Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HÓA -
THÔNG TIN
*****

Số: 37/2006/QĐ-BVHTT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Hà Nội, ngày 24  tháng 03 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC THI HOA HẬU

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA - THÔNG TIN

Căn cứ Nghị định 63/2003/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa – Thông tin;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế tổ chức thi Hoa hậu”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định 31/2000/QĐ-BVHTT ngày 28/11/2000 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin ban hành kèm theo “Quy chế thi người đẹp”.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Thủ trưởng Cục, Vụ và đơn vị có liên quan thuộc  Bộ Văn hóa – Thông tin, giám đốc cục Văn hóa – Thông tin văn phòng văn hóa, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này./.

 

 

BỘ TRƯỞNG



 
Phạm Quang Nghị

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC THI HOA HẬU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 37/2006/QĐ-BVHTT ngày 24 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

1.1. Tổ chức các cuộc thi Hoa hậu trong nước bao gồm: Hoa hậu toàn quốc; Hoa hậu khu vực, vùng, miền; Hoa hậu bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; Hoa hậu cấp tỉnh;

1.2. Tổ chức thi Hoa hậu quốc tế tại Việt Nam;

1.3. Đưa thí sinh đi dự thi Hoa hậu quốc tế;

1.4. Hoạt động bình chọn người đẹp trong các cuộc liên hoan, lễ hội; bình chọn qua ảnh hoặc trong các hoạt động văn hóa xã hội khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này.

2. Đối tượng áp dụng:

2.1. Đơn vị Việt Nam tổ chức thi Hoa hậu trong nước;  

2.2. Đơn vị Việt Nam phối hợp với đối tác nước ngoài tổ chức thi Hoa hậu quốc tế tại Việt Nam;

2.3. Đơn vị Việt Nam đưa thí sinh đạt danh hiệu tại các cuộc thi Hoa hậu trong nước đi dự thi Hoa hậu quốc tế;

2.4. Thí sinh thi Hoa hậu trong nước và quốc tế.

 Điều 2. Khái niệm và các cuộc thi Hoa hậu trong năm

1. Khái niệm:

Tổ chức thi Hoa hậu là hoạt động văn hóa nhằm tuyển chọn nữ công dân có đạo đức tốt, có hiểu biết về văn hóa, có hình thể cân đối và có khuôn mặt đẹp tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam để trao tặng danh hiệu Hoa hậu, Á hậu và các danh hiệu khác theo quy định của Ban tổ chức cuộc thi.

2. Các cuộc thi Hoa hậu trong năm:

Căn cứ điều kiện, yêu cầu, khả năng thực tế của từng địa phương và đơn vị đề nghị tổ chức, cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức các cuộc thi Hoa hậu quy định tại điểm 1.1 khoản 1 Điều 1 Quy chế này một năm không quá một lần.

Điều 3. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Tổ chức thi Hoa hậu tại các địa điểm: Trường phổ thông; di tích lịch sử; nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo và các địa điểm khác không được phép của cơ quan có thẩm quyền.

2. Thí sinh dự thi Hoa hậu có những hành động, lời nói làm tổn hại đến hình ảnh, uy tín, danh dự của đất nước và làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ quốc tế.

3. Thí sinh không có danh hiệu tại các cuộc thi Hoa hậu trong nước ra nước ngoài dự thi Hoa hậu quốc tế.

Chương 2:

ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC TỔ CHỨC THI HOA HẬU

Điều 4. Điều kiện đối với đơn vị tổ chức, thí sinh dự thi và địa điểm thi

1. Đơn vị tổ chức thi Hoa hậu:

1.1. Có tư cách pháp nhân;

1.2. Có chức năng tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật;

1.3. Có Quyết định cho phép tổ chức thi Hoa hậu của cơ quan có thẩm quyền,

2. Thí sinh dự thi Hoa hậu:

2.1. Là nữ công dân Việt Nam, từ mười tám tuổi trở lên;

2.2. Có trình độ văn hóa tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên;

2.3. Chưa qua giải phẫu thẩm mỹ hoặc chuyển đổi giới tính;

2.4. Chưa có tiền án; không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Địa điểm tổ chức thi Hoa hậu:

3.1. Bảo đảm đầy đủ trang thiết bị âm thanh, ánh sáng và các điều kiện cần thiết phục vụ cho cuộc thi;

3.2. Bảo đảm an ninh, trật tự.

Điều 5. Hồ sơ đề nghị cho phép tổ chức thi Hoa hậu

1. Văn bản đề nghị trong đó nêu rõ: Tên, phạm vi, mục đích, ý nghĩa của cuộc thi; thời gian, địa điểm tổ chức; cam kết chấp hành các quy định của Quy chế này.

2. Văn bản đồng ý tổ chức cuộc thi Hoa hậu tại địa phương của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức cuộc thi.

3. Đề án cuộc thi gồm các nội dung sau:

3.1. Thể lệ cuộc thi nêu rõ các điều kiện, tiêu chí, nội dung và trình tự tổ chức cuộc thi;

3.2. Nguồn kinh phí tổ chức cuộc thi: Kinh phí tự có hoặc được tài trợ; chi phí cho giải thưởng;

3.3. Danh sách Ban chỉ đạo, Ban tổ chức (ghi rõ chức danh, nghề nghiệp và chức vụ đang đảm nhiệm của các thành viên);

3.4. Danh sách ban giám khảo gồm các thành viên có trình độ chuyên môn ở các lĩnh vực: Nhân trắc học, mỹ học, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, nhiếp ảnh, xã hội học (tùy theo quy mô, tính chất của từng cuộc thi, Ban tổ chức mời thêm các thành viên khác);

3.5. Quy chế làm việc của Ban tổ chức và Ban giám khảo;

3.6. Các giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân của đơn vị tổ chức.

Điều 6. Điều kiện và hồ sơ đề nghị cho thí sinh đi dự thi Hoa hậu Quốc tế

1. Điều kiện đối với thí sinh:

1.1. Đã đạt danh hiệu tại các cuộc thi Hoa hậu trong nước;

1.2. Có giấy mời của Ban tổ chức cuộc thi;

1.3. Thông thạo tiếng Anh;

1.4. Được một đơn vị Việt Nam có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này làm đại diện, chịu trách nhiệm về các thủ tục có liên quan và đưa đi dự thi;

2. Điều kiện đối với đơn vị đưa thí sinh đi dự thi:

2.1. Có đủ điều kiện quy định tại điểm 1.1 và 1.2 khoản 1 Điều 4 Quy chế này;

2.2. Có văn bàn đồng ý của cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 11 và khoản 2 Điều 13 Quy chế này.

3. Hồ sơ đề nghị gồm:

3.1. Văn bản đề nghị của đơn vị Việt Nam đưa thí sinh đi dự thi, trong đó nêu rõ: Tên, mục đích, ý nghĩa của cuộc thi; thời gian, địa điểm tổ chức; họ tên, ngày, tháng, năm sinh danh hiệu và trình độ tiếng Anh của thí sinh; cam kết chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Quy chế này, các quy định của Ban tổ chức và pháp luật nước sở tại;

3.2. Giấy mời của Ban tổ chức và thể lệ cuộc thi;

3.3. Đơn đề nghị dự thi của thí sinh.

Điều 7. Điều kiện và hồ sơ đề nghị tổ chức thi Hoa hậu Quốc tế tại Việt Nam

1. Điều kiện:

Tổ chức nước ngoài muốn tổ chức thi Hoa hậu Quốc tế tại Việt Nam phải thông qua đơn vị Việt Nam và có đủ điều kiện quy định tại điểm 1.1, 1.2 khoản I Điều 4 Quy chế này.

2. Hồ sơ:

Đơn vị Việt Nam nộ hồ sơ đề nghị tổ chức thi Hoa hậu quốc tế tại Việt Nam gồm:

2.1. Các văn bản quy định tại Điều 5 Quy chế này;

2.2. Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với đối tác nước ngoài;

2.3. Văn bản chứng minh tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài.

Chương 3:

QUYỀN LỢI, NGHĨA VỤ CỦA ĐƠN VỊ TỔ CHỨC VÀ NGƯỜI ĐẠT DANH HIỆU

Điều 8. Quyền lợi và nghĩa vụ của đơn vị tổ chức

1. Quyền lợi:

1.1. Được tuyên truyền, quảng cáo cho cuộc thi;

1.2. Được huy động các nguồn tài chính hợp pháp cho cuộc thi;

1.3. Được thu nhập tài chính hợp pháp từ các hoạt động của cuộc thi;

1.4. Được tổ chức chương trình nghệ thuật phù hợp với cuộc thi;

1.5. Được đưa thí sinh đạt danh hiệu ra nước ngoài tham dự các cuộc thi Hoa hậu quốc tế.

2. Nghĩa vụ:

2.1. Thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Quy chế này và các văn bản pháp luật có liên quan;

2.2. Khi đưa thí sinh đi tham dự các cuộc thi Hoa hậu quốc tế phải đảm bảo các điều kiện cho thí sinh dự thi theo đúng quy định của Ban tổ chức và pháp luật nước sở tại.

Chương 4:

PHÂN CẤP QUẢN LÝ

Điều 10. Trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Văn hóa – Thông tin

Bộ Văn hóa – Thông tin là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tổ chức thi Hoa hậu trên phạm vi toàn quốc. Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin ra quyết định cho phép:

1. Tổ chức thi Hoa hậu toàn quốc

2. Tổ chức thi Hoa hậu quốc tế tại Việt Nam.

Điều 11. Trách nhiệm và quyền hạn của Cục Nghệ thuật biểu diễn

Cục Nghệ thuật biểu diễn giúp Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tổ chức thi Hoa hậu trên phạm vi toàn quốc và có trách nhiệm, quyền hạn sau:

1. Quyết định cho phép tổ chức thi hoa hậu khu vực, vùng, miền; Hoa hậu bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.

2. Quyết định cho phép đơn vị đưa thí sinh đạt danh hiệu tại các cuộc thi Hoa hậu toàn quốc; Hoa hậu khu vực, vùng, miền; Hoa hậu bộ, ngành, đoàn thể Trung ương đi dự thi Hoa hậu quốc tế.

3. Phối hợp với Thanh tra Bộ Văn hóa – Thông tin thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này trên phạm vi toàn quốc.

Điều 12. Trách nhiệm và quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Việc xem xét, quyết định cho phép tổ chức và quản lý thi Hoa hậu tại địa phương thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 13. Trách nhiệm và quyền hạn của Sở Văn hóa – Thông tin

Sở Văn hóa – Thông tin giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý hoạt động tổ chức thi Hoa hậu trong phạm vi địa phương và có trách nhiệm, quyền hạn sau:

1. Tiếp nhận hồ sơ, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép tổ chức thi Hoa hậu cấp tỉnh.

2. Quyết định cho phép đơn vị đưa thí sinh đạt danh hiệu tại cuộc thi Hoa hậu địa phương đi dự thi Hoa hậu quốc tế.

3. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này trong phạm vi địa phương và phối hợp với Thanh tra Bộ Văn hóa – Thông tin khi có yêu cầu.

Điều 14. Thời hạn nhận hồ sơ và giải quyết

1. Thời hạn nhận hồ sơ:

1.1. Cuộc hi Hoa hậu toàn quốc: Đơn vị tổ chức nộp hồ sơ tại Cục Nghệ thuật biểu diễn trước ngày 30 tháng 10 hàng năm để đề nghị cho phép tổ chức thi Hoa hậu trong năm tiếp theo;

1.2. Cuộc thi Hoa hậu khu vực, vùng, miền; Hoa hậu bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, thời hạn nộp hồ sơ theo kế hoạch của đơn vị đề nghị tổ chức cuộc thi;

1.3. Cuộc thi Hoa hậu cấp tỉnh, thời hạn nộp hồ sơ do Sở Văn hóa – Thông tin quy định.

2. Thời hạn giải quyết:

2.1. Cuộc thi Hoa hậu toàn quốc: Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết;

2.2. Các cuộc thi Hoa hậu khu vực, vùng, miền; Hoa hậu bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; Hoa hậu cấp tỉnh: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết;

2.3. Cuộc thi Hoa hậu quốc tế tại Việt Nam: Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết;

2.4. Đưa thí sinh dự thi Hoa hậu quốc tế: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Chương 5:

THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 15. Trách nhiệm và quyền hạn của Thanh tra

1. Thanh tra Bộ Văn hóa – Thông tin có trách nhiệm phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này và xử lý vi phạm theo thẩm quyền trên phạm vi toàn quốc.

2. Thanh tra Sở Văn hóa thông tin chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế và xử lý vi phạm theo thẩm quyền trong phạm vi địa phương.

Điều 16. Xử lý vi phạm

1. Đối với đơn vị tổ chức và thí sinh dự thi:

1.1. Đơn vị tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, vi phạm về đạo đức, nhân phẩm đối với thí sinh hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác, tùy tính chất, mức độ sẽ phải bồi thường thiệt hại, bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành;

1.2. Thí sinh đạt danh hiệu tại các cuộc thi Hoa hậu, nếu có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức gây ảnh hưởng xấu đến xã hội sẽ bị ban tổ chức cuộc thi ra quyết định tước danh hiệu.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép, thanh tra, kiểm tra phải làm đúng chức năng, quyền hạn. Tổ chức, cá nhân nào lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc cấp phép, thanh tra, kiểm tra, quyết định xử phạt sai, gây thiệt hại về vật chất và tinh thần cho đơn vị tổ chức thi Hoa hậu, cho thí sinh dự thi, tùy theo tính chất, mức độ sai phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Hiệu lực của Quy chế

Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế “Quy chế thi người đẹp” ban hành kèm theo Quyết định 31/2000/QĐ-BVHTT ngày 28/11/2000 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin.

Điều 18. Tổ chức thực hiện

Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa – Thông tin, Giám đốc sở Văn hóa – Thông tin, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức và thực hiện Quy chế này./.