Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3676/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 17 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG NHIỆM VỤ THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG CÔNG VIỆC PHỤC VỤ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2021-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013;

Căn cứ Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Kế hoạch số 318-KH/TU ngày 24/6/2020 của Tỉnh ủy Quảng Nam về triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 3223/QĐ-UBND ngày 17/11/2020 của UBND tỉnh về việc bổ sung dự toán cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phê duyệt dự toán thực hiện các nội dung công việc phục vụ xây dựng Kế hoạch phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ mẫu Kế hoạch phòng chống thiên tai các cấp địa phương do Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai ban hành kèm theo Công văn số 113/TWPCTT ngày 06/9/2019;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 326/TTr-SNN&PTNT ngày 11/12/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề cương nhiệm vụ thực hiện các nội dung công việc phục vụ xây dựng Kế hoạch phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025, với các nội dung chính sau:

1. Tên nhiệm vụ: Xây dựng “Kế hoạch phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025”

2. Mục tiêu: Xây dựng và ban hành Kế hoạch phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025 phù hợp với thực tiễn địa phương và các hướng dẫn, quy định của pháp luật.

3. Nội dung thực hiện

a) Khảo sát thực tế, thu thập dữ liệu phòng chống thiên tai

- Thu thập, cập nhật, bổ sung đặc điểm tự nhiên, dân sinh kinh tế;

- Khảo sát hiện trạng Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện và một số xã;

- Rà soát, công tác dự báo, cảnh báo sớm;

- Khảo sát, thu thập hệ thống công trình phòng chống thiên tai;

- Thu thập phương tiện, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

- Năng lực và nhận thức của cộng đồng trong phòng chống thiên tai;

- Đánh giá năng lực các cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai;

- Thu thập, đánh giá về công tác phục hồi, tái thiết;

- Đánh giá các nguồn lực tài chính đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua nội dung lồng ghép) vào công tác phòng chống thiên tai;

- Thu thập cơ sở dữ liệu bản đồ số.

b) Phân tích, đánh giá, tổng hợp rủi ro thiên tai, xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp, xây dựng báo cáo đánh giá rủi ro thiên tai

- Đặc điểm thiên tai:

Phân tích tình hình và xu hướng của thiên tai;

Thống kê loại thiên tai đã xảy ra trong những năm gần đây (5-10 năm) và những thiên tai cực đoan, lịch sử (nếu có);

Phân tích đặc điểm của từng loại thiên tai theo một số tiêu chí: thời gian xảy ra, dấu hiệu báo trước, số lần xuất hiện, mức độ tác động, nguyên nhân gây ra thiên tai và xu hướng tăng/giảm của các loại thiên tai, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu có thể gây ra sự bất thường của thiên tai hoặc thiên tai cực đoan;

Những thiệt hại và tác động của thiên tai đã xảy ra ở địa phương; bài học kinh nghiệm đã được rút ra;

Nhận định về nguy cơ những loại hình thiên tai có thể xảy ra trong thời gian tới và năng lực ứng phó thiên tai của các địa phương (cấp huyện và các xã trọng điểm).

- Đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương;

- Đánh giá năng lực phòng chống thiên tai;

- Đánh giá nhận thức, kinh nghiệm, thái độ, động cơ trong công tác phòng, chống thiên tai.

c) Xây dựng Kế hoạch phòng chống thiên tai đảm bảo các yêu cầu

- Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh trong hoạt động phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật;

- Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai có hiệu quả;

- Quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ);

- Tuyên truyền, giáo dục, cung cấp kiến thức về phòng chống thiên tai và tác động của thiên tai đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong tỉnh;

- Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ 4.0 phù hợp với công tác phòng chống thiên tai trong tình hình mới;

- Cung cấp thông tin cho việc lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình nông thôn mới tại địa phương;

- Có xét đến bối cảnh biến đổi khí hậu và khả năng xảy ra thiên tai cực đoan;

- Sử dụng nguồn kinh phí có hiệu quả trong việc phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai; ưu tiên các giải pháp phi công trình, đặc biệt trong việc nâng cao năng lực và nhận thức cho cộng đồng chủ động phòng chống thiên tai;

- Lập danh mục các nội dung ưu tiên cần triển khai và địa phương trọng điểm;

d) Biên tập Bản đồ thông tin phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam.

e) Lấy ý kiến góp ý và trình phê duyệt.

4. Đơn vị quản lý và tổ chức thực hiện: Chi cục Thủy lợi Quảng Nam.

5. Phạm vi thực hiện: toàn tỉnh Quảng Nam.

6. Sản phẩm

- Kế hoạch phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025;

- Bản đồ thông tin phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam.

7. Thời gian thực hiện: Hoàn thành trước ngày 31/5/2021.

8. Kinh phí thực hiện:

- Tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ: 347.262.628 đồng (theo Quyết định số 3223/QĐ-UBND ngày 17/11/2020 của UBND tỉnh).

- Nguồn kinh phí thực hiện: Quỹ phòng, chống thiên tai.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ đề cương nhiệm vụ và dự toán được phê duyệt, chỉ đạo Chi cục Thủy lợi Quảng Nam tổ chức xây dựng Kế hoạch phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT, KTTH, KTN(Th).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Quang Bửu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3676/QĐ-UBND năm 2020 phê duyệt đề cương nhiệm vụ thực hiện nội dung công việc phục vụ xây dựng Kế hoạch phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 3676/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/12/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Hồ Quang Bửu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản