Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3684/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 03 tháng 11 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG NGỪA, GIẢM THIỂU LAO ĐỘNG TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 15/6/2004;

Căn cứ Quyết định số 1023/QĐ-TTg ngày 07/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 176/TTr-LĐTBXH ngày 11/10/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020.

Điều 2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Lao động - Thương binh và xã hội;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh và các đoàn thể;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (VX);
- Các sở, ban, ngành;
- Chánh, Phó Chánh VP. UBND tỉnh (VX);
- UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, VX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hòa Hiệp

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÒNG NGỪA, GIẢM THIỂU LAO ĐỘNG TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 3684/QĐ-UBND ngày 03/11/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Phần I

TÌNH HÌNH TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015, TỔNG QUAN VỀ LAO ĐỘNG TRẺ EM VÀ SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG NGỪA, GIẢM THIỂU LAO ĐỘNG TRẺ EM

I. BỐI CẢNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Đồng Nai là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, diện tích tự nhiên trên 5.894km2, chiếm 1,76% diện tích tự nhiên cả nước và chiếm 25,5% diện tích tự nhiên của vùng Đông Nam bộ. Dân số toàn tỉnh theo số liệu điều tra dân số đến cuối năm 2015 có khoảng 03 triệu dân, trong đó dân số thành thị trên 01 triệu người, chiếm trên 34%; dân số nông thôn khoảng 02 triệu người, chiếm khoảng 65%; có trên 30 dân tộc anh em cùng sinh sống, dân cư sống ở khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ hơn 70%. Hộ nghèo tính đến cuối năm 2015: Có 13.411 hộ, chiếm 1,9% dân số toàn tỉnh, trong đó hộ nghèo thành thị chiếm 13%, hộ nghèo nông thôn chiếm 87%. Đồng Nai có hơn 32 khu công nghiệp với trên 500 ngàn công nhân, đa số gặp nhiều khó khăn về đời sống vật chất và tinh thần.

II. TÌNH HÌNH TRẺ EM

1. Trẻ em dưới 16 tuổi toàn tỉnh là 654.895 em, chiếm tỷ lệ 22,5% dân số, trong đó: Trẻ em nam là 339.692 em, chiếm tỷ lệ 52%; trẻ em nữ là 315.203 em, chiếm tỷ lệ 48%, tỷ lệ trẻ em trong các gia đình nghèo chiếm 4,5%.

2. Trên địa bàn tỉnh có 11.355 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị tổn thương, trong đó có 3.170 trẻ em khuyết tật.

Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh cơ bản đã hoàn thành được các mục tiêu đề ra. Cụ thể: 100% số trẻ em bị tàn tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa được hưởng trợ cấp thường xuyên; tỷ lệ trẻ em khuyết tật được phục hồi chức năng vượt kế hoạch trên 20%; trẻ em được cấp thẻ khám chữa bệnh đạt trên 98%. Tỷ lệ trẻ em tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí ngày càng cao; tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế như: Hàng năm, trẻ em bị tai nạn thương tích xảy ra còn nhiều khoảng 10.000 em; 97 trường hợp trẻ em bị xâm hại, trong đó 51 vụ giao cấu với trẻ em, 34 vụ hiếp dâm trẻ em; 145 người chưa thành niên vi phạm pháp luật; trên 600 trẻ tham gia lao động sớm; nguồn lực dành cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa đáp ứng được mục tiêu, cụ thể: Kinh phí cấp cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc trẻ em và các chương trình của trẻ em chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế của địa phương; trang thiết bị máy móc không đủ đáp ứng công việc, vì vậy việc nắm bắt, cập nhật thông tin về số liệu trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng chưa được kịp thời; cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn nhiều biến động, thiếu đội ngũ cộng tác viên tại các ấp, khu phố dẫn đến việc thực hiện chế độ, chính sách đối với trẻ em còn chưa hiệu quả.

III. TỔNG QUAN VỀ LAO ĐỘNG TRẺ EM, BÀI HỌC KINH NGHIỆM TỪ DỰ ÁN ILO VÀ SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG NGỪA, GIẢM THIỂU LAO ĐỘNG TRẺ EM

1. Tổng quan về lao động trẻ em

a) Khái niệm lao động trẻ em của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO):

Lao động trẻ em (LĐTE) là khái niệm chỉ tất cả những công việc gây hại cho trẻ em về mặt tinh thần, thể chất, xã hội hay đạo đức và cản trở việc học tập của trẻ em do lấy đi của các em cơ hội học tập, buộc các em phải nghỉ học sớm hoặc buộc các em phải kết hợp việc học với làm việc nặng nhọc và/hoặc trong nhiều giờ.

- ILO đưa ra ba căn cứ xác định lao động trẻ em, bao gồm:

+ Độ tuổi tối thiểu mà các nước không được phép sử dụng trẻ em vào làm việc.

+ Giới hạn số giờ làm việc của trẻ em theo lứa tuổi.

+ Các điều kiện làm việc không được phép sử dụng trẻ em.

- Công ước 182 của ILO quy định những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, bao gồm:

+ Mọi hình thức nô lệ hay tương tự nô lệ (ví dụ như lao động gán nợ, lao động khổ sai, lao động cưỡng bức, cưỡng bức trẻ em tham gia và phục vụ trong các cuộc xung đột vũ trang,...).

+ Sử dụng, dụ dỗ hoặc lôi kéo trẻ em làm mại dâm, sản xuất văn hóa phẩm khiêu dâm hoặc biểu diễn khiêu dâm.

+ Sử dụng, dụ dỗ hoặc lôi kéo trẻ em tham gia các hoạt động bất hợp pháp, đặc biệt là việc sản xuất và buôn bán các chất ma túy.

+ Sử dụng trẻ em làm các công việc mà tính chất và hoàn cảnh làm việc gây tổn hại đến sức khỏe, sự an toàn và đạo đức của trẻ.

b) Lao động trẻ em theo quy định của pháp luật Việt Nam:

Tuy chưa có khái niệm chính thức về lao động trẻ em, nhưng pháp luật Việt Nam cũng đã quy định cụ thể về độ tuổi, giới hạn số giờ làm việc của trẻ em theo lứa tuổi và các điều kiện làm việc không được phép sử dụng trẻ em, cụ thể:

- Về độ tuổi tham gia lao động (theo Điều 3, Điều 61 - Bộ luật Lao động năm 2012):

+ Độ tuổi tối thiểu để học nghề là từ đủ 14 tuổi.

+ Người đủ 15 tuổi trở lên mới được tham gia quan hệ lao động. Trẻ em dưới 13 tuổi và từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi chỉ được làm các công việc nhẹ theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH ngày 11/6/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành danh mục công việc nhẹ được sử dụng người dưới 15 tuổi làm việc.

- Về thời gian lao động (theo Điều 163 - Bộ luật Lao động năm 2012):

+ Thời giờ làm việc của người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần.

+ Thời giờ làm việc của người dưới 15 tuổi không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần và không được sử dụng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

+ Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề và công việc theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Về danh mục các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động chưa thành niên:

Người lao động dưới 18 tuổi là người lao động chưa thành niên (theo Điều 161, Điều 162 - Bộ luật Lao động năm 2012), không được sử dụng lao động chưa thành niên làm việc trong các công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của họ theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành (theo Thông tư số 10/2013/TT- BLĐTBXH).

c) Khái niệm/thuật ngữ sử dụng trong Chương trình:

- Lao động trẻ em: Là những trẻ em làm những nghề, công việc bị cấm hoặc dưới độ tuổi hoặc quá thời gian quy định tùy theo độ tuổi theo quy định của pháp luật.

- Lao động trẻ em tồi tệ nhất: Là những trẻ em tham gia vào bốn nhóm hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất được quy định trong Công ước 182 của ILO.

2. Bài học kinh nghiệm từ Dự án ILO đã thực hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2009 - 2013

a) Sơ lược về kết quả Dự án ILO tại Đồng Nai:

Chương trình hành động “Ngăn ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em” tại tỉnh Đồng Nai do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tài trợ được chính thức thực hiện từ tháng 7/2011 - 9/2013, trên địa bàn các xã Phú Lý, Mã Đà huyện Vĩnh Cửu và xã Phú Ngọc, Phú Cường huyện Định Quán.

Trong 02 năm thực hiện Dự án, có 600 lao động trẻ em được lập hồ sơ và đưa vào phần mềm giám sát, quản lý đối tượng hưởng lợi của Dự án, với các hình thức như: Tổ chức 08 khóa tập huấn cho trên 200 lượt người; xây dựng 01 phóng sự phản ánh về bảo vệ trẻ em; 100 trẻ em bỏ học và có nguy cơ bỏ học thuộc các xã điểm được hỗ trợ học văn hóa, học nghề; 11 trường tiểu học, THCS tại các xã điểm được hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở vật chất; 85 trẻ em được giải phóng khỏi công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thông qua hoạt động giáo dục chính quy, giáo dục không chính quy và hỗ trợ học nghề; 19 cơ sở sản xuất kinh doanh, trang trại được tập huấn nâng cao nhận thức về lao động trẻ em và an toàn vệ sinh.

b) Bài học kinh nghiệm:

Thực tiễn triển khai các giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em thông qua Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) xây dựng và triển khai thực hiện Dự án “Hỗ trợ xây dựng và thực hiện các Chương trình về xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất” tại Đồng Nai cho thấy:

- Việc thực hiện khảo sát đầu vào tại địa bàn dự định thực hiện can thiệp là rất cần thiết để có được thông tin và dữ liệu cụ thể về nhóm đối tượng hưởng lợi và tình hình cụ thể của địa phương nhằm đưa ra các biện pháp can thiệp phù hợp.

- Các mô hình can thiệp cần phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, văn hóa và đặc điểm nhóm đối tượng hưởng lợi. Song hành với các hoạt động hỗ trợ trực tiếp, cần có các hoạt động truyền thông vận động, nâng cao nhận thức thường xuyên và liên tục cho các nhóm đối tượng hưởng lợi cũng như cộng đồng địa phương.

- Cần có sự tham gia của các bên, đặc biệt là trẻ em và gia đình các em, vào việc xây dựng và lập kế hoạch cho các hoạt động can thiệp nhằm đảm bảo tính phù hợp và khả thi của các hoạt động.

c) Những nguyên nhân chính dẫn đến lao động trẻ em và những khó khăn, thách thức trong phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em:

- Nhận thức hạn chế của gia đình các em và chính các em, cũng như người sử dụng lao động và người môi giới lao động.

- Đói nghèo được xem là nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế và từ đó dẫn đến nguy cơ lao động trẻ em.

- Những hạn chế của pháp luật trong việc kiểm soát và xử lý các vi phạm liên quan đến lao động trẻ em, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức, cũng là một thách thức trong việc giải quyết vấn đề lao động trẻ em.

- Chưa có điều kiện nhân rộng mô hình can thiệp phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em tại các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa.

3. Sự cần thiết phải xây dựng chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em

Trẻ em tham gia lao động sớm, khi mà công việc quá sức với độ tuổi sẽ ảnh hưởng tiêu cực về mặt thể chất và tinh thần của trẻ, đồng thời ảnh hưởng đến bộ mặt và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh:

a) Về thể chất: Đối với trẻ em lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, có một số hoạt động có thể là mối nguy hiểm đe dọa đến sự an toàn về thể chất của trẻ ví dụ như khi trẻ em tham gia làm mủ cao su, việc tiếp xúc với mùi hôi và các hóa chất trong quá trình xử lý có thể gây ảnh hưởng lâu dài và trẻ có thể mắc bệnh về đường hô hấp. Đối với trẻ em lao động trong lĩnh vực khai thác, chế biến thủy sản, các rủi ro như đuối nước, độc hại do hóa chất ướp và chế biến cá, mùi khí khó chịu trong quá trình chế biến thủy sản làm cho trẻ dễ mắc bệnh về đường hô hấp, bị xương cá, các dụng cụ chế biến gây thương tích,... Trẻ em làm các công việc trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp như may giày, khâu bóng phải đối mặt với các rủi ro như gù lưng, vẹo cột sống, cận thị,… Đặc biệt là thời gian làm việc kéo dài trong ngày với tư thế ngồi gò bó, ngồi lâu khiến các em mệt mỏi và ảnh hưởng đến sự phát triển hệ xương. Đối với trẻ em tự làm việc như trẻ đi bán vé số, đánh giày hay trẻ nhặt rác, khai thác phế liệu, trẻ thường bị xua đuổi, mắng mỏ; thậm chí bị cướp tiền, bị xâm hại tình dục và các rủi ro khác từ việc lao động sớm gây nên.

b) Về trí tuệ: Việc lao động sớm khiến các em khó tiếp tục học tập và phải bỏ học giữa chừng dẫn đến trình độ dân trí thấp và bản thân các em sẽ không có đủ kiến thức, kỹ năng cho tương lai; đối với những em vừa học vừa lao động kiếm sống sẽ ảnh hưởng tới thời gian và chất lượng học tập của các em; trong quá trình tham gia lao động, có những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như khuân vác nặng, làm việc trong lò gạch, lò gốm, làng bè... cũng sẽ ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ em.

c) Ảnh hưởng đến bộ mặt và sự phát triển chung của tỉnh: Khi trẻ em tham gia lao động và bỏ học, thiếu sự giáo dục của nhà trường, rời xa môi trường học tập khi tuổi còn rất nhỏ là nguy cơ cho sự phát triển nhận thức lệch chuẩn và các hành vi lệch chuẩn. Rời xa nhà trường, trẻ không còn cơ hội tiếp cận với những hoạt động giáo dục nhân cách dễ dẫn đến sa ngã và có nguy cơ rơi vào các tệ nạn xã hội ảnh hưởng đến bộ mặt chung của tỉnh; đồng thời, tỷ lệ lao động trẻ em tăng cao sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai của tỉnh.

Phần II

NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG NGỪA, GIẢM THIỂU LAO ĐỘNG TRẺ EM GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

I. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu tổng quát

Thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật được phát hiện, can thiệp, hỗ trợ kịp thời để hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan, người sử dụng lao động, cộng đồng, cha mẹ và trẻ em về lao động trẻ em.

b) 100% trẻ em lao động trái quy định của pháp luật khi có thông báo, phát hiện được hỗ trợ, can thiệp kịp thời.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Đối tượng

a) Đối tượng trực tiếp: Trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

b) Đối tượng gián tiếp: Cha mẹ, người sử dụng lao động tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức.

2. Phạm vi

Chương trình được thực hiện trong toàn tỉnh, ưu tiên xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; vùng có nhiều trẻ em tham gia lao động.

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2016 đến năm 2020.

III. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật cho các sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức, người sử dụng lao động, xã hội, cha mẹ và trẻ em.

a) Chỉ tiêu:

- 100% người dân được phổ biến kiến thức về quyền trẻ em, thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của lao động trẻ em và trẻ em tham gia vào các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.

- 90% người sử dụng lao động, gia đình, trẻ em, các cấp chính quyền, cộng đồng ở các địa phương ưu tiên hiểu rõ và thực hiện các chính sách, quy định của Nhà nước về phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em.

b) Các nội dung hoạt động:

- Tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm tạo mối quan tâm, thúc đẩy sự thay đổi nhận thức và vận động sự tham gia của xã hội đối với công tác phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

- In ấn băng rôn, baner, áp phích, bản tin “Trẻ em như búp trên cành”, đăng tin, đăng bài trên các báo... nhằm truyền thông về phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

- Triển khai các hình thức truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng của Chương trình; tổ chức các hoạt động giáo dục, tư vấn, truyền thông trực tiếp cho cộng đồng, trường học, người sử dụng lao động, đặc biệt tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức về phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

c) Cơ quan thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai, Báo Đồng Nai, Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu Chiến binh tỉnh và UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa triển khai thực hiện.

2. Nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em các cấp, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đội ngũ thanh tra viên về phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

a) Chỉ tiêu:

- Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp.

- Tăng cường hoạt động liên ngành về bảo vệ trẻ em thông qua Ban điều hành công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

- 100% cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp được tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, có đủ năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

- 100% cán bộ, công chức, viên chức làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, thanh tra lao động và người sử dụng lao động được tập huấn về phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

- 100% nhân viên thanh tra thuộc các cơ quan chức năng có đủ năng lực phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lao động trẻ em.

b) Nội dung hoạt động:

- Tái bản các tài liệu hướng dẫn về phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; tài liệu về phát hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật.

- Tổ chức tập huấn về phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; phát hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật cho đội ngũ thanh tra viên và đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp.

- Tiếp tục triển khai tập huấn nâng cao năng lực hàng năm cho đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp.

- Tổ chức học tập, chia sẻ kinh nghiệm tại một số tỉnh làm tốt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

c) Cơ quan thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa triển khai thực hiện.

3. Thí điểm hỗ trợ, can thiệp để phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em

Thực hiện Chương trình trong phạm vi toàn tỉnh, trong đó hỗ trợ thí điểm cho 03 huyện (06 xã, thị trấn điểm) làm thí điểm mô hình gồm: Tân Phú (xã Phú Lâm và thị trấn Tân Phú), Xuân Lộc (xã Xuân Cường và xã Xuân Phú) và Vĩnh Cửu (xã Vĩnh Tân và thị trấn Vĩnh An). Các huyện còn lại, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa bố trí kinh phí thực hiện thí điểm tại địa phương.

a) Chỉ tiêu:

- 100% cán bộ, công chức, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được tập huấn về phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

- 70% các hộ gia đình có trẻ em tham gia lao động tại các huyện thí điểm mô hình được tập huấn kiến thức, kỹ năng, tay nghề để ổn định sinh kế, tăng thu nhập và không để trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

- 100% trẻ em phát hiện tham gia lao động được tập huấn kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cộng đồng cho trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

b) Các nội dung hoạt động:

- Tập huấn kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cộng đồng cho trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

- Hỗ trợ trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật thông qua các chính sách hỗ trợ giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm phù hợp.

- Hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, đồng thời trợ giúp gia đình có trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về kiến thức, kỹ năng, tay nghề để ổn định sinh kế, tăng thu nhập và không để trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

- Hỗ trợ cung cấp và kết nối dịch vụ can thiệp, trợ giúp lao động trẻ em thông qua hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm công tác xã hội, văn phòng tư vấn bảo vệ trẻ em và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác.

- Phối hợp các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức nhằm cải thiện điều kiện làm việc phù hợp cho trẻ em tham gia làm việc tại đây.

- Hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em tham gia lao động bằng nhiều hình thức như: Hỗ trợ học phẩm, học phí, học nghề, phương tiện đi lại... nhằm giúp các em tiếp tục (hoặc trở lại) việc học tập, đồng thời không tham gia lao động trái quy định của pháp luật.

c) Cơ quan thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Sở Y tế, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu Chiến binh tỉnh và UBND các huyện: Tân Phú, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc triển khai thực hiện.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

Kinh phí dự trù Chương trình: 2.710.000.000 đồng (hai tỷ, bảy trăm mười triệu đồng). Trong đó:

1. Kinh phí Trung ương: 1.080.000.000 đồng.

2. Kinh phí địa phương: 840.000.000 đồng.

3. Kinh phí vận động: 790.000.000 đòng.

(Phụ lục chi tiết kèm theo)

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em

a) Ban hành các quyết định, chương trình, kế hoạch bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đưa mục tiêu phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và từng giai đoạn của tỉnh.

b) Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng lao động trẻ em, đặc biệt tại các làng nghề truyền thông, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức; đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em hàng năm, giữa kỳ và cuối kỳ theo kế hoạch 05 năm của các cấp, các ngành.

c) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

d) Huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân cho việc thực hiện Chương trình; lồng ghép việc thực hiện nội dung hoạt động của Chương trình trong quá trình vận hành hệ thống bảo vệ trẻ em các cấp.

đ) Hỗ trợ trực tiếp cho các em như: Hỗ trợ học phẩm, học phí, học nghề..., đồng thời hỗ trợ gián tiếp cho các em thông qua gia đình như: Hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, giới thiệu nghề nghiệp cho phụ huynh các em.

2. Giải pháp về tài chính

a) Đa dạng hóa việc huy động nguồn lực từ Nhà nước, cộng đồng và quốc tế cho việc thực hiện Chương trình:

- Đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện Chương trình 05 năm và hàng năm (kèm theo bảng kinh phí).

- Ngân sách tỉnh hàng năm bố trí kinh phí cho việc thực hiện Chương trình.

- Vận động các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em nói riêng bảo đảm hoạt động hiệu quả.

b) Thanh quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành.

c) Sử dụng kinh phí hợp lý, hiệu quả.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hàng năm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em cho phù hợp với Chương trình và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được phân công trong Chương trình theo quy định; hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện Chương trình.

b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng lao động trẻ em, đặc biệt tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức; xây dựng mạng lưới cộng tác viên ở ấp, khu phố trong toàn tỉnh để thực hiện Chương trình tại cơ sở; tổ chức tổng kết và khen thưởng việc thực hiện Chương trình vào cuối năm 2020 (lồng ghép với Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020).

2. Các sở, ngành: Nội vụ, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của sở, ngành và nhiệm vụ cụ thể được giao trong Chương trình có trách nhiệm thực hiện Chương trình theo quy định.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, tham gia tổ chức triển khai các hoạt động của Chương trình; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trong tổ chức mình; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

4. Đề nghị Liên minh Hợp tác xã tỉnh: Chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai Chương trình đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình là thành viên nhằm bảo đảm điều kiện làm việc, sản phẩm, dịch vụ không sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật.

5. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh: Chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về lao động trẻ em cho người lao động chưa thành niên.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa

Xây dựng kế hoạch giai đoạn tổ chức triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương, trong đó chỉ đạo các phòng, ban liên quan xây dựng kế hoạch hàng năm theo hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ban, ngành liên quan; xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch hoạt động hàng năm về bảo vệ, chăm sóc trẻ em phù hợp với Chương trình và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; lồng ghép việc thực hiện có hiệu quả Chương trình với các chương trình khác có liên quan trên địa bàn; chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách, nhân lực để thực hiện Chương trình hàng năm và giai đoạn; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Chương trình tại địa phương; thực hiện chế độ báo cáo đột xuất, hàng năm, giữa kỳ và cuối kỳ việc thực hiện Chương trình trên địa bàn theo quy định.

Đề nghị 03 huyện được hỗ trợ làm thí điểm: Tân Phú, Vĩnh Cửu và Xuân Lộc rà soát, lập danh sách tất cả trẻ em tham gia lao động trên địa bàn huyện gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để làm căn cứ hỗ trợ, trợ giúp theo nguyện vọng, nhu cầu và thực tế của các em ở 06 xã điểm; đồng thời làm căn cứ để huyện nhân rộng mô hình cho các xã còn lại./.

 

PHỤ LỤC I

DỰ TRÙ KINH PHÍ CHƯƠNG TRÌNH LAO ĐỘNG TRẺ EM ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 THEO NGUỒN
(Kèm theo Quyết định số 3684/QĐ-UBND ngày 03/11/2016 của UBND tỉnh)

ĐVT: Triệu đồng

TT

Nội dung Chương trình

Tổng KP

KP địa phương

KP Trung ương

KP vận động

 

TỔNG CỘNG:

2.710

840

1.080

790

I

Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội

130

40

40

50

1

Tổ chức các chiến dịch truyền thông

0

0

0

0

 

- Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề cho cán bộ cấp cơ sở và phụ huynh: Hỗ trợ viết chuyên đề, bồi dưỡng báo cáo viên và nước uống, tài liệu cho đối tượng tham dự

Lồng ghép Chương trình bảo vệ trẻ em

 

- In ấn các băng rôn, baner, áp phích... theo các đợt truyền thông

Lồng ghép Chương trình bảo vệ trẻ em

2

Nghiên cứu xây dựng và phát triển các chương trình, tài liệu, sản phẩm truyền thông

130

40

40

50

 

- Xây dựng Chương trình tọa đàm về lao động trẻ em

40

10

10

20

 

- Xây dựng, sản xuất nhân bản và phát hành các loại sản phẩm truyền thông như: Tờ bướm, tờ rơi, sổ tay... về nội dung có liên quan đến lao động trẻ em

90

30

30

30

3

Tổ chức các hoạt động giáo dục, tư vấn, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng

0

0

0

0

 

- Hàng năm tổ chức chiến dịch truyền thông nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và Tháng hành động vì trẻ em

Lồng ghép Chương trình bảo vệ trẻ em

 

- Mỗi năm thực hiện chuyên mục, chuyên trang vì trẻ em

Lồng ghép Chương trình bảo vệ trẻ em

II

Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên toàn tỉnh

630

200

260

170

1

Nghiên cứu xây dựng tài liệu

0

0

0

0

 

- Nghiên cứu, xây dựng chương trình tập huấn, phiếu đánh giá trình độ và nhu cầu của cán bộ, cộng tác viên cấp cơ sở

Lồng ghép Chương trình bảo vệ trẻ em

 

- Photo tài liệu, phiếu đánh giá và bồi dưỡng các cán bộ thu thập, tổng kết phiếu đánh giá

Lồng ghép Chương trình bảo vệ trẻ em

2

Tổ chức đào tạo, tập huấn về phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; phát hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật

510

180

210

120

 

- Tiền ăn cho cán bộ không hưởng lương

220

70

100

50

 

- Tiền báo cáo viên: 02 người

30

10

10

10

 

- Tiền in ấn, photo tài liệu

130

30

50

50

 

- Tiền thuê hội trường, trang trí hội trường (hoa, khẩu hiệu, băng rôn, âm thanh, ánh sáng): 7.000.000 đồng .

20

20

0

0

 

- Tiền văn phòng phẩm học viên: 15.000 đồng/người; văn phòng phẩm lớp tập huấn: 500.000 đồng/lớp

50

30

20

0

 

- Tiền nước uống cho cán bộ tham dự tập huấn

60

20

30

10

3

Hỗ trợ cán bộ đi hội thảo, tập huấn để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ

120

20

50

50

III

Thí điểm mô hình hỗ trợ, can thiệp để giảm thiểu lao động trẻ em

1.950

600

780

570

1

Tập huấn kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cộng đồng cho trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật

Lồng ghép Chương trình bảo vệ trẻ em

2

Hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật

1.450

450

580

420

 

- Hỗ trợ học phí

450

150

150

150

 

- Hỗ trợ học phẩm và đồ dùng học tập

300

150

100

50

 

- Hỗ trợ học nghề

400

100

200

100

 

- Hỗ trợ phương tiện đi lại

300

50

130

120

3

Trợ giúp gia đình có trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật

500

150

200

150

 

- Hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình cho những gia đình có trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật

500

150

200

150

 

- Tập huấn kiến thức, kỹ năng, tay nghề để ổn định sinh kế, tăng thu nhập và không để trẻ em lao động trái quy định của pháp luật

Lồng ghép Chương trình bảo vệ trẻ em

4

Hỗ trợ người sử dụng lao động tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức có trẻ em học nghề và tham gia lao động cải thiện điều kiện làm việc phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, đặc điểm thể chất và tâm lý của trẻ em và theo quy định của pháp luật

0

Lồng ghép

Lồng ghép

Lồng ghép

IV

Các hoạt động chung của Chương trình

0

0

0

0

1

Tổ chức kiểm tra kết quả việc thực hiện Chương trình tại cơ sở

Lồng ghép Chương trình bảo vệ trẻ em

2

Tổng kết Chương trình giai đoạn 2016 - 2020 vào cuối năm 2020

Lồng ghép Chương trình bảo vệ trẻ em

 

PHỤ LỤC II

DỰ TRÙ KINH PHÍ CHƯƠNG TRÌNH LAO ĐỘNG TRẺ EM ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 THEO NĂM
(Kèm theo Quyết định số 3684/QĐ-UBND ngày 03/11/2016 của UBND tỉnh)

ĐVT: Triệu đồng

Nội dung/Nguồn

Tổng KP

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

TỔNG CỘNG:

2.710

271

610

610

610

610

Kinh phí Trung ương

1.080

108

243

243

243

243

Kinh phí địa phương

840

84

189

189

189

189

Kinh phí vận động

790

79

178

178

178

178

1. Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội

130

13

29

29

29

29

Kinh phí Trung ương

40

4

9

9

9

9

Kinh phí địa phương

40

4

9

9

9

9

Kinh phí vận động

50

5

11

11

11

11

2. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên toàn tỉnh

630

63

142

142

142

142

Kinh phí Trung ương

260

26

59

59

59

59

Kinh phí địa phương

200

20

45

45

45

45

Kinh phí vận động

170

17

38

38

38

38

3. Thí điểm mô hình hỗ trợ, can thiệp để giảm thiểu lao động trẻ em

1.950

195

439

439

439

439

Kinh phí Trung ương

780

78

176

176

176

176

Kinh phí địa phương

600

60

135

135

135

135

Kinh phí vận động

570

57

128

128

128

128