Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/2018/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 29 tháng 10 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở;

Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;

Căn cứ Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;

n cứ Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

Căn cứ Nghị định số 26/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 03/2018/TT-BXD ngày 24 tháng 4 năm 2018 của Bộ Xây dựng Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà, quản lý sử dụng nhà và công sở;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 11 năm 2018.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố; Giám đốc Sở Xây dựng; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện; Chủ tịch UBND các phường, xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Xây dựng;
- Cục kiểm tra VBQPPL- Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND thành phố;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND TP;
- Đoàn đại biểu QH thành phố;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các quận/huyện;
- UBND các xã/phường;
- Chánh, Phó VPUBND thành phố;
- Cổng thông tin điện tử thành phố;
- Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng;
- Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng;
- Lưu: VT, QLĐTh, SXD.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Thơ

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 36/2018/QĐ-UBND ngày 29/10/2018 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về nguyên tắc, trách nhiệm, thẩm quyền, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Sở Xây dựng.

2. Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng.

3. Ủy ban nhân dân các quận, huyện (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện).

4. Ủy ban nhân dân các xã, phường (sau đây gọi tắt là UBND cấp xã).

5. Các sở, ban, ngành và các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý trật tự xây dựng.

6. Tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng có hành vi vi phạm trật tự xây dựng theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Nguyên tắc chung

1. Quan hệ phối hợp phải tuân thủ pháp luật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo điều hành.

2. Đảm bảo xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bên liên quan, không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của các bên.

3. Đảm bảo sự thống nhất giữa Sở Xây dựng, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng một cách chặt chẽ, đồng bộ, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, buông lỏng trong công tác quản lý trật tự xây dựng.

4. Công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng phải được ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để theo quy định pháp luật. Việc xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng phải đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân cùng tham gia giám sát.

5. Mọi thông tin phản ánh về công trình vi phạm trật tự xây dựng đều phải được kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp xử lý đối với công trình vi phạm qua thông tin phản ánh do các tổ chức hoặc cá nhân chuyển đến thì phải thông báo kết quả xử lý đến tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin được biết để tiếp tục tham gia giám sát.

Điều 4. Nội dung phối hợp quản lý trật tự xây dựng

1. Phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, vận động các tổ chức và cá nhân chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự xây dựng.

2. Phối hợp trong công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng.

3. Phối hợp trong việc cung cấp thông tin, báo cáo về tình hình quản lý trật tự xây dựng.

Điều 5. Các loại công trình xây dựng trong công tác quản lý trật tự xây dựng

1. Nhà ở riêng lẻ.

2. Công trình xây dựng có yêu cầu thẩm định xây dựng trong trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.

3. Công trình xây dựng có yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.

4. Công trình khác là công trình xây dựng trừ các công trình quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

Điều 6. Hành vi vi phạm trật tự xây dựng

1. Công trình xây dựng không có Giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có Giấy phép xây dựng.

2. Công trình xây dựng sai nội dung của Giấy phép xây dựng.

3. Công trình xây dựng không đúng thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt trong trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.

4. Công trình xây dựng vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận (mà các bên không thỏa thuận được việc bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự); gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác.

5. Thi công xây dựng không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh; để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định.

6. Công trình xây dựng không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt; vi phạm chỉ giới; sai cốt xây dựng; lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông (trừ trường hợp quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt), thủy lợi, đê điều, năng lượng, khu di tích lịch sử - văn hóa và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật; xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống (trừ trường hợp xây dựng công trình để khắc phục những hiện tượng này); cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.

Chương II

TRÁCH NHIỆM TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG

Điều 7. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan thẩm quyền trong công tác quản lý trật tự trên địa bàn thành phố

1. Chủ tịch UBND cấp xã:

a) Quản lý công tác trật tự xây dựng và chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn;

b) Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng đối với công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ và công trình khác; kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm xây dựng không phép (mà theo quy định phải có giấy phép) và xây dựng không có hồ sơ thiết kế được thẩm định trong trường hợp được miễn giấy phép xây dựng;

c) Chủ trì giải quyết việc thỏa thuận bồi thường thiệt hại do thi công xây dựng công trình xây dựng vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận (mà các bên không thỏa thuận được việc bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự); gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác theo đúng trình tự, thủ tục được quy định tại Điều 3 Thông tư số 03/2018/TT-BXD ngày 24 tháng 4 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;

d) Phân công cán bộ thường xuyên theo dõi, kiểm tra, nắm thông tin kịp thời về tình hình triển khai thi công xây dựng của các công trình trên địa bàn mình quản lý; xử lý hoặc kiến nghị xử lý cán bộ, công chức được giao quản lý trật tự xây dựng để xảy ra vi phạm;

đ) Tổ chức cưỡng chế phá dỡ đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng thuộc thẩm quyền;

e) Tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm và báo cáo kết quả xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng theo đề nghị của Sở Xây dựng, UBND cấp huyện;

g) Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các tổ chức và nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự xây dựng trên địa bàn.

2. Chủ tịch UBND cấp huyện:

a) Quản lý công tác trật tự xây dựng và chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn;

b) Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng (trừ hành vi xây dựng không có giấy phép hoặc không có hồ sơ thiết kế được thẩm định trong trường hợp được miễn phép và hành vi xây dựng gây lún nứt, hư hỏng, sụp đổ hoặc nguy cơ sụp đổ) đối với các công trình trừ công trình thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã;

c) Kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã khi UBND cấp xã buông lỏng quản lý (phát hiện hoặc đã nhận được thông tin nhưng không xử lý kịp thời);

d) Kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm công trình xây dựng nằm trên địa giới hành chính từ hai phường/xã trở lên thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã;

đ) Đôn đốc, kiểm tra UBND cấp xã thực hiện trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật; xử lý hoặc kiến nghị xử lý cán bộ, công chức được giao quản lý trật tự xây dựng để xảy ra vi phạm;

e) Tổ chức thực hiện cưỡng chế phá dỡ những công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện;

g) Tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm và báo cáo kết quả xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng theo đề nghị của Sở Xây dựng, UBND thành phố;

h) Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các tổ chức và nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự xây dựng trên địa bàn;

i) Kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố ban hành biện pháp cần thiết, phù hợp thực tế nhằm quản lý trật tự xây dựng.

3. Giám đốc Sở Xây dựng:

a) Tham mưu giúp UBND thành phố chỉ đạo, điều hành chung công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố (trừ phạm vi do Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng);

b) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc UBND cấp huyện thực hiện trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng theo thẩm quyền; nắm bắt tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, báo cáo và đề xuất UBND thành phố những biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời;

c) Kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện khi UBND cấp huyện buông lỏng quản lý;

d) Xử lý các cán bộ dưới quyền được giao quản lý trật tự xây dựng để xảy ra vi phạm. Tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND thành phố xử lý tổ chức, cá nhân thuộc cấp huyện được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao.

4. Chủ tịch UBND thành phố:

a) Chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra, xử lý, khắc phục tình hình vi phạm trật tự xây dựng. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong phạm vi thẩm quyền;

b) Xử lý Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND cấp huyện và các cán bộ dưới quyền được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng đô thị để xảy ra vi phạm;

c) Chịu trách nhiệm về tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Điều 8. Trách nhiệm của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng

1. Tham mưu, giúp việc cho Giám đốc Sở Xây dựng về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

2. Tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng thuộc thẩm quyền; theo dõi, tổng hợp tình hình vi phạm trật tự xây dựng để báo cáo Giám đốc Sở Xây dựng và Thanh tra Bộ Xây dựng.

3. Tham mưu cho Giám đốc Sở Xây dựng báo cáo và đề xuất UBND thành phố những biện pháp chấn chỉnh, khắc phục trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

4. Tham mưu cho Giám đốc Sở Xây dựng có ý kiến bằng văn bản và cung cấp tài liệu có liên quan để UBND cấp huyện ban hành Quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm.

Điều 9. Trách nhiệm của cơ quan chuyên môn giúp việc cho UBND cấp huyện

1. Phòng Quản lý đô thị (hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng) là cơ quan chuyên môn, tham mưu giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn quận, huyện.

2. Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận/huyện là cơ quan tham mưu giúp UBND cấp huyện kiểm tra, phát hiện và kiến nghị xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn.

Điều 10. Trách nhiệm của cán bộ, viên chức, công chức, thanh tra viên và người được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng

1. Kiểm tra, phát hiện và báo cáo kịp thời những vi phạm trật tự xây dựng đô thị thuộc địa bàn được giao nhiệm vụ quản lý hoặc có biện pháp xử lý kịp thời vi phạm trật tự xây dựng thuộc thẩm quyền.

2. Chịu trách nhiệm về những sai phạm trực tiếp hoặc gián tiếp trong quản lý trật tự xây dựng thuộc thẩm quyền được giao.

Điều 11. Trách nhiệm của Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

1. Chịu trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng các công trình trong các Khu công nghiệp thuộc quyền quản lý.

2. Chủ trì kiểm tra việc xây dựng các công trình theo giấy phép xây dựng do Ban cấp. Khi phát hiện hành vi vi phạm trật tự xây dựng phải tiến hành lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị UBND cấp huyện phối hợp kiểm tra, xử lý theo quy định.

3. Phối hợp với cơ quan chủ trì để xem xét, xử lý các sai phạm trong quản lý trật tự xây dựng thuộc khu vực mình quản lý.

Điều 12. Trách nhiệm của các sở: Tài nguyên và Môi trường, Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Xem xét tạm dừng việc đăng ký tài sản gắn liền với đất đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng theo đề nghị bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc Sở Xây dựng đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự xây dựng nhưng chưa chấm dứt hành vi vi phạm, chưa chấp hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính hoặc chưa thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm trật tự xây dựng gây ra;

b) Trong quá trình giải quyết các thủ tục liên quan đến việc chứng nhận tài sản gắn liền trên đất, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng thì chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

2. Sở Du lịch tạm dừng việc xem xét công nhận hạng cơ sở sở lưu trú du lịch thuộc thẩm quyền (hạng 1 sao, hạng 2 sao và hạng 3 sao đối với khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch theo tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch) hoặc kiến nghị Tổng cục Du lịch tạm dừng việc xem xét công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch (hạng cơ sở lưu trú du lịch 4 sao và 5 sao) đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng nhưng chưa chấm dứt hành vi vi phạm, chưa chấp hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính hoặc chưa thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm trật tự xây dựng gây ra theo đề nghị bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc Sở Xây dựng.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét tạm dừng việc cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong trường hợp công trình đang vi phạm trật tự xây dựng được sử dụng làm cơ sở để đăng ký kinh doanh theo đề nghị bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc Sở Xây dựng mà các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự xây dựng nhưng chưa chấm dứt hành vi vi phạm, chưa chấp hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính hoặc chưa thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm trật tự xây dựng gây ra.

4. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra sở phối hợp với UBND cấp huyện và Thanh tra Sở Xây dựng trong việc kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của các sở: Tài nguyên và Môi trường, Du lịch và Kế hoạch và Đầu tư theo quy định.

Điều 13. Trách nhiệm của Công an thành phố

1. Chỉ đạo Công an cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý, bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình xử lý vi phạm trật tự xây dựng; đồng thời tạm dừng việc cấp chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo đề nghị bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc Sở Xây dựng đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự xây dựng nhưng chưa chấm dứt hành vi vi phạm, chưa chấp hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính hoặc chưa thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm trật tự xây dựng gây ra.

2. Tạm dừng việc đồng ý cho phép nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng theo đề nghị bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc Sở Xây dựng đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự xây dựng nhưng chưa chấm dứt hành vi vi phạm, chưa chấp hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính hoặc chưa thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm trật tự xây dựng gây ra.

Điều 14. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan khác

1. Người có thẩm quyền ký hợp đồng dịch vụ cung cấp điện, nước có trách nhiệm tạm dừng việc cung cấp dịch vụ đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 6 Điều 6 của Quy chế này khi có yêu cầu bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc Sở Xây dựng theo đúng thời hạn yêu cầu; đồng thời thông báo kết quả cho cơ quan ban hành văn bản để biết, theo dõi.

2. Các đơn vị liên quan có công trình vi phạm trên đất thuộc đơn vị mình được giao quản lý, có trách nhiệm phối hợp kịp thời với các lực lượng chức năng có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

Chương III

CÔNG TÁC PHỐI HỢP TRONG QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG

Điều 15. Phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, vận động các tổ chức và cá nhân chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự

1. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động xây dựng; hướng dẫn, vận động các tổ chức và cá nhân chấp hành các quy định về xây dựng.

2. Sở Xây dựng:

a) Phối hợp với Sở Tư pháp, UBND cấp huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp được giao nhiệm vụ thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng;

b) Tổ chức họp giao ban với UBND cấp huyện và các cơ quan có liên quan theo định kỳ 6 tháng, năm, để đánh giá tình hình và đề ra biện pháp thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Điều 16. Phối hợp trong công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng

1. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức các Đoàn kiểm tra định kỳ hằng quý các công trình xây dựng trên địa bàn. Thành phần kiểm tra gồm: Sở Xây dựng, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các tổ chức có liên quan.

2. UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp với UBND cấp xã tổ chức các Đoàn kiểm tra định kỳ hằng tháng các công trình xây dựng trên địa bàn. Thành phần kiểm tra gồm: UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các tổ chức có liên quan.

3. Khi các cơ quan có thẩm quyền phát hiện hoặc tiếp nhận phản ánh công trình vi phạm trật tự xây dựng:

a) Trường hợp thuộc thẩm quyền: Lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định. Ban hành hoặc tham mưu Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền;

b) Trường hợp không thuộc thẩm quyền: Lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định. Ban hành hoặc tham mưu Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Chuyển toàn bộ hồ sơ vi phạm cho cơ quan được phân công nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

c) Các hành vi vi phạm trật tự xây dựng quy định tại Khoản 12 Điều 15 Nghị định 139/20I7/NĐ-CP: Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, giám sát việc dừng thi công công trình vi phạm. Trường hợp Chủ đầu tư không dừng thi công thì áp dụng các biện pháp ngăn chặn để chấm dứt hành vi vi phạm theo quy định.

Điều 17. Phối hợp trong công tác cung cấp thông tin, báo cáo về tình hình quản lý trật tự xây dựng

1. UBND cấp xã tổng hợp tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, báo cáo UBND huyện theo định kỳ hàng tháng, 6 tháng, năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.

2. UBND cấp huyện:

a) Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin về quy hoạch, tài liệu liên quan theo đề nghị của Sở Xây dựng hoặc cơ quan có liên quan để phục vụ cho hoạt động kiểm tra, xử lý về trật tự xây dựng;

b) Cung cấp hồ sơ cấp phép xây dựng, hồ sơ thẩm định thiết kế công trình trong trường hợp được miễn phép xây dựng do UBND cấp huyện ban hành cho UBND cấp xã và các đơn vị liên quan để phục vụ việc kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng;

c) Tổng hợp tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, báo cáo Sở Xây dựng (qua Thanh tra Sở) theo định kỳ hàng tháng (trước ngày 25 hàng tháng), 6 tháng, năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu;

d) Trong quá trình xem xét giải quyết các thủ tục liên quan đến lĩnh vực được phân cấp, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng thì chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý để kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

3. Sở Xây dựng:

a) Cung cấp thông tin về quy hoạch, tài liệu có liên quan để phục vụ cho việc xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng khi có yêu cầu của cơ quan có liên quan;

b) Cung cấp hồ sơ cấp phép xây dựng, hồ sơ thẩm định thiết kế công trình trong trường hợp được miễn phép xây dựng do Sở Xây dựng ban hành cho UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các đơn vị liên quan để phục vụ việc kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng;

c) Tổng hợp tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố báo cáo UBND thành phố, Bộ Xây dựng theo định kỳ 6 tháng, năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu;

d) Trong quá trình xem xét giải quyết các thủ tục liên quan đến lĩnh vực xây dựng được phân cấp, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng thì chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý để kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Khen thưởng

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố được xem xét biểu dương, khen thưởng theo quy định.

2. Việc chi khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được thực hiện theo quy định của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

Điều 19. Kỷ luật

1. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng mà dung túng, bao che không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng hành vi vi phạm, không đúng trình tự thủ tục và thẩm quyền thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, nếu không tự nguyện thực hiện quyết định xử lý, quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành; trường hợp có hành vi cản trở, chống đối người thi hành công vụ hoặc dùng các thủ đoạn gian dối, hối lộ để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát, xử lý, xử phạt vi phạm của người có thẩm quyền thì căn cứ tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Tổ chức thực hiện

1. Sở Xây dựng có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện; UBND cấp xã và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan phổ biến và tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này;

b) Tổng hợp các ý kiến phản ánh của các cơ quan có liên quan về những vấn đề vướng mắc phát sinh và nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp;

c) Chủ trì, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện nội dung Quy chế theo quy định.

2. UBND cấp huyện:

a) Tổ chức lập và ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý trật tự xây dựng tại địa phương;

b) Có trách nhiệm phổ biến và tổ chức triển khai nội dung Quy chế này đến các cán bộ, công chức, viên chức thuộc cấp mình quản lý, cán bộ lãnh đạo và người được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng cấp xã; Công an các xã, phường; các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đóng trên địa bàn biết để thực hiện.

3. Giám đốc Sở Xây dựng, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND cấp huyện; Chủ tịch UBND cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị có liên quan và tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp, trình UBND thành phố xem xét, giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 36/2018/QĐ-UBND về Quy chế quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

  • Số hiệu: 36/2018/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/10/2018
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Huỳnh Đức Thơ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/11/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản