CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 366-CT | Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 1990 |
Chỉ thị số 278-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc cấm nhập khẩu và lưu thông thuốc lá điếu của nước ngoài trên thị trường nước ta đã được ban hành từ ngày 3-8-1990 và xác định thời gian có hiệu lực đầy đủ từ ngày 1-10-1990. Như vậy, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã dành hai tháng để các tổ chức và các hộ kinh doanh bán hết kể cả tái xuất khẩu số thuốc lá ngoại tồn đọng trong lưu thông. Tiếp đó, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lại cho phép Bộ Thương nghiệp công bố rõ ràng: kể từ ngày 1-10-1990, gia hạn 6 ngày nữa cho các tổ chức và cá nhân tự khai báo số thuốc lá chưa bán hết để tổ chức thương nghiệp giúp cách tiêu thụ. Các Bộ Thương nghiệp, Tài chính, Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm và Tổng cục Hải quan đều đã có văn bản hướng dẫn cụ thể việc thi hành. Đông đảo nhân dân ta đồng tình, ủng hộ chỉ thị đó.
Tuy vậy, hiện vẫn còn những tổ chức và cá nhân, như của hàng thương nghiệp quốc doanh và tập thể, tư nhân kể cả khách sạn, cửa hàng ăn uống cố tính phân tán, cất giấu, lén lút bán thuốc lá ngoại với giá cao để kiếm lời bất chính và vẫn còn lén lút đưa từ nước ngoài vào bằng nhiều thủ đoạn. Để tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương cấm nhập khẩu và lưu thông thuốc lá của nước ngoài trên thị trường nước ta, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định:
1. Tiếp tục ngăn chặn, truy quét và nghiêm trị bọn nhập thuốc lá ngoại dưới bất kỳ hình thức nào.
2. Từ nay, tổ chức hoặc cá nhân nào tự khai báo thuốc lá ngoại hiện còn cất giấu với các Sở thương nghiệp, các Ban đặc nhiệm chống buôn lậu hoặc với Uỷ ban nhân dân các thị xã, quận, huyện, xã, phường sở tại để cơ quan có trách nhiệm đến tiếp nhận thì được miễn phạt và miễn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Nếu tổ chức hoặc cá nhân nào không tự khai báo, mà bị phát hiện và cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước kiểm tra xác định đúng là có cất giấu hoặc phân tán thuộc lá ngoại dưới bất kỳ hình thức nào, thì ngoài số thuộc lá đó bị tịch thu, người bán thuốc lá ngoại bị rút giấy phép kinh doanh, chủ hàng và chủ chứa hàng còn bị phạt tiền bằng ba lần giá trị số thuốc lá đó và bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu chủ hàng hoặc chủ chứa hàng là cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức kinh tế quốc doanh, thì những người chủ mưu và người trực tiếp thực hiện việc cất giấu, hoặc phân tán thuốc lá ngoại tuỳ theo mức độ vi phạm đều phải bị nghiêm trị, kể cả sa thải và truy tố trước pháp luật; thủ trưởng trực tiếp của đơn vị liên đới chịu trách nhiệm thì cũng phải bị xem xét xử lý nghiêm khắc, kể cả cách chức.
4. Số thuốc lá ngoại bị tịch thu đều phải được lập biên bản và xử lý theo đúng các quy định hiện hành; giao cho Sở Thương nghiệp địa phương trực tiếp quản lý và Bộ Thương nghiệp tổ chức tái xuất. Phải thu ngay tiền phạt và trích 30% để khen thưởng cho cá nhân hoặc tổ chức có công phát hiện tố giác, truy tìm và bắt giữ, còn 70% thì đưa vào ngân sách địa phương. Cấp nào tịch thu được thì ngân sách địa phương đó được hưởng, đặc biệt chú ý cấp xã, phường để bổ sung quỹ xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Số tiền thu được về tái xuất số thuốc lá ngoại tịch thu được, sau khi trừ chi phí, cũng được trích thưởng theo tỷ lệ trên. Nghiêm cấm việc sử dụng trái phép số thuốc lá tịch thu được.
5. Nghiêm trị những tổ chức và cá nhân sản xuất hoặc buôn bán thuốc lá giả, kể cả thuốc lá lậu (sản xuất không có giấy phép). Khi phát hiện và xác định là thuốc lá giả thì cơ quan có trách nhiệm phải tịch thu và huỷ ngay số thuốc lá đó. Ngành công an phải tổ chức truy tìm các ổ sản xuất thuốc lá giả, thuốc lá lậu, tịch thu các phương tiện, dụng cụ sản xuất. Việc xét xử về sản xuất và buôn bán thuốc lá giả, thuốc lá lậu và khen thưởng người có công phát hiện cũng được thực hiện như đối với thuốc lá ngoại.
6. Các tầng lớp nhân dân nhất là ở xã, phường cần tích cực tham gia chống buôn lậu thuốc lá ngoại, thuốc lá giả, thuốc lá lậu; không làm thuê cho bọn buôn lậu; tích cực phát hiện, tố giác và bắt giữ thuốc lá ngoại và thuốc giả, thuốc lá lậu.
Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm bí mật và an toàn cho những người tham gia phát iện, tố cáo, hoặc bắt giữ thuốc lá ngoại, thuốc lá giả. Những người tham gia chống buôn bán thuốc lá ngoại, chống việc sản xuất và buôn bán thuốc lá giả mà bị thương hoặc hy sinh trong khi làm nhiệm vụ thì được hưởng các chế độ như thương binh, liệt sĩ. Bộ Lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn ngay việc thi hành chế độ này.
7. Bộ trưởng các Bộ, Trưởng ban đặc nhiệm chống buôn lậu phía Bắc và phía Nam, các Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định này.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký) |
- 1Chỉ thị 278-CT năm 1990 về cấm nhập khẩu và lưu thông thuốc lá điếu của nước ngoài trên thị trường nước ta do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2Chỉ thị 13-TTg năm 1992 về tăng cường chỉ đạo thực hiện chủ trương cấm nhập khẩu và lưu thông thuốc lá của nước ngoài trên thị trường nước ta do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 366-CT năm 1990 về biện pháp cấp bách trong việc thi hành chỉ thị về cấm nhập khẩu và lưu thông thuốc lá của nước ngoài do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 366-CT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 15/10/1990
- Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Võ Văn Kiệt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 21
- Ngày hiệu lực: 30/10/1990
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định