Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/2024/QĐ-UBND | Thái Bình, ngày 28 tháng 10 năm 2024 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ Quy định về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng;
Căn cứ Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội;
Căn cứ Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;
Căn cứ Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21 tháng 01 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;
Căn cứ Thông tư số 30/2018/TT-BVHTTDL ngày 03 tháng 10 năm 2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Thông tư số 21/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ Y tế quy định về vệ sinh trong mai táng, hoả táng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 91/TTr-SVHTTDL ngày 16 tháng 10 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09 tháng 11 năm 2024 và thay thế Quyết định số 20/2019/QĐ-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; các Giám đốc sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH
(Kèm theo Quyết định số 37/2024/QĐ-UBND ngày 28 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các tổ chức, cá nhân người Việt Nam, tổ chức, cá nhân người nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
2. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1. NẾP SỐNG VĂN HÓA CÁ NHÂN, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI
Điều 3. Nếp sống văn hóa cá nhân
1. Mọi cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; thực hiện nghiêm và đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân; có phong cách sống lành mạnh, ứng xử có văn hóa, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
2. Cá nhân làm việc, lao động ở cơ quan, đơn vị bảo đảm thời gian, năng suất, chất lượng cao; thực hiện đúng nội quy do cơ quan, đơn vị đề ra.
3. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong giờ làm việc, sinh viên, học sinh đi học có trang phục phù hợp; thường xuyên nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ.
4. Mọi cá nhân không tham gia sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các loại pháo trái quy định; không sản xuất, đốt và thả đèn trời; không đốt rơm rạ, các loại rác thải làm ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của mọi người. Không tham gia và tuyên truyền người khác tham gia các hiện tượng tôn giáo lạ chưa được phép hoạt động. Không tuyên truyền những nội dung độc hại, phản động trên mạng xã hội và các kênh thông tin truyền thông.
Điều 4. Nếp sống văn hóa gia đình
1. Mọi thành viên trong gia đình có trách nhiệm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; ông, bà, cha, mẹ gương mẫu, giáo dục con, cháu chăm ngoan, có bổn phận, trách nhiệm kính trọng, hiền thảo, chăm sóc ông, bà, cha, mẹ và lễ độ với mọi người; cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
2. Vợ, chồng cùng nhau thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân số, phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng.
3. Mọi thành viên trong gia đình phải có ý thức, trách nhiệm giữ gìn vệ sinh cá nhân, bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường; thực hiện sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương.
Điều 5. Nếp sống văn hóa trong xã hội
1. Nếp sống văn hóa ở thôn, tổ dân phố:
a) Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước và các quy định của địa phương nơi cư trú;
b) Mọi người có ý thức đoàn kết, quan tâm thăm hỏi và giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, ốm đau, hoạn nạn, quan tâm hơn tới các cá nhân, gia đình chính sách; có trách nhiệm chăm lo giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng;
c) Mọi tranh chấp, mâu thuẫn trước hết cần được giải quyết trên tinh thần hòa giải tại cơ sở;
d) Việc xây dựng nhà ở, các công trình khác và mọi sinh hoạt, lao động, sản xuất, kinh doanh phải thực hiện theo đúng các quy hoạch, quy định của Nhà nước, của địa phương, không làm ảnh hưởng đến người khác, không làm ô nhiễm môi trường.
2. Nếp sống văn hóa ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp:
a) Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chấp hành nghiêm quy định về văn hóa công vụ, văn hóa công sở và văn hóa doanh nghiệp;
b) Xây dựng và thực hiện tốt nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp;
c) Giữ gìn đoàn kết nội bộ, không cục bộ địa phương; phê bình, góp ý trên tinh thần xây dựng; không nói xấu, xâm phạm đến lợi ích và đời tư của người khác.
3. Nếp sống văn hóa nơi công cộng:
a) Có ý thức trách nhiệm giữ gìn đường phố, công trình công cộng sạch đẹp; không thả rông súc vật ra đường; bỏ rác đúng nơi quy định; tôn trọng và thực hiện nhũng quy định chung ở nơi công cộng;
b) Không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, lề đường; chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về an toàn giao thông;
c) Không quảng cáo, rao vặt và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trái quy định làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân và mỹ quan nơi công cộng.
Mục 2. NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI
Điều 6. Đăng ký kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và các văn bản pháp luật có liên quan.
2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn và thực hiện việc đăng ký, tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp kết hôn với người nước ngoài phải được cơ quan có thẩm quyền đăng ký, ghi vào sổ hộ tịch theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Tổ chức lễ cưới
1. Việc tổ chức lễ cưới phải thực hiện các quy định sau:
a) Bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của mỗi địa phương;
b) Không làm mất trật tự công cộng. Không chiếm dụng lòng, lề đường để dựng rạp cưới; việc đưa, đón dâu phải đảm bảo an toàn giao thông. Nghiêm cấm việc tổ chức hoặc tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức và đốt các loại pháo trong đám cưới trái quy định của pháp luật;
c) Tổ chức tiệc cưới phù hợp với hoàn cảnh gia đình, tránh phô trương, lãng phí; trường hợp tổ chức ăn uống cần tiết kiệm, không kéo dài nhiều ngày và phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm;
d) Trang trí lễ cưới không rườm rà, phô trương; trang phục cô dâu, chú rể và gia đình đẹp và lịch sự, phù hợp với văn hóa dân tộc;
đ) Âm nhạc sử dụng trong lễ cưới phải lành mạnh, vui tươi, bảo đảm các quy định về độ ồn, không làm ảnh hưởng đến cộng đồng theo quy định của pháp luật về môi trường; không mở nhạc trước 5 giờ 30 phút sáng và sau 22 giờ đêm.
2. Khuyến khích thực hiện các hình thức trong việc cưới:
a) Dùng hình thức báo hỷ thay cho mời dự lễ cưới, tiệc cưới; tổ chức tiệc trà, tiệc ngọt tròng lễ cưới; tổ chức lễ cưới tập thể cho các cặp đôi;
b) Cơ quan, tổ chức, đoàn thể đứng ra tổ chức lễ cưới;
c) Cô dâu và chú rể đặt hoa tại đài tưởng niệm liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, di tích lịch sử - văn hóa; trồng cây lưu niệm tại địa phương;
d) Cô dâu, chú rể và gia đình mặc trang phục truyền thống của dân tộc trong ngày cưới.
Mục 3. NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC TANG
Điều 8. Khai tử
Khi có người chết, vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử; trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Điều 9. Trách nhiệm tổ chức lễ tang
1. Lễ tang do gia đình người chết quyết định tổ chức tại nhà, nhà tang lễ hoặc tại địa điểm công cộng phù hợp với phong tục tập quán và quy định của pháp luật.
2. Trong trường hợp lễ tang do Ban lễ tang tổ chức, Ban lễ tang có trách nhiệm phối hợp với gia đình người chết thống nhất quyết định những vấn đề liên quan đến việc tổ chức lễ tang.
3. Nếu người chết không có gia đình hoặc thân nhân đứng ra tổ chức lễ tang thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với các đoàn thể quần chúng chịu trách nhiệm tổ chức khâm liệm và mai táng chu đáo theo phong tục truyền thống.
Điều 10. Tổ chức lễ tang
1. Tổ chức lễ tang phải được thực hiện theo các quy định sau:
a) Lễ tang tổ chức chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa dân tộc và hoàn cảnh gia đình người chết;
b) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lễ tang chu đáo; vận động gia đình có người chết xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, các hành vi mê tín dị đoan trong lễ tang;
c) Thời gian quàn thi thể không quá 48 giờ kể từ khi chết trong điều kiện không có bảo quản lạnh; các trường hợp khác thực hiện theo quy định của pháp luật về y tế hiện hành; người mắc bệnh truyền nhiễm khi chết phải thực hiện theo quy định của pháp luật;
d) Việc mặc tang phục, treo cờ tang, trang trí lễ tiết trong lễ tang thực hiện theo truyền thông của địa phương, dân tộc và tôn giáo; chỉ treo cờ tang tại địa điểm tổ chức lễ tang;
đ) Trong lễ tang, nếu sử dụng loa đài thì âm thanh phải bảo đảm các quy định về độ ồn, không làm ảnh hưởng đến cộng đồng theo quy định của pháp luật về môi trường; không cử nhạc tang trước 5 giờ 30 phút sáng và sau 22 giờ đêm; trường hợp người chết theo tôn giáo, trong lễ tang được sử dụng nhạc tang của tôn giáo đó; không sử dụng khúc nhạc, bản nhạc không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc trong lễ tang;
e) Không chiếm dụng lòng, lề đường, vỉa hè để dụng rạp tang. Khi đưa tang phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn giao thông và trật tự an toàn công cộng; không rải tiền Việt Nam, tiền nước ngoài; hạn chế tối đa rắc vàng mã, tiền âm phủ trên đường đưa tang;
g) Nghiêm cấm lợi dụng việc tang để cản trở việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân trước pháp luật và hành nghề mê tín dị đoan, tổ chức hoặc tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức.
2. Lễ tang của cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này và Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17/12/2012 của chính phủ Quy định về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.
Điều 11. Việc an táng người chết
1. Việc an táng phải được thực hiện trong các nghĩa trang theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được địa phương hướng dẫn thực hiện; các trường hợp khác thực hiện theo Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ quy định về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang, và cơ sở hoả táng.
2. Việc an táng phải phù hợp với tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa và nếp sống văn minh, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Điều 12. Quy định diện tích đất và kích thước cho một phần mộ tại nghĩa trang nhân dân
1. Đối với mộ hung táng và chôn cất một lần:
a) Diện tích đất sử dụng tối đa 05m2;
b) Kích thước mộ tối đa (dài x rộng x cao): 2,4m x 1,4m x 0,8m.
2. Đối với mộ cát táng (bao gồm mộ chôn cất lọ tro cốt sau hỏa táng):
a) Diện tích đất sử dụng tối đa 03m2;
b) Kích thước mộ tối đa (dài x rộng x cao): 1,5m x 1m x 0,8m.
Điều 13. Khuyến khích thực hiện các hình thức trong việc tang:
1. Sử dụng băng, đĩa nhạc tang thay cho ban nhạc tang.
2. Gia đình tang chủ chuẩn bị vòng hoa luân chuyển, Ban tổ chức lễ tang và gia đình thông báo tin buồn kèm theo nội dung thông báo tổ chức, cá nhân đến viếng chuẩn bị dải băng tang; sử dụng may lạnh để quàn thi thể trong thời gian tổ chức lễ tang, đặc biệt vào dịp thời tiết nắng nóng.
3. Các tuần tiết trong việc tang và cải táng (nếu có) tổ chức trong nội bộ gia đình, họ tộc.
4. Việc tổ chức ăn uống trong lễ tang thực hiện trong nội bộ gia đình, dòng họ và phải đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.
5. Thực hiện hình thức hỏa táng, điện táng, an táng một lần vào khu vực nghĩa trang đã được quy hoạch.
6. Tổ chức tang lễ tại nhà tang lễ.
Mục 4. NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG LỄ HỘI
Điều 14. Tổ chức lễ hội
1. Trước khi tổ chức lễ hội, cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội phải thực hiện thủ tục đăng ký hoặc thông báo tổ chức lễ hội theo quy định của pháp luật với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp quản lý; thực hiện đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
2. Lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả; đảm bảo an ninh trật tự; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội; nghi lễ phải trang nghiêm, bảo đảm truyền thông; giáo dục, định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm; loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham và các lợi ích cá nhân.
3. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội; trách nhiệm của Ban tổ chức lễ hội thực hiện đúng theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 28/8/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.
4. Việc treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc, cờ tôn giáo, cờ lễ hội thực hiện theo Quy định số 99-QĐ/TW ngày 27/02/2023 của Ban Chấp hành Trung ương quy định về cờ Đảng Cộng sản Việt Nam và việc sử dụng cờ Đảng và Quyết định số 23/2022/QĐ-UBND ngày 22/11/2022 của UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
5. Việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn thu, nguồn công đức từ hoạt động lễ hội thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
6. Nghiêm cấm tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan, đánh bạc dưới mọi hình thức.
7. Khuyến khích các lễ hội truyền thống khôi phục và duy trì các hình thức đua tài, thi khéo, các hình thức diễn xướng dân gian cổ truyền vốn có trong lễ hội.
CHƯƠNG III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện Quy định này;
b) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Quy định này; thống kê, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
2. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Quyết định này trên các phương tiện thông tin đại chúng.
3. Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức triển khai thực hiện.
4. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố
a) Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Quy định này trên địa bàn quản lý;
b) Hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến, tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện Quy định này tại địa phương;
c) Thực hiện công tác thống kê, tổng hợp, báo cáo theo quy định.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp vận động, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, các đoàn viên, hội viên triển khai thực hiện Quy định này.
Điều 16. Điều khoản thi hành
1. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Quy định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo các văn bản mới ban hành.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân và địa phương phản ánh kịp thời về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
- 1Nghị định 105/2012/NĐ-CP tổ chức lễ tang cán bộ, công, viên chức
- 2Hiến pháp 2013
- 3Luật Hôn nhân và gia đình 2014
- 4Quyết định 23/2022/QĐ-UBND Quy định quản lý hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- 5Quy định 99-QĐ/TW năm 2023 về cờ Đảng Cộng sản Việt Nam và việc sử dụng cờ Đảng do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
Quyết định 37/2024/QĐ-UBND về Quy định thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- Số hiệu: 37/2024/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/10/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
- Người ký: Phạm Văn Nghiêm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra