Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2014/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 21 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI HÀNH KHÁCH DU LỊCH ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Luật Du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định 161/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới biển;

Căn cứ Nghị định số 21/2005/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa;

Căn cứ Nghị định 50/2008/NĐ-CP ngày 21/4/2008 của Chính phủ về Quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng biển;

Căn cứ Thông tư số 25/2010/TT-BGTVT ngày 31 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa.

Căn cứ thông tư số 20/2011/TT-BGTVT ngày 31 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về vận tải hành khách thủy nội địa;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL ngày 26 tháng 6 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định về đảm bảo an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa;

Theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại nội dung Công văn số 4917/SVHTTDL-QLLH ngày 03/10/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý hoạt động vận tải hành khách du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện Quyết định này, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về UBND thành phố và phối hợp với Sở Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4: Chánh Văn phòng UBND thành phố; Giám đốc Công an thành phố; Giám đốc các Sở: Tài chính, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế; Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố; Giám đốc Cảng vụ hàng hải Đà Nẵng; Chủ tịch UBND các quận, huyện và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Văn Hữu Chiến

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI HÀNH KHÁCH DU LỊCH ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 37/2014/QĐ-UBND ngày 21 tháng 10 năm 2014 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này quy định một số nội dung về quản lý hoạt động vận tải hành khách du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, bao gồm:

a) Điều kiện hoạt động của tàu du lịch;

b) Điều kiện đối với người làm việc trên tàu du lịch;

c) Quy định về cảng, bến, vùng neo đậu phục vụ tàu du lịch;

d) Trách nhiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (sau đây gọi là tổ chức, cá nhân), thuyền viên, khách du lịch và các cơ quan chức năng có liên quan đến đường thủy nội địa.

2. Ngoài những quy định tại Quy định này, các cơ quan, tổ chức và cá nhân còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động vận tải hành khách đường thủy nội địa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý hoạt động vận tải hành khách du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

2. Tổ chức, cá nhân, chủ phương tiện tham gia kinh doanh vận tải hành khách du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

3. Khách du lịch tham quan, lưu trú qua đêm trên tàu du lịch thuộc địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hoạt động du lịch là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch, cộng đồng dân cư và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến du lịch.

2. Phương tiện thuỷ nội địa (sau đây gọi là phương tiện) là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên hoạt động trên đường thuỷ nội địa.

3. Tàu, thuyền du lịch (sau đây gọi là tàu du lịch) là phương tiện vận tải hành khách, đảm bảo các điều kiện tại Quy định này. Tàu du lịch bao gồm:

a) Tàu du lịch vận tải khách tham quan.

b) Tàu du lịch vận tải khách tham quan có lưu trú qua đêm (sau đây gọi là tàu lưu trú).

4. Tàu, thuyền thể thao là phương tiện chuyên dùng để luyện tập thi đấu thể thao và phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí.

5. Thiết bị phục vụ hoạt động thể thao giải trí dưới nước: bao gồm các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước của khách du lịch.

6. Khu vực neo đậu lưu trú là khu vực được quy hoạch và cho phép tổ chức, cá nhân neo đậu tàu du lịch lưu trú qua đêm trên sông và vịnh thuộc địa bàn thành phố Đà Nẵng.

7. Nhân viên phục vụ là người làm việc trên phương tiện nhưng không phải là thuyền viên, người lái phương tiện.

8. Sức chở người của tàu du lịch là số lượng người tối đa được phép chở trên phương tiện (kể cả nhân viên phục vụ), trừ thuyền viên, người lái phương tiện và trẻ em dưới 1 tuổi.

9. Thuyền viên là người làm việc theo chức danh quy định trên phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn hoặc phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 mã lực hoặc phương tiện có sức chở trên 12 người.

10. Thuyền trưởng là chức danh của người chỉ huy cao nhất trên phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn hoặc phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 mã lực hoặc phương tiện có sức chở trên 12 người.

11. Người lái phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 mã lực hoặc phương tiện có sức chở đến 12 người hoặc bè.

12. Người vận tải là tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện để vận tải người, hàng hóa trên đường thuỷ nội địa.

13. Người kinh doanh vận tải là người vận tải giao kết hợp đồng vận tải hàng hoá, hành khách với người thuê vận tải để thực hiện việc vận tải hàng hoá, hành khách mà có thu cước phí vận tải.

14. Người thuê vận tải là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng vận tải hàng hoá, hành khách với người kinh doanh vận tải.

15. Hành lý là vật dùng, hàng hoá của hành khách mang theo trong cùng chuyến đi, bao gồm hành lý xách tay và hành lý ký gửi.

Điều 4. Những hành vi không được thực hiện

Ngoài các hành vi bị cấm quy định tại Điều 8 Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường và Điều 12 Luật Du lịch, các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động vận tải hành khách du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng không được thực hiện các hành vi sau đây:

1. Đối với tổ chức, cá nhân:

a) Nhận chở khách du lịch tham quan và khách lưu trú trên tàu du lịch nhưng không có hợp đồng bằng văn bản hoặc vé hành khách hợp lệ. Thu tiền cao hơn giá vé niêm yết; thu tiền không có thỏa thuận, thống nhất trước với khách.

b) Có hành vi lừa đảo hoặc cấu kết với người khác để lừa đảo khách du lịch. Không xuất hoá đơn, vé hành khách hợp lệ cho khách theo quy định.

c) Bố trí người làm việc trên tàu du lịch không đủ các chức danh theo quy định. Bố trí thời gian làm việc của người lao động trái với Luật lao động.

d) Tự ý thay đổi kết cấu, bố trí thêm trang thiết bị khác làm ảnh hưởng xấu đến các tính năng kỹ thuật của phương tiện.

e) Các hoạt động đổ chất thải chưa xử lý xuống vùng nước dưới mọi hình thức.

g) Các hoạt động gây tổn hại đến rạn san hô tại khu vực bán đảo Sơn Trà.

2. Đối với thuyền trưởng:

a) Tự ý đón, trả khách ở địa điểm chưa được công bố, cấp phép hoạt động, địa điểm không được ghi trong giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp, trừ trường hợp khẩn cấp, cứu nạn hoặc bất khả kháng.

b) Lập danh sách khách du lịch không đúng tên người, địa chỉ, số lượng người so với thực tế.

c) Đưa khách đi tham quan không đúng hành trình, lộ trình, điểm tham quan, điểm cung cấp dịch vụ đã được ký kết, thỏa thuận, tự ý cắt xén hành trình du lịch.

d) Cho tàu lưu trú neo đậu không đúng vị trí quy định. Không khai báo đăng ký tạm trú (nếu có) cho khách du lịch lưu trú qua đêm trên tàu.

e) Xuất bến khi thời tiết không thuận lợi do sương mù, gió lớn từ cấp 5 trở lên, thời tiết có diễn biến xấu theo thông báo của cơ quan chức năng và tình hình thực tế.

f) Chuyển nhượng khách du lịch sang tàu khác (trừ trường hợp khẩn cấp), bỏ khách du lịch tại điểm tham quan, chuyển tải khách trái quy định.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ TÀU DU LỊCH VÀ TRANG THIẾT BỊ TRÊN TÀU DU LỊCH

Điều 5. Điều kiện an toàn tàu du lịch

Ngoài việc thực hiện quy định tại Điều 5 của Thông tư liên tịch số 22/2012/TTLT/BVHTTDL-BGTVT ngày 26/6/2012 của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải bảo đảm yêu cầu các quy định sau:

1. Có thiết bị thông tin liên lạc bằng điện thoại và VHF (thiết bị VHF có bán kính hoạt động tối thiểu đạt 30km và đảm bảo liên lạc 24/24 giờ với Cảng vụ hàng hải và Trung tâm cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, được gắn cố định trên tàu); lắp đặt thiết bị Radio để theo dõi thời tiết.

2. Các trang thiết bị phục vụ cho công tác cứu sinh, cứu hỏa phải để ở nơi dễ thấy, dễ lấy trên phương tiện khi xảy ra sự cố.

3. Niêm yết số điện thoại đường dây nóng, số cứu hộ, số hành khách được phép chở tại nơi dễ quan sát trong khoang hành khách.

4. Không xả trực tiếp nước thải sinh hoạt, nhà vệ sinh ra môi trường tại cảng, bến hành khách và điểm du lịch.

5. Phải có hệ thống truyền thanh từ phòng thuyền trưởng đến phòng khách để phổ biến nội quy, hướng dẫn khách du lịch.

6. Có nội quy an toàn, sơ đồ chỉ dẫn thoát hiểm, chỉ dẫn sử dụng các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, phao cứu sinh phải đảm bảo đủ số lượng và chất lượng theo quy định. Trang bị 100% phao áo cho số người được phép chở và thuyền viên trên phương tiện.

7. Trang bị y tế: Có tủ thuốc với một số thuốc thông thường và dụng cụ y tế đảm bảo công tác sơ cấp cứu ban đầu.

8. Phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 6. Điều kiện an toàn cho tàu thuyền thể thao và thiết bị phục vụ hoạt động thể thao giải trí dưới nước

1. Các tàu thuyền thể thao phục vụ hoạt động thể thao giải trí dưới nước khi đưa vào hoạt động phải có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của cơ quan Đăng kiểm theo quy định.

2. Thiết bị phục vụ hoạt động thể thao giải trí dưới nước phải được cơ quan chức năng kiểm chuẩn và còn hiệu lực.

Điều 7. Yêu cầu thẩm mỹ, tiện nghi của tàu du lịch

1. Các hình thức quảng cáo trên tàu du lịch phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

2. Phải đáp ứng yêu cầu về thẩm mỹ, sơn màu trắng làm chủ đạo, có hình dáng đảm bảo hài hoà giữa các khối, tạo sự cân bằng về kiến trúc của tàu du lịch. Thường xuyên treo Quốc kỳ Việt Nam khi hoạt động.

3. Phòng khách:

a) Bài trí sạch, đẹp, trang nhã;

b) Có đủ ghế ngồi theo sức chở của tàu;

c) Có màn (ri-đô) che nắng.

4. Phòng ăn (có thể sử dụng phòng ăn chung với phòng khách) phải thoáng mát, sạch, đẹp không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, khói, mùi, sàn không bị trơn trượt, có độ nghiêng cần thiết để thoát nước, có đủ bàn và ghế ngồi.

5. Tàu du lịch phải được trang bị hệ thống chứa nư­ớc sạch đảm bảo đủ phục vụ khách du lịch trong suốt hành trình.

Chương III

QUY ĐỊNH VỀ THUYỀN VIÊN, NGƯỜI LÁI PHƯƠNG TIỆN VÀ NHÂN VIÊN PHỤC VỤ TRÊN PHƯƠNG TIỆN

Điều 8. Quy định đối với thuyền viên, người lái phương tiện và nhân viên phục vụ trên phương tiện

Ngoài các quy định tại Điều 6, Điều 7 Thông tư liên tịch số 22/2012/TTLT/BVHTTDL-BVGTVT, ngày 26/6/2012 của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thuyền viên và người lái phương tiện phải:

1. Trong độ tuổi làm việc theo quy định và không phải là người đang trong thời gian bị cấm hành nghề theo quy định pháp luật.

2. Mặc đồng phục có bảng tên theo quy định của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách du lịch đường thủy nội địa.

Chương IV

CẢNG, BẾN HÀNH KHÁCH VÀ KHU VỰC TÀU DU LỊCH NEO ĐẬU

Điều 9. Điều kiện hoạt động của cảng, bến hành khách, khu vực neo đậu

1. Cảng, bến khách du lịch đường thủy ngoài việc thực hiện theo quy định tại Thông tư số 25/2010/TT-BGTVT ngày 31 tháng 8 năm 2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý hoạt động của cảng, bến hành khách phải thực hiện các quy định sau:

a) Phải có bảng thông tin về chương trình sản phẩm du lịch đường thủy nội địa được bán và phục vụ tại cảng, bến hành khách; bảng hướng dẫn lối đi; bảng thông tin về giờ hoạt động của các phương tiện, luồng tuyến du lịch đường thủy; bảng giá các dịch vụ bằng tiếng Việt và tiếng Anh;

b) Có trang thiết bị, điều kiện phòng cháy chữa cháy theo quy định;

c) Có nhà vệ sinh công cộng đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường;

d) Điểm dừng, đỗ giữ xe cho khách tại chỗ hoặc khu vực lân cận thuận lợi cho hành khách;

đ) Có trang bị phòng chống các sự cố, rủi ro, tai nạn cho phương tiện và hành khách du lịch;

e) Có trang bị nhằm quản lý các loại chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động du lịch theo đúng quy định hiện hành;

g) Khuyến khích có thêm các tiện nghi, tiện ích và dịch vụ phục vụ nhu cầu của hành khách du lịch nhưng không làm thay đổi công năng chính của cảng, bến hành khách;

h) Được cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc cấp giấy phép hoạt động theo quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa.

2. Khu vực neo đậu

a) Có các phương tiện cứu hộ, cứu nạn, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và các phương tiện khác bảo đảm an toàn, an ninh trật tự và bảo vệ môi trường;

b) Trang thiết bị để neo đậu phương tiện lưu trú du lịch bảo đảm an toàn;

c) Được cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc cấp giấy phép hoạt động theo quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa.

Điều 10. Trách nhiệm của chủ cảng, bến hành khách

1.Thực hiện theo các quy định tại Điều 21, Điều 22 Thông tư số 25/2010/TT-BGTVT ngày 31 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa.

2. Ban hành nội quy, quy chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và các nội dung có liên quan tại Quy định này.

3. Tổ chức thực hiện công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật trong phạm vi quản lý.

4. Tham gia lập biên bản xử lý tai nạn, phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy.

5. Thu phí, lệ phí theo quy định.

Điều 11. Không làm thủ tục rời cảng, bến trong các trường hợp

1. Khi thời tiết không đảm bảo an toàn cho tàu du lịch do sương mù, cấp gió thực tế lớn hơn quy định cho phép hoạt động của phương tiện.

2. Trong trường hợp thời tiết có diễn biến đột xuất, Cảng vụ hoặc Ban Quản lý bến thủy nội địa trực tiếp xem xét giải quyết việc ngừng hay tiếp tục cấp giấy phép rời cảng, bến cho tàu du lịch trên cơ sở đảm bảo an toàn. Khi ngừng hay tiếp tục cấp lại phải thông báo công khai cho chủ tàu du lịch, thuyền viên, khách du lịch biết.

3. Khi tổ chức, cá nhân, thuyền viên vi phạm bản Quy định này và nội quy bến, hợp đồng, cam kết đã được ký kết giữa chủ tàu du lịch với Cảng vụ, Ban Quản lý bến thủy nội địa.

4. Tàu du lịch không đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 8 của Quy định này.

5. Các trường hợp vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

Chương V

HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI KHÁCH DU LỊCH ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Điều 12. Điều kiện kinh doanh vận tải khách du lịch

Tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách thủy nội địa theo tuyến cố định và hợp đồng chuyến phải thực hiện các điều kiện quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 của Quy định này và các điều kiện sau:

1. Đăng ký với Sở Giao thông vận tải về tuyến hoạt động và phương án kinh doanh đối với hình thức vận tải theo tuyến cố định hoặc về khu vực hoạt động đối với hình thức vận tải theo hợp đồng chuyến.

2. Có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu du lịch đối với hành khách và người thứ ba.

3. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đúng ngành nghề và đăng ký thuế.

4. Khi kinh doanh các ngành nghề có điều kiện khác, chủ tàu phải đảm bảo các điều kiện, quy định hiện hành của Nhà nước.

5. Bảng nội quy hướng dẫn an toàn, bảng niêm yết giá thuê tàu và các quy định khác được thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh, đặt tại nơi dễ quan sát.

Điều 13. Giá cước vận tải hành khách, hợp đồng vận tải khách du lịch và các dịch vụ khác

1. Kê khai, niêm yết giá:

Tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách du lịch đường thủy nội địa thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định hiện hành. Trình tự thực hiện:

a) Lập hồ sơ kê khai giá gửi các cơ quan: Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Cục Thuế;

b) Kê khai giá lần đầu được thực hiện khi tổ chức, cá nhân bắt đầu kê khai giá với cơ quan tiếp nhận hồ sơ kê khai giá;

c) Kê khai lại giá được thực hiện khi tổ chức, cá nhân điều chỉnh tăng hoặc giảm giá so với mức giá của lần kê khai trước và liền kề;

d) Tổ chức, cá nhân đăng ký giá phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức giá đăng ký;

đ) Công bố công khai thông tin về giá; niêm yết giá đã đăng ký công khai trong toàn hệ thống, thực hiện đúng giá niêm yết, đồng thời phải chấp hành các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật khi thị trường có biến động bất thường.

2. Vé hành khách, hợp đồng vận tải khách du lịch:

a) Vé cước vận tải khách du lịch:

Tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải khách du lịch phải phát hành vé cước vận tải khách theo quy định và niêm yết giá vé tại nơi bán vé. Trường hợp chủ phương tiện ký hợp đồng ủy thác với đơn vị khác bán vé thì phải thực hiện niêm yết giá cước vận tải khách tại nơi bán vé theo quy định.

b) Hợp đồng vận tải khách du lịch:

Tổ chức, cá nhân phải có hợp đồng vận tải khách du lịch theo từng chuyến, trừ các hợp đồng vận tải khách theo chương trình du lịch đã ký với các doanh nghiệp lữ hành. Hợp đồng vận tải phải được lập theo đúng quy định của pháp luật, kèm theo danh sách khách du lịch.

Chương VI

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VÀ CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Điều 14. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

1. Phương tiện đưa vào hoạt động phải bảo đảm các điều kiện hoạt động theo Quy định này.

2. Kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện thường xuyên để di trì trạng thái kỹ thuật sau kiểm định. Đưa phương tiện đi kiểm định đúng định kỳ.

3. Bố trí đầy đủ định biên và lập danh sách thuyền viên và nhân viên phục vụ trên tàu du lịch theo quy định. Đối với tàu du lịch lưu trú qua đêm phải đảm bảo đủ định biên trực ca 24/ 24giờ theo quy định.

4. Có quyết định phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho thuyền trưởng và các thuyền viên khác, nhân viên phục vụ và phổ biến trực tiếp đến từng đối tượng thực hiện; thường xuyên kiểm tra để có biện pháp khắc phục kịp thời những thiếu sót, vi phạm và chịu trách nhiệm về các hoạt động của người được giao quyền quản lý điều hành, thuyền viên, người làm việc trên thuyền trong quá trình hoạt động.

5. Kiểm tra các điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của tàu du lịch trước khi đưa phương tiện vào hoạt động.

6. Trực tiếp chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về các hoạt động liên quan đến sự cố xảy ra với tàu du lịch.

7. Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường theo quy định.

8. Xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn, phòng chống giông bão, cháy nổ, đắm thuyền. Phổ biến và tổ chức cho thuyền viên học tập, đảm bảo chủ động phòng ngừa và xử lý hiệu quả khi có tình huống đột xuất xảy ra.

9. Báo cáo kịp thời, trung thực cho cơ quan chức năng khi có tai nạn, sự cố xảy ra;

Điều 15. Trách nhiệm thuyền trưởng, thuyền viên và người lái phương tiện

Ngoài việc thực hiện các quy định tại Chương II Quyết định số 28/2004/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa; Thông tư số 09/2012/TT-BGTVT ngày 23 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 28/2004/QĐ-BGTVT, thuyền viên và người lái phương tiện còn có trách nhiệm:

1. Trách nhiệm của thuyền trưởng

a) Chịu trách nhiệm cao nhất về an toàn, an ninh trật tự trong suốt hành trình của tàu du lịch. Thông báo kịp thời cho chủ tàu du lịch, Cảng vụ, Ban quản lý bến về tình trạng kỹ thuật của tàu du lịch trong trường hợp không đảm bảo an toàn để xuất bến.

b) Thông báo kịp thời cho khách du lịch về điều kiện thời tiết bất thường hay có sự cố bất thường trên tàu du lịch hoặc trong khu vực.

c) Chỉ nhận khách có giấy tờ tùy thân hợp lệ, đúng với danh sách khách đã khai báo tạm trú (nếu là khách lưu trú).

d) Thực hiện đúng lịch trình đã đăng ký, khi thay đổi lịch trình liên quan đến cảng, bến, điểm neo đậu phải thông báo cho các cơ quan đó biết trước khi thực hiện.

đ) Chỉ huy triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn cho tàu du lịch khi sự cố xảy ra.

e) Khi phát hiện hay nhận được tín hiệu cấp cứu của người hoặc phương tiện khác gặp nạn trên hành trình, nếu điều kiện thực tế cho phép và không gây nguy hiểm cho thuyền và người đang ở trên phương tiện của mình thì thuyền trưởng phải tổ chức tiến hành cứu giúp người bị nạn, đồng thời phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố và cơ quan chức năng, Cảng vụ, Ban Quản lý bến thủy nội địa để kịp thời hỗ trợ.

2. Trách nhiệm của thuyền viên và người lái phương tiện:

a) Thực hiện đầy đủ phạm vi trách nhiệm theo chức danh, chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của thuyền trưởng và người chỉ huy trực tiếp;

b) Trước khi khởi hành, tùy theo chức trách của mình, thuyền viên và người lái phương tiện phải kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn giao thông đường thủy đối với người và tàu du lịch, phổ biến cho khách du lịch cách sử dụng áo phao cứu sinh, trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường và sử dụng búa để mở hoặc phá cửa thoát hiểm.

c) Báo cáo kịp thời cho thuyền trưởng khi phát hiện sự cố bất thường trên tàu du lịch.

Điều 16. Trách nhiệm nhân viên phục vụ trên tàu du lịch

1. Nhân viên phục vụ trên tàu du lịch thực hiện đầy đủ phạm vi trách nhiệm theo công việc được giao, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của thuyền trưởng và người chỉ huy trực tiếp.

2. Tham gia bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho người và tài sản của khách du lịch trong suốt hành trình.

3. Tham gia cứu nạn khi phương tiện khác gặp sự cố trong khu vực cùng neo đậu hoặc đang hoạt động.

4. Báo cáo kịp thời cho thuyền trưởng khi phát hiện sự cố bất thường trên tàu du lịch.

Điều 17. Trách nhiệm khách du lịch

1. Thực hiện theo các quy định tại khoản 2 Điều 83 Luật Giao thông đường thủy nội địa, Điều 36 Luật Du lịch và các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn về điều kiện bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa của thuyền trưởng, thuyền viên.

Điều 18. Trách nhiệm Sở Giao thông vận tải

1. Sở Giao thông vận tải chủ trì cùng các ngành có liên quan thực hiện khảo sát, công bố bổ sung các tuyến, luồng giao thông đường thủy nội địa thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân thành phố quản lý, điểm neo đậu theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

2. Thực hiện trách nhiệm được quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Thông tư liên tịch số 22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL ngày 26 tháng 6 năm 2012 của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về đảm bảo an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa.

Điều 19. Trách nhiệm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1. Là cơ quan thường trực, tổ chức giám sát việc thực hiện Quy định này. Đề xuất các biện pháp giải quyết các phát sinh trong quá trình thực hiện.

2. Chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ du lịch cho thuỷ thủ, thuyền viên, nhân viên phục vụ trên tàu du lịch. Chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ trên tàu du lịch.

3. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan kiểm tra xử lý vi phạm quy định về bảo đảm an toàn cho khách du lịch và tổ chức cá nhân kinh doanh vận tải khách du lịch bằng tàu du lịch.

4. Phối hợp với Cảng vụ hàng hải Đà Nẵng hướng dẫn và cấp phép hoạt động cho các phương tiện tàu, thuyền thể thao hoạt động tại khu vực hàng hải và vùng nước các cảng biển, thủy nội địa thuộc địa phận thành phố Đà Nẵng.

5. Thẩm định và công bố các tuyến, điểm, sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và công tác tuyên truyền quảng bá du lịch.

6. Chủ trì cùng các ngành có liên quan thực hiện khảo sát, thẩm định trình Uỷ ban nhân dân thành phố công bố các tuyến, điểm du lịch, điểm mua sắm, điểm dịch vụ trên đường thuỷ nội địa thuộc địa bàn thành phố.

Điều 20. Trách nhiệm Công an thành phố Đà Nẵng

1. Đảm bảo an ninh trật tự đối với hoạt động của tàu du lịch, đăng ký và quản lý lưu trú, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện liên quan đến hoạt động của tàu du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

2. Chịu trách nhiệm chủ trì kiểm tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý các phương tiện có hành vi vi phạm về an toàn giao thông đường thủy nội địa, vi phạm về quản lý lưu trú và các vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

3. Chỉ đạo công an các quận, huyện kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về an ninh trật tự tại các cảng, bến hành khách, điểm du lịch, điểm dịch vụ.

Điều 21. Trách nhiệm Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Đà Nẵng

1. Kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC cho các tàu du lịch và cảng, bến hành khách.

2. Tập huấn nghiệp vụ PCCC cho các thuyền viên và nhân viên cảng, bến hành khách.

3. Tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố cháy, nổ hoặc chìm tàu xảy ra. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố, Cảng vụ hàng hải Đà Nẵng, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố trên các tuyến giao thông thủy phục vụ hoạt động du lịch.

Điều 22. Trách nhiệm BCH Bộ đội biên phòng thành phố Đà Nẵng

1. Đăng ký, quản lý và kiểm tra, kiểm soát các tàu du lịch hoạt động trong khu vực biên giới biển.

2. Phát hiện, xử lý các vi phạm trong phạm vi chức năng, quyền hạn của Bộ đội biên phòng theo quy định của pháp luật.

3. Là cơ quan thường trực cứu hộ, cứu nạn; chủ động phối hợp với các ngành, địa phương liên quan giải quyết các sự cố xảy ra trên sông, trên biển. Bố trí phương tiện để phục vụ nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn.

4. Cung cấp và hướng dẫn niêm yết số điện thoại của các đơn vị phục vụ công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, đường thủy nội địa.

5. Chịu trách nhiệm trong việc để các tàu du lịch không đủ điều kiện theo Quy định này ra, vào vùng vịnh và ven biển, kể cả các tàu du lịch hoạt động ở khu vực bán đảo Sơn Trà.

Điều 23. Trách nhiệm Cảng vụ hàng hải Đà Nẵng

1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hàng hải tại cảng biển và vùng nước cảng biển, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường đối với phương tiện và cảng, bến thủy nội địa trong vùng nước cảng biển.

2. Duy trì hoạt động liên tục của hệ thống thông tin (VHF) kênh 16, trực 24/24 giờ để giám sát, điều động phương tiện hoạt động trên luồng hàng hải, trong vùng nước cảng biển.

3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận cho các phương tiện được phép tiến hành các hoạt động lặn, tổ chức thi đấu thể thao trong vùng nước cảng biển; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát các tàu du lịch tham gia hoạt động vùng nước cảng biển Đà Nẵng và xử lý theo thẩm quyền đối với hành vi vi phạm pháp luật liên quan.

4. Tổ chức, phối hợp thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn đối với phương tiện hoạt động tại cảng biển và vùng nước cảng biển.

Điều 24. Trách nhiệm Sở Tài chính

1. Hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân, đơn vị quản lý cảng, bến thủy nội địa phương án, mức thu dịch vụ, phí không nằm trong quy định thu phí và lệ phí của Nhà nước.

2. Hướng dẫn Ban quản lý cảng, bến thủy nội địa thực hiện công tác quản lý tài chính theo đúng quy định.

3. Thẩm định mức thu phí dịch vụ của các tổ chức, cá nhân, đơn vị quản lý cảng, bến thủy nội địa trước khi trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định.

Điều 25. Trách nhiệm Sở Y tế

1. Cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho tàu du lịch có phục vụ dịch vụ ăn uống cho hành khách.

2. Tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố và tai nạn trên đường thủy nội địa.

Điều 26. Trách nhiệm Uỷ ban nhân dân các quận, huyện

Theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền quy định, có trách nhiệm:

1. Tổ chức hướng dẫn công tác quản lý cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn.

2. Lập danh sách tàu du lịch, các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn quản lý.

3. Kiểm tra, xử lý và chịu trách nhiệm về việc để các cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn hoạt động trái phép.

4. Theo dõi, tổng hợp tình hình tai nạn và đề ra các giải pháp, biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông thủy nội địa và chịu trách nhiệm về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa tại địa phương.

5. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục vận động các tổ chức, cá nhân và nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia bảo vệ các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; hành lang bảo vệ luồng và chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường thủy nội địa.

6. Chỉ đạo kiểm tra và xử phạt theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật.

7. Khi nhận được tin báo có tai nạn hoặc nơi phát hiện người, phương tiện bị nạn trên đường thủy nội địa phải cử ngay người đến nơi xảy ra tai nạn; huy động người, phương tiện để cứu vớt, cứu chữa người bị nạn, bảo vệ tài sản, phương tiện bị nạn, dấu vết vật chứng liên quan đến tai nạn; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thông suốt. Trường hợp tai nạn, sự cố gây tác hại đến môi trường thì phải báo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

8. Giúp đỡ người bị nạn, trường hợp tai nạn gây chết người, sau khi cơ quan điều tra có thẩm quyền đồng ý cho chôn cất mà nạn nhân không rõ tung tích, không có thân nhân hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất thì tiến hành chôn cất nạn nhân theo quy định của pháp luật.

9. Khi có vật chướng ngại đột xuất gây cản trở giao thông trên luồng thuộc địa bàn quản lý, phải có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông và báo cáo ngay về Sở Giao thông vận tải để xử lý.

10. Định kỳ báo cáo công tác quản lý trong lĩnh vực giao thông thủy nội địa về Sở Giao thông Vận tải.

11. Chủ trì trong việc chăm sóc, hỗ trợ ban đầu cho khách du lịch khi gặp nạn trên các tuyến đường thủy nội địa thuộc địa bàn quản lý.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Các Sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các tổ chức liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ để lập kế hoạch tổ chức thực hiện Quy định này.

Điều 28. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có quy định nào chưa phù hợp, phát sinh những vấn đề mới chưa được quy định hoặc có sự thay đổi các quy định pháp luật liên quan, các cơ quan chức năng liên quan kịp thời phản ảnh, thông tin về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo đề xuất trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 37/2014/QĐ-UBND về quản lý hoạt động vận tải hành khách du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

  • Số hiệu: 37/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/10/2014
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Văn Hữu Chiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản