Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3602/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 31 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2010 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về phát triển làng nghề nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18 tháng 12 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về phát triển làng nghề nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07 tháng 02 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1278/TTr-SNN&PTNT ngày 24 tháng 12 năm 2008 và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 1303/SKHĐT-KT ngày 15 tháng 12 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn thành phố Cần Thơ đến năm 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. Tên công trình: Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn thành phố Cần Thơ đến năm 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020.

II. Phạm vi và thời gian thực hiện: địa bàn thành phố Cần Thơ. Hiệu lực đến năm 2020.

III. Nội dung chính:

1. Quan điểm: thực hiện trên hai lĩnh vực gồm: bảo tồn làng nghề, ngành nghề và phát triển ngành nghề, làng nghề.

a) Quan điểm bảo tồn:

Khơi dậy những tiềm năng sẵn có của địa phương, tạo công ăn việc làm, khuyến khích và ủng hộ tính sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công. Xác định được tính độc đáo và đặc trưng của địa phương, của các loại hình sản phẩm nhằm tạo điều kiện quảng bá sản phẩm. Nâng cao nhận thức của người dân về việc cần thiết phải bảo tồn và phát triển các sản phẩm này trong sinh hoạt hàng ngày.

b) Quan điểm phát triển:

Phát triển phải phù hợp với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ, phù hợp với quy hoạch xây dựng chung, tuân thủ sự phù hợp của 6 đô thị, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương. Khai thác lao động nông thôn, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất tạo sản phẩm mang tính đặc trưng của thành phố, có khả năng cạnh tranh và xuất khẩu, tạo đà phát triển nền công nghiệp thành phố.

2. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát:

Mục tiêu tổng quát của dự án quy hoạch là xây dựng nông thôn thành phố Cần Thơ có nền kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, có cơ sở vật chất kỹ thuật đảm bảo, có cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân nông thôn; đưa nông thôn phát triển, thu dần khoảng cách với thành thị (ngoại thành có cuộc sống không chênh lệch lớn so với nội thành), xây dựng nông thôn trở thành hậu phương vững chắc của thành phố Cần Thơ trong quá trình phát triển.

b) Mục tiêu cụ thể:

Bảo tồn, xây dựng và phát triển làng nghề, ngành nghề dựa trên nền tảng vững chắc về trình độ nhận thức, tay nghề, kỹ thuật, kỹ năng lao động, cung ứng nguyên liệu thị trường tiêu thụ sản phẩm; phấn đấu đạt tăng trưởng về giá trị sản xuất ngành nghề bình quân hàng năm nhanh hơn so với phát triển nông nghiệp khoảng 9 - 10% trở lên trong tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nghề trong cơ cấu kinh tế nông thôn.

Củng cố và hình thành vững chắc những ngành nghề chủ đạo, những làng nghề trọng điểm.

- Giai đoạn đến năm 2010: đạt tăng trưởng bình quân 10%/năm về giá trị sản xuất, tỷ lệ lao động ngành nghề chiếm 10% trong tổng lao động xã hội, thu nhập bình quân đầu người từ ngành nghề cao hơn trên 1,5 lần so với năm 2005.

- Giai đoạn đến năm 2015 và về sau: phát triển ngành nghề đạt tăng trưởng bình quân trên 15%/năm về giá trị sản xuất, tỷ lệ lao động ngành nghề chiếm 20% trở lên trong lao động xã hội, thu nhập bình quân đầu người từ ngành nghề cao hơn hai lần so với năm 2010.

3. Định hướng bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề:

a) Bảo tồn ngành nghề và làng nghề truyền thống:

- Bảo tồn ngành nghề truyền thống: có 04 ngành nghề truyền thống cần được đưa vào bảo tồn và phát triển gồm:

+ Nghề đan đát: các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sử dụng nguyên liệu tại nông thôn địa phương là tre, trúc, lục bình, dây chuối,... là các loại nguyên liệu sẵn có trên địa bàn.

+ Nghề đan dệt (dệt chiếu, thảm lát, nghề đan lưới...): đã có thị trường rộng rãi trong nhiều năm qua.

+ Nghề mộc (cưa xẻ gỗ dân dụng, xây dựng, bao bì, đóng ghe xuồng, sản xuất vật dụng bằng gỗ dùng cho sinh hoạt...).

+ Nghề chế biến lương thực thực phẩm (làm bánh tráng, làm bún, bánh kẹo...).

- Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống: các làng nghề đã có cần được giữ gìn, bảo tồn và phát triển trong thời kỳ tới gồm có 08 làng nghề với

1.240 hộ và sử dụng 4.400 lao động; trong đó:

+ Làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm: 01 làng nghề với 300 hộ tham gia, 800 lao động chính và 400 lao động phụ.

+ Làng nghề thủ công: 02 làng nghề với 300 hộ và 700 lao động.

+ Làng nghề mộc: 05 làng nghề với 640 hộ và 2.900 lao động.

b) Mở rộng, phát triển các ngành nghề, nghề mới: các ngành nghề, làng nghề đang hoạt động hoặc có những nhân tố tích cực cho sự phát triển, đặt trọng tâm gắn với nhu cầu phát triển và trên cơ sở phát triển của các quy hoạch chuyên ngành như nông nghiệp, xây dựng, thương mại, du lịch để lồng ghép và tương trợ cùng phát triển.

- Các ngành nghề trọng tâm gồm: nghề sản xuất chế biến, bảo quản thủy sản, nghề sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh, nghề thủ công - mỹ nghệ, nghề xây dựng và nghề vận tải, nghề dịch vụ và du lịch.

- Mở rộng và phát triển các làng nghề:

+ Làng nghề gắn với du lịch, dịch vụ du lịch: 09 làng nghề, nội dung chính là kinh doanh khai thác du lịch, các dịch vụ phục vụ của các điểm khai thác du lịch sinh thái. Diện tích sử dụng đất 340 ha với 1.100 hộ và 3.600 lao động.

+ Làng nghề cây kiểng, sinh vật cảnh: 04 làng nghề gồm trồng hoa kiểng, các dịch vụ liên quan hoa kiểng, các sinh vật cảnh với 400 hộ và 1.200 lao động.

+ Làng nghề sản xuất chế biến bảo quản nông thủy sản: 11 làng nghề.

+ Làng nghề về thủ công mỹ nghệ và nghề thủ công khác.

+ Làng nghề đan đát, mây tre, các làng nghề thủ công khác: lĩnh vực này có 49 đơn vị; trong đó, có 24 cụm dân cư vượt lũ, 10 khu tái định cư ở các địa bàn và 15 làng nghề khác. Phương hướng tập trung chính vào các khu tái định cư tập trung quanh các khu công nghiệp, cụm dân cư vượt lũ, các nơi tập trung dân nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân.

4. Địa bàn phân bổ:

Tổ chức bảo tồn và phát triển dựa trên cơ sở có truyền thống về phát triển nghề, phù hợp với tập quán truyền thống, phân bổ phát triển ngành nghề, làng nghề tại các địa phương như sau:

- Quận Ninh Kiều: phường An Bình và phường An Khánh.

- Quận Cái Răng: các phường: Thường Thạnh, Phú Thứ, Lê Bình và Ba Láng.

- Quận Bình Thủy: các phường: An Thới, Long Hòa, Long Tuyền và Thới An Đông.

- Quận Ô Môn: các phường Phước Thới, Thới Long, Thới An, Trường Lạc, Châu Văn Liêm và Thới Hòa.

- Huyện Phong Điền: các xã: Mỹ Khánh, Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, Giai Xuân và Tân Thới.

- Huyện Cờ Đỏ: các xã, thị trấn: Thới Lai, Thới Long, Thới Thạnh, Đông Hiệp, Đông Bình, Đông Thuận, Trường Xuân, Trường Xuân A, Trường Thành và Định Môn.

- Huyện Vĩnh Thạnh: các xã, thị trấn: Thạnh An, Thạnh Thắng, Thạnh Quới, Thạnh Mỹ, Thạnh Lộc, Trung Hưng, Thạnh Phú và Vĩnh Trinh.

- Huyện Thốt Nốt: các xã, thị trấn: Tân Lộc, Thới Thuận, Thuận Hưng, Trung Kiên, Trung Thạnh, Trung Nhứt và Thốt Nốt.

5. Nhu cầu đầu tư:

a) Tổng vốn đầu tư:

Tổng vốn đầu tư thời kỳ 2008 - 2015 - 2020 là 507.400 triệu đồng. Trong đó:

- Giai đoạn 2009 - 2010: 27.600 triệu đồng;

- Giai đoạn 2011 - 2015: 375.950 triệu đồng;

- Giai đoạn 2016 - 2020: 103.850 triệu đồng.

b) Dự kiến nguồn vốn đầu tư và phân kỳ đầu tư:

- Ngân sách Trung ương là 12.250 triệu đồng, chiếm 2,46% tổng vốn đầu tư. Trong đó:

+ Giai đoạn 2009 - 2010: 1.600 triệu đồng;

+ Giai đoạn 2011 - 2015: 7.450 triệu đồng;

+ Giai đoạn 2016 - 2020: 3.200 triệu đồng.

- Ngân sách địa phương: 20.000 triệu đồng, chiếm 3,94% tổng vốn đầu tư. Trong đó:

+ Giai đoạn 2009 - 2010: 2.000 triệu đồng;

+ Giai đoạn 2011 - 2015: 13.000 triệu đồng;

+ Giai đoạn 2016 - 2020: 5.000 triệu đồng.

- Vốn tín dụng: 350.500 triệu đồng, chiếm 69,08% tổng vốn đầu tư. Trong đó:

+ Giai đoạn 2009 - 2010: 15.500 triệu đồng;

+ Giai đoạn 2011 - 2015: 250.000 triệu đồng;

+ Giai đoạn 2016 - 2020: 85.000 triệu đồng.

- Vốn huy động: 123.150 triệu đồng, chiếm 24,27% tổng vốn đầu tư. Trong đó:

+ Giai đoạn 2009 - 2010: 8.500 triệu đồng;

+ Giai đoạn 2011 - 2015: 100.000 triệu đồng;

+ Giai đoạn 2016 - 2020: 14.650 triệu đồng.

- Vốn tài trợ bên ngoài: 1.500 triệu đồng, chiếm 0,30% tổng vốn đầu tư.

c) Đặc điểm nguồn vốn:

- Nguồn vốn ngân sách đầu tư: gồm nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ Trung ương, vốn hỗ trợ ngân sách địa phương cho xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nghề,...

- Nguồn vốn tín dụng: là vốn các doanh nghiệp vay đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hộ gia đình vay mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất.

- Nguồn vốn huy động: là vốn các doanh nghiệp, hộ gia đình tự đầu tư phục vụ sản xuất.

- Nguồn vốn tài trợ: là vốn lồng ghép với các chương trình khác có liên quan, vốn kêu gọi tài trợ xã hội của các tổ chức trong và ngoài nước.

6. Các giải pháp thực hiện:

a) Chính sách đất đai:

Xem xét các yếu tố có liên quan hỗ trợ về việc cải tiến thủ tục, về chuyển quyền, mục đích sử dụng đất để phát triển sản xuất, miễn giảm tiền thuê đất, tạo điều kiện cho các đối tượng ngành nghề, làng nghề được tiếp cận thuận lợi, dễ dàng.

b) Chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực:

Hỗ trợ bằng các chương trình đào tạo nghề, tổ chức có tính quần chúng để dễ dàng tạo điều kiện người dân thụ hưởng dễ dàng, học tập nghề nghiệp, nâng cao trình độ phục vụ cho sản xuất và phát triển ngành nghề, hỗ trợ kinh phí đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước, để tạo lập lực lượng có tay nghề ngày càng đông.

c) Nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ:

Các tổ chức xã hội, quản lý nhà nước, Viện, Trường ưu tiên hỗ trợ các thành viên nghiên cứu, ứng dụng để các làng nghề có điều kiện phát triển, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả hoạt động và phát triển ngành nghề.

d) Tài chính, tín dụng:

Áp dụng các quy định của Nhà nước tại các Nghị định, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương trong lĩnh vực vay vốn phục vụ sản xuất, hỗ trợ về đầu tư kết cấu hạ tầng làng nghề.

đ) Đầu tư cộng đồng:

Lồng ghép các Chương trình mục tiêu Quốc gia, hỗ trợ có mục tiêu để lồng ghép việc đầu tư, tăng hiệu quả đầu tư đa lĩnh vực. Kêu gọi các tổ chức tài trợ để phục vụ phát triển.

e) Xúc tiến thương mại, hỗ trợ tăng thu nhập:

Tạo điều kiện thúc đẩy phát triển, khuyến khích mọi thành phần bỏ vốn để đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ ở nông thôn, thu hút lao động phục vụ cho sự nghiệp phát triển nông thôn.

7. Tổ chức thực hiện:

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành lập Ban Chỉ đạo để thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề ngành nghề nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực). Ban Chỉ đạo căn cứ hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố trong việc thực hiện triển khai dự án nhằm phối hợp lồng ghép với các chương trình mục tiêu khác để tăng hiệu quả của chương trình dự án này; đồng thời, hướng dẫn các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo cấp quận, huyện để phối hợp, triển khai thực hiện.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định chủ đầu tư tìm nguồn vốn, cân đối, hỗ trợ, huy động các nguồn lực, đưa vào kế hoạch ngắn hạn, dài hạn của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố từng giai đoạn để thực hiện; đồng thời, xem xét ưu đãi đầu tư và các chính sách ưu đãi khác theo quy định.

c) Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch cân đối, huy động các nguồn, phân bổ vốn cho các công trình được hỗ trợ vốn từ ngân sách.

d) Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp quản lý và hướng dẫn sử dụng quỹ đất, phân bố tổ chức ngành nghề, làng nghề theo địa bàn phát triển nông thôn, khu vực đô thị đã được phê duyệt; đồng thời, kiểm tra, kiểm soát về môi trường.

đ) Liên minh Hợp tác xã thành phố phối hợp tổ chức xây dựng, đào tạo, hỗ trợ thực hiện trong các làng nghề về thực hiện các vấn đề có liên quan đến khu vực kinh tế tập thể (gồm Hợp tác xã, các tổ hợp tác,…).

e) Các tổ chức Hội, đoàn thể, hỗ trợ tuyên truyền vận động, kết hợp xây dựng các tổ chức sản xuất ở cơ sở, để góp phần vào việc hoàn thành các chương trình thực hiện quy hoạch.

g) Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn là đơn vị chính tổ chức thực hiện, có trách nhiệm phối hợp với các ngành để thực hiện tốt các phong trào xây dựng, huấn luyện, sơ tổng kết nhằm rút kết kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.

h) Ủy ban nhân dân các quận, huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn hỗ trợ thực hiện trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là cơ quan quản lý và công bố Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn thành phố Cần Thơ đến năm 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020; chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện.

Điều 3. Giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan ban, ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện Quy hoạch nhằm bảo đảm sự thống nhất với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020 với các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác.

Trong quá trình thực hiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi để báo cáo và đề xuất giải pháp điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Sơn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3602/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn thành phố Cần Thơ đến năm 2010-2015, định hướng đến năm 2020

  • Số hiệu: 3602/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/12/2008
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Nguyễn Thanh Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/12/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản