

Đốc nổi, Pông tông

Bộ

7

Bộ dầm cầu đồng bộ

Bộ

8

Phao thuyền PMP đồng bộ

Bộ

9

Phà vượt sông

Chiếc

10

Thiết bị cứu sinh (phao bè; phao tròn; áo phao)

Bộ

11

Trang thiết bị khác (Súng bắn dây mồi, súng bắn đạn tín hiệu, thiết bị phóng phao cứu sinh, thiết bị cẩu, vớt, ống nhòm nhìn đêm, đèn pha cứu hộ chuyên dụng, đèn pin cứu hộ chuyên dụng...)

Bộ

VIII

Trang bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn dưới nước

 

1

Thiết bị tự hành tìm kiếm cứu nạn dưới nước (ROV)

Bộ

2

So na quét mạn

Bộ

3

Bộ khí tài lặn cấp khí bề mặt

Bộ

4

Thiết bị đẩy người nhái

Bộ

5

Điện thoại thủy âm

Bộ

6

Camera quan sát dưới nước

Bộ

7

Bộ hàn cắt dưới nước

Bộ

8

Phao nâng, kích tàu

Bộ

9

Thiết bị định vị dưới nước

Bộ

10

Thiết bị dò tìm dưới nước

Bộ

11

Hệ thống đo sâu đa chùm tia

Bộ

12

Thiết bị lặn độ sâu 50 đến 100 m

Bộ

IX

Trang bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn dưới lòng đất, sập đổ công trình

 

1

Xe cứu hộ, cứu nạn đa năng

Chiếc

2

Xe máy công trình (dò tìm, rà phá vật cản, đào, xúc lật, húc, ủi, gạt, cẩu)

Chiếc

3

Thiết bị (cắt, khoan, đục, phá dỡ, chèn)

Chiếc

4

Thiết bị cứu sập đổ công trình (dò tìm, camera, chiếu sáng, máy thở, quạt gió...)

Bộ

5

Thiết bị kích chống sập đổ công trình

Bộ

6

Thiết bị nâng chống sập

Bộ

7

Bộ ròng rọc, tời điện

Bộ

8

Cưa các loại

Chiếc

9

Thiết bị chiếu sáng

Chiếc

10

Trang phục bảo hộ

Bộ

X

Trang bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy

 

1

Xe chữa cháy

Chiếc

2

Xe chữa cháy cần vươn

Chiếc

3

Xe thang chữa cháy

Chiếc

4

Xe trạm bơm, tiếp nước

Chiếc

5

Xe hút khói, thổi khói

Chiếc

6

Xe chữa cháy hóa chất

Chiếc

7

Xe chở phương tiện, chất chữa cháy

Chiếc

8

Tàu chữa cháy

Chiếc

9

Ca nô chữa cháy

Chiếc

10

Xuồng chữa cháy

Chiếc

11

Máy bơm chữa cháy

Chiếc

12

Bồn chứa nước di động

Chiếc

13

Kích các loại (thủy lực, túi khí, chống tường...)

Chiếc

14

Thiết bị phòng cháy chữa cháy (Lăng phun, bộ chia, vòi chữa cháy, gầu múc nước)

Bộ

15

Thiết bị chữa cháy cầm tay

Bộ

16

Thiết bị trộn hóa chất

Bộ

17

Thiết bị phòng hộ (Mặt nạ, bình dưỡng khí, bộ thở cá nhân)

Bộ

18

Thiết bị thoát hiểm (Ống thoát hiểm, đệm hơi, thang dây...)

Bộ

19

Trang phục phòng cháy chữa cháy

Bộ

XI

Trang bị, phương tiện phòng chống hóa chất, độc xạ

 

1

Xe trinh sát

Chiếc

2

Trạm phân tích di động hóa học, sinh học, phóng xạ

Trạm

3

Hệ thống quan trắc, cảnh báo phát hiện sớm hóa chất độc, xạ

Bộ

4

Xe tắm khử trùng, tẩy xạ

Chiếc

5

Xe tiêu tẩy độc xạ

Chiếc

6

Khí tài (Trinh sát phát hiện phóng xạ, hóa học, sinh học)

Bộ

7

Chất tiêu độc, tẩy xạ, diệt trùng, tẩy rửa

Kg

8

Thiết bị bảo hộ (Quần, áo phòng độc; mặt nạ cách ly; bảo hộ tập thể).

Bộ

XII

Trang bị, phương tiện ứng phó sự cố tràn dầu

 

1

Tàu ứng phó sự cố tràn dầu

Chiếc

2

Xuồng ứng phó sự cố tràn dầu

Chiếc

3

Xà lan chứa dầu các loại

Chiếc

4

Bơm hút dầu chuyên dụng các loại

Bộ

5

Phao quây, phong tỏa, gom dầu tràn

Bộ

6

Hệ thống thiết bị làm sạch đường bờ

Bộ

7

Hệ thống thiết bị xử lý dầu, rác thải nhiễm dầu sau thu gom

Bộ

8

Thiết bị phun chất phân tán lắp trên tàu

Bộ

9

Tấm thấm dầu

Kiện

10

Chất phân tán

Kg

11

Trang phục bảo hộ

Bộ

XIII

Trang thiết bị, vật tư y tế

 

1

Xe cứu thương

Chiếc

2

Xe ô tô chụp, chiếu X quang

Chiếc

3

Xe ô tô phẫu thuật

Chiếc

4

Xe ô tô xét nghiệm

Chiếc

5

Máy tạo ô xy và nén cao áp đồng bộ

Chiếc

6

Bệnh viện dã chiến

BV

7

Trang thiết bị y tế thiết yếu

Bộ

8

Hóa chất khử khuẩn, khử trùng

Kg

9

Cáng cứu thương

Bộ

10

Dụng cụ băng bó cứu thương

Bộ

11

Khẩu trang cá nhân

Chiếc

XIV

Trang bị, phương tiện cấp nguồn điện

 

1

Trạm nguồn điện; máy phát điện chạy xăng

Bộ

2

Trạm nguồn điện; máy phát điện chạy Diesel

Bộ

3

Thiết bị lưu điện

Bộ